Một số loại hình du lịch mới trên thế giới
Xã hội loài người ngày càng phát triển, cùng với đó nhu cầu du lịch của con người cũng phát triển theo, đòi hỏi không chỉ có các loại hình du lịch truyền thống mà còn có cả các loại hình du lịch hiện đại. Những năm gần đây, ngành du lịch thế giới chứng kiến nhiều xu hướng, loại hình du lịch mới ra đời từ những ý tưởng vô cùng sáng tạo và độc đáo, đó là một biểu hiện cho một ngành kinh tế đang phát triển năng động bậc nhất.
Việt Nam là đất nước có tiềm năng du lịch phong phú, tuy nhiên ngành du lịch vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng do các loại hình du lịch còn đơn giản, cũ kỹ. Theo các chuyên gia về du lịch, để du lịch Việt Nam phát triển cần thúc đẩy các loại hình du lịch mới để khai thác các tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ, đồng thời cũng là để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và khai thác thêm những phân khúc thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Người viết bài này không có tham vọng giới thiệu hết sự đa dạng, phong phú và sáng tạo mà những người làm du lịch chuyên nghiệp trên thế giới đang thực hiện. Bài tóm tắt dưới đây chỉ muốn giới thiệu đến quý độc giả một số sản phẩm và xu hướng du lịch đang nổi lên trong những năm gần đây và được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.
Du lịch hồi giáo (Halal Tourism)
“Halal tourism” là một thuật ngữ du lịch mới, bao gồm tất cả các hoạt động du lịch Hồi giáo. Loại hình du lịch này có thể được định nghĩa là tuân theo những quy định hoặc sự cấm đoán của đạo Hồi như: không rượu, không thịt lợn và khu bể bơi của nam và nữ tách riêng,…
Dân số Hồi giáo đang tăng nhanh và sẽ tăng từ 1,6 tỷ năm 2010 lên 2,2 tỷ vào năm 2030. Du lịch hồi giáo được dự đoán tăng đến 50% vào năm 2020. (Ảnh: Internet)
Có quy mô thị trường lớn và đang phát triển rất nhanh. Năm 2013, quy mô thị trường là 140 tỷ USD, theo dự báo đến năm 2019 quy mô của thị trường này khoảng 289 tỷ USD (nguồn: WIER). Thái Lan là nước đã nhanh chóng thích ứng với xu hướng mới này, họ cho xây dựng những khách sạn, nhà hàng, khu du lịch riêng để đón khách hồi giáo và thu hút được một lượng khách rất lớn.
Chi tiêu cho du lịch hồi giáo (Halal Tourism)
Du lịch thanh niên (Youth Tourism)
Youth tourism được định nghĩa là một thị trường nhánh trong du lịch, nó mô tả một chuyến du lịch độc lập dưới một năm bởi những người ở độ tuổi 15-30. Không giống như các kỳ nghỉ điển hình, du lịch thanh thiếu niên được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm cả những mong muốn để trải nghiệm các nền văn hóa khác, xây dựng kinh nghiệm cuộc sống độc đáo, và được hưởng lợi từ các cơ hội học tập chính thức và không chính thức từ các nước khác, bao gồm giáo dục hoặc làm việc ở nước ngoài.
Ảnh minh họa Youth Tourism (ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, du lịch thanh thiếu niên còn được biết đến như là một sự kết hợp của thanh niên, sinh viên và các thị trường du lịch giáo dục và học tập. Đây là một thị trường rất lớn, chiếm hơn 20% của tổng lượng du khách quốc tế trong năm 2014 (tương đương với 227 triệu lượt khách và 250 tỷ USD)
Du lịch đến những thắng cảnh có nguy cơ biến mất (Last Chance Tourism)
Loại hình du lịch này được biết đến như là những mong muốn của du khách đến để chiêm ngưỡng các thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nhất trên thế giới nhưng đang bị đe dọa nhất, có nguy cơ biến mất hay các loại động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trước khi chúng hoàn toàn biến mất. Một số điểm đến trên thế giới rất nổi tiếng với loại hình du lịch này như: Rạn san hô Great Barrier (Úc), vách đá vôi nổi tiếng White Cliffs of Dover tại Anh, Sông băng Chacaltaya trên núi Andes, Những bức vẽ trên cao nguyên Nazca (Peru), quần đảo Maldives, Biển Chết (Jordan), Vườn quốc gia Glacier Montana (Mỹ),..
Rạn san hô Great Barrier hiện đóng góp tới 7 tỷ USD mỗi năm cho du lịch của Australia cũng là sinh kế của khoảng 70.000 dân địa phương (ảnh: internet)
Du lịch đồ chơi (Toy tourism)
Đây là loại hình du lịch vô cùng kỳ lạ có khởi nguyên từ Nhật Bản, sau đó đã lan nhanh sang Hàn Quốc và nhiều nước châu Á khác và trở thành một xu hướng mới. Một công ty du lịch có tên là Unagi tại Nhật Bản bắt đầu một dịch vụ mới cho người khuyết tật hoặc rất già. Thay vì tự đi du lịch, những người có những khiếm khuyết về thể chất và tinh thần đã mua những tour của các công ty lữ hành để các món đồ chơi của họ được đi du lịch. Các công ty sẽ đưa đồ chơi của những khách hàng này đi và chụp nhiều ảnh trước khi trả về cho chủ của chúng. Năm 2014 đã có hơn 400 tour được thực hiện tại Nhật Bản, chi phí trung bình mỗi ngày cho đồ chơi đi du lịch khoảng 13,5 đô la Mỹ.
Ảnh minh họa một tour du lịch đồ chơi tại Ba Lan do công ty Panda Tour tổ chức (ảnh: Panda Tour)
Du lịch dành cho phụ nữ sống đơn thân – PANKS (Professional Aunts No Kids)
Khái niệm này đầu tiên được phổ biến tại Hoa Kỳ sau đó lan rộng ra nhiều nước khác. Các tour du lịch PARKS này được thiết kế có các bà cô, bà dì sống đơn thân và không có con nhưng mong muốn có một trải nghiệm về kỳ nghỉ với các cháu trai, cháu gái của họ “như với con của mình”. Tại Mỹ trong khi có 42% phụ nữ từ 15-44 tuổi không có trẻ em trong năm 2002, tỷ lệ này là 43,7% năm ngoái. Năm 2013 đã có 23 triệu PANKS tour được thực hiện tại Mỹ với doanh thu 9 tỷ Đô la Mỹ.
Một tour du lịch PANKS (ảnh: Reuters)
Du lịch tìm về các miền đất tổ tiên (Diaspora)
Diaspora là một thuật ngữ từ tiếng Do Thái, Diaspora Tourism được định nghĩa là những du khách đi du lịch về quê hương để tìm lại nguồn gốc của mình. Hầu hết khách du lịch ở Mỹ có tổ tiên di cư từ Nga, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia vùng Baltic, từ Đông Âu, người Do Thái ở Mỹ đi du lịch về Phương Đông để khám phá nguồn gốc của mình. Họ đi du lịch để tìm hiểu về tổ tiên của họ, để hiểu về truyền thống, phong tục tập quán, để có được hình thức kết hôn theo truyền thống,.. Nó tạo ra các hoạt động du lịch mới.
Một tour du lịch Diaspora tại Uganda (ảnh: ugandandiasporanews.com)
Bài tổng hợp ngắn này có thể được xem như vài gợi ý nhỏ giúp các doanh nghiệp du lịch trong nước suy nghĩ về cách mà các nhà làm du lịch chuyên nghiệp trên thế giới đang không ngừng đổi mới và sáng tạo để cạnh tranh. Với một thị trường có quá nhiều nhà cung cấp và cạnh tranh khốc liệt như ngành du lịch, cách để tồn tại và phát triển không phải là bán ra những sản phẩm giống hệt nhau.
Văn Dương
10. Israel
Ngành công nghiệp du lịch tại Israel cũng đang bùng nổ. Theo UNWTO, lượng khách du lịch tới nước này đang tăng 25.1% trong năm nay. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục duy trì lâu dài, sẽ đưa tổng số khách du lịch đến thăm Israel ước tính vào khoảng 3.7 triệu vào cuối năm nay. Israel và Palestine có thể là các điểm đến phát triển nhanh nhất ở Trung Đông