Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Tiềm năng phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam

    Trong thời gian gần đây, Farmstay đang nổi lên như một xu thế mới trong du lịch bởi tính hấp dẫn và mang lại giá trị lâu dài. Farmstay là một hình thức của du lịch nông nghiệp, rất phù hợp cho những du khách đang tìm kiếm những trải nghiệm thực tế và độc đáo về nông nghiệp và văn hóa bản địa, vùng miền. Đó là chưa kể Farmstay còn rất phù hợp để đổi mới giáo dục, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện tính tự giác, tự lập… nên được nhiều gia đình trẻ ưa chuộng và lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần. Farmstay là hình thức du lịch nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tế, là sự kết hợp giữa hoạt động nông nghiệp và hoạt động du lịch.

    Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình farmstay, cụ thể:

    – Tiềm năng về các giá trị tự nhiên 

    Khí hậu Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm không thuần nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hình thành nên các miền và vùng khí hậu khác nhau rõ rệt. Khí hậu Việt Nam thay đổi theo mùa và theo vùng từ thấp lên cao, từ bắc vào nam và từ đông sang tây. Với khí hậu nêu trên đã đem đến sự đa dạng về thiên nhiên, khoáng sản phong phú, tài nguyên sinh vật đa dạng và quý hiếm. Đặc biệt, mang lại nền nông nghiệp nhiệt đới phát triển, cây cối quanh năm ra hoa kết quả.

    Việt Nam có quỹ đất nông nghiệp lớn. Tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích đất nông nghiệp tại Việt Nam là 27.994.319 ha, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên. Đó là những tiềm năng “có một không hai”, được ví như một “kho tàng khổng lồ” nhưng hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ. Mặt khác, sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam đã tạo ra sự phong phú của cảnh quan sinh thái tự nhiên, từ đó tạo ra sự đa dạng cho giống cây trồng Việt Nam và giống vật nuôi Việt Nam.

    Tính đến hết năm 2022, dân số Việt Nam đạt gần 99,5 triệu người, trong đó dân số thành thị gần 37,1 triệu người, chiếm 37,3%; dân số nông thôn gần 62,4 triệu người, chiếm 62,7%. Đây là nguồn lao động dồi dào trong phát triển các mô hình trang trại nông thôn.

    Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình, đa dạng tài nguyên là điều kiện cho việc phát triển và tồn tại bền vững cho hệ sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Đó chính là điều cốt lõi để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở một nước nông nghiệp như Việt Nam.

    – Tiềm năng về các giá trị văn hóa 

    Việt Nam có đến 54 dân tộc anh em trải dài trên mọi miền đất nước. Mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán khác nhau. Bề dày lịch sử lâu đời trải dài từ các vua Hùng đến thời kì dựng nước và giữ nước của các triều đại là những điều bí ẩn và thú vị đối với du khách trong nước cũng như nước ngoài. Đây cũng chính là nét thu hút đặc sắc trong phát triển du lịch hiện nay.

    Việc sản xuất nông nghiệp theo phong tục tập quán từng vùng miền tạo nên một hệ thống nông nghiệp gắn với bản sắc văn hóa rất đa dạng. Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn khác với người dân ở Đồng bằng sông Hồng. Ở các vùng miền núi lại có những nét đặc sắc riêng, rất độc đáo. Sự đa dạng về tập quán sinh hoạt và văn hoá, ẩm thực… cũng là tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp.

    Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất bản sắc… người dân nông thôn Việt Nam luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là tiền đề rất quan trọng để làm phong phú các sản phẩm du lịch đặc thù cho mô hình du lịch trang trại tại Việt Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

    Phần lớn người lớn ở các đô thị hiện nay là những người được sinh ra và lớn lên ở nông thôn, họ có nhu cầu dành thời gian để nghỉ ngơi, thoải mái trải mình trong không gian thiên nhiên và văn hóa của nông thôn. Du lịch nông nghiệp đối với họ, đó là hành trình hoài niệm và nghỉ dưỡng.

    Đặc biệt, du lịch nông nghiệp cũng đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế, tìm hiểu văn hóa cho trẻ em, đặc biệt ở thành phố. Các con em ở thành phố hiện nay không có không gian, không biết chơi ở đâu, không được tiếp cận với tự nhiên.

    – Tiềm năng về các giá trị nông nghiệp, nông thôn 

    Nước ta là một nước nông nghiệp nhiệt đới, kéo dài trên 15 vĩ độ với 7 vùng sinh thái khác nhau. Hệ thống các sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, phong phú. Điều này là sự thu hút rất lớn với khách du lịch. Việt Nam còn là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới. Trải dài từ Bắc vào Nam, mỗi vùng miền đều có những độc đáo riêng về các sản phẩm nông nghiệp.  

    Theo Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có 19.667 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNN PTNT cho hiệu quả kinh tế cao. Trong số các trang trại nông nghiệp, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất 61,8%, trồng trọt 22%. Các trang trại tập trung nhiều ở vùng Đông Nam Bộ, bình quân 625 trang trại/tỉnh; Đồng bằng sông Hồng, bình quân 542 trang trại/tỉnh; Tây Nguyên bình quân 441 trang trại/tỉnh. Diện tích đất bình quân 3,8ha/trang trại; giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất – kinh doanh bình quân 3,52 tỷ đồng/trang trại; lao động thường xuyên bình quân 3,5 lao động/trang trại. Tổng giá trị sản xuất của các trang trại bình quân 2,86 tỷ đồng/năm. Việc tích tụ đất đai để phát triển các nông trại là một hình thức góp phần phát huy tiềm năng của bất động sản nông nghiệp.

    Hầu như địa phương nào ở nước ta cũng có các làng nông nghiệp truyền thống với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Một không gian sống rất thực sự thoáng đạt hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau. Nội dung của sản phẩm du lịch nông nghiệp rất phong phú làm nguồn gốc để phát triển các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch nâng cao sức khỏe không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em, du lịch học đường, du lịch chuyên đề, du lịch trải nghiệm… Du lịch nông nghiệp luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi không bao giờ nhàm chán.

    Đặc biệt, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 nêu quan điểm, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn cần theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Chính sách đã trở thành trợ lực quan trọng trong việc “đánh thức” tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế du lịch, “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn.

    – Các giá trị tiềm năng khác 

    Xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp diện tích đất canh tác đất nông nghiệp, nhưng tối đa hóa lợi nhuận cho từng tấc đất. Đây được coi là nhiệm vụ sống còn cho các quốc gia. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, diện tích đất bình quân hộ nông dân canh tác tại Việt Nam hiện chỉ ở mức dưới 0,25 ha/hộ, trong khi đó trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha. Năng suất sử dụng đất cũng rất thấp, chỉ khoảng 1.000USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, thậm chí là 1/3 của Indonesia và Thái Lan. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất. Đó là cơ sở thúc đẩy mô hình trang trại kết hợp nghỉ dưỡng Farmstay ra đời, nâng cao hiệu quả của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời phát huy một cách tối đa giá trị của đất đai.

    Hiện nay, nhu cầu về du lịch trải nghiệm nông nghiệp ngày càng tăng cao. Du lịch nông nghiệp là mô hình được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 – 30%. Còn tại tỉnh Quảng Nam, mỗi năm du lịch nông nghiệp đón khoảng 300 nghìn lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. 

    Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam, chủ yếu vẫn tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là trải nghiệm nhà vườn, ăn các loại hoa quả tươi và đặc sản cá sông. Nhưng chưa thể hiện được sự sáng tạo trong phát triển vườn ao chuồng, kinh tế tuần hoàn. Các khu vực khác, hiện có rất nhiều mô hình trang trại vườn ao chuồng nhưng lại chưa kết hợp được với du lịch trải nghiệm như ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Vùng Tây Bắc cũng chỉ mới thu hút được khách du lịch đến xem quang cảnh, chưa có trang trại của hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số.

    Như vậy, với lợi thế về sự phong phú của cảnh quan sinh thái tự nhiên, không gian văn hóa đặc trưng của nông thôn và miền núi Việt Nam, cùng với ẩm thực hấp dẫn, hệ thống giao thông thuận tiện; đặc biệt nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá kết hợp giáo dục trẻ em (tính cần cù, chịu khó, yêu thiên nhiên, trân trọng các giá trị văn hóa, xây dựng lối sống “xanh”) ngày càng gia tăng thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào loại hình Farmstay trong thời gian tới theo hướng đi vào chiều rộng và chiều sâu. Farmstay thực sự là hình thức đầu tư sinh lời hiệu quả và bền vững cho các nhà đầu tư trong tương lai.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Cả nước có 19.667 trang trại nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao (Năm 2022) https://hanoimoi.vn/ca-nuoc-co-19-667-trang-trai-nong-nghiep-cho-hieu-qua-kinh-te-cao-462533.html

    2. Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 (Năm 2022) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-quy-pham-phap-luat/quyet-dinh-so-922qd-ttg-ngay-0282022-cua-thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-chuong-trinh-phat-trien-du-lich-nong-thon-trong-xay-dung-nong-8744

    3. Xu hướng phát triển Farmstay: Nhìn từ tiềm năng BĐS nông nghiệp (Năm 2020) https://reatimes.vn/xu-huong-phat-trien-farmstay-nhin-tu-tiem-nang-bds-nong-nghiep-1597387193831.html.

    Bùi Thị Nhẹ

    Phòng NCCSQH&MTDL

    Bài cùng chuyên mục