Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Các yếu tố biểu hiện của xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam

    Từ khóa: Người cao tuổi ở Việt Nam; Khách du lịch người cao tuổi tại Việt Nam; xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam.

    Giới thiệu chung về bài viết

    Trong những năm qua, số lượng khách du lịch người cao tuổi ngày càng tăng nhanh, là một thị trường ngách quan trọng của thị trường khách du lịch nội địa với nhu cầu rất đa dạng. Người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay đang là một trong những nhóm đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và đáp ứng những nhu cầu của họ, trong số những nhu cầu ấy, nhu cầu du lịch là một trong những nhu cầu không thể thiếu.

    Du lịch người cao tuổi là một phân khúc quan trọng của thị trường du lịch nội địa. Trong khi đó, các chiến lược, chính sách phát triển du lịch của ngành hiện nay dường như chưa chú ý nhiều đến phân khúc này, chưa có các định hướng và chính sách cụ thể. Việc nghiên cứu các yếu tố biểu hiện của xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam hiện nay còn rất ít, dẫn đến sự thiếu vắng cơ sở để định hướng về thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp cũng như chính sách của ngành. Chính vì vậy, bài viết này dựa trên hệ thống cơ sở lý thuyết về hành vi tiêu dùng của khách để đưa ra các các yếu tố biểu hiện của xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam, đây là cơ sở đề xuất một số định hướng, chính sách nhằm thúc đẩy phân khúc thị trường khách du lịch người cao tuổi tại Việt Nam.

    Bài viết này sử dụng phương pháp thu thập thông tin, tài liệu nghiên cứu, tổng hợp và phân tích: để thực hiện bài viết này, nhóm nghiên cứu đã thu thập nhiều thông tin, tài liệu thứ cấp trong và ngoài nước, đặc biệt là trong phần cơ sở lý thuyết về hành vi tiêu dùng du lịch. Các số liệu, tài liệu hiện trạng cũng được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo tính khách quan. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu tiến hành tổng hợp, phân tích đánh giá và đưa ra các yếu tố biểu hiện về xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam, là cơ sở để đề xuất các định hướng, giải pháp.

    Khái niệm về người cao tuổi

    Có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi. Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ người già để chỉ những người có tuổi, hiện nay “người cao tuổi” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Hai thuật ngữ này tuy không khác nhau về mặt khoa học, song về tâm lý, “người cao tuổi” là thuật ngữ mang tính tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng.

    Theo WHO: Người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên. Một số nước phát triển như Đức, Hoa Kỳ… lại quy định người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định ở mỗi nước có sự khác biệt là do sự khác nhau về lứa tuổi có các biểu hiện về già của người dân ở các nước đó khác nhau. Những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Do đó, các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn, nên việc quy định về tuổi của các nước cũng khác nhau. 

    Theo quan điểm y học “Người cao tuổi” là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Tại Việt Nam, theo Luật Người cao tuổi Việt Nam [6] quy định: Người cao tuổi là “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”. 

    Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có 12 triệu người cao tuổi (chiếm 12%) dân số. Người cao tuổi là một lực lượng xã hội đông đảo và có vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Với kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình lao động, cống hiến; với những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, người cao tuổi được coi là một nguồn lực quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.

    Khái niệm hành vi tiêu dùng và hành vi tiêu dùng du lịch

    Hành vi tiêu dùng:

    Hành vi tiêu dùng được hiểu là những phản ứng mà các cá nhân biểu lộ trong quá trình đưa ra quyết định mua hàng hóa, dịch vụ nào đó. Nắm được hành vi của người tiêu dùng sẽ giúp cho các doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm, những chiến lược tiếp thị và kinh doanh sản phẩm phù hợp.

    Hành vi người tiêu dùng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua sắm hay từ chối sản phẩm của doanh nghiệp. Hành vi của người mua chịu ảnh hưởng của bốn yếu tố chủ yếu: văn hóa, xã hội, cá nhân, và tâm lý. Tất cả những yếu tố này cho biết cách tiếp cận và phục vụ người mua một cách hiệu quả hơn. Vì thế, nghiên cứu hành vi tiêu dùng cùng với những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng giúp nhận biết và dự đoán xu hướng tiêu dùng của từng đối tượng khách hàng cụ thể.

    Theo Hiệp hội marketing Hoa Kỳ, hành vi người tiêu dùng là những suy nghĩ, cảm nhận và những hành động mà khách hàng thực hiện trong quá trình tiêu dùng.

    Theo Peter D.Bennet (1988), hành vi của người tiêu dùng là những hành vi thể hiện trong việc tìm kiếm, mua, sử dụng, đánh giá sản phẩm và dịch vụ mà họ mong đợi sẽ thỏa mãn nhu cầu cá nhân của họ.

    Theo Philip Kotler, “hành vi của người tiêu dùng là việc nghiên cứu cách các cá nhân, nhóm và tổ chức lựa chọn, mua, sử dụng và loại bỏ hàng hóa, dịch vụ, ý tưởng và trải nghiệm để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của họ”.

    Tác giả Trần Minh Đạo (2012), cho rằng, hành vi mua của người tiêu dùng là toàn bộ hành động mà người tiêu dùng bộc lộ trong quá trình trao đổi sản phẩm. Hay nói cách khác, hành vi mua của người tiêu dùng là một quá trình ra quyết định từ việc nhận biết nhu cầu, đến tìm kiếm thông tin, đánh giá các phương án, quyết định mua và đánh giá sau khi mua.

    Fishbein và Ajzen (1975), cho rằng Hành vi là những hành động quan sát được của đối tượng được quyết định bởi ý định hành vi. Ý định hành vi (Behavioral intention) đo lường khả năng chủ quan của đối tượng sẽ thực hiện một hành vi và có thể xem như một trường hợp đặc biệt của niềm tin. Được quyết định bởi thái độ của một cá nhân đối với các hành vi và chuẩn chủ quan.

    Khái niệm về hành vi tiêu dùng được nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu định nghĩa và đưa ra khái niệm, tuy có khác nhau về cách thức thể hiện song chúng đều có nội dung là: hành vi tiêu dùng là những suy nghĩ, cảm nhận và những hành động mà khách hàng thực hiện trong quá trình tiêu dùng nhằm để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của họ

    Hành vi tiêu dùng du lịch

    Bản chất của hành vi người tiêu dùng là một quá trình phức tạp bởi nó xuất phát từ những nhân tố tâm lý bên trong. Trong du lịch, quá trình này trở nên phức tạp hơn bởi tính vô hình của sản phẩm du lịch cũng như tính gián đoạn và tích lũy trong khi tiêu dùng (Corria, Santos, & Pestana Barros, 2007).

    Hành vi tiêu dùng du lịch được hiểu là hành vi mà du khách thể hiện trong việc tìm kiếm mua, sử dụng, đánh giá và loại bỏ các sản phẩm du lịch mà họ mong muốn sẽ thỏa mãn nhu cầu trong chuyến du lịch (Nguyễn Hoàng Đông, 2020. Tr.14).

    Tiến trình ra quyết định tiêu dùng du lịch của du khách là một chuỗi phức tạp của các quyết định như lựa chọn điểm đến nào, tham quan ở đâu, tham quan cái gì, khi nào đi, đi với ai, đi bao lâu, chi phí khoảng bao nhiêu (A. G. Woodside & S. Lysonski, 1989); (Woodside & MacDonald, 1994); (Hyde, 2008); (Oppewal, Huyber, & Crouch, 2015). Trong đó, lựa chọn điểm đến là một trong những quyết định quan trọng của chuyến đi, nó được các nhà nghiên cứu lựa chọn căn cứ vào vị trí địa lý đến tham quan và du lịch (Kim, Hallab, & Kim, 2012); (Byon & Zhang, 2010)).

    Như vậy, hành vi tiêu dùng du lịch cũng giống như hành vi tiêu dùng thông thường, là hành vi thể hiện những nhận thức, thái độ, cảm xúc và những hành động mà khách du lịch thực hiện trong quá trình lựa chọn điểm đến nhằm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn tham quan du lịch của họ. 

    Các yếu tố biểu hiện của xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam

    Nghiên cứu hành vi tiêu dùng thông qua những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến hành vi tiêu dùng du lịch giúp nhận biết và dự đoán đoán được xu hướng tiêu dùng du lịch của từng đối tượng khách du lịch.

    Hành vi tiêu dùng du lịch là một nội dung cụ thể của hành vi tiêu dùng nói chung về tiến trình ra quyết định tiêu dùng du lịch. Để nghiên cứu hành vi tiêu dùng du lịch, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu, tìm hiểu một số mô hình lý thuyết về hành vi tiêu dùng. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng trong các mô hình lý thyết hành vi là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng du lịch. Một số mô hình lý thuyết về hành vi của người tiêu dùng có giá trị trong việc tìm ra các yếu tố biểu hiện của xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam đó là:

    1. Mô hình hộp đen người tiêu dùng

    Năm 1967, Philip Kotler, người tiên phong nghiên cứu về hành vi tiêu dùng đã thể hiện tổng quát ban đầu về các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng thông qua mô hình hộp đen người tiêu dùng trong cuốn sách “Quản lý tiếp thị”. Kotler đã chỉ ra rằng trong hộp đen của người tiêu dùng, bị kích thích bởi các yếu tố “Môi trường” bao gồm: sản phẩm, giá cả, khuyến mãi, địa điểm và các kích thích khác như kinh tế, chính trị, xã hội và công nghệ. Các kích thích này, chi phối sự lựa chọn sản phẩm, lựa chọn thương hiệu, lựa chọn địa điểm bán lẻ, lựa chọn đại lý, thời gian mua, số lượng mua và tần suất mua của khách hàng.

    Lý thuyết của Kotler cho rằng sự khác biệt trong hành vi của người mua phụ thuộc vào nội dung của “hộp đen”, bao gồm các đặc điểm của người mua và quy trình ra quyết định. (1) Các đặc điểm của người mua bao gồm: thái độ, động cơ, nhận thức, nhân cách, lối sống, hiểu biết; (2) Quy trình ra quyết định bao gồm các bước: nhận biết vấn đề, tìm kiếm thông tin, đánh giá thay thế, quyết định mua và hành vi sau mua.

    Hình 1. Mô hình hộp đen người tiêu dùng

    Nguồn: Mô hình của Phillip Kotler 1967 

    Lý thuyết mô hình hộp đen người tiêu dùng cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng bao gồm: (1) các yếu tố bên trong đó là: đặc điểm của người mua hàng và quy trình ra quyết định của người mua; (2) các yếu tố môi trường bên ngoài: yếu tố sản phẩm, giá cả, phân phối, tiếp thị, kinh tế, công nghệ, xã hội và văn hóa.

    2. Mô hình lý thuyết hành vi người tiêu dùng

    Mô hình lý thuyết về hành vi người tiêu dùng đã được Philip Kotler và Keller công bố năm 2013. Mô hình lý thuyết này thể hiện sự hoàn thiện hơn so với mô hình “Hộp đen”. Trong đó, các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua của người tiêu dùng trong mô hình được xác định: (1) Tâm lý người tiêu dùng; (2) Đặc điểm người tiêu dùng; (3) Quy trình ra quyết định mua; Mô hình này phân chia các yếu tố môi trường bên ngoài thành: (4) Các yếu tố kích thích từ tiếp thị và (5) các yếu tố kích thích khác.

    Hình 2. Mô hình hành vi người tiêu dùng

    Nguồn: Mô hình của Kotler và Keller 2013

    3. Mô hình lý thuyết hành động hợp lý (TRA)

    Mô hình lý thuyết hành động hợp lý của nhóm tác giả Fishbein và Ajzen,(1975), mô hình lý thuyết này cho rằng ý định hành vi dẫn đến hành vi được quyết định bởi thái độ cá nhân đối hành vi, cùng với sự tác động của yếu tố chuẩn chủ quan xung quanh việc thực hiện các hành vi đó. 

    Hình 3. Mô hình thuyết hành động hợp lý (TRA)

    Nguồn: Fishbein và Ajzen, 1975

    Mô hình được xây dựng để giải thích và dự báo về ý định hành vi người tiêu dùng. Mô hình này quan tâm đến hành vi của người tiêu dùng cũng như xác định khuynh hướng hành vi của họ. Trong đó, khuynh hướng hành vi là một phần của thái độ hướng tới hành vi. Mitra Karami, 2006 cho rằng mô hình này tiên đoán và giải thích xu hướng để thực hiện hành vi bằng thái độ hướng đến hành vi của người tiêu dùng. Mô hình lý thuyết hành động hợp lý (TRA) là cơ sở xác định ý định hành vi tiêu dùng hay xu hướng tiêu dùng mà nhiều nghiên cứu sau này đã sử dụng để phân tích ý định hành vi tiêu dùng dựa trên hai yếu tố thái độ hướng đến hành vi và chuẩn chủ quan của người tiêu dùng.

    4. Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB)

    Lý thuyết hành vi có kế hoạch là sự mở rộng của lý thuyết TRA. Lý thuyết hành vi có kế hoạch cho rằng ý định thực hiện hành vi chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố: thái độ đối với hành vi; nhận thức về áp lực xã hội hay ảnh hưởng mang tính xã hội đối với hành vi cá nhân, khả năng kiểm soát hành vi được cảm nhận. Lý thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991) định nghĩa về ý định hành vi tiêu dùng như sau: Ý định hành vi là một dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng của một cá nhân để thực hiện một hành vi nhất định. Nó được coi là tiền đề của việc thực hiện hành vi. Nó dựa trên thái độ đối với hành vi, quy chuẩn chủ quan và kiểm soát hành vi.

    Hình 4. Mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch

    Nguồn: Ajzen, 1991

     Theo Ajzen (1991), thái độ dẫn đến hành vi là mức độ mà biểu hiện của hành vi đó được chính bản thân cá nhân đánh giá là tích cực hay tiêu cực. Thái độ của người tiêu dùng có ảnh hưởng tới ý định của họ (Ajzen & Fishbein, 1985). Phát triển trên cơ sở của khái niệm này, Chaniotakis, Lymperopoulos, và Soureli (2010) đã chỉ ra rằng thái độ dẫn đến hành vi là đánh giá của cá nhân đó cho rằng việc thực hiện hành vi là xứng đáng với số tiền bỏ ra. Matos, Ituassu, và Rossi (2007) cũng đề cập đến thái độ dẫn đến hành vi của người tiêu dùng là do người tiêu dùng cho là việc sử dụng sản phẩm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích và đó chính là sự lựa chọn tốt nhất đối với bản thân họ. Các nghiên cứu vừa nêu trên đều cho thấy giữa thái độ và ý định hành vi luôn có một mối liên hệ. Thái độ càng tích cực thì khách hàng càng dễ phát sinh ý định.

    Theo thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991), thì ngoài hai yếu tố tác động đến hành vi là thái độ đối với hành vi, tiêu chuẩn chủ quan, thì hành vi của người tiêu dùng còn chịu tác động của nhận thức về kiểm soát hành vi. 

    5. Lý thuyết Mô hình Hành vi giữa các cá nhân

    Theo Triandis (1971), hành vi là một chức năng toàn diện của ý định, phản ứng theo thói quen và những ràng buộc và điều kiện tình huống. Do đó, ý định bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội và tình cảm bên cạnh quá trình xử lý hợp lý. Hành vi bị ảnh hưởng bởi niềm tin đạo đức, nhưng có sự điều tiết bởi cả những động lực, cảm xúc và những hạn chế về nhận thức.

    Nghiên cứu của Traindis và cộng sự (1971) đưa ra Mô hình Hành vi giữa các cá nhân, theo đó quyết định hành vi cá nhân sẽ bị tác động bởi 3 thành phần: (1) Ý định hành vi, (2) Thói quen (sức mạnh của thói quen) và (3) có/không có các điều kiện để tạo điều kiện cho hành động xảy ra. Mô hình hành vi giữa các cá nhân có sự tương đồng với mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB). Theo Traindis, ý định hành vi chịu tác động từ thái độ, cảm xúc và các tác động từ yếu tố xã hội. Trong đó, Thái độ chịu tác động của 2 yếu tố đó là niềm tin về kết quả và đánh giá về kết quả của người tiêu dùng. Các yếu tố tác động từ xã hội cũng tương tự như yếu tố kích thích người tiêu dùng trong mô hình hành vi người tiêu dùng của Kotler và Keller (2013) hay yếu tố chuẩn chủ quan trong mô hình TRA và TPB.

    Hình 5. Mô hình Hành vi giữa các cá nhân

    Nguồn: Traindis và cộng sự 1971

    Mô hình Hành vi giữa các cá nhân của Traindis và cộng sự (1971) cho thấy yếu tố thói quen của người tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyết định hành vi tiêu dùng và được xác định thông qua tần suất của hành vi trong quá khứ.

    Mô hình Hành vi giữa các cá nhân của Triandis và cộng sự (1971) cung cấp một sơ đồ liên kết hợp lý giữa các khía cạnh xã hội với các điều kiện ảnh hưởng, thái độ, kinh nghiệm và cảm xúc. Mặc dù mô hình này đã được triển khai ít hơn so với mô hình TPB, nhưng nó có giá trị giải thích bổ sung, đặc biệt bao gồm các khái niệm về niềm tin và thói quen. Mô hình Triandis và cộng sự (1971) cung cấp một vai trò rõ ràng cho các yếu tố tình cảm về ý định hành vi.

    6. Các yếu tố biểu hiện của xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam

    Khung lý thuyết về hành vi của người tiêu dùng được nhóm nghiên cứu tổng hợp dựa trên 5 mô hình lý thuyết về hành vi tiêu dùng đó là: Mô hình hộp đen người tiêu dùng; mô hình hành vi người tiêu dùng; mô hình hành động hợp lý; mô hình hành vi có kế hoạch và mô hình hành vi giữa các cá nhân. Đây là hệ thống cơ sở lý thuyết quan trọng để nhóm nghiên cứu ứng dụng trong việc xây dựng mô hình nghiên cứu Hành vi tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi tại Việt Nam qua đó dự đoán xu hướng tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi Việt Nam. Trên cơ sở hệ thống lý thuyết hành vi tiêu dùng, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình các yếu tố biểu hiện xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam như sau:

    Hình 6. Mô hình các yếu tố biểu hiện xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam

    Nguồn: Nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Ý định hành vi du lịch

    Ý định hành vi du lịch là xu hướng hay một dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng của một cá nhân để thực hiện một hành vi du lịch. Nó được coi là tiền đề của việc thực hiện hành vi. Ý định hành vi du lịch được xác định dựa trên thái độ, động cơ, cảm xúc đối với hành vi du lịch. Cụ thể, Ý định hành vi du lịch phụ thuộc đặc điểm cá nhân, tâm lý người tiêu dùng và các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài.

    Thói quen tiêu dùng du lịch

    Một phản ứng hành vi đã học được gắn liền với một tình huống thường xuyên lặp lại. Thói quen tiêu dùng là một tập hợp các hành vi mà khách du lịch thường áp dụng khi mua sản phẩm, dịch vụ du lịch. Những thói quen này được hình thành chủ yếu bởi yếu tố kinh nghiệm du lịch trước đây.

    Điều kiện du lịch

    Mỗi cá nhân đều có nhu cầu du lịch nhưng điều đó có được đáp ứng hay không còn tuỳ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như sức khoẻ, điều kiện kinh tế, thời gian, khả năng tiếp cận điểm đến, mức độ an ninh an toàn, khả năng đáp ứng của điểm đến…những điều kiện này có tác động đến quyết định du lịch của người tiêu dùng du lịch cao tuổi.

    Hành vi tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi Việt Nam

    Hành vi tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi Việt Nam là phản ứng cụ thể có thể quan sát được của một cá nhân người tiêu dùng du lịch cao tuổi trong một tình huống nhất định đối với một mục tiêu du lịch. Theo mô hình nhóm nghiên cứu đề xuất, để nghiên cứu xu hướng tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi Việt Nam thì cần phải nghiên cứu hành vi tiêu dùng du lịch của người cao tuổi, hành vi tiêu dùng du lịch của người cao tuổi bị tác động bởi các yếu tố: ý định hành vi du lịch, thói quen du lịch và các điều kiện du lịch của người cao tuổi.

    Xu hướng tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi Việt Nam

    Xu hướng tiêu dùng du lịch trong đặc điểm tâm lý cá nhân người cao tuổi là sự hướng tới mục tiêu du lịch. Đó là hệ thống các nhân tố thúc đẩy tính tích cực du lịch của người cao tuổi. Xu hướng tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi Việt Nam cho biết ý muốn hoặc chiều hướng hành vi của người cao tuổi thúc đẩy họ hành động theo ý định hành vi du lịch. Hay nói cách khác, xu hướng tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi Việt Nam là khuynh hướng hành vi, hay một dấu hiệu cho thấy ý định hành vi của khách du lịch cao tuổi về việc thực hiện một hành vi tiêu dùng du lịch. Xu hướng tiêu dùng du lịch của khách du lịch cao tuổi Việt Nam chịu sự tác động của các yếu tố kích thích bên trong, bên ngoài và khả năng kiểm soát hành vi của người cao tuổi về mong muốn và sự hứng thú du lịch tại điểm đến.

    Kết luận 

    Bài viết này của nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm về người cao tuổi tại Việt Nam, các khái niệm về hành vi tiêu dùng và hành vi tiêu dùng trong lĩnh vực du lịch. Thông qua các lý thuyết về hành vi tiêu dùng nói chung, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình các yếu tố biểu hiện xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam. Việc phân tích, làm rõ mức độ hiểu biết, thái độ và hành động, chọn sử dụng dịch vụ du lịch cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng dịch vụ du lịch của khách du lịch cao tuổi tại Việt Nam là cơ sở quan trọng để đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp, cũng như định hướng thị trường, sản phẩm du lịch tại các điểm đến nhằm thu hút phân khúc khách du lịch cao tuổi tại Việt Nam./.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Tài liệu tham khảo tiếng Việt

    [1] Dương Đình Bắc (2012), Giáo trình tâm lý học du lịch, Nxb Hà Nội.
    [2] Phạm  Văn Đại (2016), Hành vi lựa chọn sản phẩm du lịch của du khách Việt Nam. Luận án tiến sĩ Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
    [3] Vũ Minh Đức (2008), Giáo trình tâm lý học hành vi trong tiêu dùng của khách hàng, Nxb Thống kê, Hà Nội.
    [4] Đinh Trung Kiên (1999), Giáo trình nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.
    [5] Luật Du lịch Việt Nam (2017), Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017
    [6] Luật Người cao tuổi (2009), Luật số: 39/2009/QH12, Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2009.
    [7] Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2022), Nghiên cứu xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam.

    Tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài

    [8] Ajzen, I. (1985). From intention to actions: A theory of planned behavior. Heidelberg, Germany: Springer Press.
    [9] Ajzen (1991), The  theory of planned  behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(1), 179–211.
    [10] Kotler và Keller (2013), Quản trị marketing, NXB. Lao động Xã hội
    [11] Roberts J.A (1996), ‘’Green Consumers in the 1990s: profile and implications for Advertising’’, Journal of Business Research, Vol.40, No1, pp.79-89.
    [12] Triandis, H. C. (1971). Attitude and Attitude Change New York, John Wiley and Sons, Inc.

    ThS. Nguyễn Quốc Hưng

    Phòng Nghiên cứu CS,QH & MTDL

    Bài cùng chuyên mục