Một số giải pháp phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam
1. Vị trí của di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam
Hạ Long là địa danh hội tụ nhiều tài nguyên nổi trội, độc đáo của du lịch Việt Nam. Ngoài thế mạnh độc tôn của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với các giá trị thẩm mỹ và địa chất mang tính toàn cầu, Hạ Long còn là nơi tập trung nhiều hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình với tính đa dạng sinh học cao, vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời với dấu ấn rõ nét của nền văn hoá Hạ Long.
Với những giá trị trên, vị thế quan trọng của khu di sản thế giới đã được khẳng định tại Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 đã đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch, phát triển đô thị có liên quan đã được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện: khu vực vịnh Hạ Long-Bái Tử Long, Cát Bà là trọng điểm du lịch quốc gia, là đầu tàu phát triển kinh tế du lịch của địa bản trọng điểm kinh tế Bắc Bộ với định hướng phát triển thành khu du lịch tổng hợp biển, đảo quốc gia. Dự kiến đón 25% tổng số khách du lịch quốc tế và 8% số khách du lịch nội địa, 6,7% tổng số phòng khách sạn, 5,5% tổng thu nhập từ du lịch của cả nước.
2. Tình hình phát triển du lịch tại Vịnh Hạ Long
Với giá trị độc đáo của tài nguyên biển đảo, Vịnh Hạ Long ngày càng phát huy vị trí, vai trò trong phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh, vùng biển đảo phía Bắc và của cả nước.
Số lượt khách và thu nhập từ hoạt động du lịch trong thời gian qua đã khẳng định điều đó: số khách du lịch đến Quangr ninh mà chủ yếu là đến với Di sản Hạ Long đạt tốc độ tăng bình quân 14%/năm; trong đó, khách quốc tế đạt tốc độ tăng bình quân 13%/năm. Nếu như năm 2001, tổng lượt khách đến Quảng Ninh mới chỉ đạt 1,9 triệu thì năm 2006 đã vượt qua mốc 3 triệu. Riêng 7 tháng đầu năm 2007, lượng khách tăng 35% so với cùng kỳ năm 2006.
Nhờ đó thu nhập từ du lịch tăng nhanh chóng, riêng tổng thu từ phí tham quan di sản của năm sau so với năm trước tăng bình quân trên 120% ( Báo cáo của Ban quản lý Vịnh Hạ Long: năm 1996 đạt 1,2 tỷ đồng, năm 2003 thu 27,7 tỷ, năm 2006 trên 42 tỉ đồng, năm 2007 ước đạt trên 43 tỉ đồng).
Loại hình sản phẩm, các tour, tuyến du lịch đang được đa dạng hoá,đầu tư và phát triển trên Vịnh Hạ Long như: tham quan hang động, ngắm cảnh, nghỉ đêm trên Vịnh, nghiên cứu, kéo dù, chèo thuyền Kayak v.v.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hạ tầng du lịch trong ngoài khu vực di sản được đầu tư, phát triển mạnh mẽ như xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ quản lý, khai thác di sản tại các điểm du lịch như: động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, đảo TiTốp; các cơ sở dịch vụ du lịch mua bán hải sản, vui chơi giải trí, ăn uống, đồ lưu niệm bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách. Những điểm neo đậu nghỉ đêm trên Vịnh, hệ thống tàu thuyền vận chuyển khách tham quan được nâng cấp và tiêu chuẩn hoá, mở rộng hệ thống cảng du lịch Bãi Cháy, đưa cảng khách Hòn Gai vào hoạt động tạo điều kiện du khách tiếp cận và thưởng thức sản phẩm du lịch trên Vịnh
Mặc dù đạt dược thành tựu hết sức khả quan như trên, khu vực di sản đang gặp phải những tồn tại và thách thức, trong đó về lĩnh vực phát triển sản phẩm du lịch gồm những vấn đề chủ yếu sau:
Nhận thức về việc phát huy giá trị di sản chưa đồng nhất và manh mún theo mục tiêu của mỗi chủ thể liên quan đến quản lý và khai thác tài nguyên, hoạt động kinh tế xã hội tại khu di sản (quản lý bảo tồn di sản, kinh doanh du lịch, phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và cộng đồng dân cư). Điều đó dẫn đến những xung đột và mâu thuẫn, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau giữa các giải pháp bảo tồn giá trị di sản với giải pháp phát huy giá trị phục vụ du lịch và phát triển các ngành kinh tế khác.
Việc phát triển và kinh doanh sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn phát huy giá trị di sản còn còn manh mún, thiếu thiếu tính điển hình, đặc trưng phù hợp với giá trị của mỗi loại tài nguyên du lịch Vịnh; chưa được phát triển theo quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thường “đi kèm” theo các dự án đầu tư kinh doanh, đầu tư xây dựng các khu du lịch, dự án bảo tồn phát huy giá trị di sản, các dự án, chương trình mục tiêu có liên quan trong khu vực.
Còn hiện tượng trùng lặp các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch trong đầu tư phát triển và kinh doanh: trong 13 khu chức năng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002, giữa các dự án đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí,.. còn có nhiều sự trùng lặp không cần thiết;
Chất lượng sản phẩm chưa ứng với nhu cầu, thị hiếu của thị trường, chưa hấp dẫn khách có khả năng chi trả cao: mặc dù trên địa bàn thành phố hạ Long, khu di sản đã được đầu tư một số dịch vụ mới như Công viên Quốc tế Hoàng Gia, Khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài Hoàng Gia, Công viên nhạc nước Tuần Châu… tuy đã đáp ứng được phần nào nhu cầu vui chơi giải trí của thị trường khách nội địa nhưng vẫn chưa thu hút được khách nước ngoài.
Nguyên nhân là do hoạt động du lịch vui chơi giải trí còn đơn điệu, nội dung, quy mô nhỏ, phân tán chất lượng chưa cao; các loại hình du lịch khu di sản chủ yếu là các tuyến tham quan thắng cảnh Vịnh với nội dung và hình thức nghèo nàn, đơn điệu, chưa tôn vinh được các giá trị đặc biệt của di sản. Các tuyến tham quan trên cao và các tuyến tham quan dưới mặt biển còn chưa được đầu tư. Các giá trị thẩm mỹ của vùng cảnh quan biển, đảo, khu sinh thái biển, văn hóa truyền thống chưa được khai thác hiệu quả trong bối cảnh đang gia tăng những dấu hiệu suy giảm giá trị cảnh quan du lịch, sự phát triển thiếu bền vững của Hạ Long.
Mặt khác còn do việc điều tra tìm hiểu nhu cầu của thị trường khách nước ngoài chưa được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng những sản phẩm hấp dẫn khách (tỉ lệ khách nước ngoài có khả năng chi trả cao đến Hạ Long cho thấy hiện tượng này: năm 2007, tỷ lệ khách đến Vịnh Hạ Long trung bình là 50% khách nội địa và 50% khách nước ngoài, trong đó khách Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp theo là Hàn Quốc, Châu Âu, ASEAN, Nhật.v.v.
Một du khách nước ngoài đã có nhận xét: “Khi đến Hạ Long, chúng tôi không quan tâm nhiều lắm tới những khu VCGT, hay những công trình hiện đại mà ở nước tôi cũng có, thậm chí có từ cách đây nhiều năm. Chúng tôi chỉ quan tâm trước tiên là vẻ đẹp tự nhiên của Vịnh Hạ Long, sau đó là văn hóa, trong đó có văn hóa giải trí chính gốc của người bản địa”… (Nguyễn Quý , Báo điện tử Quảng Ninh 30/7/2007).
Nguyên nhân khác là do nhu cầu phát triển du lịch đảo tăng nhanh, tạo ra sức ép lớn đối với cảnh quan, môi trường điểm đến du lịch, đặc biệt không gian cảnh quan Vịnh và lân cận đang đứng trước những nguy cơ tác động tiêu cực bởi những bất cập trong các hoạt động kinh tế xã hội, chất lượng dịch vụ, khả năng cung cấp yếu kém của hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động du lịch Vịnh. Việc khai thác tập trung qua nhiều đối với các đảo gần bờ đã gây ra các hiện tượng quá ngưỡng chịu tải môi trường; dịch lưu trú chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu đầu tư và kinh doanh đang đẩy hướng đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú (kể cả các hình thức lưu trú nổi) ra vùng vịnh, tạo nguy cơ đô thị hoá không gian cảnh quan khu di sản là một trong những tài nguyên vô giá của Vịnh Hạ Long. Ý thức về bảo vệ môi trường Di sản của khách du lịch, cộng đồng địa phương còn chưa cao. Chưa xây dựng được hình ảnh, thương hiệu du lịch Hạ Long hiện đại, văn minh, lịch sự, vẫn còn hiện tượng ăn xin, đeo bám khách du lịch, ảnh hưởng tới môi trường du lịch di sản.
Sự manh mún và thiếu đồng bộ trong phát triển du lịch tại khu vực di sản còn do những bất cập trong công tác quy hoạch và đầu tư phát triển: trên thực tế, tại địa bàn thành phố Hạ Long và vùng Vịnh hiện đang tồn tại khá nhiều loại quy hoạch phát triển và bảo tồn: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch môi trường thành phố Hạ Long và khu vực Vịnh, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Những quy hoạch này đều đề cập đến nhiệm vụ phát triển du lịch mà lẽ ra phải được giải quyết trong quy hoạch tổng thể phát trỉển du lịch đối với toàn bộ khu vực, trong đó gồm khu di sản theo quy định của Luật Du lịch.
Tình trạng này dẫn đến sự chồng chéo, thiếu sự phối hợp giữa các quy hoạch, hoạt động đầu tư phát triển các ngành kinh tế xã hội khác, giữa khu vực đô thị, công nghiệp với khu di sản, khu vực biển đảo Quảng Ninh ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động phát triển du lịch và kinh doanh du lịch cũng như bảo tồn tài nguyên du lịch.
3. Một số giải pháp phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch khu di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long
Với mục tiêu phát huy giá trị của di sản một cách hiệu quả nhất vừa bảo đảm bảo tồn tài nguyên di sản để nhanh chóng phát triển khu vực Hạ Long thành trọng điểm du lịch biển đảo của cả nước có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, bảo đảm mục tiêu đến năm 2010 tỉnh Quảng Ninh đón được 6,8 triệu lượt khách và tăng gấp 1,5 lần vào năm 2020, cần thiết triển khai một số giải pháp sau:
3.1. Tiếp tục nâng cao nhận thức phát triển du lịch tại khu vực di sản gắn với xu thế hội nhập quốc tế và khu vực về du lịch trên cơ sở bảo tồn các giá trị di sản. Phát trỉển du lịch trên quan điểm khu di sản thiên nhiên thế giới vừa là tài nguyên du lịch có giá trị cao vừa là sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn của cả nước, khu vực và quốc tế.
Việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở bản tồn giá trị tài nguyên du lịch (giải pháp “2 trong 1”: bảo tồn di sản vừa là phát triển du lịch, phát triển du lịch là bảo tồn di sản) vừa bảo đảm phải đồng bộ với việc phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị khu vực Hạ Long và Quảng Ninh- Cát Bà.
Sản phẩm du lịch không chỉ là “các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuến đi du lịch” (Điều 4 Luật Du lịch năm 2005). Sản phẩm du lịch là tổng thể bao gồm các yếu tố đồng bộ hợp thành: tài nguyên với giá trị hấp dẫn của nó; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; điều kiện hạ tầng (khả năng) tiếp cận điểm đến du lịch và môi trường (tự nhiên và xã hội) điểm đến, trong đó giá trị tài nguyên du lịch có tính quyết định nhất cho quá trình xây dựng, phát triển, quảng bá và cung cấp sản phẩm du lịch.
3.2. Tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại xác định giá trị của các yếu tố di sản với tư cách là tài nguyên du lịch theo tiêu chí qui định của Luật Du lịch, làm cơ sở lập kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn gắn với nhiệm vụ bảo tồn di sản.
Thực hiện đánh giá khả năng, sức chứa của tài nguyên được xác định đưa vào phát huy giá trị phục vụ du lịch gồm các điểm tham quan, điểm dịch vụ du lịch theo nguyên tắc bảo tồn giá trị tài nguyên theo qui định của Luật Di sản vừa khai thác hiệu quả phục vụ du lịch.
Thực hiện quảng bá điểm đến du lịch, xác định nhu cầu của các loại thị trường, ưu tiên các thị trường khách du lịch trọng điểm, có khả năng chi trả cao, thị hiếu gắn với giá trị của tài nguyên biển đảo. Chương trình bầu chọn Hạ Long là kỳ quan thế giới là dịp quảng bá đưa Di sản đến với thế giới. Tuy nhiên cũng đặt ra thách thức và nhiệm vụ cấp bách là chuẩn bị đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng và tính cạnh tranh làm cơ sở cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch khu di sản Hạ Long.
3.3. Triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực di sản theo nguyên tắc:
Vịnh Hạ Long, khu di sản thiên nhiên thế giới không phải là một khu du lịch (theo tiêu chí của Luật Du lịch), mà một sản phẩm du lịch tổng thể với hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với đặc điểm, giá trị, sức chứa của các loại tài nguyên du lịch thộc khu vực di sản, khả năng kinh tế kỹ thuật để thực hiện.
Mỗi sản phẩm du lịch là tổng thể bao gồm các yếu tố tài nguyên và giá trị của tài nguyên, điều kiện dịch vụ, khả năng tiếp cận của khách và điều kiện môi trường tự nhiên nhân văn của điểm tài nguyên. Trong đó tài nguyên và giá trị của tài nguyên là yếu tố quyết định, cơ bản của sản phẩm du lịch.
Phát triển sản phẩm phải căn cứ nhu cầu, sở thích khả năng chi trả của các loại thị trường khách du lịch, có sức cạnh tranh cao trong vùng biển đảo Bắc Bộ, cả nước, khu vực và quốc tế; phải đồng bộ với hệ thống sản phẩm du lịch, các tour du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hạ tầng du lịch, sự bền vững của tài nguyên và môi trường cảnh quan du lịch khu vực ven bờ, đô thị Hạ Long và vùng biển đảo Quảng Ninh và Bắc Bộ.
Sản phẩm du lịch tại khu di sản chủ yếu gồm các nhóm: du lịch tham quan thắng cảnh, nghỉ biển, sinh thái biển đảo, thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hoá lễ hội và du lịch tàu biển. Cụ thể như: du lịch tham quan cảnh quan biển đảo, giá trị thẩm mỹ, khoa học; tham quan văn hoá, lễ hội, di chỉ khảo cổ, làng nghề , làng chài; tham quan hệ sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên biển, đảo, thể thao nước, du lịch mạo hiểm,.. và các sản phẩm bổ trợ khác phù hợp với đặc thù tài nguyên và yêu cầu bảo tồn di sản..
Số liệu khảo sát của Viện NCPT du lịch 2005 thuộc đề tài NCKH cấp Bộ” nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo vùng du lịch Bắc Bộ” cho thấy tỉ lệ số khách du lịch trong và ngoài nước ưu chuộng nhất đối với các loại hình sản phẩm du lịch tại Hạ Long như sau: du lịch tham quan Vịnh, cảnh quan biển đảo, khách quốc tế 54%, nội địa 80%, trong đó lứa tuổi 18-34% chiếm đa số ( 53%); tham quan hang động: khách quốc tế 52%, nội địa 62%, trong đó lứa tuổi 18-34% chiếm đa số ( 55%); tham quan công viên biển: khách quốc tế 21%, nội địa 12%, trong đó lứa tuổi dưới 18 chiếm 31%; tham quan đáy đại dương, khách quốc tế 40%, nội địa 85%, trong đó lứa tuổi 18-34% chiếm đa số (52%); du lịch nghỉ dưỡng: trên đảo, khách quốc tế 53%, nội địa 85%; nghỉ dưỡng nhà nổi, tàu trên vịnh: khách quốc tế 66%, nội địa 31,6%; du lịch thể thao trên biển, đảo: khách quốc tế 23%, nội địa 89%, đó lứa tuổi 18-34% chiếm 40%.
Căn cứ quy mô đón khách dự kiến các giai đoạn 2010-2020, sức chứa của các tài nguyên và khu di sản tổ chức không gian hoạt động du lịch gồm hệ thống các điểm du lịch, tuyến du lịch tại khu vực di sản thuộc cụm du lịch Hạ Long nằm tronghệ thống không gian 5 cụm du lịch chính của Quảng Ninh (Vân Đồn- Bái Tử Long; Móng Cái – Trà Cổ; Uông Bí- Đông Triều- Yên Hưng; Cô Tô và Hạ Long).
Các điểm du lịch gắn bó nhuần nhuyễn giá trị cảnh quan độc đáo với giá trị nhân văn như du lịch tâm linh-huyền thoại đảo Đầu Gỗ với đặc trưng truyền thuyết Âu Cơ-Lạc Long; điểm vui chơi giải trí kết hợp lưu trú nổi đảo Bồ Hòn với giá trị đặc trưng về truyền thuyết Rồng Hạ; điểm du lịch sinh thái-nhânvăn Đảo Hang Trai giá trị trưyền thống nghề cá, chài lưới; điểm du lịch sinh thái biển đảo Đầu Bê, điểm du lịch thể thao mạo hiểm đào Cống Đỏ, gắn với giá trị truyền thuyết cá hoá rồng… và nhiều điểm du lịch tham quan khác.
Các tuyến du lịch trên vịnh theo thời gian, nhu cầu tham quan du lịch của khách gắn với đặc thù của các sản phẩm, điểm tham quan du lịch của mỗi tuyến: tuyến du lịch kết nối tất cả các điểm tham quan hoặc những điểm đặc thù trong khu vực vịnh; tuyến du lịch nối các điểm tham quan, vui chơi giải trí tại khu vực thành phố Hạ Long với khu di sản. Cần hạn chế sự trùng lặp về nội dung giữa các tuyến du lịch này.
Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu phục vụ các điểm tham quan theo quy định của Luật Du lịch, gồm: các nhà nghỉ nổi, nhà nghỉ trên đảo hoặc vách núi, nhà nghỉ di động có quy mô nhỏ, kiến trúc sinh thái hoà nhập với cảnh quan.
Có quy chế và biện pháp quản lý chặt chẽ và hạn chế tố đa việc phát triển các khu lưu trú, nghỉ dưỡng trên các đảo. Đối với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn nổi, lưu động cần có quy hoạch và biện pháp kiểm soát nghặt chèo theo tiêu chuẩn du lịch sinh thái và quy định bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan biển đảo, kể cả đối với khu vực mặt nước vùng đệm khu di sản. Các cơ sở ăn uống cần được hạn chế phát triển trong khu vực bảo tồn tuyệt đối và vùng nước đệm
Về hạ tầng du lịch, rà soát, điều chỉnh hệ thống các tuyến vận chuyển khách du lịch trong khu vực di sản và vùng lân cận.
Tăng cường phương tiện vận chuyển (tàu, thuyền, tàu ngầm du lịch, cáp treo, kinh khí cầu,vv..) phù hợp với yêu cầu bảo vệ giá trị cảnh quan, sinh thái biển đảo, vừa bảo đảm tạo điều kiện tiếp cận các điểm tham quan, dịch vụ du lịch như: không gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải vào nước biển; hoà nhập với cảnh quan biển đảo; bảo đảm an toàn, vị trí đỗ, tuyến di chuyển không gây tác động môi trường, cảnh quan, tổn hại hệ sinh thái biển đảo.
Mặt khác việc phát triển sản phẩm du lịch trên vịnh phải đồng bộ với việc phát triển các khu du lịch, điểm du lịch khu vực đô thị Hạ Long và vùng biển đảo Quang Ninh theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt như các khu du lịch, dịch vụ Bãi Cháy; khu du lịch tổng hợp Hùng Thắng; khu du lịch sinh thái Đồn Điền; khu di tích lịch sử núi Bài Thơ; khu tham quan phố cổ Hòn Gai, khu bảo tàng than Hà Lầm,..kèm theo các giải pháp kiên quyết và hiệu quả về bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, môi trường du lịch không chỉ khu vực vịnh mà các khu vực lân cận.
3.4. Để có cơ sở phát triển du lịch tại khu vực di sản, cần thiết rà soát các loại quy hoạch, kế hoạch đầu tư, bảo tồn liên quan đến khu vực nhằm xác định những giải pháp bảo đảm thống nhất, đồng bộ điều phối các hoạt động đầu tư xây dựng đô thị, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng, bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch. Rà soát, điều chỉnh các dự án bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản đã được cấp thẩm quyền phê duyệt: trong 13 khu chức năng của Quy họach bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới được phê duyệt năm 2002, có một số hoạt động du lịch phát huy giá trị di sản cần được nghiên cứu, rà soát về hiệu quả du lịch và bảo tồn di sản để điều chỉnh về tính chất, quy mô nhằm hạn chế sự trùng lặp các sản phẩm du lịch, bảo đảm tính đặc thù, cạnh tranh của sản phẩm du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại khu vực di sản.