Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo quốc tế hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam – Nhật Bản “Quá tải khách tại các trung tâm du lịch và phát triển điểm đến vệ tinh – Việt Nam và Nhật Bản cùng hướng tới du lịch bền vững”

    Sáng ngày 23/10/2023 tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (trực tiếp là Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) phối hợp với Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản (JTTRI) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: “Quá tải khách tại các trung tâm du lịch và phát triển điểm đến vệ tinh – Việt Nam và Nhật Bản cùng hướng tới du lịch bền vững”.

    Toàn cảnh hội thảo

    Về phía Việt Nam, tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn; các đại biểu đến từ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), đại diện các đơn vị trực thuộc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Lãnh đạo các Sở Du lịch/VHTTDL; đại diện một số cơ sở đào tạo trong lĩnh vực du lịch; đại diện Hiệp hội Du lịch; đại diện các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn; các chuyên gia…

    Về phía Nhật Bản có Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản Shukuri Masafumi, Chủ tịch JTTRI Văn phòng khu vực ASEAN-Ấn Độ (tại Thái Lan) Tetsuya Okuda, cùng các cán bộ. Về phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và ông Kaji Atsushi, Bí thư thứ nhất. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện Hãng hàng không Nhật Bản, đại diện Hãng hàng không Nippon.

    Các đại biểu đại diện chụp ảnh lưu niệm

    Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết: Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa, du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Hội thảo quốc tế hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam-Nhật Bản là một trong những sự kiện quan trọng của ngành du lịch hai quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tại Nhật Bản và Việt Nam đã diễn ra nhiều hoạt động về văn hóa, du lịch như Lễ hội Việt Nam – Nhật Bản 2023, Không gian văn hóa ẩm thực, Lễ hội Phở Việt Nam…, được đông đảo người dân, du khách hưởng ứng. Điều đó cho thấy, hợp tác phát triển du lịch và văn hóa giữa hai nước ngày càng bền chặt, gắn kết và mang lại nhiều kết quả.

    Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu chào mừng tại hội thảo

    Năm 2023, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt, trong đó thị trường khách Nhật Bản đạt 414.444 lượt khách, đứng thứ 5 trong top các thị trường quốc tế đến Việt Nam; khách du lịch nội địa đạt hơn 93,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm sinh kế người dân, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

    Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, đặc biệt là ở các địa phương, điểm đến có sự tăng trưởng mạnh về khách quốc tế và nội địa, đã xuất hiện tình trạng quá tải khách du lịch như tại Sa Pa, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sầm Sơn, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc… Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành của điểm đến; chất lượng cuộc sống người dân địa phương…

    Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam thông tin: Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, Nhật Bản đã áp dụng nhiều chính sách để thu hút du khách quốc tế và đạt được kết quả khá tích cực, trong đó, 9 tháng đầu năm, khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 440.000 lượt. Song du lịch Nhật Bản cũng phải đối mặt với việc tập trung quá đông du khách tại một số điểm đến… Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra các sáng kiến, giải pháp thiết thực từ các nhà quản lý, chuyên gia du lịch, nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản vì sự phát triển bền vững của ngành du lịch hai nước.

    Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu chào mừng

    Hội thảo đã nghe tham luận đề dẫn của các diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của hai quốc gia về “Quá tải khách du lịch tại một số điểm đến ở Việt Nam, phát triển những điểm đến vệ tinh, hướng tới du lịch bền vững” và “Những xu hướng du lịch inbound mới nhất và những nỗ lực của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản để hướng tới du lịch bền vững”.

    Phát biểu tham luận, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải khách du lịch tại Việt Nam, đó là tính mùa vụ của hoạt động du lịch tại nhiều điểm đến; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế; thiếu quy hoạch sức chứa tại điểm đến; không có phương án điều tiết khách hợp lý; sản phẩm chưa đa dạng. Sự bùng nổ nhu cầu du lịch sau đại dịch Covid-19 cũng là một lý do trong ngắn hạn dẫn đến tình trạng này. TS Nguyễn Anh Tuấn đã lấy dẫn chứng về tình trạng “người dân rời bỏ di sản” ở Hội An vì quá tải du lịch. Theo đó, di sản ở Hội An chỉ có 10% do nhà nước quản lý, 20% do tập thể sở hữu nhưng có đến 70% di sản do tư nhân sở hữu. “Chỉ có khoảng 30% người gốc Hội An sở hữu, còn lại của cá nhân từ Hà Nội, TPHCM mua nhà và chỉ cho mở cửa hàng kinh doanh”, đây là điều đáng lo ngại rằng Hội An có thể đánh mất hình ảnh, bản sắc khi cộng đồng địa phương mới chính là những người tạo nên giá trị cho di sản.

    TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch trình bày tham luận tại hội thảo

    Ông Gamo Atsumi – Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) cho biết vấn đề quá tải khách du lịch thậm chí đã được thảo luận ở các phiên họp Nội các Nhật Bản. “Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này, đòi hỏi sự phối hợp giữa chính quyền ở trung ương và địa phương, mà nếu chỉ có nỗ lực ở một bên thì không thể giải quyết được”.

    Ông Gamo Atsumi- Giám đốc tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) trình bày tham luận tại hội thảo

    Trong phiên thảo luận và đối thoại, các đại biểu đánh giá thực trạng phát triển du lịch ở một số điểm đến thu hút đông đảo lượng khách nội địa, quốc tế; thảo luận về vấn đề quản lý sức chứa, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch bền vững; từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm giảm tải sức ép của du lịch tới điểm đến, tập trung vào phát triển điểm đến vệ tinh nhằm chia sẻ lượng khách từ trung tâm, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế các điểm đến vệ tinh…

    Phiên trao đổi thảo luận tại hội thảo

    Cũng tại hội thảo, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) và Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan trong lĩnh vực nghiên cứu, trao đổi thông tin học thuật, tổ chức hội nghị hội thảo… mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai cho hai cơ quan nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực du lịch của hai quốc gia.

    Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản

    Bài cùng chuyên mục