Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khả năng phục hồi, phát triển bền vững và toàn diện du lịch ASEAN sau đại dịch Covid-19

    Ngày 29/4/2020 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch ASEAN nhằm chia sẻ thông tin và xây dựng kế hoạch khôi phục du lịch ASEAN sau khủng hoảng của dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đại diện cho Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã tham dự hội nghị.

    Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đại diện cho Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã tham dự hội nghị

    Ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 18,1%, khách du lịch nội địa giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính có 1,7 triệu lượt khách quốc tế hủy tour đến Việt Nam. Công suất phòng trung bình của Quý I chỉ khoảng 20%, tháng 4 chỉ ở mức dưới 10%. Lao động ngành du lịch được cho nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương. Doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm sâu, gần như về con số 0 trong tháng 4.

    Từ khi dịch bệnh khởi phát đến nay, Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tập trung vào 03 gói hỗ trợ: Gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ tạo ra các khoản vay, tín dụng cho doanh nghiệp; Gói hỗ trợ về tài khóa như giảm thuế và gia hạn thời gian nộp thuế; Gói hỗ trợ an sinh xã hội như hỗ trợ tiền cho người lao động trong ngành du lịch bị mất việc hoặc tạm ngừng lao động; tạm dừng đóng một số loại quỹ của bảo hiểm xã hội; điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp…

    Thứ trưởng Lê Quang Tùng chia sẻ về tình hình COVID-19 ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam

    Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đề nghị ASEAN phối hợp hành động nhằm phục hồi ngành Du lịch, triển khai một số biện pháp, hành động cụ thể: (1) Chia sẻ về chính sách, bài học kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch; (2) Tăng cường phối hợp nội khối trong các hoạt động truyền thông, khẳng định hình ảnh ASEAN – một điểm đến chung an toàn, hấp dẫn; thúc đẩy du lịch nội khối khi dịch bệnh được khống chế, điều kiện đi lại ổn định; (3) Thúc đẩy du lịch thông minh, du lịch số, chuyển đổi số trong du lịch; (4) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNWTO, PATA, WTTC, WHO…, các quốc gia đối tác, các đối tác phát triển để tiếp cận các khuyến nghị, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật.

    Tại Hội nghị, Bản tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN về COVID-19 đã được thông qua. Theo đó, các nước cam kết sẽ thực hiện các chính sách và biện pháp minh bạch để củng cố niềm tin của khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đông Nam Á, bao gồm xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn rõ ràng cho một môi trường làm việc an toàn và đảm bảo sức khoẻ hơn cho nhân viên và cộng đồng trong ngành khách sạn và du lịch, các điểm đến và cơ sở du lịch tại các nước thành viên ASEAN.

    Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN về COVID-19 được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các nước trong khu vực

    Trong số các ngành dịch vụ của ASEAN, du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất. Năm 2018, du lịch và lữ hành đóng góp 12,6% cho nền kinh tế ASEAN. Các nước thành viên ASEAN đã đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế kể từ tháng 2, phổ biến là ưu đãi, giảm thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các gói trợ cấp như hỗ trợ tiền mặt, giảm giá hóa đơn tiền điện… cho các hộ gia đình và người lao động; chậm nộp thuế hoặc các khoản thanh toán vay ngân hàng; miễn giảm hoặc giảm phí và lệ phí của chính phủ.
    Dựa theo báo cáo tóm tắt gần đây của ASEAN về việc các quốc gia thành viên cần có các biện pháp bổ sung để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, chúng tôi đề xuất các quốc gia ASEAN cần xem xét các giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng phục hồi, phát triển bền vững và toàn diện du lịch ASEAN sau dịch Covid-19. Cụ thể như sau:
    a) Huy động tất cả các công cụ chính sách vĩ mô, tài chính, chính sách về cấu trúc ngành để hỗ trợ ngành du lịch phục hồi, giảm bớt thiệt hại về kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19
    b) Đảm bảo duy trì năng lực sản xuất của nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch để sẵn sàng khởi động lại, thu hẹp khoảng thiếu hụt về năng suất tối thiểu sau khi lệnh hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Biện pháp quan trọng nhất là hoãn việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ để hỗ trợ các công ty không bị phá sản trong khủng hoảng. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ bảo toàn vốn và sử dụng vốn lưu động sau khủng hoảng.
    c) Duy trì chuỗi cung ứng: Khủng hoảng của đại dịch gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, các mạng lưới tương tác của các bên liên quan như nông nghiệp, thực phẩm, chế biến, vận chuyển, bán lẻ…

    d) Tận dụng công nghệ và thương mại kỹ thuật số: Đại dịch virus corona đã cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ và thương mại kỹ thuật số, nhu cầu tương tác lớn để đáp ứng nhu cầu nhiều mặt do quy định hạn chế di chuyển gây ra.
    e) Tăng cường mạng lưới an sinh xã hội: Mạng lưới an sinh xã hội rất quan trọng đối với giảm nghèo, hỗ trợ tăng trưởng bao trùm và nguồn lực cho những khu vực dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Về lâu dài, mỗi quốc gia thành viên và thậm chí toàn bộ khối ASEAN có thể cần xem xét các phương pháp để tăng cường hơn nữa an sinh xã hội để có sự chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
    f) Tăng cường ứng phó với đại dịch khu vực: Kinh nghiệm Covid-19 đặt ra sự cần thiết của khu vực phải có một cơ chế ứng phó toàn diện và bao trùm đối với sự bùng phát của đại dịch. Cơ chế ứng phó sẽ phải có tính cộng đồng, xuyên biên giới và trụ cột chéo để giải quyết tác động đa chiều của đại dịch trong bối cảnh xem xét các cấu trúc chính phủ và xã hội khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Về mặt kinh tế, một cơ chế ứng phó như vậy sẽ cần giải quyết cả hai nguyên tắc cơ bản trước mắt, chẳng hạn như ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, kết nối chuỗi cung ứng, đồng thời giảm thiểu bất kỳ tác động dài hạn nào đến năng suất bằng cách tăng cường chuẩn bị để xây dựng lại nền kinh tế sau hậu quả của đại dịch. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch hiện tại và tương lai, các nỗ lực quốc gia và khu vực cần được bổ sung và tăng cường hợp tác quốc tế.
    g) Khẳng định lại quyết tâm thúc đẩy hội nhập khu vực: Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 nhấn mạnh cần có sự liên kết của các nền kinh tế và xã hội trong khu vực. Việc nỗ lực bảo đảm sự ổn định kinh tế xã hội, việc làm và sinh kế có ý nghĩa quan trọng đối với tăng cường khả năng phục hồi trong khu vực. Chính sách hội nhập khu vực chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả nếu các quốc gia thành viên nâng cao mức độ cam kết chính trị và thực hiện phối hợp tốt trong khu vực và trên thế giới.

    Tổng hợp tin: Chiến Thắng
    Nguồn: vietnamtourism.gov.vn; asean.org

    Bài cùng chuyên mục