Hội thảo Tham vấn kỹ thuật “Dự thảo Chiến lược du lịch sinh thái cộng đồng Vùng tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế”
Ngày 7-8/8/2018, tại 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Viện Quản lý và Phát triển châu Á (AMDI) với vai trò là nhà thầu thực hiện hoạt động dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tổ chức hội thảo Tham vấn kỹ thuật “Dự thảo Chiến lược du lịch sinh thái cộng đồng Vùng tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế”. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và một số chuyên gia du lịch có uy tín trong ngành là đơn vị tư vấn kỹ thuật. Tham dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về du lịch và các ngành liên quan, chính quyền địa phương trên địa bàn Dự án ưu tiên lựa chọn, đại diện Ban quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia trên địa bàn và Đại diện Dự án, nhà thầu chính ECODIT.
Hội thảo tham vấn kỹ thuật này là bước tiếp theo của nhiều hoat động trong tháng 6 và tháng 7/2018, bao gồm các chuyến khảo sát định hướng, khảo sát kỹ thuật và đánh giá các điểm du lịch sinh thái tiềm năng cho việc xây dựng Chiến lược, 2 mô hình thí điểm và kế hoạch Giám sát & Đánh giá du lịch sinh thái, các cuộc phỏng vấn sâu và khảo sát bằng bảng hỏi ở 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Trước đó, hai cuộc tọa đàm kỹ thuật diễn ra từ ngày 20-22/6/2018 tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã được tổ chức để các bên liên quan thảo luận về cơ hội, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ) của địa phương, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về địa điểm dự án, đóng góp ý kiến về việc xây dựng khung chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái vùng.
Các nhóm thảo luận về Các chương trình chiến lược
Tại hội thảo, các nhóm thảo luận đã chia sẻ, đóng góp ý kiến cho các chương trình cụ thể trong Chiến lược Du lịch Sinh thái Vùng và việc tổ chức thực hiện Chiến lược Du lịch Sinh thái hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, bao gồm chương trình Hoàn thiện thể chế chính sách; Hỗ trợ bảo tồn tài nguyên và văn hóa phục vụ du lịch; Phát triển nguồn nhân lực; Đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; Phát triển sản phẩm; Liên kết và hợp tác; Xúc tiến, quảng bá; và Thí điểm và nhân rộng mô hình DLSTCĐ. Nhiều ý kiến tập trung vào những rào cản về chính sách, những khoảng thiếu hụt trong việc xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, có những khuyến nghị về việc rút kinh nghiệm của những bài học thất bại của các dự án trước và của những công ty du lịch trong nước và quốc tế đã có thị trường, mô hình thực hiện, tuyến điểm du lịch sinh thái để các nhà soạn thảo chiến lược xem xét, hoàn thiện.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong phiên toàn thể tại Quảng Nam
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Tường bày tỏ: cơ hội cho phát triển DLSTCĐ tại tỉnh Quảng Nam còn rất lớn và Dự án có ý nghĩa rất lớn cho phát triển bền vững du lịch Tỉnh, đồng thời đánh giá cao sự có mặt của các bên liên quan là những đơn vị trực tiếp tham gia vào các hoạt động của DLSTCĐ, đặc biệt, vai trò của các doanh nghiệp tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và chiến lược phát triển du lịch nói chung, đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược DLSTCĐ lâu dài trong tương lai./.
Chiến Thắng