Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát Khánh Sơn phục vụ triển khai đề án “Đề án phát triển du lịch huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030”

    Trong khuôn khổ triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch huyện Khánh sơn, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch với tư cách là đơn vị tư vấn trực tiếp cho UBND huyện Khánh Sơn đã tổ chức chuyến khảo sát tại địa phương từ ngày 03 – 07/01/2023 dưới sự chỉ đạo của Phó viện trưởng Đỗ Thị Thanh Hoa.

    Đỉnh đèo Khánh Sơn – khu vực tổ chức lễ hội Trái cây Khánh Sơn

    Khánh Sơn được ví như “Đà Lạt thứ hai”, là một huyện miền núi thuộc tỉnh Khánh Hoà với diện tích 33.802 ha, phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh, Đông Bắc giáp Diên Khánh, Đông giáp thành phố Cam Ranh, Nam và Tây giáp tỉnh Ninh Thuận. Huyện có 7 xã (Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Sơn Trung, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam) và 1 thị trấn Tô Hạp. Khánh Sơn cách sân bay Cam Ranh hơn 55km, cách thành phố Nha Trang hơn 85 km. Dân cư tại huyện hơn 70% là người dân tộc Raglai, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp của huyện chiếm đến 94% tổng diện tích tự nhiên.

    Trong thời gian làm việc tại Khánh Sơn, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát các điểm du lịch tiềm năng như đỉnh đèo Khánh Sơn, thị trấn Tô Hạp, đồi thông Sơn Hiệp, nhà dài truyền thống của người dân tộc Raglai (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp), đồi thông Thanh Niên, thác Tà Gụ, tuyến trekking Tà Giang, một số nhà vườn sầu riêng thuộc xã Sơn Bình, điểm di tích lịch sử Cách mạng Xóm Cỏ gắn với hang Tỉnh Uỷ, các điểm ngắm cảnh check-in săn mây tại các xã Ba Cụm Nam và Ba Cụm Bắc, vườn dừa, homestay đồi Sim và đồi Mơ tại xã Ba Cụm Bắc, cây di sản Việt Nam thuộc Thôn A pa 2, xã Thành Sơn, điểm dừng chân HTX Điền Thanh – nơi tổ chức cắm trại và thưởng thức đặc sản địa phương trong dịp lễ hội trái cây của huyện…Đồng thời, Đoàn công tác đã trao đổi với UBND huyện Khánh Sơn, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hoà, cùng một số doanh nghiệp và nhà đầu tư về phát triển du lịch huyện.

    Cảnh quan đường vào thác Tà Gụ
    Thác Tà Gụ – Xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn
    Một trong những điểm săn mây thuộc huyện Khánh Sơn
    Nhà dài truyền thống của người Raglai

    Thực tế cho thấy, Khánh Sơn là một huyện hoàn toàn có tiềm năng để phát triển du lịch, thu hút một lượng khách nhất định từ các thị trường khách lớn hơn như Nha Trang, Ninh Thuận, Đà Lạt. Trước mắt, huyện cũng đã được một số nhà đầu tư lớn quan tâm và có kế hoạch triển khai dự án như Crystal Bay, Vingroup… Tuy nhiên, để phát huy hết các tiềm năng và thế mạnh của huyện trong phát triển du lịch, trước hết UBND huyện và các sở, ban ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, nhất là việc hợp pháp hoá việc tổ chức tour trekking Tà Giang. Ngoài ra còn những vấn đề về hạn chế nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng lưu trú chưa phát triển, việc đảm bảo an toàn cho các hoạt động trekking chưa được quan tâm thích đáng, vấn đề khôi phục và bảo tồn văn hoá dân tộc Raglai, vấn đề vệ sinh môi trường…

    Điểm di tích cây di sản Việt Nam
    Đoàn trao đổi với đơn vị dẫn tour Tà Giang
    Đoàn làm việc với UBND xã Ba Cụm Nam

    Qua quá trình khảo sát và hội ý, trao đổi giữa các chuyên gia tư vấn và các cơ quan quản lý tại địa phương cùng các đơn vị, cá nhân cung ứng dịch vụ, có thể thấy du lịch huyện Khánh Sơn mới manh nha tự phát, chưa có sự đầu tư và định hướng phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia tư vấn cũng đã bước đầu định hình hướng phát triển cho du lịch huyện. Trong đó, điểm nhấn cần tập trung phát triển là du lịch sinh thái gắn với các hoạt động trekking, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên vùng núi tại đồi thông Sơn Hiệp, thác Tà Gụ và tour trekking Tà Giang. Bên cạnh đó, huyện cũng nên tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch bổ sung như:

    – Trải nghiệm du lịch cộng đồng gắm với văn hoá bản địa dân tộc Raglai như nhà dài truyền thống, sử thi, đàn đá và nếp sống, sinh hoạt của người dân;

    – Trải nghiệm vườn trái cây gắn với một số loại nông sản đặc trưng của địa phương như sầu riêng, bưởi da xanh, chuối, măng cụt và phát triển các sản phẩm OCOP từ những sản vật này;

    –  Trải nghiệm săn mây, check-in tại một số điểm

    Ngoài ra, huyện cũng cần tăng cường liên kết với huyện KhánhVĩnh trong phát triển sản phẩm, kết nối với Ninh Thuận, Nha Trang, Lâm Đồng để xây dựng tour tuyến và thu hút thị trường khách từ các tỉnh/ thành này. Trong định hướng dài hạn đến năm 2030, huyện có thể tập trung thu hút đầu tư để phát triển một số khu vực nghỉ dưỡng cao cấp vùng núi mang nét đặc trưng riêng của địa phương.

    Chuyến khảo sát là bước đầu ghi nhận những thực tế tại địa phương và đây sẽ là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu phân tích, đánh giá và triển khai đề án phục vụ việc phát triển du lịch tại huyện Khánh Sơn. Dự kiến, sau chuyến khảo sát, nhóm nghiên cứu Viện NCPT du lịch sẽ đẩy nhanh công tác hoàn thiện đề án và tổ chức hội thảo trong tháng 03/2023./.

    Tin & Ảnh: Phương Mai

    Bài cùng chuyên mục