Để du lịch góp phần thiết thực giảm nghèo
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) và các đối tác cũng nhấn mạnh rằng các nước kém phát triển cần phải phát triển du lịch với ý nghĩa như là một phương thức xuất khẩu toàn cầu.
Gần đây, UNWTO đã phối hợp với Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) và Chương trình Khung Tích hợp Nâng cao (EIF) công bố báo cáo Du lịch vì Phát triển Bền vững tại các quốc gia kém phát triển.
Báo cáo đã một lần nữa khẳng định rằng cần ghi nhận sâu sắc hơn ngành Du lịch như là một ngành xuất khẩu dịch vụ chính, từ đó thu hút mạnh mẽ hơn sự hỗ trợ kỹ thuật của các ngành, đặc biệt tại các quốc gia kém phát triển.
Năm 2016 có hơn 1,3 tỷ người đi du lịch quốc tế, chi tiêu khoảng 1,4 nghìn tỷ Đô la Mỹ. Con số này tương đương với tổng sản phẩm quốc nội của Úc. Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2017 là Năm Quốc tế về Du lịch Bền vững vì sự phát triển, khẳng định vai trò của du lịch quốc tế đối với giảm nghèo. Nhưng bao nhiêu tiền thu được từ du lịch toàn cầu thực sự đi về các nước nghèo?
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mặc dù tỷ phần tổng chi tiêu của khách du lịch tại các quốc gia không quá lớn thì con số 79 tỷ Đô la Mỹ tính riêng cho năm 2016 cũng rất đáng kể, bằng với ngân sách viện trợ nước ngoài của cả Mỹ, Đức, Anh và Pháp cộng lại. Nhưng nếu chỉ có tiền thì chưa đủ để giảm nghèo. Lấy ví dụ trường hợp của Thái Lan, một trong bốn điểm đến du lịch nổi tiếng nhất thế giới, khoản tiền mặt thu được từ du lịch quốc tế năm 2016 là 54 tỷ Đô la Mỹ không khiến cho quốc gia này trở nên giàu có. Số tiền đầu tư cho phát triển tùy thuộc vào nhiều yếu tố được phân tích chặt chẽ. Đối với các quốc gia kém phát triển còn thiếu nhiều mặt hàng và dịch vụ thiết yếu cho khách du lịch, xin đơn cử như sân bay, cơ sở lưu trú, các điểm thu hút chính, hướng dẫn viên du lịch và viễn thông.
Điều này dẫn tới một khái niệm các nhà kinh tế học gọi là “lỗ hổng”. Bởi vì khi một quốc gia phải nhập khẩu mọi thứ từ máy phát điện, các tấm pin năng lượng mặt trời cho tới thực phẩm thì quốc gia đó trông đợi vào tỷ lệ đáng kể số tiền ngoại tệ thu được từ khách du lịch để bù đắp chi phí mà chưa thể nhân rộng trong kinh tế địa phương. Một nguyên nhân nữa làm cho “lỗ hổng” càng lớn hơn đó là phần nhiều các nhà đầu tư du lịch là các công ty nước ngoài, nên lợi nhuận là của nước ngoài, điển hình là các chuyên du thuyền qua các quốc đảo nhỏ đem lại lợi nhuận cho các công ty có trụ sở chính ở châu Âu.
Chính phủ các quốc gia có thể thu hẹp “lỗ hổng” bằng cách cân nhắc chiến lược về mua sắm, chú trọng tới phát triển doanh nghiệp trong nước, đưa các nội dung về chuỗi cung ứng lồng ghép vào chương trình giáo dục và đào tạo để chuẩn bị cho các thế hệ sinh viên ra trường có thể làm việc trong ngành Du lịch. Để người dân địa phương được hưởng lợi từ chi tiêu bằng ngoại tệ của khách du lịch thì các công ty có chủ sở hữu nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn khách sạn, cần phải cam kết cộng tác với người dân sở tại và đầu tư vào cộng đồng địa phương. Các tổ chức quốc tế như các cơ quan thuộc LHQ có thể giúp các quốc gia trong việc cân đối giữa lợi ích của doanh nghiệp và của cộng đồng bằng cách phân bổ kinh phí cho sự kết nối giao thông, xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng để sử dụng cho hoạt động du lịch tiềm năng. Một yếu tố quan trọng khác là nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong nước. Khi các văn phòng du lịch, khách sạn sang trọng và công viên sinh thái tuyển dụng lao động là người dân địa phương, đào tạo kỹ năng, tay nghề thì lợi ích của du lịch sẽ được chia sẻ công bằng cho các bên, quản lý chi tiêu và tăng trưởng bền vững có hiệu quả.
Mỗi người khách du lịch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tối đa lợi ích cho cộng đồng bằng việc lựa chọn du lịch có trách nhiệm “hướng tới cộng đồng” trong tất cả các hoạt động từ đặt tour của công ty du lịch địa phương, mua thực phẩm cho tới các mặt hàng thủ công ở nước sở tại. Càng nhiều khách du lịch lựa chọn các công ty được chứng nhận là “có trách nhiệm” càng truyền đi thông điệp rằng khách du lịch quan tâm tới tác động của họ, có khi chỉ đơn giản là việc họ đặt ra các câu hỏi thích đáng.
Du lịch sẽ không bao giờ xóa hẳn nghèo đói, nhưng chính phủ, ngành Du lịch, các bên liên quan và khách du lịch cùng quan tâm đến mục tiêu giảm nghèo thì họ sẽ tạo động lực cho sự thay đổi. Sự tham gia có hiệu quả của các bên liên quan đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với các bên liên quan ở cấp khu vực và cấp nhà nước. Báo cáo Du lịch vì Phát triển Bền vững tại các quốc gia kém phát triển nhắm vào mục tiêu tăng cường cam kết và sự phối hợp giữa các bên trong hỗ trợ kỹ thuật các hoạt động liên quan đến thương mại, tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ.
Tin: Chiến Thắng