Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Kế hoạch hành động phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam”

    Sáng ngày 19/7/2022, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến “Kế hoạch hành động phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam”, xoay quanh các vấn đề, giải pháp và hành động trong việc phát triển sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, quản lý điểm đến, tiếp thị và chuyển đổi số. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã cử đại diện tham gia hội thảo trên. Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban Thư ký TAB điều hành hội thảo, cùng với nhóm chuyên gia: ông Jan Bjarnason, ông Gavin Bell, ông Trần Xuân Mới và ông Đào Quang Thuận. Hội thảo có sự tham gia của các đại đến từ Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo du lịch.

    Mở đầu hội thảo, ông Gavin Bell (Chuyên gia Marketing và Phát triển sản phẩm) cho biết nhu cầu và mong đợi của du khách thay đổi theo thời gian dưới tác động của truyền thông và sự phát triển hiểu biết toàn cầu nhanh chóng. Cụ thể, du khách có xu hướng tìm kiếm nwhxng trải nghiệm chất lượng và chân thực, muốn có sự kết nối với người bản địa, muốn tạo ra những thay đổi tích cực qua việc đi du lịch, ưu tiên các yếu tố an toàn, sạch sẽ và có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, dù có các điểm mạnh cốt lõi như thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, biển và con người để đáp ứng mong đợi của du khách, du lịch Việt Nam vẫn đang diễn ra theo hướng truyền thống, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu sự mới mẻ và các sản phẩm độc đáo khiến du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, không muốn lưu lại lâu hơn và không trở lại. Vì vậy, chính quyền, người dân và các doanh nghiệp địa phương cần cùng nhau đánh giá tiềm năng và tạo ra các trải nghiệm chất lượng cao dựa trên tính độc đáo, đặc thù, tránh quá tải du lịch tại các điểm đến truyền thống, đáp ứng tốt các nhu cầu khác nhau trên thị trường và nâng cao năng lực quản lý du lịch nội địa.

    Ông Gavin Bell trình bày các vấn đề và giải pháp cho việc phát triển sản phẩm du lịch

    Trình bày các vấn đề về việc phát triển nguồn nhân lực, ông Trần Xuân Mới (Chuyên gia Phát triển nguồn Nhân lực) chia các vấn đề thành các nhóm nhỏ, lần lượt là nhân viên tuyến đầu (nhân viên xuất nhập cảnh, nhân viên hải quan, nhân viên an ninh…), nhân viên trong ngành (nhân viên phục phụ, cấp quản lý, người đào tạo, nhân viên hàng không, tài xế taxi), các doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở đào tạo và các chính sách của chính phủ. Nhìn chung, các vấn đề phổ biến bao gồm kỹ năng giao tiếp và phục vụ chưa đạt chất lượng, trình độ ngoại ngữ chưa tốt, không đủ nguồn nhân lực, không có trang web hoặc ứng dụng tập trung tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tài chính thấp, thủ tục phức tạp, chính sách chồng chéo, chung chung hoặc khó áp dụng. Đặc biệt về mảng đào tạo, các cơ sở đào tạo có nhiều tài liệu đào tạo khác nhau tạo ra sự chênh lệch trong chất lượng đầu ra, kiến thức về chuyển đổi số cũng không được hoặc ít được đưa vào các chương trình đào tạo. Một số giải pháp được kiến nghị bao gồm hệ thống hóa và thống nhất các tài liệu đào tạo, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp để làm rõ yêu cầu của họ trong việc tuyển dụng, chuyển đổi số, xây dựng các chương trình đào tạo cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

    Ông Trần Xuân Mới trình bày các vấn đề và giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực

    Tiếp tục hội thảo, ông Jan Bjarnason (Chuyên gia Quản lý điểm đến và Chính sách Du lịch) trình bày các vấn đề ở mức quốc gia và mức vùng, khu vực. Ông cho biết, hiện nay các điểm đến còn thiếu kế hoạch tổng hợp, thiếu quy định xây dựng, sức chứa của điểm đến chưa được khai thác hợp lí, một số nơi phát triển quá mức gây áp lực cho cơ sở hạ tầng… Sự phát triển du lịch thiếu kiểm soát này sẽ tác động lên môi trường và văn hóa như việc phát triển quá mức gây suy mòn môi trường tự nhiên và di sản văn hóa, tăng giá bất động sản ảnh hưởng tiêu cực đến tính toàn vẹn của cộng đồng, những phát triển chưa hoàn thiện tác động đến môi trường và nhận thức về chất lượng của điểm đến. 

    Ông Jan Bjarnason trình bày các vấn đề của việc quản lý điểm đến

    Ông Gavin Bell cũng chia sẻ rằng có rất nhiều vấn đề của tiếp thị đi kèm theo với phát triển sản phẩm và các chiến dịch tiếp thị hiện tại của Việt nam có nhiều điểm tương đồng với chiến dịch của các đối thủ trong khu vực. Việt Nam cần đánh giá và định vị lại thương hiệu điểm đến hiện nay và xây dựng lại một thương hiệu với cảm xúc mạnh mẽ hơn, tập trung vào trải nghiệm độc đáo của Việt Nam. Bên cạnh các phương thức xúc tiến, quảng bá truyền thống, Việt Nam cũng cần thúc đẩy việc chuyển đổi số trong nghiên cứu thị trường, phân tích và tiếp thị, quản lý nội dung hiệu quả hơn để làm thương hiệu mạnh lên, đầu tư kinh phí để thực hiện các phương thức mới mẻ và sáng tạo. Hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam vẫn là mối quan hệ hợp tác với khối tư nhân bởi họ có nhiều ưu đãi du lịch, hiểu thị trường và hiểu các đối tác quốc tế của họ. 

    Ông Gavin Bell trình bày các vấn đề và giải pháp cho tiếp thị và xúc tiến quảng bá du lịch

    Ông Đào Quang Thuận (Chuyên gia Chuyển đổi số) trao đổi rằng một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi số hiện nay bao gồm việc các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân chưa hiểu rõ chuyển đổi số là gì, bộ VHTTDL và TCDL chưa có kế hoạch, hướng dẫn, bộ quy tắc nào để dẫn dắt các bên liên quan thực hiện hoặc tuân theo và chưa có đủ kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như kinh phí để gắn tầm nhìn với thực tế triển khai. Ngoài ra, Trung tâm Thông tin Du lịch đã xây dựng một số nền tảng và ứng dụng trên điện thoại di động nhưng hầu như khối tư nhân không biết đến, các dữ liệu chưa được chuẩn hóa, các bên chưa phối hợp để kết nối các dữ liệu đó. Ông Đào Quang Thuận cũng để xuất một số giải pháp như thành lập một mạng lưới và tổ công tác đặc biệt gồm các chuyên gia về chuyển đổi số trong du lịch ở các cấp, tổ chức các khóa tập huấn cho tất cả các cấp, xây dựng một kế hoạch chuyển đổi số cụ thể cho ngành du lịch Việt Nam, tăng cường truyền thông, trao đổi giữa khối công và tư nhân.

    Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng Kế hoạch Tổng thể Phục hồi và Phát triển Bền vững Du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026 và rất nhiều ý kiến thiết thực đã được đưa ra. 

    Tin & Ảnh: Hồng Anh

     

    Bài cùng chuyên mục