Khảo sát thực địa dự án “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
Triển khai thực hiện dự án “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được ký kết giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch. Từ ngày 27-30/11/2017, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn công tác khảo sát thực địa tại tỉnh Lạng Sơn do TS. Dương Đình Hiền, Phó trường phòng phụ trách Phòng Quy hoạch Phát triển Du lịch làm trưởng đoàn.
Lạng Sơn là mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên là 8.331,24 km2, nơi có 253 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, có 02 cửa khẩu quốc tế đường sắt, đường bộ và 02 cửa khẩu quốc gia. Lạng Sơn có hệ thống giao thông rất thuận lợi cả về đường sắt, đường bộ nối Lạng Sơn với các tỉnh trong nước và ngoài nước, bao gồm các tuyến đường giao thông quan trọng như quốc lộ 1A Lạng Sơn – Hà Nội, quốc lộ 1B Lạng Sơn – Thái Nguyên, quốc lộ 4A Lạng Sơn – Cao Bằng, quốc lộ 4B Lạng Sơn – Quảng Ninh, quốc lộ 31 Lạng Sơn – Bắc Giang, quốc lộ 279 Lạng Sơn – Bắc Kạn và tuyến đường sắt liên vận Quốc tế Việt – Trung.
Về tài nguyên du lịch, Lạng Sơn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như: Động Tam Thanh, Nhị Thanh, Nàng tô Thị, núi Mẫu Sơn, hang Thẩm Khách… Bên cạnh đó, Lạng Sơn có nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng như: Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc, di tích khởi nghĩa Bắc Sơn… Lạng Sơn có dân số hơn 75 vạn người (năm 2013), gồm 7 dân tộc chính, trong đó dân tộc Nùng chiếm 43%, dân tộc Tày 36%, dân tộc kinh 16%, còn lại là các dân tộc Dao, Hoa, Mông, Sán Chay cùng chung sống, với những phong tục, tập quán, lễ hội, những làn điệu dân ca, hát then, hát sli, hát lượn… làm say đắm lòng người, những phiên chợ vùng cao, những sắc màu trang phục truyền thống, những áng ca dao, ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc…
Với những điều kiện như vậy, xác định là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch như thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các Chỉ thị, Nghị quyết, Chuyên đề và Chương trình hành động đẩy mạnh phát triển du lịch. Trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch, du lịch Lạng Sơn phát triển nhanh và đóng vai trò tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến nay, nhiều chỉ tiêu về du lịch của tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh mới, du lịch thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển tích cực và phát triển nhanh chóng. Du lịch nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng, nhà nước và toàn xã hội, thể hiện qua việc Quốc hội ban hành Luật du lịch 2017 (sửa đổi), Bộ chính trị ban hành nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ, Bộ VHTTDL, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động thực hiện nghị quyết 08/NQ-TW, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải điều chỉnh lại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, thử thách nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển du lịch của địa phương, nhóm thực hiện dự án của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã cố gắng tối đa để thực hiện khảo sát, nghiên cứu, thu thập dữ liệu của tất cả những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch bất kể khó khăn, trở ngại về thời tiết, thời gian, giao thông đi lại,.. Các địa bàn khảo sát của nhóm nghiên cứu bao gồm: Thành phố Lạng Sơn, huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng, Bắc Sơn, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Đình Lập, Hữu Lũng với sự cộng tác giúp đỡ nhiệt tình của Sở VHTTDL Lạng Sơn và UBND các huyện. Chuyến khảo sát đã kết thúc tốt đẹp, đoàn khảo sát đã thu được những kết quả mong muốn, là nguồn dữ liệu quan trọng để hoàn thành dự án “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”./.
Một số hình ảnh từ đoàn khảo sát
Tin và ảnh: Văn Dương