Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Diễn đàn lữ hành toàn quốc “Lữ hành Việt Nam 2021 – Giải pháp khôi phục và phát triển”

    Ngày 12/01/2021, tại Cát Bà – Hải Phòng, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải tổ chức Diễn đàn “Lữ hành Việt Nam 2021 – Giải pháp khôi phục và phát triển” nhằm tìm ra những giải pháp khả thi, thiết thực khôi phục hoạt động lữ hành sau đại dịch Covid-19, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của các dịch vụ du lịch, đưa Du lịch Việt Nam nhanh chóng trở lại vị trí ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
    Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch; Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chi hội Lữ hành thuộc Hiệp hội du lịch các tỉnh/thành phố trong cả nước, các đối tác của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – TS. Nguyễn Anh Tuấn được mời tham dự và có bài trình bày tham luận tại Diễn đàn.
    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, Du lịch Việt Nam trong những năm qua đã trở thành một hiện tượng của du lịch thế giới với tốc độ tăng trưởng cao và đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý, tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành Du lịch. Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound, doanh thu giảm gần 60% so với 2019. Covid-19 không những tàn phá nền kinh tế mà còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế. Các quy định về giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp… đã làm cho dịch vụ trên mạng trở thành một trong những phương thức được ứng dụng rộng rãi nhất. Là ngành nhạy cảm với xã hội, du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh. Thông qua Diễn đàn lữ hành toàn quốc lần này, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam mong muốn được nghe ý kiến từ các nhà lãnh đạo ngành, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành đưa ra được nhiều giải pháp để ngành Du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển. Các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó cần giữ chân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, phấn đấu sớm đưa du lịch trở lại nhịp độ tăng trưởng.

    Toàn cảnh Diễn đàn

    Diễn đàn gồm hai phiên thảo luận: “Phiên 1: Lữ hành Việt Nam – Giải pháp 2021”; “Phiên 2: Lữ hành Việt Nam hướng đến tương lai”. Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã có nhiều tham luận, ý kiến đưa ra nhằm trao đổi, thảo luận việc đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh lữ hành trong tình hình mới; tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả của chương trình kích cầu du lịch; đổi mới công tác xúc tiến và quảng bá du lịch; đổi mới hoạt động lữ hành quốc tế sau dịch Covid-19, chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép; nâng tầm du lịch nội địa, đưa thị trường nội địa thành bộ phận chủ lực của du lịch Việt Nam; phát triển nhanh các loại hình du lịch Mice, phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch, nhằm nâng cao sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam; nhân lực du lịch Việt Nam trong thời đại 4.0… Cũng tại diễn đàn, ông Bùi Tuấn Mạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải đã giới thiệu tiềm năng du lịch, vị thế của quần đảo Cát Bà, cùng với quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp đưa Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế trong thời gian tới.

    TS. Nguyễn Anh Tuấn trình bày tham luận tại diễn đàn

    Trình bày bài tham luận, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, năm 2020, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt hoạt động du lịch, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu mới, mở ra cơ hội điều chỉnh lại hệ thống sản phẩm du lịch và hình thức cung ứng dịch vụ, trong đó, việc thay đổi cách thức hoạt động theo hướng linh hoạt, sáng tạo và bền vững hơn đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa loại hình du lịch, cần phát triển nhanh các loại hình du lịch MICE, phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch, thu hút được cả thị trường khách du lịch quốc tế và trong nước, nâng cao sự hấp dẫn, khẳng định thương hiệu và tính cạnh tranh của Du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch MICE có liên quan tới việc phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch biển, đảo… Trong đó đặc biệt gắn với du lịch đô thị và du lịch golf. Việc phát triển sản phẩm du lịch đô thị tại các thành phố lớn sẽ thúc đẩy phát triển du lịch MICE, kết hợp mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí, công viên, dịch vụ giải trí về đêm, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực và đời sống đô thị. Và khi loại hình du lịch golf ngày càng phát triển thì càng thu hút lượng khách có khả năng chi trả cao, góp phần tăng tỷ trọng du lịch cao cấp của Việt Nam. Loại hình du lịch MICE nên ưu tiên đầu tư các lĩnh vực về phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch; điều phối, quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực du lịch MICE; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường nguồn nhân lực du lịch và liên kết kinh tế địa phương.

    Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã khẳng định tại diễn đàn các doanh nghiệp đã tiếp nhận được nhiều bài học bổ ích. Để vượt qua khó khăn sau khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp lữ hành phải tái cơ cấu lại trong công tác quản trị, xây dựng văn hóa riêng của doanh nghiệp, thực hiện tốt những công việc tưởng chừng đơn giản nhất, hiểu thị trường, hiểu được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, từ đó tiếp cận và cung cấp sản phẩm tốt hơn đến khách hàng, trong đó phân khúc và chọn lọc các sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với từng đối tượng khách… Đồng thời cần xác định hướng đi phù hợp sau Covid-19, phải tìm hiểu kích cầu, kích hoạt lại thị trường du lịch nội địa, liên kết với nhau để thu hút khách hàng hiệu quả, bên cạnh đó tập trung nâng cao nguồn nhân lực hoạt động trong ngành du lịch và ứng dụng số hóa để tối ưu nhân lực, tiếp cận khách hàng tốt hơn. Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng giao Tổng cục Du lịch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tham mưu bài bản các giải pháp để triển khai có hiệu quả hướng đi khôi phục du lịch trong năm 2021.

    Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra các Lễ ký kết hợp tác Du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam – UBND huyện Cát Hải; Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh – Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng – Hiệp hội Du lịch Hải Phòng; Liên minh kích cầu Du lịch miền Bắc – miền Nam – Flamingo Holding./.

    Trần Cường

    Bài cùng chuyên mục