Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
1. Quan điểm và mục tiêu phát triển chủ yếu:
a) Quan điểm phát triển:
Phát triển du lịch phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội địa phương; phải gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; phát triển du lịch trong sự phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững; dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, phát triển du lịch Bến Tre phải phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, với Chương trình hành động quốc gia về du lịch; phải huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế, tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, nhất là nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch Bến Tre phải đặt trong mối quan hệ liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long… đặc biệt là mối quan hệ với Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, nhằm tạo thị trường khách du lịch bền vững.
b) Mục tiêu phát triển:
Phát triển du lịch tỉnh dựa trên các loại hình du lịch chính là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch vui chơi giải trí. Phấn đấu tăng thu nhập từ du lịch bình quân 20%/năm. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn để thu hút khách, nhất là khách quốc tế. Xây dựng các tuyến điểm du lịch đặc thù của tỉnh. Tập trung các nguồn lực để xây dựng khu du lịch chuyên đề quốc gia làm điểm nhấn để phát triển toàn diện du lịch trên địa bàn tỉnh bao gồm: các xã ven sông huyện Châu Thành, các khu, điểm du lịch Mỹ Thạnh An (thị xã), Hưng Phong (Giồng Trôm), thực hiện dự án phát triển du lịch huyện Chợ Lách, huyện Ba Tri… Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án về du lịch với quy mô khá và hướng đến hiện đại; đầu tư khai thác dịch vụ vận chuyển, nâng cao chất lượng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước và cán bộ kinh doanh du lịch; tăng cường quảng bá du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch khác. Từ đó, xây dựng thương hiệu “Du lịch Bến Tre”.
2. Chỉ tiêu phát triển du lịch:
a) Về khách du lịchnăm 2010 đạt 505.000 lượt khách tăng bình quân 10,04%/năm đến năm 2015 đạt 780.000 lượt khách tăng bình quân 9,08%/năm; năm 2020 đạt 1.160.000 lượt khách tăng bình quân 8,67%/năm.
b) Về thu nhập từ du lịch năm 2010 đạt 226,9 tỷ đồng tăng bình quân 22,19%/năm đến năm 2015 đạt 646,9 tỷ đồng tăng bình quân 23,31%/năm; đến năm 2020 đạt 1.823,5 tỷ đồng tăng bình quân 23,17%/năm.
c) Vốn đầu tư toàn xã hội để phát triển du lịch giai đoạn 2006 – 2010 là 449 tỷ đồng; từ 2010 đến 2020 là 3.577,8 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư từ ngân sách Nhà nước khoảng 10%.
d) Hình thành tuyến du lịch gồmtuyến du lịch nội tỉnh; tuyến du lịch liên tỉnh; tuyến đường sông phù hợp với điều kiện phát triển du lịch Bến Tre.
đ) Danh mục một số dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch đến năm 2010:
– Xây dựng khu du lịch chuyên đề quốc gia cồn Phụng;
– Phát triển du lịch cộng đồng 8 xã ven sông huyện Châu Thành;
– Khu du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng cồn Ốc;
– Điểm du lịch cồn Phú Bình;
– Khu du lịch sinh thái Mỹ Thạnh An;
– Khu du lịch cao cấp thị xã;
– Khu du lịch gắn với khu di tích lịch sử Đồng Khởi ở huyện Mỏ Cày và đầu cầu đường mòn Hồ Chí Minh trên biển ở huyện Thạnh Phú;
– Khu du lịch sinh thái Vàm Hồ;
– Điểm du lịch biển Thừa Đức;
– Điểm du lịch biển Thới Thuận.
3. Thống nhất định hướng và các phương án phát triển chủ yếu; tổ chức không gian, lãnh thổ du lịch và đầu tư phát triển du lịch theo báo cáo tổng hợp.
4. Giải pháp thực hiện:
Tập trung thực hiện các biện pháp chủ yếu để đạt mục tiêu quy hoạch: triển khai các cơ chế chính sách về thuế, huy động vốn, thị trường, hỗ trợ dự án phát triển du lịch, đất đai, khoa học và công nghệ; các giải pháp về đầu tư phát triển du lịch, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nâng cao quản lý Nhà nước về du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch theo báo cáo tổng hợp.
Trước mắt, tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
a) Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể để xây dựng các dự án cụ thể và kế hoạch thực hiện hàng năm, trong đó cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ngành du lịch, ưu tiên triển khai thực hiện các dự án giao thông, bưu chính viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, môi trường tạo động lực cho du lịch phát triển. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí vốn ngân sách theo quy định, đồng thời thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế.
b) Cụ thể hóa chính sách phát triển du lịch sau khi gia nhập WTO.
c) Hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước để nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước.
d) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
đ) Tăng cường liên kết cấp độ doanh nghiệp và cấp độ địa phương, cấp độ ngành để phát triển nhanh hoạt động du lịch.