Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020

    Những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách đổi mới về đối ngoại và kinh tế đối ngoại cùng với xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng nhanh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngành du lịch Việt Nam cũng đã có sự phát triển khá nhanh và ngày càng có tác động tích cực hơn đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội đất nước. Du lịch được xác định là một ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và đang hội nhập với trào lưu phát triển du lịch của khu vực và thế giới.
    Bình Phước là tỉnh miền núi của vùng Đông Nam bộ, có biên giới giáp Campuchia, diện tích tự nhiên 6.855,99 km2 và dân số 874.671 người , với nhiều dân tộc anh em sinh sống. Bình Phước có ranh giới giáp với các tỉnh: Lâm Đồng và Đồng Nai ở phía đông, Tây Ninh và Campuchia ở phía Tây, tỉnh Bình Dương (ở phía Nam), tỉnh Đắk Nông và Campuchia (ở phía Bắc).
    Về vị trí địa lý – kinh tế, Bình Phước nằm giáp với khu vực Đông Nam bộ, một trong những khu vực phát triển kinh tế mạnh nhất trên cả nước, và khu vực Tây Nguyên, một trong những khu vực có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo đồng thời có đường biên giới với Campuchia với 2 cửa khẩu chính là cửa khẩu Hoa Lư và cửa khẩu Hoàng Diệu; về giao thông, Bình Phước nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực Tây Nguyên với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội cũng như kết nối tour tuyến với các thị trường, các điểm đến du lịch nổi bật của khu vực như Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh cũng như khu vực Đông Nam Á….
    Về tiềm năng du lịch, Bình Phước cũng có những tiềm năng du lịch tương đối độc đáo như Trảng cỏ Bù Lạch, Hồ Thác Mơ, các di tích lịch sử liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Tây Cát Tiên, hệ thống các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số… là những tiềm năng có thể khai thác phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn du khách như sinh thái, văn hóa dân tộc… .
    Nhận thức được vị trí và tiềm năng du lịch, tỉnh Bình Phước đã xác định phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế có khả năng đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương, do đó Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Phước giai đoạn 2000-2010 (từ sau gọi là Quy hoạch 2000) được UBND Tỉnh phê duyệt năm 2000.
    Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, bối cảnh thế giới và Việt Nam xuất hiện nhiều biến động ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó có du lịch như khủng bố quốc tế, dịch bệnh… và đặc biệt là khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đặt du lịch Bình Phước đứng trước những cơ hội và thách thức mới đòi hỏi phải có những định hướng phát triển và giải pháp phù hợp để du lịch ngày càng đóng góp hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như du lịch Bình Phước. Trong điều kiện như trên,  lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Phước  giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020 là việc làm cấp thiết nhằm xây dựng những định hướng phát triển du lịch bền vững, phù hợp với điều kiện địa phương, tạo lập những điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
    I.2.    Mục tiêu và nhiệm vụ
    I.2.1.    Mục tiêu
    Lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Phước  giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020 hướng đến các mục đích chính
    –    Cụ thể hóa các định hướng phát triển du lịch trong chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế – xã hội Bình Phước đến năm 2020
    –    Tạo ra cơ sở pháp lý và khoa học để xây dựng định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Phước trong  giai đoạn 2011-2020 trên quan điểm phát triển du lịch bền vững phù hợp với những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, bối cảnh hội nhập của du lịch với khu vực và quốc tế.
    I.2.2.    Nhiệm vụ
    –    Đánh giá toàn diện các yếu tố về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế –  xã hội, hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch của Bình Phước làm cơ sở xây dựng các định hướng phát triển.
    –    Xác định quan điểm và mục tiêu, dự báo các chỉ tiêu, các phương án phát triển du lịch Bình Phước.
    –    Tổ chức không gian du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
    –    Xác định danh mục các khu vực, các dự án ưu tiên đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư, nguồn nhân lực cho du lịch.
    –    Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường.
    –    Đề xuất chính sách giải pháp thực hiện quy hoạch.
    I.3.    Căn cứ và cơ sở điều chỉnh
    I.3.1.    Căn cứ pháp lý
    –    Luật Du lịch 2005 ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật du lịch;
    –    Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội.
    –    Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội.
    –    Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội
    –    Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu.
    –    Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011-2015).
    I.3.2.    Tài liệu số liệu
    –    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010 được phê duyệt tại Quyết định số 307-TTg ngày 24/5/1995 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010
    –    Chiến lược Phát triển Du lịch giai đoạn 2001 – 2010 được phê duyệt tại Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010.
    –    Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006-2020 được phê duyệt tại quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006 – 2020.
    –    Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2006 – 2010) tỉnh Bình Phước được phê duyệt tại quyết định số 01a/2007/QĐ-UBND ngày 15/01/2007 của UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2006 – 2010) tỉnh Bình Phước
    –    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Phước giai đoạn 2000-2010
    –    Niên giám thống kê tỉnh Bình Phước các năm từ 2000 đến 2010.
    –    Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần IX nhiệm kì 2011-2015.
    –     Xu hướng phát triển du lịch khu vực và thế giới, thực tiễn và nhu cầu phát triển du lịch Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng trong tình hình mới hiện nay.
     
     

    Bài cùng chuyên mục