Họp xin ý kiến nhiệm vụ “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”
Ngày 24/11/2017, tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã diễn ra buổi họp xin ý kiến chuyên gia về nhiệm vụ “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”. Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn chủ trì, tham gia buổi họp còn có lãnh đạo các phòng ban, đơn vị và nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch mà Viện đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch giao thực hiện trong năm 2017. Mục tiêu của nhiệm vụ là Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở đó đề xuất hệ thống giải pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Sản phẩm du lịch đặc thù không phải là một thuật ngữ mới nhưng nghiên cứu về sản phẩm du lịch đặc thù trên thế giới lại không có nhiều và không thống nhất. Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là đơn vị đầu tiên và duy nhất đưa ra khái niệm và cơ sở lý luận sơ lược về sản phẩm du lịch đặc thù. Theo Viện NCPT Du lịch, “sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm được xây dựng dựa trên giá trị đặc sắc, độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện của tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/ điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/sự mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bới tính độc đáo và sáng tạo”. Việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù không những có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chiến lược phát triển sản phẩm của điểm đến, tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn có ý nghĩa trong việc xác định hình ảnh thương hiệu, cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động marketing.
Ths. Nguyễn Thị Lan Hương trình bày báo cáo
Các đại biểu tham dự
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm 8 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận là một trong 7 vùng Du lịch của cả nước theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam. Vùng có thế mạnh nổi trội về du lịch nghỉ dưỡng biển. Những năm qua, việc phát triển du lịch biển đã góp phần đáng kể vào thay đổi diện mạo du lịch vùng cũng như đóng góp quan trọng vào phát triển du lịch đất nước. Tuy nhiên, hiện các loại hình du lịch Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chưa thật sự đặc sắc để thu hút khách du lịch quay trở lại. Tồn tại lớn nhất của Vùng chính là việc thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù nhưng lại thừa các sản phẩm du lịch trùng lắp. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các địa phương trong vùng có sự tương đồng về tài nguyên du lịch cũng như yếu tố địa lý. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm du lịch mới chỉ mang tính địa phương, cục bộ, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vẫn chưa được xem như là bài toán chung quan trọng của cả Vùng.
Ghềnh đã đĩa – (Phú Yên) – thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Vùng
Tại cuộc họp, Ths. Nguyễn Thị Lan Hương, thay mặt nhóm thực hiện nhiệm vụ trình bày một số kết quả đã thực hiện của nhiệm vụ. Theo đó, nội dung chính của báo cáo bao gồm: đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển sản phẩm du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Xác định giá trị cốt lõi để phát triển thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù; Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù theo từng cấp độ của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Định hướng phát triển thị trường trọng điểm đến vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Đề xuất hệ thống giải pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện cũng đã xin ý kiến các chuyên gia trong Viện về một số vấn đề còn khúc mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Các chuyên gia trong Viện đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến về cấu trúc báo cáo, các vấn đề lý luận, phương pháp nghiên cứu, hệ thống giải pháp và một số nội dung cụ thể khác.
Kết thúc buổi họp, Viện trưởng yêu cầu nhóm thực hiện nhiệm vụ tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp và tiếp tục hoàn thiện báo cáo nhiệm vụ để trình thẩm định, nghiệm thu trong thời gian sắp tới.
Tin và ảnh: Văn Dương