Khảo sát thực địa, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng
Triển khai các hoạt động thuộc Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035” từ ngày 15/01-18/01/2020, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn công tác khảo sát bổ sung tại tỉnh Cao Bằng do TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch làm trưởng đoàn cùng các thành viên tham gia đề án.
Cao Bằng là địa phương có bề dày về lịch sử văn hóa, là vùng đất có tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú. Không những vậy, Cao Bằng còn có tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và phong phú, còn giữ được nhiều nét nguyên sơ, có sức hút lớn đối với khách du lịch.
Với mục tiêu tiếp tục tìm hiểu thực trạng phát triển du lịch, đánh giá một số điểm có khả năng khai thác phát triển du lịch và một số định hướng phát triển du lịch, đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát bổ sung một số điểm có tiềm năng tại 2 huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc: Di tích đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường; đèo khau Cốc Chà; điểm du lịch mạo hiểm Thiêng Qua xã Cô Ba, chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon của người Lô Lô, xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà (huyện Bảo Lạc); xóm Cà Đổng, xóm Cà Mèng dân tộc Lô Lô đen xã Đức Hạnh; dọc sông Gâm đoạn thị trấn Bảo Lâm, đồi cỏ Phiêng Mường, xã Quảng Lâm, núi Phja Dạ và cộng đồng dân tộc Sán Chỉ tại xóm Nà Pổng, xã Mông Ân (huyện Bảo Lâm).
Bên cạnh đó, để nắm bắt tình hình khai thác phát triển du lịch tại địa phương, đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc. Qua trao đổi, địa phương cũng đã cung cấp thông tin cập nhập về hiện trạng khai thác và phát triển du lịch đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong quá trình phát triển du lịch.
Đoàn công tác đã kết thúc chuyến khảo sát tốt đẹp, thu thập được nhiều thông tin thực tiễn quan trọng, đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả của chuyến khảo sát là những tư liệu quan trọng cho nhóm nghiên cứu của Viện hoàn thiện đề án.
Diệu Linh