Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm ba tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn

    Ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn thuộc vùng du lịch Trung du và miền núi phía Bắc, là nơi phân bố địa hình Karst ở Việt Nam, kiến tạo nên nhiều hang động, núi cao, sông, suối, hồ, thác nước đẹp và hùng vĩ. Về cơ bản, đây là những điều kiện và tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, một trong những loại hình du lịch phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.

    1. Một số vấn đề lý luận về tiềm năng và tài nguyên du lịch mạo hiểm

    Khái niệm tiềm năng phát triển du lịch luôn gắn liền với khái niệm tài nguyên du lịch. “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.”  (Luật Du lịch, 2017).

    Như vậy, tài nguyên du lịch nói chung và tài nguyên du lịch mạo hiểm nói riêng luôn được xem như tiền đề để phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, tài nguyên du lịch càng phong phú, càng đặc sắc bao nhiêu thì sức hấp dẫn và hiệu quả hoạt động du lịch càng cao bấy nhiêu.

    Ngoài yếu tố tài nguyên du lịch, để phát triển du lịch mạo hiểm còn phụ thuộc một số yếu tố khác như: cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng, chính sách, nguồn lực khác…Tuy nhiên trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài nghiên cứu trao đổi thì tác giả chỉ tập trung phân tích các tiềm năng về tài nguyên du lịch mạo hiểm, đây cũng là yếu tố chính, cốt lõi hình thành nên sản phẩm du lịch mạo hiểm.

    Từ thực tiễn phát triển du lịch mạo hiểm tại Việt Nam và các nước trên thế giới cho thấy, những tài nguyên du lịch chủ yếu ở vùng núi thường được sử dụng để phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm bao gồm:

    – Tài nguyên địa hình: trong đó chủ yếu khai thác đặc điểm về độ cao, độ dốc do cấu trúc địa hình tạo nên. Độ dốc càng lớn thì tính thể thao và tính mạo hiểm của sản phẩm du lịch tạo ra cũng sẽ càng lớn. Hiện nay, các tour du lịch mạo hiểm (đi bộ hoặc bằng phương tiện như xe đạp, xe máy, ô tô, tàu lượn) ở vùng núi thường được thiết kế ở những khu vực có độ dốc lớn nhằm khai thác tính “mạo hiểm” ẩn chứa trong dạng tài nguyên này.

    Ngoài ra, một dạng tài nguyên du lịch địa hình khác thường được khai thác để xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm là hệ thống các “hang động” do chúng có tính thể thao và mạo hiểm cao. Những hang động càng sâu, càng phức tạp (được cấu tạo hỗn hợp giữa 2 tính chất thủy động và động khô) thì càng được quan tâm khai thác để phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm.

    Tài nguyên sông, suối và hồ: trong đó đặc điểm về dòng chảy và địa hình của lòng sông/suối thường được khai thác khi phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm như  vượt thác ghềnh, thả mảng/bè trôi sông, v.v. Như vậy các sông có độ dốc càng lớn thì càng dễ được lựa chọn khi phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm.

    Ngoài đặc điểm cơ bản này, các giá trị cảnh quan dọc theo các sông suối hoặc cảnh quan các hồ trên hệ thống các sông suối sẽ là yếu tố tài nguyên quan trọng bổ trợ tạo nên tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch mạo hiểm được xây dựng.

    –  Tài nguyên giá trị cảnh quan, hệ sinh thái, đặc biệt là các công viên địa chất toàn cầu, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là dạng tài nguyên du lịch bổ trợ quan trọng sẽ được xem xét đến khi xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm.

    Thực tế cho thấy các tour du lịch mạo hiểm ở vùng núi thường được thiết kế đi qua các khu vực có cảnh quan đẹp, hấp dẫn hay những vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có các giá trị đa dạng sinh học cao. Những giá trị tài nguyên này sẽ góp phần không nhỏ tạo nên tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch mạo hiểm được xây dựng.

    – Tài nguyên giá trị văn hóa bản địa: mà tiêu biểu là các bản/làng các dân tộc ít người, nơi còn bảo tồn được những giá trị về sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt sản xuất truyền thống; về kiến trúc quần cư, kiến trúc công trình (nhà, công trình tín ngưỡng; v.v.).

    Những giá trị văn hóa cộng đồng được xem là dạng tài nguyên du lịch bổ trợ quan trọng khi xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm ở tiểu vùng Đông Bắc. Kinh nghiệm phát triển du lịch mạo hiểm vùng núi ở các nước như Trung Quốc, Nê-pan, v.v. cho thấy dạng tài nguyên du lịch đã rất được chú trọng khi xây dựng các sản phẩm mạo hiểm như chinh phục các đỉnh núi, tour xuyên rừng, vượt thác, v.v.

    Đứng từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn kinh nghiệm phát triển du lịch mạo hiểm vùng núi ở nhiều nước trên thế giới cho thấy mức độ quan trọng các dạng tài nguyên du lịch chủ yếu trên đối với phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm có khác nhau, cụ thể (theo thứ tự về mức độ quan trọng):

    • Địa hình (đỉnh cao, độ dốc, hang động);
    • Hệ thống sông, suối và hồ;
    • Các giá trị cảnh quan, hệ sinh thái;
    • Và cuối cùng là các giá trị văn hóa bản địa.
    1. Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Hà Giang

    Tài nguyên địa hình: Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở với các dạng địa hình đan xen nhau khá phong phú. Địa hình có đặc điểm bị chia cắt rất mạnh và có tính phân bậc vì thế tạo nên nhiều đèo cao, vực thẳm kết hợp với các thung lũng mở rộng và thác nước tạo nên nhiều điểm cảnh quan đẹp.v.v…Bên cạnh còn có các thửa ruộng bậc thang như những bức tranh phong cảnh thiên nhiên. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu, điểm du lịch và đặc biệt rất thích hợp với các loại hình du lịch mạo hiểm như: leo núi, trekking xuyên rừng, xe đạp địa hình,…

    Các di tích danh thắng nổi tiếng như cổng Trời Sà Phìn, núi Đôi Quản Bạ (huyện Quản Bạ); đỉnh đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc); ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của Tổ quốc (huyện Đồng Văn), thác Thuý (huyện Bắc Quang), thác Tiên (huyện Xín Mần), v.v…là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị.

    Các đỉnh núi cao như Tây Côn Lĩnh cao 2.419 m, Kiều Liên Ti cao 2.402 m so với mặt nước biển là mục tiêu để khách du lịch chinh phục, khám phá, thể thao mạo hiểm.

    Đặc biệt, Hà Giang có Cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) công nhận là thành viên mạng lưới “Công viên địa chất Toàn cầu” năm 2010, được Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 định hướng phát triển thành Khu du lịch Quốc gia đang trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và trở thành tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt.

    Tài nguyên sông, suối và hồ: Các sông như sông Lô, sông Chảy, sông Gâm, sông Nho Quế, sông Miện, sông Chừng.v.v… có cảnh quan đẹp, mang lại giá trị về du lịch tham quan và du lịch mạo hiểm. Trong đó đặc biệt phải kể đến Sông Nho Quế: Bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.500 m, chảy qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang với chiều dài là trên 30 km. Sông Nho Quế nằm trong không gian công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn, có thể khai thác phục vụ du lịch thể thao mạo hiểm, vọng cảnh. Hồ thủy điện Na Hang: thuộc huyện Bắc Mê của Hà Giang, huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang và huyện Ba Bể của Bắc Kạn. Hồ rộng khoảng 8.000 ha, lòng hồ có các ốc đảo lớn, nhỏ với những vách đá dựng đứng, dưới chân núi là những hang động với những nhũ đá hình thú kỳ ảo… Hồ được khai thác phục vụ phát triển du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước kết hợp tham quan, dã ngoại, cắm trại, nghỉ dưỡng, kết hợp khai thác các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc.

    Tài nguyên hang động: Hang động cũng là dạng tài nguyên đặc biệt của Hà Giang. Hệ thống hang động ở Hà Giang được phân bố hầu hết các huyện trên địa bàn tạo tiền đề tổ chức các tuyến du lịch tham quan hang động. Một số hang động có giá trị khai thác du lịch mạo hiểm có thể kể đến như: hang Tiên, hang Bản Mào, Đán Pioóng, hang Nà Luông, hang Sùng Dũng Lù, hang Pắc Thẳm, hang Bó Lỷ, hang Khố Mỷ, hang Động Nguyệt, hang Đán Cúm. Hệ thống hang động của Hà Giang đều có khả năng khai thác phát triển du lịch mạo hiểm kết hợp tham quan, tìm hiểu, khám phá, du lịch theo chuyên đề.

    Tài nguyên giá trị văn hóa bản địa: Bên cạnh các tài nguyên du lịch tự nhiên địa hình, sông, hồ, suối và hang động có giá trị hấp dẫn định hình các hoạt động du lịch mạo hiểm ở Hà Giang, tỉnh này còn có nhiều tài nguyên du lịch văn hóa, là cơ sở để phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ cho loại hình du lịch mạo hiểm. Một số tài nguyên có giá trị nổi trội như:

    – 56 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (27 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 29 di tích xếp hạng cấp tỉnh): Một số di tích lịch sử xếp hạng quốc gia tiêu biểu như: Di tích lịch sử Căng Bắc Mê; Kỳ đài quảng trường 26/3; Di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà dòng họ Vương; Di tích Bia và Chuông chùa Sùng Khánh; Di tích lịch sử cách mạng Tiểu khu Trọng Con; Di tích khảo cổ học hang Đán Cúm; Di tích khảo cổ học hang Nà Chảo; Di tích lịch sử văn hoá chuông chùa Bình Lâm; Di tích khảo cổ Chùa Nậm Dầu; Phố cổ Đồng Văn; đền Mẫu; di tích lịch sử Nàn Ma, di tích khảo cổ học Bãi Đá cổ Nấm Dẩn;…

    – Một số lễ hội tiêu biểu: Lễ hội Lồng tồng; Lễ hội Gầu tào; Lễ hội Cấp sắc; Lễ hội Nhảy lửa; Chợ tình Khau Vai;

    Ngoài các lễ hội đặc sắc có giá trị du lịch cao kể trên, ở Hà Giang còn có một số lễ hội có thể khai thác phát triển du lịch như: Lễ hội đền Mẫu ở thành phố Hà Giang; Lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô ở huyện Mèo Vạc; Lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên; Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo huyện Đồng Văn; chọi trâu ở Vị Xuyên, chọi bò ở Mèo Vạc, chọi dê ở Hoàng Su Phì.v.v…

    – Các làng nghề truyền thống: Nghề dệt lanh Hợp Tiến; Nghề đan lát; Nghề chạm bạc;..

    Đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tỉnh Hà Giang

    Nhìn chung, Hà Giang sở hữu tài nguyên du lịch mạo hiểm phong phú và đặc biệt có giá trị, tiềm năng phát triển loại hình này là rất lớn. Các sản phẩm du lịch mạo hiểm thu hút cả thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế và trong những năm gần đây có sức hút cao hơn đối với thị trường khách du lịch trong nước.

    Đây có thể coi là dòng sản phẩm du lịch có sức hút lớn nhất của tỉnh, đặc biệt với các dòng sản phẩm có tính thể thao, mạo hiểm và khám phá. Tuy vậy, các sản phẩm này hiện nay hầu hết đang được khai thác phát triển nhỏ lẻ và theo hình thức tự phát theo nhu cầu thị trường, chỉ có một số doanh nghiệp khai thác với những hình thức sơ khai, trong khi chủ trương và sự đầu tư phát triển của nhà nước và doanh nghiệp chưa nhiều.

    1. Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Cao Bằng

    Tài nguyên địa hình: Diện tích đồi núi chiếm hơn 90% diện tích Cao Bằng, hệ thống núi có độ cao trung bình trên 200m, vùng sát biên giới có độ cao từ 600- 1.300m so với mặt nước biển. Một số đỉnh cao như: Phja Oắc cao 1.935m, Phja Đén cao 1.428m. Địa hình có độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh, các dãy núi đá vôi và núi đất xen kẽ các sông suối, thung lũng hẹp ảnh hưởng đến việc giao lưu với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận nói chung.

    Dạng địa hình đặc trưng, phổ biến ở Cao Bằng là địa hình karst. Một số hang động với địa hình karst đặc trưng có giá trị lới đối với việc phát triển du lịch phải kể tới như: động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang), hang Pác Bó (Hà Quảng). Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm của tỉnh.

    Tài nguyên sông, suối, hồ: Sông Bằng bắt nguồn từ núi Nà Vài cao 60m, cách Sóc Giang về phía Tây Bắc 10 km, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và nhập vào sông Tây Giang tại Long Châu (Trung Quốc) ở độ cao 140m. Sông Bằng có diện tích lưu vực thuộc tỉnh Cao Bằng là 3.377 km2. Sông chảy qua địa phận tỉnh Cao Bằng dài 110 km với 4 phụ lưu là sông Dẻ Rào, Sông Hiến, sông Trà Lĩnh, sông Bắc Vọng; độ dốc lưu vực là 20% mật độ lưới là 0,91 km/km2. Sông Gâm chảy qua tỉnh Cao Bằng bắt đầu ở xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc) và kết thúc ở thị trấn Pác Mjầu (huyện Bảo Lâm), có diện tích lưu vực là 2.006 km2 (kể cả phần sông Năng). Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua huyện Trùng Khánh và huyện Hạ Lang với chiều dài 76 km. Các sông, suối thuộc lưu vực lớn của sông Quây Sơn là sông Quây Sơn Tây, sông Quây Sơn Đông, suối Bản Viết, suối Na Vy và suối Gun. Các sông của tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng cho sử dụng mục đích thủy điện, tưới tiêu và phát triển du lịch. Như vậy, các sông Bằng Giang, Quây Sơn, Bắc Vọng, Giẻ Dào,.. là các tài nguyên du lịch mạo hiểm tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Cao Bằng. Các sông này chảy bên cạnh cảnh quan núi non hung vĩ, là nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm trên sông như chèo thuyền kayak, chèo thuyền cao su, đi thuyền (xuồng) mạo hiểm, đi ca nô,…

    Cao Bằng có nhiều hồ nước với quang cảnh rất đẹp như: hồ Thăng Hen, hồ Bản Viết, hồ Khuổi Lái, hồ Khuổi Khoán, hồ Thôm Lồm,… với nước trong xanh, phẳng lặng quanh năm, cảnh quan thơ mộng, tuy không có nhiều giá trị phát triển du lịch mạo hiểm nhưng có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái và các hoạt động như cắm trại, câu cá…

    Cao Bằng sở hữu nhiều thác nước đẹp, trong đó đặc biệt phải kể đến thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ 4 thế giới nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia và là thác nước nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới. Ngoài Bản Giốc còn có các thác: Thoong Lộc, Thoong Ma, thác Chó, thác Nà Pheo, thác Nặm Chá, thác Nặm Ngùa)…

    Tài nguyên hang động: Đến với Cao Bằng chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng sự kỳ diệu về đa dạng diện mạo địa chất núi đá vôi hình tháp, chóp xen kẽ thung lũng; hệ sông suối, thác nước trên nhiều địa hình, chinh phục những ngọn núi cao như chốn tiên cảnh…, mà còn được khám phá hệ thống hang động kỳ thú dưới lòng đất – báu vật đất trời trải qua hàng triệu năm ban tặng. Các hang động ở Cao Bằng đều có tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm, đặc biệt có thể kể đến như: động Ngườm Ngao, động Ngườm Pục, động Ghị Rằng, động Dơi, động Ngườm Lồm- Nặm Khao, động Ngườm Khuổi Khua, động Ngườm Bốc, Giộc Đâu,…Hiện nay, động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Ghị Rằng (Trà Lĩnh), hang Dơi (Hạ Lang), hang Ngườm Pục (Thạch An) đã và đang được khai khác phục vụ cho phát triển du lịch.

    Viện NCPT Du lịch khảo sát tại hang Dơi (Cao Bằng – 2021)

    Tài nguyên giá trị văn hóa bản địa: Ngoài các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên là tiền đề để phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, tỉnh Cao Bằng cũng sở hữu nguồn lực tài nguyên du lịch văn hóa phong phú và hấp dẫn, đây là cơ sở để hình thành các sản phẩm du lịch bổ trợ cho sản phẩm du lịch mạo hiểm. Các tài nguyên văn hóa tiêu biểu gồm có:

    – Về hệ thống di tích: Theo thống kê hiện trên địa bàn tỉnh có 214 di tích với 94 di tích đã được xếp hạng, trong đó có:

    + 03 Di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Di tích lịch sử Pác Bó, huyện Hà Quảng; Di tích Rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình; Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An.

    + 23 di tích xếp hạng cấp Quốc gia;

    + 02 bảo vật quốc gia: Đôi chuông Chùa Đà Quận – còn gọi là chùa Viên Minh, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng; Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ, xã Hồng Việt (trước là xã Bình Long), huyện Hòa An.

    + 68 di tích xếp hạng cấp tỉnh

    – Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia và quốc tế:

    + Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành Then của của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam

    + Di sản cấp quốc gia: Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày; Lễ hội Tranh đầu pháo; Nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen;

    – Các lễ hội: Lễ hội Lồng Tồng; Lễ hội Thanh Minh; Lễ hội về nguồn Pác Bó; Lễ hội du lịch thác Bản Giốc và các lễ hội đền chùa khác như: lễ hội đền Vua Lê, lễ hội đền Kỳ Sầm, lễ hội đền Giẻ Đóong, lễ hội chùa Sùng Phúc,…

    – Nghệ thuật trình diễn dân gian: Hát Then của người Tày; Nghệ thuật ca tuồng Dá Hai; Hát Páo dung dân tộc Dao; Hát sli, lượn; Múa khèn Mông;..

    – Nghề truyền thống: dệt thổ cẩm; nghề in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao Tiền; nghề làm hương Phia Thắp; nghề làm đường phên; nghề đan lát; nghề làm giấy bản; nghề chạm khắc bạc; nghề làm miến dong; nghề chế tác đàn tính;…

    Đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tỉnh Cao Bằng:

    Thế mạnh du lịch lớn nhất của Cao Bằng chính là tài nguyên tự nhiên nguyên sơ, điển hình nhất là Công viên địa chất Non nước Cao Bằng với hệ thống núi non hùng vĩ trên nền địa hình cao nhưng bằng phẳng, có vườn quốc gia và các khu bảo tồn loài – sinh cảnh, nhiều hang động đẹp kỳ vĩ có niên đại hàng triệu năm, sông suối, thác nước phong phú cùng khí hậu mát mẻ, trong lành. Đây là những cơ sở rất quan trọng để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm gắn với núi như leo núi, chinh phục điểm cao, chạy việt dã, đua xe địa hình, dù lượn, các sản phẩm du lịch khám phá hang động, vượt thác, trekking xuyên rừng, chèo thuyền kayak,…Các sản phẩm du lịch mạo hiểm này có thể kết hợp để phát triển nhiều loại hình khác như sinh thái, nghỉ dưỡng núi, chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp,… để trở thành các tour, tuyến du lịch thực hấp dẫn.

    Tuy nhiên, giống như các tỉnh vùng núi phía Bắc khác, mặc dù tài nguyên du lịch mạo hiểm phong phú, hấp dẫn nhưng chưa có sự đầu tư đủ để trở thành các sản phẩm du lịch cụ thể. Một số sản phẩm du lịch mạo hiểm như chèo thuyền kayak, dù lượn,..mới bắt đầu manh nha hình thành do nhu cầu của thị trường nên còn ở dạng sơ khai, cách thức tổ chức, khai thác chưa chuyên nghiệp, chưa thể hiện được tính chất chuyên nghiệp của loại hình du lịch mạo hiểm.

    1. Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tạị Bắc Kạn

    Tài nguyên địa hình: Bắc Kạn có địa hình đa dạng, phức tạp, chủ yếu là đồi và núi cao. Địa hình Bắc Kạn có thể chia làm ba khu vực:

    – Khu vực phía Đông là các dãy núi kéo dài của cánh cung Ngân Sơn, cánh cung liên tục nhất, điển hình nhất ở vùng Đông Bắc. Đây là dãy núi cao có cấu tạo tương đối thuần nhất. Địa hình chia cắt phức tạp, rừng còn nhiều tạo nên cảnh quan đẹp, hấp dẫn, là điều kiện thuận lợi cho phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm.

    – Khu vực phía Tây cũng là khối núi cao với thành phần chủ yếu là đá phiến thạch anh, đá cát kết và đá vôi có lớp dày nằm trên đá kết tinh cổ. Đây là khu vực địa hình độc đáo và có giá trị về mặt du lịch nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây có hố sụt karst điển hình nhất ở Việt Nam, hình thành nên cảnh quan vô cùng độc đáo và là điểm tài nguyên du lịch hấp dẫn nhất của Bắc Kạn, đó là Hồ Ba Bể.

    – Khu vực trung tâm chạy dọc thung lũng sông Cầu và có địa hình thấp hơn nhiều so với khu vực phía Đông và phía Tây của Tỉnh. Khu vực này là một nếp lõm được cấu tạo chủ yếu bởi đá phiến, đá vôi, đá sét vôi có tuổi rất cổ. Đây là khu vực thuận lợi nhất trong tỉnh để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.

    Tài nguyên sông, suối và hồ: Bắc Kạn có mạng lưới sông ngòi tương đối phong phú nhưng do ảnh hưởng của yếu tố địa hình nên đặc điểm chung của sông ngòi ở đây là ngắn, dốc và thủy chế thất thường. Đa số sông ngòi là các nhánh thượng nguồn của các sông lớn, trong đó có đầu nguồn của 5 con sông lớn của vùng Đông Bắc là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng và sông Cầu. Với đặc điểm ngắn, dốc, hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thuận lợi cho việc phát triển thủy điện cũng như hình thành nên những cảnh quan đẹp, hùng vĩ (thác, ghềnh), có giá trị cao trong việc hấp dẫn và thu hút khách du lịch mạo hiểm.

    Ngoài hệ thống sông ngòi, Bắc Kạn còn nổi tiếng với hồ Ba Bể. Đây là một trong những hồ kiến tạo đẹp và lớn nhất Việt Nam, được hình thành từ một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đục rỗng lòng khối núi. Diện tích mặt hồ khoảng trên 500ha, là nơi hợp lưu của ba con sông suối là Chợ Lèng, Bó Lù và Tả Han. Hồ Ba Bể có độ sâu lớn, nước trong thích hợp với nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm gắn với nước như vượt thác, chèo thuyền kayak, bè mảng, lặn hồ,…

    Bắc Kạn có nhiều thác nước có độ dốc cao kết hợp với phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành như: Thác Nà Khoang, thác Nà Noọc, thác Đầu Đẳng… Các hoạt động du lịch mạo hiểm có thể tổ chức ở khu vực này gồm: vượt thác, trekking, tham quan tìm hiểu hệ sinh thái…

    Viện NCPT Du lịch khảo sát tuyến Trekking và chèo thuyền
    tại Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn – 2021)

    Tài nguyên du lịch hang động: Bắc Kạn sở hữu nhiều hang động đẹp, là nơi du lịch lý tưởng đối với du khách có thể kể đến như: Động Hua Mạ, hang Thắm Làng, động Nàng Tiên – Na Rỳ, hang Thẩm Phầy,… Đây đều là những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú và huyền bí, để đi đến hang du khách phải leo hàng trăm mét, khi bước vào hang lại được thưởng thức không khí trong lành, mát mẻ với những nhũ đá muôn hình vạn trạng thật huyền ảo lung linh làm mê lòng du khách.

    Tài nguyên giá trị văn hóa bản địa: Bên cạnh các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị khai thác du lịch mạo hiểm điển hình kể trên, tỉnh Bắc Kạn cũng sở hữu nhiều tài nguyên du lịch văn hóa phong phú và hấp dẫn, mang đậm nét đặc trưng văn hóa vùng miền núi phía Bắc. Các tài nguyên du lịch văn hóa này có thể bổ trợ cho các sản phẩm du lịch mạo hiểm thêm hấp dẫn. Các tài nguyên văn hóa tiêu biểu gồm có:

    – Về hệ thống di tích: Hiện tại Bắc Kạn có 12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 31 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hầu hết các di tích được xếp hạng đều là những địa điểm liên quan đến chủ tịch Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Một số di tích tiêu biểu như: Di tích Nà Tu, di tích Khuổi Linh, di tích Bản Ca, di tích Nà Pậu, di tích Khau Mạ, di tích chiến thắng Đèo Giàng, Di tích lịch sử cách mạng đồn Phủ Thông,..

    – Các lễ hội: Lễ cầu mùa, lễ hội Lồng tồng, tết Thanh minh, tết Vu lan, tết Đắp Nọi, lễ hội mùa xuân Ba Bể, …

    – Nghệ thuật trình diễn dân gian: Các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao hay Mông đều có bề dày phát triển văn hóa, vì vậy nền văn hóa văn nghệ dân gian rất đặc sắc. Các dân tộc Tày nổi tiếng với hát then, đàn tính; người Mông nổi tiếng với điệu sli và khèn.

    – Nghề truyền thống: Hiện nay, tại Bắc Kạn có 7 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nghề truyền thống đặc trưng. Tuy nhiên, với quy mô lớn để trở thành làng nghề thì hiện nay Bắc Kạn vẫn chưa có làng nghề nào có thể khai thác phục vụ du lịch.

    Đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tỉnh Bắc Kạn

    Bắc Kạn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và khá đa dạng với các loại tài nguyên du lịch tự nhiên điển hình của miền Bắc như rừng, thác và hang động. Đáng kể nhất trong số các tài nguyên du lịch tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn là Vườn Quốc gia Ba Bể, mà hạt nhân là Hồ Ba Bể. Đây là các tiền đề quan trọng để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm như: khám phá, thám hiểm hang động với giá trị nổi bật của hang Thẩm Phầy, đi bộ xuyên rừng, vượt thác, thể thao dưới nước như chèo thuyền kayak, vượt thác, lặn hồ, bè mảng có thể khai thác tốt tại khu vực hồ Ba Bề. Ngoài ra, với sự phong phú về tài nguyên du lịch, Bắc Kạn có thể kết hợp phát triển du lịch mạo hiểm với các loại hình du lịch khác như nghỉ dưỡng hồ, nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái, nghiên cứu tìm hiểu hệ sinh thái, tìm hiểu văn hóa các dân tộc ít người…

    Tuy nhiên, mặc dù sở hữu nhiều tài nguyên có giá trị cao đối với du lịch mạo hiểm, các tài nguyên còn được bảo tồn tương đối tốt, song cũng giống như Hà Giang và Cao Bằng, việc khai thác các sản phẩm du lịch mạo hiểm ở Bắc Kạn hầu như chưa phát triển. Các loại hình du lịch mạo hiểm còn ít, mới chỉ được khai thác ở dạng thức đơn giản. Một số hoạt động đã khai thác như chèo thuyền kayak, bè mảng trên hồ Ba Bể. Một số hoạt động khác còn đang trong quá trình nghiên cứu như vượt thác, khám phá hang động, lặn hồ,…

    1. Đánh giá chung tiềm năng phát triển du lịch mạo ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn

    Ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn thuộc vùng du lịch Trung du và miền núi phía Bắc, là nơi phân bố địa hình Karst ở Việt Nam, kiến tạo nên nhiều hang động, núi cao, nhiều sông, suối, hồ, thác nước…đẹp và hùng vĩ. Về cơ bản, đây là những điều kiện và tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm vốn đang trở nên rất hấp dẫn đối với du khách hiện nay như: đi bộ (trekking), leo núi (hiking),  đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu…. Mức độ hấp dẫn của các sản phẩm du lịch mạo hiểm ở đây còn tăng lên khi du khách còn được khám phá những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, H’Mông,…

    Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn là các tỉnh có tài nguyên du lịch rất đa dạng, đặc sắc, có giá trị cao đối với du lịch mạo hiểm. Có thể nói, hầu hết các hoạt động du lịch mạo hiểm đều có thể được tổ chức ở ba tỉnh này. Tuy nhiên, để xác định được chính xác khu vực có thể tổ chức loại hình du lịch nào sẽ là công việc rất khó, cần có những nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể của các chuyên gia bởi du lịch mạo hiểm đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao cũng như đòi hỏi về tính an toàn cao. Trên cơ sở lý thuyết về du lịch mạo hiểm và khảo sát hiện trạng tài nguyên du lịch, có thể rút ra một số nhận xét cơ bản như sau:

    – Đa phần tài nguyên du lịch mạo hiểm của cả ba tỉnh đều gắn với giá trị tài nguyên đặc thù: Du lịch mạo hiểm Hà Giang gắn với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Xín Mần; du lịch mạo hiểm Cao Bằng gắn với Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và du lịch mạo hiểm Bắc Kạn gắn với Vườn quốc gia Ba Bể.

    – Các hoạt động du lich mạo hiểm leo núi có thể được tổ chức tại các vùng núi đá vôi của ba tỉnh này vì đây là nơi tập trung nhiều núi đá có vách với độ dốc lớn, cảnh quan hấp dẫn. Loại hình hoạt động này đòi hỏi có thể lực rất tốt, phù hợp với các nhà leo núi chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.

    – Tại các khu vực có núi đất của ba tỉnh có thể tổ chức các hoạt động leo núi kết hợp đi bộ dã ngoại (cường độ hoạt động tương đối cao).

    – Tại các khu vực núi đất có độ dốc thấp hơn có thể tổ chức các hoạt động đi xe đạp, xe máy địa hình.

    – Các hoạt động đặc thù như bắn cung, bắn súng có các đòi hỏi kỹ thuật đặc thù, thường không đòi hỏi không gian quá rộng lớn, do thường không phải di chuyển nhiều nên có thể được tổ chức thuận lợi tại rất nhiều nơi, phụ thuộc ý kiến của nhà đầu tư, chiến lược phát triển của địa phương và sự hợp tác của cộng đồng địa phương.

    – Các hoạt động đua ô tô, xe máy trên đường đòi hỏi có sự chuẩn bị và tổ chức chu đáo, vì vậy không được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên tại cả ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn đều có nhiều tuyến đường đẹp, có chất lượng phù hợp cho loại hình này, đặc biệt là tại khu vực Hà Giang có nhiều tuyến đường có cảnh quan đẹp dọc khu vực đường biên và các tuyến sông cũng thuận lợi tổ chức loại hình này.

    – Nhìn chung đối với hoạt động dã ngoại bằng xe máy và ô tô (đặc biệt là dạng xe 4×4) các tuyến đường vùng núi đều hấp dẫn và thuận lợi, có thể tổ chức khai thác ở cả ba tỉnh.

    – Loại hình du lịch khám phá hang động là một loại hình du lịch mạo hiểm hấp dẫn. Cả ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn đều có hệ thống hang động đẹp và phong phú. Các hang động tại Cao Bằng và quần thể hang động hồ Ba Bể cũng có giá trị cao, đặc biệt một số động mới phát hiện như hang Thẩm Phầy (tỉnh Bắc Kạn).

    – Đối với các hoạt động du lịch mạo hiểm gắn với sông nước, các nhóm hoạt động chính có thể được phân chia theo các không gian sử dụng. Các hoạt động này bao gồm:

    + Các hoạt động dưới mặt nước (lặn): là các hoạt động diễn ra tại các vùng nước có hệ thống thủy sinh hấp dẫn, thường là tại các hồ tự nhiên, có nước trong. Vì vậy hoạt động này phù hợp ở hồ Ba Bể.

    + Các hoạt động trên mặt nước: bao gồm các hoạt động đi thuyền (chèo tay, vượt ghềnh thác) là các hoạt động có tốc độ tương đương với tốc độ dòng chảy, hoặc chỉ có khác biệt nhỏ, có thể được tổ chức thuận lợi tại các tuyến sông, suối, hồ tùy thuộc vào tính chất đặc thù và các yêu cầu kỹ thuật của hoạt động cụ thể đó. Nhìn chung cả ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn đều có nhiều con sông, hồ, thác nước và suối phù hợp phát triển các hoạt động này.

    – Ngoài ra các hoạt động nổi trên mặt nước còn bao gồm các hoạt động có tốc độ cao, sử dụng động cơ (đi ca nô, lướt ván, lướt dù kéo…) các hoạt động này thường diễn ra tại các diện tích nước lớn (ví dụ các hồ chứa nhân tạo), các dòng sông có điều kiện phù hợp (các đoạn sông không có cầu đối với hoạt động lướt dù kéo bằng ca nô). Phát triển các hoạt động này tại các hồ nước lớn như hồ Ba Bể là thích hợp nhất.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật du lịch.
    2. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2007), “Cơ sở khoa học để phát triển các sản phẩm du lịch thể thao – mạo hiểm ở vùng núi phía Bắc”.
    3. Nguồn tổng hợp từ báo cáo của các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn về thực trạng phát triển du lịch gửi cho Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

    CN. Phạm Văn Dương

    Phòng: Nghiên cứu Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch

    Bài cùng chuyên mục