Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hòa Bình

    Sáng ngày 10/12/2019 tại thành phố Hòa Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hòa Bình” nhằm đánh giá hiện trạng sản phẩm du lịch của tỉnh và đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Hòa Bình, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đại diện Sở Du lịch Hà Nội và các cơ quan truyền thông. Đoàn công tác Viện NCPT Du lịch do Phó Viện trưởng Trương Sỹ Vinh làm trưởng đoàn đã tham dự hội thảo và có bài tham luận đề dẫn “Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hòa Bình hiện nay và vấn đề đặt ra để phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đa dạng, phong phú của tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới”.
    Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đã phát biểu chào mừng hội thảo và nhấn mạnh tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Theo đó, Hòa bình có khả năng tiếp cận thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực nhờ hệ thống giao thông tương đối phát triển; có liên kết hợp tác chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong phát triển du lịch. Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Hòa Bình rất phong phú, địa hình đồi núi đá vôi trùng điệp đã tạo nên nhiều hang động đẹp; tài nguyên văn hóa đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Vì vậy, Hòa Bình rất có lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến Hòa Bình và thời gian lưu trú, mức chi tiêu bình quân còn thấp. Điều này đặt ra vấn đề cần giải quyết để đạt được hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường tương xứng với tiềm năng của địa phương.

    Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu khai mạc tại Hội thảo

    Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực liên quan đến phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình, bao gồm: Lập quy hoạch, kế hoạch đảm bảo đáp ứng cầu của khách du lịch cũng như định hướng phát triển kinh tế – xã hội bền vững; Đầu tư phát triển sản phẩm sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; Đầu tư vào các loại hình cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) có thể khai thác thế mạnh tài nguyên du lịch Hòa Bình như homestay, CSLTDL gắn với chăm sóc sức khỏe (xu hướng “wellness”), các mô hình CSLTDL mới như hometel (căn hộ/ nhà ở kết hợp khách sạn) gắn với du lịch chữa bệnh và nghỉ dưỡng, đặc biệt tại các khu vực suối khoáng như suối khoáng Kim Bôi. Bên cạnh các giải pháp về quy hoạch, sản phẩm, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về các phương thức đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch như tham gia các sự kiện Tuần văn hóa – du lịch ở các thị trường nguồn như Hà Nội và ở nước ngoài như Hội chợ Top Resa ở Pháp, thường xuyên mời các đoàn khảo sát FAM tới trải nghiệm sản phẩm du lịch Hòa Bình. Một nhân tố quan trọng khác trong đảm bảo chất lượng sản phẩm là nguồn nhân lực, không những ở cơ sở du lịch, trực tiếp phục vụ khách mà còn ở các cơ quan quản lý du lịch các cấp.

    Toàn cảnh Hội thảo

    Năm 2018, Hòa Bình đón 2,7 triệu lượt khách thăm quan du lịch. Dự kiến năm 2019, Hòa Bình sẽ đón được khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10%. Hòa Bình đặt mục tiêu đón 6,3 triệu lượt khách vào năm 2020 và đến năm 2030 số lượt khách du lịch đến Hòa Bình sẽ tăng gấp đôi so với năm 2020. Các tham luận tại hội thảo cho rằng, để đạt mục tiêu này, cần tăng sức chứa CSLTDL Hòa Bình lên thành 7.000 buồng các loại và hệ thống homestay cần sức chứa từ 7.000–10.000 khách vào năm 2030; mục tiêu từ nay đến năm 2025 nên có thêm từ 1-2 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao.
    Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch Hòa Bình là một trong số các hoạt động của Tuần văn hóa, du lịch Hòa Bình do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức. Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã khẳng định tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của các dân tộc tỉnh Hòa Bình là cơ sở để phát triển du lịch bền vững, đồng thời ghi nhận những việc cần làm để khắc phục một số hạn chế trong quy hoạch, phát triển sản phẩm đặc thù, có chất lượng cao của tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới./.

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục