Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Doanh nghiệp du lịch Việt Nam cam kết đấu tranh chống lại buôn bán và sử dụng động, thực vật hoang dã”

       hoithao dvhd 1Nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đồng hành đấu tranh chống lại nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã, từng bước hình thành kế hoạch hành động tổng thể, phát triển các thông điệp thay đổi hành vi về bảo vệ và giảm thiểu tiêu thụ động thực vật hoang dã, đồng thời lồng ghép các thông điệp vào bộ quy tắc ứng xử và chính sách trách nhiệm xã hội của tổ chức và doanh nghiệp, ngày 14/12/2016, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã phối hợp với Tổ chức TRAFFIC (Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã) tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp du lịch Việt Nam cam kết đấu tranh chống lại buôn bán và sử dụng động, thực vật hoang dã”.
       Ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và bà Nguyễn Tuyết Trinh – cán bộ dự án cao cấp Tổ chức TRAFFIC đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đông đảo đại biểu là đại diện của một số Vụ thuộc Tổng cục Du lịch, đại diện tổ chức TRAFFIC, VCCI, WWF, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm (RTC), cơ quan truyền hình, báo chí.

    hoithao dvhd 2

       Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn khẳng định vị trí quan trọng của ngành Du lịch trong xu thế toàn cầu hóa. Hơn hết, Viện NCPTDL – đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Du lịch, với chức năng, nhiệm vụ của một viện nghiên cứu đầu ngành về Du lịch luôn nỗ lực vì sự phát triển du lịch bền vững và sẽ chung tay, góp sức cùng với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trong việc trong công cuộc chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và gắn kết khách hàng của mình trở thành những khách du lịch có trách nhiệm.
       Theo bà Nguyễn Tuyết Trinh, tổ chức TRAFFIC thành lập năm 1976, có tổng cộng hơn 120 nhân viên (25 quốc tịch) làm việc tại hơn 30 quốc gia. Mục tiêu đến năm 2020 của TRAFFIC là hỗ trợ giảm thiểu tác động của buôn bán trái phép và không bền vững động thực vật hoang dã đối với đa dạng sinh học  đồng thời tạo điều thúc đẩy những tác động bền vững và tích cực trong lĩnh vực khai thác nhằm bảo tồn thiên nhiên. Bà Trinh cũng đã phân tích rõ khái niệm “buôn bán động thực vật hoang dã” và tình hình buôn bán động thực vật hoang dã trên thế giới và tại Việt Nam với những con số đáng để cho đại biểu tham dự hội thảo phải suy ngẫm: hơn 1 triệu tê tê bị vận chuyển, buôn bán; 100.00 voi Châu Phi bị giết hại; tỷ lệ tê giác bị giết hại tăng 9000%. 
    Ngày 1/4/2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện và tịch thu 97kg ngà voi trong hành lý của một hành khách trên chuyến bay từ Công-gô về Việt Nam. Đồng thời, bà Trinh cũng đưa ra một số ví dụ về các doanh nghiệp đã thành công trong việc lồng ghép nội dung bảo vệ động thực vật hoang dã vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình như: Chiến dịch “TÔI KHÔNG PHẢI LÀ ĐỒ LƯU NIỆM” của Công ty Buffalo Tours, Chiến dịch “Không buôn bán trái phép động thực vật hoang dã mang lại cho tôi một cơ hội sống” – Tổ chức INTREPID… 

       Hội thảo cũng đã nghe tham luận của bà Lê Thị Thu Thủy – Phó giám đốc SME, về Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) và ý nghĩa của việc thúc đẩy lồng ghép bảo vệ động, thực vật hoang dã trong TNXHDN đối với doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất thông điệp thay đổi hành vi phù hợp với doanh nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và hướng dẫn cách lồng ghép bảo vệ động thực vật hoang dã trong TNXHDN.

    hoithao dvhd 3 hoithao dvhd 4

       Tại phiên thảo luận, các đại biểu là đại diện của các doanh nghiệp du lịch cũng đã chia sẻ về tình hình hành động của doanh nghiệp và khách du lịch đối với vấn đề bảo vệ động thực vật hoang dã. Ông Nguyễn Quốc Trung, Công ty Vidotour, chia sẻ rằng đối với khách du lịch quốc tế của Vidotour, họ đã có những nhận thức nhất định về động thực vật hoang dã, điều mà khách du lịch mong muốn được trải nghiệm là những nét văn hóa bình dân, cổ truyền của Việt Nam nhất là ẩm thực đường phố, trò chơi dân gian của Việt Nam chứ không phải những món ăn, thú tiêu khiển từ những động vật hoang dã. Ông Đinh Long Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong, đã chia sẻ Tiên Phong luôn bám sát những tiêu chí 4 Không đối với khách du lịch: không xả rác ra môi trường, không tiêu dùng động thực vật hoang dã, tôn trọng các di tích lịch sử, không lạm dụng đối với các tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, ông Tuấn cũng chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép, truyền tải thông điệp bảo vệ động thực vật hoang dã của công ty trong từng tour du lịch từ lực lượng phục vụ khách cho tới khách du lịch.
       Ngoài ra, trong phiên thảo luận nhóm, đại diện 5 nhóm doanh nghiệp đã đề xuất ý tưởng để thực hiện lồng ghép bảo vệ động, thực vật hoang dã trong TNXHDN. Các nhóm đều khẳng định rằng Du lịch là ngành đi tiên phong cho hoạt động này mà khách du lịch và lực lượng phục vụ khách du lịch là hai lực lượng đông đảo cần đi sâu, đi sát trong việc giáo dục và tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ động thực vật hoang dã. Hơn hết, cần có sự kết giữa Viện NCPTDL và tổ chức TRAFFIC để lồng ghép các nội dung bảo vệ động thực vật hoang dã trong các hội thảo, sự kiện về du lịch; khoanh vùng những địa phương có động thực vật hoang dã để có thể tuyên truyền sâu rộng cho cộng đồng địa phương nhất là lực lượng hoạt động trong ngành du lịch. Cốt lõi vấn đề các nhóm đều đã khẳng định muốn biến hoạt động này trở thành trách nhiệm trước hết phải biến nó thành văn hóa của mỗi cá nhân và của cả xã hội và đi từ những từ những hoạt động động nhỏ nhất (lồng ghép giáo dục trong những tour dành cho học sinh, sinh viên; khẩu hiệu, logo về bảo vệ động thực vật hoang dã trong các cơ quan, doanh nghiệp…)

    hoithao dvhd 5


       Hội thảo đã chứng kiến lễ ký cam kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tiên phong và cam kết hành động chống buôn bán và bảo vệ động thực vật hoang dã.
       Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổng kết những kết quả đã đạt được tại hội thảo. Đồng thời, ông Nguyễn Anh Tuấn mong muốn sự tham gia và hợp tác trong tương lai giữa Viện NCPTDL và cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong việc tuyên truyền thông điệp một cách hiệu quả và cách lồng ghép bảo vệ động thực vật hoang dã trong hoạt động kinh doanh.
       Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp với những kết quả đạt được có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

    Diệu Linh, Jinnee

    Bài cùng chuyên mục