Bàn về sự thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch nội địa Việt Nam trong bối cảnh sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát
Giới thiệu
Sự thay đổi trong ngành Du lịch là một quá trình liên tục, và khách du lịch có thể thay đổi ưu tiên của họ theo thời gian. Việc nắm bắt sự thay đổi trong nhu cầu, xu hướng của khách du lịch nội địa ngày càng trở nên quan trọng. Sự linh hoạt và khả năng thích nghi của ngành Du lịch tại Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực phục hồi và phát triển ngành Du lịch trong những năm tiếp theo.
- Đặc điểm về nhu cầu của khách du lịch nội địa Việt Nam trong bối cảnh sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát
Cho đến năm 2019, du lịch Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, cả về thị trường, sản phẩm du lịch và hệ thống các điểm đến hết sức đa dạng.
Thị trường khách du lịch nội địa cũng phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2014 trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường khách nội địa đạt khoảng 13,9%/năm trong giai đoạn 2011-2019. Bên cạnh các thị trường gửi khách nội địa lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thị trường gửi khách du lịch nội địa cũng đã phát triển mạnh tại một số thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng cũng như tại nhiều địa phương khác trong cả nước. Giao thông đường bộ ngày càng thuận lợi hơn đồng thời sự phát triển mạnh của hàng không giá rẻ đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.
Tuy nhiên, kể từ năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát nhanh trên quy mô toàn cầu, gây ra những tác động hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch – một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đại dịch COVID-19 được Tổ chức Du lịch Thế giới (UN-WTO) đánh giá là đưa ngành Du lịch quay trở lại trình độ phát triển của 30 năm trước
Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của vi rút Corona, Chính phủ đã ban hành việc đóng cửa một loạt các hoạt động và sự kiện liên quan đến du lịch bao gồm khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, các điểm tham quan văn hóa và tự nhiên như nhà hát, bảo tàng, v.v. cũng như áp đặt các hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đối với du khách quốc tế và cả khách du lịch nội địa.
Theo các số liệu thống kê, du lịch nội địa giảm một nửa quy mô trong giai đoạn 2 năm dịch COVID -19, giảm từ khoảng 85 triệu vào năm 2019 xuống còn khoảng 56 triệu vào năm 2020 và tiếp tục xuống 40 triệu vào năm 2021.
Thực tế cho thấy, do tác động của đại dịch, nhiều xu hướng du lịch mới đã xuất hiện, đồng thời nhiều mối quan tâm, thói quen và nhu cầu của khách du lịch nội địa cũng có những thay đổi rõ rệt. Qua nghiên cứu về thị trường khách du lịch nội địa (năm 2022) và Nghiên cứu về những xu hướng du lịch mới sau đại dịch Covid-19 (năm 2023) của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, có thể tổng hợp một số đặc điểm về nhu cầu của khách du lịch nội địa Việt Nam trong bối cảnh sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, như sau:
Về đặc điểm chung:
– Tăng trưởng nhanh: Thị trường khách du lịch nội địa chứng kiến sự tăng trưởng nhanh rõ rệt (năm 2015 đạt 57 triệu lượt; năm 2019 đạt 85 triệu lượt; năm 2022 đạt 101,3 triệu lượt; năm 2023 đạt 108 triệu lượt, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015-2023 đạt 8,3%/năm). Sự tăng trưởng nhanh chóng về lượng khách là một trong những dấu hiệu quan trọng phản ánh sự tăng trưởng nhu cầu của khách du lịch nội địa Việt Nam những năm qua và trong bối cảnh hiện nay.
– Mở rộng về nhu cầu, thị hiếu, trải nghiệm và yêu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ: Thị trường khách nội địa có nhu cầu ngày càng đa dạng hơn về loại hình sản phẩm/dịch vụ và trải nghiệm, yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là với các trải nghiệm về văn hóa. Khách nội địa cũng ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững điểm đến.
Về đặc điểm nhu cầu, thị hiếu, tiêu dùng du lịch cụ thể, theo tổng hợp từ 02 nghiên cứu nêu trên của Viện NCPT Du lịch, có thể thấy:
Về mục đích của chuyến đi: Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, khách du lịch nội địa du lịch với nhiều mục đích đa dạng hơn, nhưng chủ yếu tập trung vào: vui chơi giải trí (chiếm 73,8%), nghỉ dưỡng (70,5%), tham quan (66%), tìm hiểu văn hóa (40,6%). Sự thay đổi so với trước dịch ở việc nhu cầu khám phá thiên nhiên ngày một lớn hơn.
Về lựa chọn điểm đến: Khách du lịch nội địa quan tâm hơn đến các điểm đến mới, độc đáo, ít được biết đến hơn thay vì những điểm đến phổ biến, đông đúc, đặc biệt là các điểm đến quá tải vào mùa cao điểm.
Về sản phẩm du lịch: Bên cạnh các sản phẩm du lịch biển vẫn chiếm ưu thế chủ đạo, sau đại dịch khách du lịch nội địa quan tâm hơn đến du lịch cộng động, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Về hình thức tổ chức chuyến đi: sau đại dịch khách nội địa Việt Nam gia tăng theo các xu hướng như: tự tổ chức chuyến đi với gia đình và nhóm bạn; mua combo nghỉ dưỡng kết hợp với vé máy bay để tiết kiệm chi phí; các chuyến du lịch ngắn ngày và quy mô nhỏ hơn (thường từ 3-5 ngày).
Về thời điểm du lịch: vẫn tập trung chủ chủ yếu vào kỳ nghỉ hè (từ tháng 5 – tháng 8) vào các dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, 2/9. Ngoài ra, có sự gia tăng về nhu cầu ở thời điểm vắng khách, thời điểm gia đình có thể sắp xếp được và cùng du lịch; thời điểm mùa kích cầu du lịch, có các chương trình khuyến mại lớn.
Mức độ chi tiêu cho chuyến đi: khách du lịch nội địa dành khoảng từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng cho mỗi chuyến đi, trong đó phổ biến ở mức 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Về mức độ sẵn sàng tham gia của khách du lịch đối với những hành động để phát triển du lịch bền vững: khách du lịch nội địa Việt Nam đang quan tâm đến du lịch bền vững hơn bao giờ hết, bao gồm cả mong muốn đi du lịch theo cách bền vững và cả những hành động khi đi du lịch thực tế. Những hành động ý thức cao như tắt máy lạnh, lò sưởi trong phòng nghỉ khi đi ra ngoài, mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai khi du lịch và tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Về công nghệ trong du lịch: Chuyển đổi số và các công nghệ hỗ trợ du lịch phát triển tác động đến nhu cầu khách du lịch nội địa Việt Nam. Các công nghệ đặt phòng khách sạn trực tuyến qua website/ứng dụng di động; các ứng dụng thanh toán bằng điện thoại di động/QR code/ví điện tử…; sử dụng mạng xã hội để tìm hiểu các thông tin về các hoạt động du lịch và chia sẻ trải nghiệm trong quá trình du lịch ngày càng trở thành nhu cầu không thể thiếu.
- Sự thay đổi về nhu cầu của khách du lịch nội địa Việt Nam so với nhu cầu của họ giai đoạn trước đại dịch COVID-19
Về nhu cầu của khách du lịch nội địa Việt Nam so với nhu cầu của họ giai đoạn trước đại dịch COVID-19, dưới đây là một số thay đổi nổi bật theo tổng hợp từ các nghiên cứu khác nhau của Viện NCPT Du lịch:
– Khách Việt Nam đang có nhiều bận tâm khi lên kế hoạch du lịch. Phần lớn cho rằng tình trạng tài chính và kinh tế hiện nay là mối lo lớn nhất, bên cạnh các rủi ro về sức khỏe, y tế do tình hình dịch bệnh.
– Du khách Việt chọn mùa thấp điểm để tiết kiệm chi phí: Với nỗi lo về ngân sách du lịch, du khách nội địa cân nhắc nhiều hơn để tiết kiệm chi phí. Đa số du khách được hỏi cho biết họ sẽ chọn đi vào những tháng thấp điểm, tận dụng các chương trình ưu đãi cho khách hàng thân thiết, và lựa chọn các phương tiện hoặc hình thức di chuyển ít tốn kém hơn trong chuyến đi của mình.
– Khách nội địa có xu hướng đi du lịch theo nhóm nhỏ, ưu tiên du lịch cùng gia đình, nhóm bạn thay vì xu hướng đi theo đoàn lớn như trước dịch. Sự dịch chuyển ngày được ghi nhận ở hầu hết các trọng điểm du lịch trên cả nước như Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc…
– Du khách Việt vẫn ưu tiên sử dụng các tour du lịch chuyên đề, trọn gói được thiết kế cho nhóm nhỏ với lịch trình được tư vấn kỹ càng bởi công ty lữ hành. Đây là một xu hướng mới so với thời điểm trước đại dịch.
– Sự xuất hiện của phân khúc khách có trách nhiệm hơn: Người Việt ngày càng quan tâm đến việc đi du lịch trách nhiệm hơn, bền vững hơn và đại dịch là chất xúc tác đẩy nhanh hơn quá trình đó. Không chỉ là mong muốn, du khách Việt đã có nhiều hành động du lịch trách nhiệm và bền vững trong thực tế.
– Quan tâm đến những điểm đến mới, ít phổ biến: Trước tình trạng “du lịch quá mức” gây ra hiện tượng quá tải tại một số điểm đến trong nước và tâm lý có nhiều thay đổi sau đại dịch, khách nội địa ngày càng quan tâm đến những điểm đến mới ít phổ biến để khám phá những trải nghiệm mới, độc đáo.
– Cố vấn trong du lịch: Việc tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân, các đại lý lữ hành vẫn quan trọng sau đại dịch nhưng các “cố vấn số” như trang web hoặc trang mạng xã hội của nhà cung ứng dịch vụ hay các trang web tổng hợp nhận xét và đánh giá du lịch dựa trên đánh giá của du khách ngày càng quan trọng.
- Một số vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch Việt Nam trước những sự thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch nội địa sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát
Bối cảnh nền kinh tế trong nước hiện nay gặp nhiều khó khăn tạo áp lực rất lớn cho quá trình phục hồi của ngành du lịch. Khó khăn của nền kinh tế đang tác động đến thu nhập của người dân Việt Nam và qua đó tác động giảm đến “cầu du lịch” của khách nội địa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch chưa thể hồi phục hoàn toàn sau đại dịch lại chịu thêm nhiều áp lực khác từ kinh tế vĩ mô như chi phí vận chuyển, vé máy bay, giá cả lương thực thực phẩm…tăng cao.
Hệ thống sản phẩm/dịch vụ du lịch chưa thực sự đa dạng và hấp dẫn. Các sản phẩm/dịch vụ du lịch trong nước hiện nay vẫn chủ yếu phát triển dựa vào khai thác giá trị của tài nguyên thiên nhiên, các lợi thế cố hữu của vùng miền là chủ yếu. Do vậy, các sản phẩm của các địa phương trong cùng một vùng thường có nhiều điểm trùng lặp, chưa mang tính đặc thù địa phương. Việc khai thác các giá trị văn hóa mặc dù được các địa phương quan tâm nhưng chưa được đầu tư xứng đáng như yêu cầu đặt ra. Việc phát triển sản phẩm dịch vụ ở một số trung tâm du lịch hiện nay quá chú trọng vào hệ thống cơ sở lưu trú mà thiếu đầu tư cho các dịch vụ bổ sung để làm đa dạng hệ thống sản phẩm dịch vụ như: vui chơi, giải trí, các sản phẩm du lịch đêm…Những điều đó dẫn đến hệ thống sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương phát triển thiếu định hướng, mất cân đối, đơn điệu và kém bền vững.
Hệ thống doanh nghiệp chưa mạnh, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sức cạnh tranh yếu: Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nhìn chung đa phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, hệ sinh thái ngành chưa hoàn thiện, giá trị gia tăng ngành chưa cao, nhiều chi phí trung gian, chưa có doanh nghiệp có thương hiệu thật sự mạnh nên năng lực dẫn dắt thị trường còn rất hạn chế.
Khó khăn trong phục hồi nguồn nhân lực sau đại dịch, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu: Việc thiếu hụt lao động trong ngành Du lịch rất đáng lo ngại khi có đến 60-70% lực lượng lao động bị mất việc làm hoặc chuyển nghề khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện nay, hoạt động du lịch nội địa đã khởi sắc như thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch, vì vậy, sẽ cần rất nhiều chi phí đào tạo cho lực lượng lao động mới và khó có thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam những năm qua luôn được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa theo kịp các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Các thách thức to lớn từ các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề nóng toàn cầu, một thách thức lớn đối với ngành du lịch toàn cầu, bao gồm cả du lịch nội địa của Việt Nam. Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến những thay đổi về thời tiết, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi, và hiện tượng thời tiết cực đoan. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, chẳng hạn như làm thay đổi mùa vụ du lịch, tăng chi phí du lịch, tác động tiêu cực đến các sản phẩm du lịch, thậm chí có thể xóa sổ các khu du lịch ven biển… Cần phải hết sức quan tâm đến việc giải quyết các thách thức từ các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành du lịch nội địa Việt Nam
- Đề xuất một số giải pháp giúp ngành du lịch vượt qua những thách thức hiện nay, đồng thời đáp ứng với sự thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch
Trước sự thay đổi diễn ra nhanh chóng trong nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch nội địa so với thời điểm trước khi bùng phát đại dịch, ngành du lịch cần phải xem xét, cân nhắc lại toàn bộ quan điểm tiếp cận cũng như các kế hoạch phát triển thị trường và sản phẩm dành cho khách du lịch nội địa. Đồng thời, để vượt qua những thách thức mới trong bối cảnh hiện nay, theo người viết, ngành du lịch cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, đặc biệt là đẩy mạnh thị trường khách nội địa để du lịch nội địa thật sự trở thành trụ cột chính của ngành hiện nay. Trong bối cảnh lượng khách quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, thì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách nội địa là giải pháp quan trọng. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong nước, vừa bảo đảm khả năng duy trì cho các doanh nghiệp du lịch trong ngắn hạn.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong quá trình phục hồi phát triển sản phẩm du lịch. Theo đó, Chính phủ, các bộ ngành cần tiếp tục có chính sách, cơ chế thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, như: hỗ trợ thuế, giá; hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; thực thi các chính sách kích cầu du lịch…
Thứ ba, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành Du lịch, nhưng đây cũng là khoảng thời gian ngành Du lịch nhìn nhận lại quá trình phát triển, chỉnh trang lại cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới.
Thứ tư, tăng cường xúc tiến, quảng bá phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, hình thành các dòng sản phẩm du lịch mới (như: du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ du lịch về đêm…) và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và vô cùng đa dạng của thị trường nội địa. Đồng thời, chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch…
Thứ năm, phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao. Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến công việc của hầu hết lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhiều lao động du lịch đã bỏ ngành, chuyển ngành. Do vậy, sau đại dịch, việc quan trọng đầu tiên là cần có biện pháp giữ chân, thu hút, phục hồi lại lực lượng lao động cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao để bổ sung cho ngành Du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thứ sáu, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19. Sau đại dịch, có thể xuất hiện trở lại các hiện tượng chèo kéo khách, cò mồi, nâng giá, ép giá, lừa đảo, cướp giật… Vì vậy, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội, tích cực hành động để xây dựng ngành du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, các hãng hàng không cần chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện các chương trình kích cầu du lịch trong bối cảnh thị trường du lịch nội địa dự kiến sẽ có nhiều khó khăn do các tác động từ kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
- Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2023), Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Nghiên cứu những xu hướng du lịch mới sau đại dịch COVID-19”
- Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2022), Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Nghiên cứu thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới”
Phạm Văn Dương
Phòng Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch