Hội thảo “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ”
Triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch 2016, ngày 17/11/2016 Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ”. TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng chủ trì hội thảo, tham dự buổi Hội thảo còn có các đại diện của các địa phương trong vùng như Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia và cơ quan báo chí.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, giá trị riêng có để tạo thành những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thúc đẩy phát triển du lịch Vùng, đưa Bắc Trung Bộ trở thành một vùng du lịch thống nhất, điểm đến hấp dẫn và ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch. Lợi thế nổi bật của vùng Bắc Trung Bộ là hệ thống 9 di sản thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận; đã tạo dựng được một số thương hiệu du lịch như Huế nổi tiếng với sản phẩm di sản và du lịch lễ hội, hang Sơn Đoòng có giá trị nổi bật toàn cầu, Con đường di sản miền Trung, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
TS.Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch, phát biểu tại hội thảo
Nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện đề án đã đề xuất các dòng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng: du lịch văn hóa lịch sử gắn liền với chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc (con đường khát vọng và hòa bình;du lịch vùng phi quân sự DMZ; du lịch đường Hồ Chí Minh trên biển); du lịch văn hóa lịch sử triều Nguyễn gắn với quần thể di tích cố đô Huế; du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa – lịch sử kiến trúc thành nhà Hồ – Lam Kinh; du lịch sinh thái gắn với di sản thiên nhiên thế giới và vùng cảnh quan tự nhiên độc đáo (Phong Nha – Kẻ Bàng; đường 20 Quyết Thắng); du lịch học tập nghiên cứu tìm hiểu các danh nhân văn hóa, lịch sử Việt Nam; du lịch nghỉ dưỡng biển…. Tuy nhiên, do thực tế hiện nay các sản phẩm du lịch trong vùng phát triển còn rời rạc, thiếu tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, một số giải pháp phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù đãg được đề xuất.
ThS.Nguyễn Quốc Hưng – Chủ trì nhiệm vụ, trình bày tại hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đề nghị cần xác định rõ hơn những sản phẩm thực sự đặc thù, trong đó bổ sung các di sản: ca Huế, ẩm thực Huế; sản phẩm khoáng nóng điều dưỡng… Các đại biểu cũng đề nghị nên cân nhắc việc xác định loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển vì nhiều vùng cũng có dòng sản phẩm này; bên cạnh đó, làm rõ hơn về nhu cầu thị trường của các dòng khách.
Trong phát biểu kết luận, chủ trì hội thảo đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, đồng thời tổng kết các vấn đề mà nhóm thực hiện nhiệm vụ cần chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo tổng hợp, báo cáo Tổng cục Du lịch trong thời gian tới.
Tin: Thái Hà ảnh: Văn Tấn