Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Cuộc họp của Ủy ban ứng phó với khủng hoảng du lịch toàn cầu của UNWTO

    Thông điệp: Ở nhà hôm nay, để có thể đi du lịch ngày mai – Stay home today so you can #TravelTomorrow

    Cuộc họp trực tuyến của Hội đồng ứng phó với khủng hoảng du lịch toàn cầu

    Ngày 20/3/2020, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến tại Madrid với sự tham gia của đại diện các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Hội đồng Điều hành và các Ủy ban khu vực UNWTO, cùng các cấp lãnh đạo thuộc khu vực tư nhân. Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã gây ra khủng hoảng nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới và ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Giám đốc UNWTO, các đại biểu tham dự phiên họp thống nhất về việc thành lập một Ủy ban ứng phó với khủng hoảng du lịch toàn cầu nhằm xây dựng một hướng dẫn toàn cầu để sớm phục hồi ngành du lịch. Theo đó, Ủy ban sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến để nâng cao hiệu quả phối hợp công – tư và các cơ quan LHQ, các tổ chức tài chính quốc tế.
    Tại cuộc họp, ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký của UNWTO cho biết: Tình trạng khẩn cấp y tế chưa từng xảy ra này đã gây ra khủng hoảng kinh tế và chi phí xã hội rất lớn, trong đó ngành du lịch phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và chúng ta chưa lường hết được tác động của nó đối với ngành du lịch trên thực tế như thế nào.
    Các đại biểu tham dự đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với ảnh hưởng của đại dịch làm mất đi hàng triệu việc làm. 80% tổng số các doanh nghiệp du lịch trên toàn thế giới ở quy mô vừa và nhỏ. Có thể nói, đại dịch toàn cầu sẽ có ảnh hưởng xã hội lớn hơn vượt ra ngoài tác động đối với du lịch, khiến cho cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại.

    Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa, điều phối hiệu quả hơn nữa để chính sách kinh tế của các chính phủ và các khoản viện trợ của các tổ chức và các cơ quan tài chính đến được với mọi thành phần của xã hội. Du lịch được xem là một đối tác đáng tin cậy, tác động tới các ngành khác và là động cơ cho sự phục hồi xã hội và cộng đồng. Để thực hiện hiệu quả mối quan hệ đối tác giữa các bên cần phải có sự thỏa thuận và hợp tác chính trị giữa các bộ, có sự tham gia sâu rộng của khu vực công và tư với kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn nữa của các tổ chức tài chính và các cơ quan ở tầm khu vực.

    Nhân dịp này, các đại biểu đã hưởng ứng thông điệp của UNWTO “Ở nhà hôm nay để có thể đi du lịch vào ngày mai” được quảng bá trên truyền thông số với dòng chữ #TravelTomorrow.

    Bên cạnh đó, UNWTO đang phối hợp cùng xây dựng tài liệu hướng dẫn với các khuyến nghị nhằm phục hồi ngành du lịch. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến đóng góp cho các khuyến nghị. Đồng thời, UNWTO cũng phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới WHO xác định những ý tưởng mới khả thi để giúp du lịch tăng trưởng bền vững trở lại. Theo đó, các chính phủ và các cơ quan chức năng cần thực hiện các khuyến nghị để giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với ngành du lịch và nhanh chóng phục hồi.

    Ủy ban ứng phó với khủng hoảng du lịch toàn cầu
    Ủy ban được thành lập với sự tham gia của các cơ quan liên quan đến du lịch của LHQ, cùng với WHO và đại diện ngành hàng không, vận tải hàng hải, và khu vực tư nhân. Các thành viên đại diện của UNWTO đóng vai trò quan trọng của Ủy ban này, gồm chủ tịch khu vực và chủ tịch của Hội đồng điều hành.
    Tham gia cuộc họp trực tuyến còn có đại diện các cơ quan LHQ như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO); Chủ tịch Hội đồng Điều hành và các Ủy ban khu vực UNWTO và đại diện từ khu vực tư nhân như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI), Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC), Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA).

    (Theo UNWTO)

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục