Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khái quát thành tựu và định hướng phát triển Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhân dịp Kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển (06/9/1988 – 06/9/2018)

    Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch xây dựng và trưởng thành, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch đã có bài phát biểu khai mạc. Viện NCPT Du lịch xin đăng toàn văn bài diễn văn của TS. Nguyễn Anh Tuấn.

       Kính thưa Đ/c Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch!
       Kính thưa Đ/c Đỗ Quang Trung, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch!
       Kính thưa Đ/c Trần Chiến Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch!
       Kính thưa Đ/c Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Du lịch!
       Kính thưa các Đ/c Nguyên Lãnh đạo Tổng cục Du lịch qua các thời kỳ!
       Kính thưa các Đ/c Nguyên Lãnh đạo Viện NCPT Du lịch qua các thời kỳ!
       Kính thưa toàn thể Quý vị đại biểu, các vị khách Quý!

       Hôm nay, được phép của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Viện NCPT Du lịch long trọng tổ chức gặp mặt kỷ niệm 30 năm thành lập Viện NCPT Du lịch (1988-2018) nhằm ôn lại những chặng đường đã qua, tri ân các thế hệ lãnh đạo, viên chức và người lao động của Viện đã có những cống hiến, nỗ lực không ngừng trong quá trình xây dựng và phát triển Viện trở thành viện nghiên cứu đầu ngành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua.
       Trước tiên, thay mặt toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Viện NCPT Du lịch (Viện), Tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo, Nguyên Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo và Nguyên Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch, đại diện bộ, ngành liên quan, Lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các tổ chức quốc tế, các đơn vị đối tác, chuyên gia, các nhà khoa học cùng toàn thể các thế hệ cán bộ Lãnh đạo, viên chức và người lao động của Viện qua các thời kỳ đã dành thời gian đến tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm 30 năm thành lập Viện hôm nay.
       Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu
       Kỷ niệm 30 năm thành lập Viện, cán bộ viên chức và người lao động của Viện vui mừng phấn khởi báo cáo những thành tựu quan trọng của Viện đạt được trong 30 năm qua:
       Là tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, có chức năng nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách du lịch, phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch; cung cấp dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch, chặng đường 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Viện luôn luôn gắn liền với lịch sử phát triển của ngành Du lịch Việt Nam và đã trải qua những dấu mốc lịch sử quan trọng: 
       Hoạt động của Viện những năm đầu mới thành lập diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế – xã hội ở Việt Nam vào cuối thập kỷ 80; nhận thức xã hội về du lịch còn chưa đầy đủ, tổ chức bộ máy quản lý ngành liên tục thay đổi, theo đó, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện cũng thay đổi theo. Đây thực sự là những thử thách rất lớn đối với sự phát triển của một viện nghiên cứu chuyên ngành còn rất non trẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức đó, năm 1990, Viện đã thực hiện thành công Dự án VIE/89/003 “Xây dựng kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1990 – 2000” do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) tài trợ. Đây là dấu mốc quan trọng trong phát triển Du lịch Việt Nam bước đầu thời kỳ đổi mới của Đất nước. 
       Triển khai thực hiện Nghị quyết 45/CP ngày 22/6/1993 của Chính phủ và Chỉ thị 46/BCH-CT ngày 14/10/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới quản lý và phát triển ngành Du lịch nhằm mục tiêu “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Viện đã được giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 – 2010. Vào thời điểm này, đội ngũ cán bộ, viên chức của Viện còn hạn chế chỉ với 12 người, trong đó có 5 cán bộ nghiên cứu; điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu cũng rất khó khăn từ phòng làm việc đến các trang thiết bị (lúc này Viện chỉ có 1 máy tính 286, 1 máy in kim). Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, lòng yêu nghề, tập thể lãnh đạo và cán bộ khoa học của Viện và các chuyên gia đã xây dựng thành công Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 – 2010 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm phát triển, ngành Du lịch đã có quy hoạch chuyên ngành trên phạm vi toàn quốc. 
       Tiếp đó, Viện đã đảm nhiệm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các vùng du lịch trọng điểm và các trung tâm du lịch, đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên ngành và các địa phương liên quan xây dựng quy hoạch một số địa bàn có tiềm năng du lịch đặc sắc nằm trong không gian một số địa bàn du lịch trọng điểm và xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của nhiều địa phương trong cả nước.
       Để đáp ứng yêu cầu mới về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn 2011-2020, Viện đã xây dựng thành công Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển cho 7 vùng du lịch trọng điểm và một số khu du lịch quốc gia, đồng thời, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cho nhiều tỉnh/thành phố theo đề nghị của nhiều địa phương.
    Song song với xây dựng chiến lược và quy hoạch du lịch, Viện đã xây dựng Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho 7 vùng du lịch. Kết quả nghiên cứu đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng… xây dựng sản phẩm du lịch cạnh tranh dựa trên lợi thế riêng, phù hợp với nhu cầu thị trường.
       Bên cạnh những nhiệm vụ nêu trên, Viện còn tích cực tham gia thực hiện nhiều đề án, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên phạm vi cả nước, các địa bàn kinh tế trọng điểm và tham gia thực hiện một số các quy hoạch phát triển du lịch cấp khu vực như Quy hoạch phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (năm 1997); Quy hoạch phát triển du lịch Hành lang Đông Tây (năm 2003), góp phần tích cực để du lịch Việt Nam hội nhập với du lịch khu vực. 
       Về các hoạt động nghiên cứu khoa học: Với chức năng là một viện nghiên cứu, công tác nghiên cứu khoa học đã được Viện chú trọng triển khai. Trong suốt 30 năm qua, Viện đã chủ trì thực hiện thành công 3 đề tài KHCN độc lập cấp nhà nước, 28 đề tài khoa học cấp Bộ, 26 đề tài cấp cơ sở và 8 nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường; tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ có liên quan. Đây là một thành tích đáng ghi nhận đối với một viện nghiên cứu chuyên ngành, đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn và đội ngũ cán bộ còn hạn chế cả về số lượng, trình độ và kinh nghiệm nghiên cứu.
       Các đề tài khoa học công nghệ do Viện chủ trì thực hiện đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề không chỉ mang tính lý luận, mà còn có tính thực tiễn trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch như mô hình tổ chức du lịch; quản lý tài nguyên và môi trường du lịch; phát triển khu, điểm du lịch, sản phẩm đặc thù và xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển du lịch cộng đồng; ứng dụng công nghệ tiến tiến như công nghệ thông tin, hệ thông tin địa lý (GIS), viễn thám. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài là cơ sở quan trọng cho phát triển nhiều loại hình du lịch mới ở Việt Nam như du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch đô thị, du lịch nông nghiệp… Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài khoa học do Viện chủ trì thực hiện là tài liệu tham khảo và là căn cứ khoa học quan trọng trong xây dựng Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển du lịch, Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch; xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam trong mối quan hệ với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng.
       Để các kết quả nghiên cứu được sử dụng có hiệu quả trong thực tiễn, cũng như phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, đào tạo…, một trong những nhiệm vụ khoa học thường xuyên được Viện chú trọng đẩy mạnh là phổ biến, thông tin khoa học với việc phát hành “Báo cáo hoạt động khoa học công nghệ” hàng năm; xây dựng trang thông tin điện tử (http://www.itdr.org.vn); không ngừng củng cố và bổ sung tài liệu mới cho thư viện và thư viện điện tử (trên 2.000 đầu sách). Đến nay, đã có hàng chục ngàn lượt bạn đọc truy cập tham khảo các kết quả nghiên cứu của Viện thông qua trang thông tin điện tử và hệ thống tài liệu trong thư viện. 
       Với chức năng là cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, Viện cũng đã tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và đạt được kết quả quan trọng, góp phần ban hành các quy định, hướng dẫn bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho các dự án phát triển du lịch cũng đã được Viện thực hiện có kết quả tạo điều kiện về pháp lý cho nghiệm thu các dự án theo quy định. 
       Bên cạnh đó, Viện còn chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày một cao về nghiên cứu khoa học. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện có 5 tiến sỹ, 13 thạc sỹ, trong đó có nhiều cán bộ đã trưởng thành từ chính môi trường nghiên cứu khoa học của Viện. 
       Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Viện đã chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều hội thảo, đề án, dự án nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực du lịch do các tổ chức quốc tế tài trợ (như JICA, EU, Tây Ban Nha, UNWTO, UNDP, ILO, UNESCO…) Các kết quả hợp tác nghiên cứu của Viện luôn được các đối tác đánh giá cao về chuyên môn.
        Ngoài ra, Viện luôn chủ động tổ chức thực hiện các dịch vụ trong chức năng và quy định cho phép nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ nhân viên của Viện và có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. 
       Có thể nói, sau một thời gian không dài trong lịch sử phát triển ngành Du lịch, từ khi được thành lập đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch và bằng sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cùng với sự phối hợp của các đơn vị chức năng trong, ngoài ngành và các địa phương…, Viện đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặc biệt là tham gia xây dựng Luật, Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng và địa phương trong cả nước; tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, pháp luật, đề án, dự án phát triển kinh tế -xã hội của cả nước và các bộ, ngành liên quan; đồng thời thực hiện thành công nhiều đề tài nguyên cứu khoa học các cấp. Ngay tại thời điểm này, Viện cũng đang tập trung hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch nhằm định hướng phát triển du lịch cho giai đoạn phát triển mới, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là những đóng góp quan trọng của Viện cho công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học về du lịch nói riêng, phát triển du lịch Việt Nam nói chung.
       Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu
       Quá trình xây dựng và phát triển Viện trong mỗi thời kỳ luôn gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước của cán bộ viên chức và người lao động của Viện. Cán bộ viên chức và người lao động của Viện luôn hưởng ứng các phong trào thi đua do cấp trên và đơn vị trực tiếp phát động, đặc biệt là tham gia phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các phong trào thi đua đã khích lệ, động viên cán bộ viên chức và người lao động của Viện nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên từng vị trí công tác, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Du lịch.
       Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể Viện NCPT Du lịch qua các thời kỳ đều có thể tự hào về những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Du lịch nói riêng và cho xã hội nói chung. Với những gì đã đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra, chúng tôi hy vọng rằng, Viện sẽ phát triển nhanh và vững chắc, trở thành một tập thể khoa học mạnh, xứng đáng hơn với niềm tin của toàn ngành và xã hội, đồng thời sẽ có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đất nước, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

       Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu
       Sau 30 năm xây dựng phát triển, đến nay Viện NCPT Du lịch đang đứng trước những cơ hội và yêu cầu đổi mới cấp thiết.
       Về cơ hội, đó là những chủ trương, chính sách mới, quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch. Đồng thời, xu hướng phát triển du lịch mạnh mẽ trên toàn cầu, trong khu vực và đặc biệt là sự sôi động của hoạt động du lịch khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển du lịch đang tạo cơ hội lớn cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện trong công tác nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển du lịch trong thời kỳ mới.
      Yêu cầu đổi mới đặt ra hiện nay đối với Viện là kiện toàn lại tổ chức, bộ máy, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tự chủ, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, đặc biệt là nâng cao trình độ của đội ngũ nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển mới nhằm đạt hiệu quả ngày càng cao trong nghiên cứu chiến lược, chính sách, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, phấn đấu thực sự trở thành một trung tâm quốc gia hàng đầu về nghiên cứu và ứng dụng KHCN du lịch; là nơi quy tụ những chuyên gia trong lĩnh vực du lịch; có nhiều đóng góp quan trọng, cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định chính sách phát triển du lịch có uy tín cao trong nước và quốc tế.
       Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu
       Có được sự phát triển với những thành tựu đáng tự hào trong 30 năm qua, Viện NCPT Du lịch luôn ghi nhớ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch qua các thời kỳ, sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ, thuộc Tổng cục Du lịch và các bộ, ngành liên quan, các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của các đơn vị đối tác trong nước và quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học; ghi nhớ công sức, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động và sự tài trợ, giúp đỡ quý báu của một số tổ chức quốc tế.
       Nhân dịp này, thay mặt Viện NCPT Du lịch, Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục đã luôn luôn quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của Viện. Xin chân thành cám ơn Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương trên cả nước, các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị đối tác, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cộng tác, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ, giúp đỡ Viện NCPT Du lịch trên chặng đường phát triển 30 năm qua.
       Tôi xin trân trọng bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của Viện đã bền bỉ cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ trong suốt 30 năm qua, đưa Viện NCPT Du lịch vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu trưởng thành và phát triển hôm nay.
       Với ý thức, niềm tự hào về lịch sử phát triển và những thành tựu đạt được, Viện NCPT Du lịch xin hứa quyết tâm vượt qua mọi trở ngại thách thức, tiếp tục đưa Viện phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò viện nghiên cứu đầu ngành vì sự nghiệp phát triển du lịch của Đất nước.
    Một lần nữa, Tôi xin kính chúc Thứ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ và Tổng cục Du lịch; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Viện qua các thời kỳ, cùng toàn thể quý vị đại biểu và các đồng chí, đồng nghiệp mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
       Xin trân trọng cảm ơn!

    Bài cùng chuyên mục