Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững tại các đô thị

    1. Tổng quan về bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững

    a. Vai trò của bảo vệ môi trường đối với phát triển du lịch bền vững

    Bảo vệ môi trường (BVMT) đóng một vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, bởi BVMT góp phần bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa; nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; giảm tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường. Bên cạnh đó, BVMT tại các khu, điểm du lịch cũng hỗ trợ nền kinh tế địa phương, cải thiện sinh kế của những người tham gia vào hoạt động du lịch. Điều này giúp duy trì sức hấp dẫn và chất lượng của các điểm đến du lịch.

    Bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên: Hiện nay, nhiều điểm du lịch khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên như bãi biển, các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống hang động… các nguồn tài nguyên này có thể bị cạn kiệt hoặc xuống cấp nếu không được quản lý, bảo vệ tốt. Bằng cách thực hiện các hoạt động BVMT như hạn chế số lượng khách du lịch, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và ngăn chặn sự phá hủy môi trường sống… các tài nguyên du lịch có thể được bảo vệ tốt và đảm bảo sức hấp dẫn lâu dài.

    Bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa: Bảo vệ môi trường không chỉ đóng vai trò trong bảo tồn tài nguyên thiên nhiên mà còn liên quan đến việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt lâu đời và sự tham gia của cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch. Du lịch bền vững tôn trọng truyền thống địa phương, trao quyền cho cộng đồng và thu hút họ tham gia vào quá trình ra quyết định. Điều này đảm bảo lợi ích du lịch được chia sẻ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao trải nghiệm du lịch.

    Tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu với những thách thức ngày càng tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các khu, điểm du lịch, đặc biệt là khu vực ven biển. Trong khi đó, du lịch biển, đảo được định hướng là sản phẩm du lịch ưu tiên hàng đầu trong 04 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Các hoạt động BVMT như giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thờ tăng khả năng chống chịu, phục hồi của các điểm đến du lịch. 

    Giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch: Du lịch có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm ô nhiễm, tạo ra chất thải và xáo trộn hệ sinh thái. Các chiến lược và hoạt động BVMT như hoàn thiện cơ chế, chính sách BVMT, hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải, các sáng kiến ​​tái chế chất thải hay việc thực thi các quy định về phát thải có thể làm giảm dấu chân sinh thái của các hoạt động du lịch, đảm bảo du lịch phát triển một cách bền vững.

    Bên cạnh đó, BVMT còn đóng vai trò trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức của khách du lịch về các hành vi có trách nhiệm với môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. 

    Tóm lại, BVMT đóng vai trò then chốt trong phát triển du lịch bền vững, Công tác BVMT được thực hiện và giám sát liên tục sẽ góp phần phòng ngừa và khắc phục kịp thời các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu điểm du lịch. Đồng thời BVMT còn làm tăng mức độ hài lòng của khách du lịch và thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững.

    b. Kinh nghiệm bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch đô thị bền vững của một số đô thị trên thế giới

    * Kinh nghiệm của Singapore: Singapore là một trong số những quốc gia tiên phong trong việc tạo ra môi trường đô thị xanh và thúc đẩy phát triển du lịch đô thị bền vững. Ngày 28/2/2023, Singapore đã được chứng nhận là điểm đến bền vững do Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (Global Sustainable Tourism Council – GSTC) công nhận dựa trên 04 tiêu chí: (i) Quản lý bền vững ; (ii) Bền vững kinh tế-xã hội ; (iii) Bền vững văn hóa, (iv) Bền vững môi trường.

    – Về quản lý bền vững: Singapore đã và đang thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động  về quản lý bền vững, bao gồm: Kế hoạch xanh đến năm 2030, đã vạch ra các mục tiêu của Singapore trong 10 năm tới, củng cố các cam kết của nước này theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris, đồng thời đặt mục tiêu quốc gia này đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chiến lược Du lịch bền vững được đưa ra vào năm 2022 đã đặt ra các chiến lược khả thi cho ngành du lịch để Singapore có thể trở thành một điểm đến đô thị bền vững. 

    – Về bền vững kinh tế – xã hội: Singapore cũng thể hiện nỗ lực tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội của du lịch cho người dân địa phương, thông qua việc hỗ trợ và ưu tiên các nghiệp du lịch địa phương, cung cấp môi trường làm việc an toàn và bảo mật, môi trường xây dựng thân thiện với người dùng cũng như hỗ trợ các cơ hội nghề nghiệp và đào tạo về du lịch.

    – Về bền vững văn hóa: Singapore có nhiều sáng kiến ​​khác nhau để bảo tồn và phát huy di sản vật thể và phi vật thể. Chính sách đã quy định và hướng dẫn bảo tồn để bảo vệ hơn 7.200 tòa nhà được bảo tồn, toàn bộ khu lịch sử và di tích quốc gia…

    – Về bền vững môi trường: Singapore đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm tăng cường cây xanh, tăng cường kết nối sinh thái giữa các không gian xanh và bảo tồn đa dạng sinh học. 

    * Kinh nghiệm của Seoul – Hàn Quốc: Seoul là một trong số những thành phố thuộc khu vực châu Á theo đuổi mục tiêu phát triển du lịch đô thị bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Seoul đã và đang thực hiện theo 03 ba trụ cột chính:

    – Tích hợp, đồng bộ hệ thống giao thông công cộng đa dạng, tiện ích bao gồm tàu ​​điện ngầm, xe buýt, taxi nước, tàu khu vực và dịch vụ chia sẻ xe đạp để giảm giá thành và giúp hành khách dễ tiêp cận. Điều này giúp giảm các phương tiện cá nhân góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.

    – Loại bỏ các cơ sở hạ tầng gây phá vỡ cảnh quan sinh thái, đồng thời thay đổi cảnh quan đô thị với nhiều cây xanh. Seoul đã phá bỏ đường cao tốc che phủ dòng suối Cheonggyecheon, khôi phục thành không gian tự nhiên và giải trí. Thành phố cũng đã tạo ra nhiều không gian xanh hơn như Rừng Seoul và khu vườn trên cao Seoullo.

    – Thúc đẩy các hành vi du lịch thân thiện, có trách nhiệm và thu hút cộng đồng địa phương. Seoul đã ra mắt Diễn đàn quốc tế Seoul về Du lịch bền vững (Seoul International Forum on Sustainable Tourism – SIFT) để thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan về du lịch công bằng và bền vững. Thành phố cũng đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm tác động tiêu cực của du lịch đến các khu phố lịch sử, như ở Làng Bukchon Hanok.

    * Kinh nghiệm của Trung Quốc: Trung Quốc với tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đặc sắc và cảnh quan tự nhiên đẹp đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của du lịch cũng mang lại những thách thức cho môi trường như ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông và quản lý chất thải cho quốc gia này. Những năm gần đây, Trung Quốc đã rất tích cực thúc đẩy bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch. Chương trình Bảo tồn đất và nước của quốc gia với mục tiêu là ngăn ngừa, bảo vệ, kiểm soát và phục hồi tái sinh sinh thái; Chương trình quốc gia về Du lịch và giải trí với mục tiêu là thúc đẩy du bền vững; Chiến lược năng lượng tái tạo đến năm 2050, mục tiêu là Hạn chế sử dụng than và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên ít nhất 60% vào năm 2050; Chiến lược phát triển xanh, với nội dung chính là định hướng lại chính sách kinh tế theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.

    1. Thực trạng công tác bảo vệ môi trường tại một số khu, điểm du lịch đô thị Việt Nam

    a. Những kết quả đạt được

    Giai đoạn vừa qua, công tác quản lý, BVMT trên cả nước nói chung và tại các khu, điểm du lịch tại các đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, ứng phó và giải quyết các vấn đề môi trường, BĐKH phát sinh. 

    Nhiều chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo về BVMT nói chung và trong lĩnh vực du lịch đã được ban hành. Giai đoạn vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều chính sách về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu tại các khu, điểm du lịch trên cả nước. Trong đó, tiêu biểu gồm: Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 về Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL ngày 28/3/2018 về việc ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; Quyết định 4863/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2019, Ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Quyết định số 4864/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2019, Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 4216/QÐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020, Ban hành Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch… 

    Bên cạnh đó, các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản tương ứng về BVMT, giảm thiểu rác thải nhựa, ứng phó với BĐKH… Hệ thống chính sách từ trung ương đến địa phương được ban hành đã nâng cao hiệu quả công tác BVMT tại các khu, điểm du lịch. Bên cạnh hệ thống chính sách được ban hành, đã có nhiều nhiệm vụ, chương trình và hoạt động BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai, áp dụng tại các khu, điểm du lịch trên cả nước như các mô hình về bảo vệ môi trường; giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy hay các chương trình giờ trái đất… đã góp phần mang lại những thành công trong việc BVMT tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các khu, điểm du lịch đô thị.

    b. Những vấn đề tồn tại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch đô thị ở Việt Nam

    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch đô thị ở Việt Nam cũng còn những tồn tại, khó khăn nhất định:

    Thiếu sự kiểm soát và quản lý: Một số điểm du lịch đô thị ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu kiểm soát và quản lý chặt chẽ về môi trường. Việc thiếu các quy định rõ ràng và thiếu sự tuân thủ từ phía doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch đã dẫn đến tình trạng chất thải không được xử lý đúng cách, gây ô nhiễm môi trường.

    Hạ tầng quản lý chất thải chưa hoàn thiện: Một số khu, điểm du lịch đô thị còn thiếu hệ thống xử lý rác thải, nước thải, dẫn đến việc rác thải, nước thải chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường.

    Thay đổi cảnh quan và suy thoái môi trường: Sự phát triển du lịch tại các đô thị đã làm thay đổi cảnh quan, mất cân bằng trong quy hoạch đô thị và tác động đến môi trường tự nhiên như suy thoái đất đai, thiếu nước, và giảm chất lượng môi trường sống.

    Tiêu thụ năng lượng lớn: Du lịch tại các đô thị đòi hỏi sự tiêu thụ năng lượng lớn cho việc hoạt động khách sạn, nhà hàng, và các cơ sở vui chơi giải trí. Việc sử dụng năng lượng không bền vững có thể gây tác động tiêu cực lên môi trường và đóng góp vào biến đổi khí hậu.

    Thiếu sự hợp tác và nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường: Mặc dù có những nỗ lực trong việc tạo ra nhận thức về bảo vệ môi trường trong ngành du lịch, Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan như nhà quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, các tổ chức đoàn thể và khách du lịch…

    Nhìn chung, công tác BVMT tại các khu, điểm du lịch đô thị tại Việt Nam trong thời gian qua đã được quan tâm chú trọng nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết. Việc thúc đẩy quản lý môi trường và tăng cường nhận thức của tất cả các bên liên quan là rất cần thiết để đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại đô thị trong tương lai.

    1. Một số giải pháp bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam

    Trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch đô thị Việt Nam có thể thấy, việc bảo vệ môi trường trong ngữ cảnh của phát triển du lịch bền vững ở các đô thị Việt Nam đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sự cân bằng giữa việc thu hút khách du lịch và bảo vệ tài nguyên tự nhiên. Một số giải pháp BVMT gắn với phát triển du lịch bền vững tại các đô thị cần triển khai bao gồm:

    – Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách, văn bản theo định hướng bảo vệ, cải thiện môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, thích ứng với BĐKH tại các khu, điểm du lịch đô thị, đặc biệt là khu vực biển, đảo. Ban hành và thực hiện các kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ: Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu các tác động của hoạt động du lịch đến môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại các khu, điểm du lịch; nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính tại các cơ sở kinh doanh du dịch vụ du lịch.

    – Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường đặc biệt từ nguồn xã hội hóa, hợp tác quốc tế: Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ, hợp tác công tư trong việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch đô thị. Bố trí nguồn kinh phí thu được từ hoạt động du lịch để tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Áp dụng các quy định về cơ chế ký quỹ cải tạo môi trưởng, cơ chế đặt cọc – hoàn trả; trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) nhằm tăng nguồn thu cho công tác BVMT và thúc đẩy hành vi theo hướng thân thiện với môi trường. Tăng cường huy động nguồn lực quốc tế phục vụ công tác BVMT và thực hiện các công ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

    – Kiểm soát nguồn thải, tăng cường phòng ngừa, giám sát các dự án phát triển du lịch có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường: Tăng cường kiểm soát, kiểm kê các nguồn thải (nước thải, rác thải) từ các khu, điểm du lịch đô thị. Nước thải phải được xử lý sơ bộ trước khi xả thải vào hệ thống thu gom, điểm đấu nối hoặc tự xử lý đạt tiêu chuẩn về nước thải đầu ra trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn và thu gom đúng kỹ thuật để thu hồi năng lượng đồng thời hạn chế tối đa lượng rác thải, đặc biệt rác thải nhựa phát sinh ra môi trường.

    – Quản lý chặt chẽ số lượng khách du lịch: Thực hiện đánh giá sức chịu tải môi trường tại các khu, điểm du lịch đô thị nhằm giới hạn lượng khách tham quan đảm bảo nằm trong khả năng tự phục hồi của các thành phần môi trường tự nhiên và các hệ sinh thái.

    – Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT tại các khu, điểm du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT. Xây dựng quy chế phối hợp về BVMT tại các khu, điểm du lịch.

    – Quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch: Đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch quốc gia nhằm bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của tài nguyên phục vụ phát triển du lịch. Tuân thủ các quy định về chi trả dịch vụ môi trường, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên.

    – Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch đô thị góp phần giảm bớt áp lực đối với tài nguyên thiên nhiên.

    – Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng về BVMT. Trong đó, chú trọng các nội dung về phân loại chất thải rắn, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tuyên truyền về vai trò của tài nguyên du lịch đối với phát triển du lịch; bảo vệ cảnh quan đô thị…

    Các giải pháp cần được kết hợp và điều chỉnh dựa trên tình hình cụ thể của từng đô thị và các yếu tố văn hóa, xã hội khác nhau./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, Chuyên đề: Môi trường đô thị
    2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2017, Chuyên đề: Quản lý chất thải 
    3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, Chuyên đề: Môi trường nước lưu vực sông
    4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, Chuyên đề: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
    5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
    6. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021, “Môi trường không khí – Thực trạng và giải pháp”
    7. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Báo cáo sơ kết Nghị quyết 24 về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
    8. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030
    9. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2017), Xây dựng báo cáo bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.
    10. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2020), Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
    11. Chen Haibo et al (2020), “Tourism and sustainable development in China: a review”, Environmental Science and Pollution Research.
    12. Singapore tourism board (2020), “Singapore achieves global destination sustainability certification.

    TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường

    ThS. Nguyễn Thùy Vân, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục