Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025

    Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Để Chiến lược và Chương trình hành động được xây dựng, hoàn thiện một cách khoa học, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính thực tiễn, khả thi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Hội nghị được tổ chức vào sáng ngày 28/6/2021 tại Trụ sở Bộ, số 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội và điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    Hội nghị trực tuyến tại 63 tỉnh/thành trên cả nước

    Đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tới dự và chủ trì Hội nghị, cùng các đồng chí Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương. Hội nghị thu hút sự tham dự của các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo trung ương, các Bộ, ngành liên quan, UBND và sở quản lý văn hóa, du lịch các tỉnh/thành phố, các hiệp hội và các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

    Về Dự thảo Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030
    Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hoá, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ VHTTDL đã chủ động tổng kết Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam trong thời gian qua và triển khai xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, nội hàm trọng tâm là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc. Theo Bộ trưởng, từ quan điểm và nhận thức sâu sắc về những luận điểm mới mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Bộ đã chỉ rõ những thành tựu, hạn chế, rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chiến lược thời gian qua.
    “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã giảm bớt tính hàn lâm nhưng vẫn dẫn luận lại những quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những luận điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, từ đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp. Trên cơ sở quan điểm và mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trong dự thảo Chiến lược, chúng ta cần bổ sung, nhấn mạnh điểm nào để khi tổ chức thực hiện không đi chệch hướng…”, Bộ trưởng gợi mở. Bộ trưởng đề nghị, từ hướng tiếp cận mục tiêu tổng quát là khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh, đi kèm là các mục tiêu cụ thể, các đại biểu cần đối chiếu để thấy các chỉ tiêu, định hướng có phù hợp hay không, đặc biệt là chỉ tiêu về thiết chế, đời sống văn hóa cơ sở… theo hướng thực chất hơn.
    Trình bày tóm tắt nội dung Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện… Theo đó, Chiến lược đi sâu vào nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Dự thảo Chiến lược đã được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo các nhóm vấn đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong ngành và đã tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học…
    Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia ý kiến đã thống nhất cao với dự thảo Chiến lược, các ý kiến đến từ UBND Tp. Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND tỉnh Lào Cai, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp.

    Về Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 -2025

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Bộ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 trong lĩnh vực du lịch (gọi tắt là Chương trình hành động) đã cụ thể hoá việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch đã được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Qua đó, tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện các Nghị quyết, Chiến lược ở những giai đoạn trước, phấn đấu đưa ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra”.
    Vì vậy, đây là một nhiệm vụ quan trọng đã được Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Du lịch, trực tiếp là Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khẩn trương xây dựng.
    Bộ trưởng cho biết, trong Chương trình hành động này, Bộ VHTTDL đã đề ra những giải pháp mang tính chất căn cơ nhằm khắc phục hậu quả Covid-19 gây ra, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh bình thường mới. Bên cạnh đó, thay đổi trong nhận thức và tiếp cận, cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán và cân bằng thị trường.
    Trình bày tóm tắt nội dung của dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết Chương trình hành động đề xuất 7 nhóm Nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên với 17 Chương trình/Đề án/Nhiệm vụ cụ thể (tại Phụ lục) mà Bộ VHTTDL sẽ tổ chức triển khai thực hiện nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong trong giai đoạn 2021 – 2025.

    Các đại biểu góp ý tại Hội nghị trực tuyến

    Hội nghị đã nghe ý kiến góp ý từ đại diện các địa phương trọng điểm du lịch như Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lâm Đồng và đại diện Hiệp hội Du lịch. Các đại biểu đều đánh giá cao tính khả thi và hiệu quả mà Chương trình hành động sẽ mang lại khi đi vào thực thi, ngoài ra, cũng tập trung góp ý về một số vấn đề cần bổ sung như những hành động hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau đại dịch Covid-19, cơ chế chính sách thu hút đầu tư tại các khu vực động lực phát triển du lịch hay công tác xúc tiến quảng bá, định vị lại thị trường du lịch nội địa…

    Toàn cảnh Hôi nghị

    Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Sau thời gian làm việc nghiêm túc, Hội nghị với sự tham gia của hơn 1.400 đại biểu tại điểm cầu trung tâm của Bộ VHTTDL và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị đã định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực Du lịch. Ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến góp ý, trong đó có 11 tham luận trực tiếp. Các góp ý đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng. Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp này, hoàn thiện dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành”.

    Hoàng Mai

    Bài cùng chuyên mục