Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Giải “bài toán”: Để thu hút cộng đồng, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển du lịch

    Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động du lịch nói chung hay du lịch cộng đồng nói riêng đều mang lại nhiều lợi ích to lớn, mặt khác để phát triển du lịch thì cần nhấn mạnh vai trò của các bên liên quan như cộng đồng, doanh nghiệp (khối tư nhân) và nhà nước… từ đó có thể giải “bài toán” làm thế nào để thu hút cộng đồng, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển du lịch?

    Xác định khó khăn, rào cản cần tháo gỡ

    Những năm gần đây, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch ở Việt Nam ngày càng khẳng định được sứ mệnh của mình trong phát triển Ngành, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, Doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển, có điểm xuất phát thấp so với doanh nghiệp trong nhiều ngành khác của nền kinh tế. Mặt khác, do ảnh hưởng vô cùng to lớn của COVID-19, hơn 90% doanh nghiệp lữ hành không còn giấy phép kinh doanh, chuyển sang các hoạt động kinh doanh khác. Cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, doanh nghiệp du lịch đã phục hồi có thể ví như đang “hồi sinh” nhưng khó khăn chung mà đa phần các chủ doanh nghiệp nêu lên đó là trong việc quay vòng tài chính; trong việc tạo sản phẩm du lịch đặc sắc và trong việc thu hút khách du lịch trong bối cảnh công nghệ phát triển dẫn đến thị trường, thị hiếu khách du lịch thay đổi, hướng tới đi theo nhóm nhỏ và tự đặt dịch vụ mà bớt dần thói quen đặt qua các doanh nghiệp du lịch; mặt khác lãi suất ngân hàng ngày càng tăng cao khiến các doanh nghiệp “e ngại” trong việc vay – huy động nguồn vốn. Hơn thế nữa, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về điểm đến du lịch giữa các quốc gia trong khu vực và giữa các khu vực trên thế giới, bên cạnh đó cũng chịu sự ảnh hưởng của những biến động về kinh tế, chính trị toàn cầu và khu vực, doanh nghiệp du lịch trong cả nước gặp khó khăn trong việc “ổn định hóa” sau covid và mở rộng quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng. 

    Đối với cộng đồng, những khó khăn, rào cản đến từ góc độ cá nhân những người tham gia phục vụ du lịch. Những khó khăn này có thể được phân loại thành hạn chế về kiến thức, kỹ năng. Về kiến thức và kỹ năng, thì ngay cả ở các địa bàn phát triển du lịch hiện nay, cộng đồng hầu hết chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn và nghiệp vụ du lịch, trình độ ngoại ngữ phục vụ khách du lịch còn chưa cao.

    Một số khó khăn từ góc độ cộng đồng trong phát triển du lịch có thể liệt kê theo bảng sau:

    Góc độ cộng đồng Những rào cản
    Khó khăn về kiến thức và kỹ năng – Thiếu thời gian và không gian để tham gia du lịch

    – Thiếu hiểu biết chuyên môn về du lịch.

    – Thiếu các kỹ năng làm du lịch. 

    – Khó khăn, hạn chế về trình độ ngoại ngữ.

    – Chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về du lịch.

    – Không có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường phục vụ du lịch.

    – Thiếu sự hỗ trợ của các bên trong hoạt động du lịch.

    Ngoài ra, một số khó khăn, rào cản phát triển du lịch từ góc độ cộng đồng có thể là mức độ tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch, trong đó: Cộng đồng có nguồn vốn, tài chính đầu tư cho phát triển du lịch không? Và sự phối hợp giữa cộng đồng với các bên liên quan trong phát triển du lịch như thế nào… Những khó khăn đó có thể là những rào cản về cấu trúc cộng đồng liên quan đến sự thống nhất của cộng đồng trong tổ chức du lịch, cơ cấu của tổ chức du lịch, năng lực của cộng đồng trong tổ chức phát triển du lịch điển hình như thiếu sự đồng nhất (thống nhất) trong cộng đồng về phát triển du lịch…thể hiện qua bảng sau:

    Góc độ cộng đồng Những rào cản
    Rào cản, khó khăn về sự tham gia của cộng đồng – Thiếu thông tin để tham gia Du lịch

    – Thiếu hiểu biết chuyên môn về Du lịch.

    – Thiếu nguồn vốn, tài chính.

    – Thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong Du lịch.

    Rào cản, khó khăn về cấu trúc và năng lực cộng đồng – Thiếu sự đồng nhất (thống nhất) trong cộng đồng về phát triển Du lịch. 

    – Chưa có tổ chức chặt chẽ về Du lịch.

    – Thiếu khả năng quản lý Du lịch

    – Chưa nhận thức thực sự đầy đủ và đúng đắn về Du lịch.

    – Đôi khi thờ ơ, không quan tâm đến du lịch

    Khó khăn, rào cản đến từ các bên liên quan. Có thể mạnh dạn cho rằng những rào cản, khó khăn này có thể đến từ cơ quan quản lý du lịch, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tham gia trong phát triển Du lịch. Những rào cản, khó khăn cụ thể có thể tóm tắt trong bảng sau:

    Đối tượng Những khó khăn, rào cản
    Cơ quan quản lý du lịch Chưa thực sự đủ sự hỗ trợ cho các tổ chức, cộng đồng địa phương cũng như hầu hết các doanh nghiệp
    Chính quyền địa phương – Chưa có kế hoạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia phát triển Du lịch nguồn nhân lực du lịch cộng đồng.

    – Chưa thực sự đủ chuyên môn về Du lịch.

    – Chưa thực sự đủ khả năng kết nối các bên liên quan trong tổ chức phát triển du lịch.

    – Thiếu vốn đầu tư phát triển du lịch.

    Giải pháp đặt ra

    Một là, cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn để tránh sự trùng lắp, đơn điệu về sản phẩm, khai thác dựa quá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, làm ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển du lịch trong bối cảnh, thời gian tới, chú ý chính sách hỗ trợ, lồng ghép đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sản xuất, hạ tầng phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch. Làm rõ mối quan hệ hữu cơ và xác định rõ từng vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đối với từng điểm đến đặc thù.

    Hai là, tăng cường sự hợp tác, kết nối, phối hợp của các doanh nghiệp lữ hành với các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp. Việc chia sẻ lợi ích cho người dân ở các điểm du lịch cần được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quan tâm thích đáng.

    Ba là, tăng cường sự vào cuộc và kết nối của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông… Đặc biệt, nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng địa phương về phát triển du lịch cộng đồng là con đường phát triển kinh tế bền vững giúp nâng cao sinh kế cho người dân, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn từ rừng, đồng thời quảng bá được nét đẹp văn hoá truyền thống của địa phương.

    Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi về tài chính để các doanh nghiệp du lịch quay lại chung tay – góp sức phục hồi, phát triển ngành du lịch điển hình nhất có thể giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

    Năm là, tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền tăng cường nhận thức, kiến thức cũng như kỹ năng cho đông đảo các đối tượng cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch.

    Nguyễn Thị Phương Linh

    Phòng Nghiên cứu, Chính sách Quy hoạch và Môi trường Du lịch

    Bài cùng chuyên mục