Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Cơ chế chính sách cho phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam: những vấn đề đặt ra và giải pháp

    Tóm tắt

    Kinh tế ban đêm đã xuất hiện từ lâu và được thúc đẩy phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, đây lại là vấn đề mới mẻ đang thu hút sự quan tâm của giới học giả, nhà nghiên cứu, các cấp quản lý ở Việt Nam. Trên cơ sở khái lược về kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, bài viết tìm hiểu kinh nghiệm quản lý kinh tế ban đêm ở một số quốc gia trên thế giới, đánh giá hiện trạng cơ chế, chính sách, quy định quản lý kinh tế ban đêm ở Việt Nam, qua đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch ở Việt Nam.

    Từ khóa: du lịch, dịch vụ đêm, kinh tế đêm, chính sách

    1. Kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch

    Khái niệm nền kinh tế ban đêm (Night-time economy) hay ý tưởng về thành phố hoạt động 24 giờ đã được hình thành từ cuối những năm 1970, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Chuỗi sự kiện văn hoá buổi tối mùa hè tại Thủ đô Roma (Italia) vào năm 1977 là một trong những sáng kiến đầu tiên về thành phố 24 giờ [1]. Vào những năm 1990, một số thành phố lớn ở Vương quốc Anh như London, Manchester đã không coi ban đêm là không gian tiêu cực (tiêu thụ quá mức đồ uống có cồn, tội phạm, bạo lực đường phố) và chuyển hướng sang việc bắt đầu ước tính giá trị của nền kinh tế ban đêm. Phần lớn các quốc gia có chung quan điểm, coi kinh tế ban đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế, mà tập trung phát triển các hoạt động dịch vụ diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06h sáng hôm sau, cụ thể như: dịch vụ văn hoá, vui chơi, thể thao, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, du lịch, lễ hội, sự kiện gia đình. Thông thường, kinh tế ban đêm được chia thành “kinh tế buổi tối” (từ 06h tối hôm trước đến 0h sáng hôm sau) và “kinh tế đêm muộn” (từ 0h sáng đến 06h sáng).

    Ngày nay, kinh tế ban đêm không chỉ đơn thuần là các hoạt động dịch vụ phục vụ tầng lớp thanh niên ở khu vực đô thị. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ mở rộng giờ hoạt động của mình vào buổi tối, kinh tế ban đêm đã thu hút được nhiều độ tuổi hơn và ngày càng trở nên toàn diện hơn thông qua việc phục vụ nhiều nhóm nhóm đối tượng khác nhau, không chỉ phục vụ người dân bản địa mà còn phục vụ lượng lớn khách du lịch, đặt biệt tại các thành phố lớn, trung tâm du lịch. Đi đầu trong phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch trên thế giới, phải kể đến: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan hay Singapore.

    Theo tính toán, đến cuối năm 2020, quy mô thị trường kinh tế ban đêm tại Trung Quốc ước đạt 2.400 tỷ USD, chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ mua sắm, giải trí trực tuyến, nội dung số. Các dịch vụ điện tử, truyền thông đã giúp kết nối khu vực kinh tế đêm truyền thống (giao thương trực tiếp) và khu vực kinh tế đêm trực tuyến (giao thương gián tiếp) tại nước này.  Loại hình kinh tế này đã tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm tại Vương quốc Anh; 1,1 triệu việc làm tại Australia; 3,5 triệu việc làm tại Pháp; 300.000 việc làm tại New York (Hoa Kỳ) [6]. Theo báo cáo của Tổ chức London First và E&Y (2018), cơ cấu việc làm trong nền kinh tế 24 giờ tại London tương đối phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, phong phú và đa dạng. Cụ thể, không chỉ riêng công việc phục vụ nhà hàng, quầy bar thu hút lượng lớn người lao động, mà hàng loạt công việc khác cũng cho thấy mức tăng trưởng nhanh về nhu cầu lao động, chẳng hạn như: Công việc kỹ sư, nhân viên bảo vệ, y tá, lao động dọn vệ sinh, tài xế taxi, chuyên gia hỗ trợ công nghệ – thông tin, nghệ sỹ biểu diễn [5].

    Có thể thấy rõ, kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt sáng, triển vọng, kinh tế ban đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc và các loại tội phạm khác. Điều này cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan và đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu của kinh tế đêm với tình hình an ninh trật tự xã hội [7].

    1. Cơ chế, chính sách quản lý kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm tại một số quốc gia

    Hiện tại, chính sách quản lý kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ du lịch ở các quốc gia trên thế giới thể hiện sự linh hoạt và đa dạng, không tuân theo một khung khổ chính sách khuôn mẫu nào, cụ thể:  

    – Thứ nhất, về mô hình tổ chức bộ máy quản lý, phần lớn các quốc gia phát triển kinh tế ban đêm đã phân quyền việc quản lý hoạt động kinh tế này tới các cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố, cấp quận). Thực hiện chủ trương này, chính quyền các địa phương có thể bổ nhiệm chức vụ chủ chốt quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm. Đó có thể là một cá nhân chuyên trách như “Thị trưởng ban đêm” tại Vương quốc Anh, Australia hay một hội đồng gồm nhiều thành phần tham gia nền kinh tế ban đêm như Pháp, Trung Quốc. Chức vụ quản lý này hoàn toàn tách biệt với chức vụ quản lý chính quyền địa phương đối với các hoạt động kinh tế ban ngày. Về cơ bản, mô hình tổ chức bộ máy quản lý tại các quốc gia này có sự tham gia mật thiết từ cộng đồng địa phương (từ cơ sở cung ứng dịch vụ, hiệp hội cư dân, nhà quản lý, lực lượng đảm bảo an ninh).  

    – Thứ hai, về chính sách phát triển dịch vụ giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, các thành phố trên thế giới khai thác kinh tế ban đêm đều chú trọng mở rộng, cải thiện hệ thống giao thông công cộng, tăng thời gian phục vụ trong đêm của dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện suốt đêm, bus đêm, dịch vụ dùng chung xe đạp công cộng. Tại Trung Quốc, Vương quốc Anh hay Pháp, các tuyến tàu điện ngầm đi qua các khu vực thương mại sầm uất vào ban đêm được kéo dài thời gian hoạt động nhằm phục vụ cả khách hàng và người lao động cung ứng dịch vụ. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan, thiết bị chiếu sáng công cộng, wifi công cộng, dịch vụ 5G cũng được các quốc gia này chú trọng đầu tư tại các khu vực du lịch, thương mại lớn.

    – Thứ ba, về chính sách hỗ trợ tài chính, Trung Quốc và Nhật Bản đã triển khai chương trình trợ cấp cụ thể đối với các hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ ban đêm, hay quảng bá các hoạt động du lịch về đêm. Các hộ kinh doanh tại Bắc Kinh có thể được hỗ trợ tới hơn 70.000 USD để thúc đẩy hoạt động kinh doanh vào buổi tối. Hình thức hỗ trợ tài chính này tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Australia tập trung vào việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, chi phí thuê mặt bằng,…

     – Thứ tư, về chính sách triển khai, quản lý, cấp phép, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thể thao, giải trí được khuyến khích kéo dài thời gian mở cửa vào ban đêm. Các cơ sở kinh doanh rượu cũng được cấp phép mở cửa muộn tới sáng tại nhiều quốc gia (Vương quốc Anh, Hoa Kỳ). Hoạt động kinh tế ban đêm được áp dụng thí điểm tại một số khu vực quy hoạch nếu có hiệu quả sẽ được nhân rộng mô hình.  

    – Thứ năm, về chính sách tăng cường nguồn nhân lực, các quốc gia phát triển trên thế giới đều có sự chuẩn bị trong dài hạn về chất lượng môi trường làm việc ban đêm cũng như các kỹ năng, khả năng của người lao động khi tham gia nền kinh tế đặc thù này [6].

    1. Cơ chế, chính sách quản lý kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch ở Việt Nam

    Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg Phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, với quan điểm: “Chủ động phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế nhằm góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch”. “Trước mắt, phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau”. Đây là quan điểm chủ đạo, khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ đối với việc phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, là căn cứ quan trọng để ngành du lịch phối hợp với các ngành, các cấp cụ thể hóa các hoạt động và quy định quản lý đối với hoạt động kinh tế mới này tại Việt Nam.

    Ngày 01/04/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 531/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển khu vực dịch vụ Việt Nam 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy không trực tiếp đề cập đến phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch nhưng Chiến lược phát triển khu vực dịch vụ cũng đã đề xuất định hướng: “Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của từng vùng, địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.

    Hiện tại, ngoài Quyết định số 1129/QĐ-TTg đề cập đến kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động này. Các quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch chủ yếu vẫn tuân theo các quy định cụ thể tại Luật Du lịch năm 2017, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch. Các quy định về đầu tư; kinh doanh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; phòng chống cháy nổ;… được quy định tại các Luật, văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính…

    Phố cổ Hội An về đêm

    Phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch là vấn đề mới ở Việt Nam, chỉ thực sự thu hút sự quan tâm của giới học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong vài năm trở lại đây. Các văn bản của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch giai đoạn trước đây tuy không trực diện đề cập đến phát triển “du lịch về đêm” hay “dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch” nhưng đều thể hiện chủ trương, định hướng khuyến khích phát triển những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, phù hợp với bối cảnh mới và xu hướng mới của thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, cụ thể:

    – Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định quan điểm: “Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch”.

    – Luật Du lịch năm 2017 cũng đã thể hiện rõ chính sách của Nhà nước là khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới và sản phẩm đặc thù khác (Điều 5); “Tổ chức, cá nhân có quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và phù hợp với quy định của pháp luật. Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo đối với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu của thị trường” (Điều 18).

    Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược được ban hành trong bối cảnh tình hình mới, xu hướng du lịch có nhiều biến đổi, những quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp mà Chiến lược đưa ra thể hiện tư tưởng phát triển mới. Trong đó, Chiến lược xác định: “Hoàn thiện các quy định để quản lý và phát triển các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực du lịch phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế”; “Tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch MICE, du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm”.

    Một góc chợ đêm Sơn Trà – Thành phố Đà Nẵng

    Dựa trên những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, năm 2021, trong bối cảnh ngành du lịch đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 2992/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8/2021) xác định những nhiệm vụ trọng tâm cho phục hồi và phát triển du lịch trong “trạng thái bình thường mới”. Trong đó, “Xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch: kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm, kinh tế tuần hoàn…” và thúc đẩy “phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm tại các đô thị, trung tâm du lịch, các khu du lịch, điểm du lịch đông khách du lịch” là những nhiệm vụ quan trọng ngành Du lịch cần ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025.

    Những vấn đề đặt ra

    – Hiện tại, ngành Du lịch chưa có quy định cụ thể để thúc đẩy phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch. Điều này dẫn đến việc triển khai trên thực tế hoạt động này tại các địa phương gặp nhiều lúng túng, không thống nhất về cách làm, về tổ chức quản lý và kinh doanh.

    – Thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý về phát triển kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch chưa đầy đủ; còn thiếu các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, đặc biệt là các dịch vụ như bar, pub, club, karaoke, vũ trường, vui chơi có thưởng, giải trí, biểu diễn nghệ thuật đường phố,… thủ tục đầu tư, kinh doanh còn phức tạp, chưa có chính sách đặc thù.

    – Các chính sách, quy định quản lý về du lịch và liên quan chưa có sự phân biệt giữa hoạt động du lịch ban ngày và hoạt động du lịch ban đêm, không rõ giới hạn về thời gian mở cửa hoạt động của các điểm du lịch, địa điểm văn hóa, di tích, bảo tàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch như ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật,… Điều này đã gây khó khăn cho các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc tham chiếu quy định với hoạt động thực tế.

    – Các quy định, chính sách, chiến lược phát triển du lịch mới chỉ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mà chưa tính đến thời gian hoạt động của các sản phẩm du lịch, cũng như chưa đề cập cụ thể đến phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, nhất là các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù; một số quy định chưa khuyến khích phát triển thêm nhiều loại hình hoạt động dịch vụ đêm.

    – Các chính sách, cơ chế, quy định quản lý về đầu tư, tài chính, quy hoạch không gian, sử dụng đất đai,… tại các đô thị lớn không theo kịp thực tế phát triển của các loại hình kinh tế ban đêm, du lịch về đêm, do đó, chưa tạo cơ hội, thuận lợi cho phát triển loại hình này. Các chính sách về giá, phí, trong đó, trọng tâm là giá điện chưa có quy định áp dụng ưu đãi cho các cơ sở kinh doanh tham gia vào hoạt động kinh tế ban đêm và dịch vụ du lịch về đêm.

    1. Giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch ở Việt Nam

    4.1. Cơ chế, chính sách, quy định quản lý chung

    a) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch. Các địa phương tùy vào điều kiện thực tế, căn cứ quy định của pháp luật để xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy kinh tế đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại địa phương.

    b) Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy,… theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các cơ sở tham gia kinh doanh kinh tế ban đêm; quy định rõ khung giờ hoạt động kinh tế ban đêm nói chung và khung giờ của từng hoạt động, từng loại hình kinh doanh cụ thể.

    c) Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện cần thiết cho phép phát triển kinh tế ban đêm tại các đô thị, thành phố. Khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định phải phát triển kinh tế ban đêm.

    d) Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý kinh tế ban đêm, áp dụng thử nghiệm tại một số thành phố lớn trước khi nhân rộng cả nước; thành lập Ban quản lý hay Hội đồng điều hành kinh tế ban đêm tại địa phương theo hướng tách biệt hoặc kiêm nhiệm với các chức vụ quản lý chính quyền, tùy thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.

    e) Có có chế, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đăng ký kinh doanh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm; tạo thuận lợi cho cộng đồng tham gia hoạt động quản lý, kinh doanh theo mô hình kinh tế ban đêm theo quy định của pháp luật.

    g) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế ban đêm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm lợi dụng hoạt động kinh tế ban đêm. Có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.

    4.2. Cơ chế, chính sách, quy định quản lý trong lĩnh vực du lịch

    a) Rà soát Luật Du lịch năm 2017, Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch về đêm, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, vận chuyển khách du lịch, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch.

    b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch về đêm phục vụ khách du lịch để làm căn cứ cho các địa phương tham chiếu, xây dựng quy định quản lý cụ thể tại địa phương. Trong đó, quy định cụ thể các loại hình dịch vụ du lịch được phép kinh doanh về đêm; quy định rõ khung giờ hoạt động của từng loại hình dịch vụ; quy định điều kiện các cơ sở được phép kinh doanh về đêm; quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch được phép cung cấp;… 

    c) Ngành Du lịch và các địa phương cần nghiên cứu, ban hành chính sách, cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch về đêm theo quy định của pháp luật; chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo, độc đáo, đặc trưng theo vùng, miền, địa phương; khuyến khích phát triển các loại hình nghệ thuật đường phố; trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc mang bản sắc địa phương; tái hiện các trò chơi, trò diễn dân gian, thu hút sự tham gia của khách du lịch, cộng đồng; giới thiệu văn hóa ẩm thực và đặc sản địa phương;…

    d) Các địa phương tùy thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế, hiện trạng phát triển du lịch tại địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù đối với một số loại hình kinh doanh dịch vụ về đêm mang lại giá trị gia tăng cao như casino, vũ trường, bar,…; nghiên cứu, điều chỉnh khung giờ mở cửa của một số điểm thăm quan, di tích, bảo tàng, trung tâm triển lãm phục vụ khách du lịch về đêm; khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ thu hút đông khách du lịch như đại nhạc hội, biểu diễn laser, nhạc nước./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Bianchini (1995), “Night Cultures, Night Economies”, Planning Practice & Research, 10(2), 121-126.
    2. Chatterton & Hollands, R. (2003), “Urban Nightscapes”, Routledge.
    3. Heath (1997), “The twenty‐four hour city concept – A review of initiatives in British cities”, Journal of Urban Design, 2(2), 193-204.
    4. Hinz, J. (2017), “The view from space: Theory-based time-varying distances in the gravity model”, Kiel Working Paper, Kiel Institute for the World Economy, Kiel.
    5. London First & EY (2018), London’s 24 hour economy: The economic value of London’s 24 hour economy. 
    6. Nguyễn Đức Bảo, Trần Đức Hiệp (2021), “Kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm tại một số quốc gia”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 3/2021.
    7. Trần Thị Nguyệt Cầm và đồng tác giả (2022), “Thực trạng phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, Số 1, Tháng 1/2022.

     

    TS. Lê Quang Đăng, Nguyễn Thị Phương Linh

    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục