Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Đánh giá kết quả phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, định hướng giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo”

    Ngày 11/11/2021, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Đánh giá kết quả phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, định hướng giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo”, do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức. Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cùng các nhà quản lý điểm đến, chuyên gia, các nhà tư vấn, doanh nghiệp du lịch, và đại diện các khoa Du lịch của các trường đại học, các cơ sở đào tạo. Với mục đích đề ra những định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2021 – 2025 cũng như các năm tiếp theo, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn được lắng nghe, tiếp thu, và tham khảo ý kiến của các đại biểu tham dự nhằm củng cố những phương án và chiến lược phục hồi, phát triển du lịch của Thủ đô khi trong thời gian sắp tới.

    Phát biểu đề dẫn về kết quả phát triển du lịch Hà Nội trong giai đoạn 2016 – 2020, bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã phân tích dựa trên 2 thời điểm: trước và sau khi xảy ra đại dịch COVID-19. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng bình quân đạt 10,1%/năm; riêng lượng khách quốc tế đã ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 21.2%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu, năm 2020 Hà Nội chỉ đón 8,65 triệu lượt khách, đưa tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn sụt giảm (-6,0%), tổng thu từ khách du lịch giảm 73%, công suất bình quân khối khách sạn giảm 38% so với năm 2019, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, vv… Báo cáo cũng đã chỉ ra những mặt khó khăn và hạn chế của du lịch Hà Nội trong thời gian vừa qua, bao gồm: (1) sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch, chưa có đổi mới, sáng tạo và sức cạnh tranh; (2) chất lượng dịch vụ, chất lượng điểm đến còn kém; (3) cơ chế phối hợp giữa các ngành còn nhiều hạn chế; (4) thiếu doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm tiêu biểu đặc sắc; (5) công tác quy hoạch phát triển du lịch còn chậm trễ, (6) số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế và (7) vấn đề môi trường, tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch. Những nguyên nhân được chỉ ra có cả lý do khách quan (do dịch bệnh) và chủ quan, xong, những lý do chủ quan vẫn là những mấu chốt cần phải giải quyết và tìm cách tháo gỡ hơn bao giờ hết, chẳng hạn như chưa quyết đoán; chưa có quyết sách; hạ tầng thủ đô còn yếu kém; chính sách thu hút đầu tư không hấp dẫn; thiếu sự liên kết, hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố và quốc gia khác.

    Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu đề dẫn tại hội thảo

    Với những vấn đề đặt ra, thành phố đã đề xuất những nhiệm vụ, định hướng chính cho kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể là: (1) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; (2) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường; (3) Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường; (4) Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường khách du lịch; (5) Hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; (6) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; (7) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
    Buổi hội thảo đã tiếp tục với các bài tham luận đến từ các chuyên gia về những vấn đề nổi trội của du lịch Hà Nội, xoay quanh về việc cơ cấu lại hệ thống sản phẩm du lịch Hà Nội trong bối cảnh phát triển mới; đổi mới, đa dạng hóa công tác đào tạo du lịch để nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch, định hướng lại thị trường khách du lịch và một số mô hình hợp tác công – tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên.

    Toàn cảnh hội thảo

    Đóng góp tại hội thảo, ThS. Nguyễn Hoàng Mai – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã trình bày tham luận về “Định hướng lại thị trường du lịch – Hướng đi mới để phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội trong thời gian tới”. Với việc tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 diễn ra thuận lợi, Việt Nam và rất nhiều nước tại châu Á khác đã có thể sẵn sàng tái khởi động lại ngành du lịch. Trong đó, đối với du lịch quốc tế, sự phục hồi hoạt động du lịch phụ thuộc nhiều vào các yếu tố dịch tễ, có thể ứng dụng hộ chiếu vaccine và thí điểm đón khách quốc tế thông qua một số chuyến bay thuê bao, đến từ 1 số quốc gia an toàn ở châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Australia… Đối với du lịch nội địa, việc khôi phục hoạt động du lịch phải đi với phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”, hướng tới mục tiêu phục hồi, thúc đẩy Du lịch phát triển bền vững, an toàn. Bài tham luận cũng nhấn mạnh những thay đổi trong xu hướng chuẩn bị cho chuyến đi, thay đổi hành vi và lựa chọn điểm đến của khách du lịch, cho thấy rằng khách du lịch rất quan tâm đến sự an toàn, bền vững và hạn chế tiếp xúc của các hoạt động du lịch, và họ cũng có xu hướng đi ngắn ngày hơn, theo nhóm nhỏ hơn và sử dụng phương tiện cá nhân. Từ đó, 3 giai đoạn tái khởi động du lịch Hà Nội được đề xuất, gồm có: Giai đoạn 1 là công đoạn tập trung phục hồi thị trường khách du lịch nội địa – nội thành; Giai đoạn 2 tập trung vào vấn đề phát triển bền vững thị trường du lịch nội địa và Giai đoạn 3 để phục hồi và phát triển thị trường khách du lịch quốc tế. Với thị trường nội địa, cần ưu tiên cung cấp các sản phẩm du lịch cho việc vui chơi, nghỉ dưỡng, stay-cation cho khách nội thành; du lịch MICE kết hợp mua sắm giải trí, du lịch đêm cho khách công vụ và các loại hình du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, sinh thái, du lịch lễ hội, văn hóa-lịch sử cho khách du lịch thuần túy. Về thị trường quốc tế, cần ưu tiên thu hút các thị trường gần và truyền thống (Đông Bắc Á, Đông Nam Á) trong những giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, sau đó dần dần bao gồm thêm các thị trường xa (Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ) và các thị trường mới, ngách (Nam Á, châu Phi, Trung Đông).

    Phát biểu kết thúc hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng đã có những chỉ đạo về giải pháp phát triển du lịch Hà Nội. Ông cho rằng Hà Nội chính là một trong những điểm quan trọng nhất liên kết các địa phương khác và có những đặc điểm du lịch đặc thù với nhiều tiềm năng có thể tiếp tục khai thác và phát triển trong những giai đoạn tiếp theo. Những vấn đề về chuyển đổi số; cơ cấu lại các sản phẩm du lịch bằng những sản phẩm mang tính trải nghiệm, chất lượng; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và thu hút đầu tư cũng như các biện pháp để “giã đông ngành du lịch”, thích ứng an toàn trong bối cảnh dịch bệnh sẽ là những ưu tiên cho Thủ đô. Tổng cục trưởng cũng bày tỏ sự vui mừng trước những tham luận, góp ý và góc nhìn của các vị đại biểu có mặt tại hội thảo, và hy vọng rằng du lịch của Hà Nội cũng như cả nước sẽ sớm tìm được đà phục hồi để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình tái mở cửa du lịch một cách an toàn trong thời gian tới.

    Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu kết thúc hội thảo

    Buổi hội thảo kết thúc trong không khí phấn khởi của các bên tham gia về những định hướng và sáng kiến đạt được trong quá trình chương trình diễn ra. Bà Đặng Hương Giang đã bày tỏ mong muốn các bên liên quan tạo động lực và điều kiện tốt nhất cho du lịch Hà Nội phát triển, hướng tới hình ảnh Thủ đô an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn.

    Kiều Trinh

    Bài cùng chuyên mục