Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

    Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang 2016 (MDEC- Hậu Giang 2016), hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Phú Quốc – Đồng bằng Sông Cửu Long và triển khai Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch năm 2016, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo Phát triển Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang ngày 11/7/2016. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là đơn vị trực tiếp thực hiện tổ chức Hội thảo.

    3

    Toàn cảnh Hội thảo

    Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu và ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đồng chủ trì. Hội thảo “Phát triển Du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long” là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang 2016 (MDEC- Hậu Giang 2016) được diễn ra từ ngày 11-15/7/2016.

    Tham dự Hội thảo, còn có lãnh đạo tỉnh và các sở ngành của 13 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo Cục công tác phía Nam, lãnh đạo các Vụ, Viện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Tổng cục Du lịch; lãnh đạo Quân khu 9, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM, Sở Du lịch Hà Nội; lãnh đạo các Sở, ban ngành, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình; các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch; đại diện Hiệp hội đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp du lịch thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 02 đoàn các doanh nghiệp đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
    Mở đầu Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc, nhấn mạnh những lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời chỉ ra một số điểm cần triển khai thực hiện để phù hợp với định hướng chung của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Du lịch vùng ĐBSCL cần phát triển đổi mới, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và những xu hướng mới của các thị trường khách du lịch đến vùng; đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp; ứng dụng E-marketing trong xúc tiến quảng bá du lịch; khai thác triệt để các yếu tố đặc thù, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch vùng có tính cạnh tranh cao; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch (sản phẩm trải nghiệm cuộc sống sông nước, du lịch đường sông, sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch tìm hiểu di sản văn hoá); định vị thương hiệu du lịch Vùng ĐBSCL với những giá trị độc đáo của thế giới miệt vườn sông nước; tăng cường vai trò của hợp tác, liên kết vùng; phát huy vai trò vị trí trung tâm vùng của Cần Thơ; đẩy mạnh kết nối trong nội vùng và mở rộng với các vùng khác; các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để đáp ứng với những yêu cầu và nhiệm vụ mới; khẳng định vị trí quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long trên bản đồ du lịch Việt Nam, nâng cao vị thế của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng; cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long với bạn bè trong nước và quốc tế.

    1

    Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu –  phát biểu khai mạc tại Hội thảo

    Với tư cách là địa phương chủ nhà của sự kiện, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã có bài phát biểu chào mừng Hội thảo. Ông Đồng Văn Thanh đánh giá cao đơn vị chủ trì trong công tác chuẩn bị Hội thảo và mong muốn qua Hội thảo này sẽ nhận được nhiều hiến kế, hiến ý tưởng về các cơ chế, chính sách đặc thù và giải pháp hữu hiệu cũng như kế hoạch hành động cụ thể để đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các địa phương trong vùng và từng bước tháo gỡ khó khăn, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính đột phá cũng như dài hơi để đưa du lịch Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng phát triển trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.

    anh Tuan

                            Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phát biểu đề dẫn

    Sau phát biểu đề dẫn của ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, các tham luận được trình bày tại Hội thảo, tập trung vào 03 vấn đề chính: Cơ chế, chính sách phát triển du lịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Sản phẩm du lịch, thị trường du lịch và công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

    Tại phiên trao đổi, thảo luận, Hội thảo đã nghe nhiều đóng góp ý kiến trực tiếp, sôi nổi của các chuyên gia, lãnh đạo các Sở VHTTDL, Trung tâm xúc tiến du lịch… đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Nội dung thảo luận đi sâu vào đánh giá thực trạng sản phẩm du lịch, thị trường du lịch và công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

    tong hop

    Một số hình ảnh trình bày tham luận và thảo luận

    Kết thúc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã kết luận các nội dung chính. Theo đó, Hội thảo thống nhất cao rằng trong nhiều năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long luôn được khẳng định là Vùng giàu tiềm năng phát triển du lịch, có thể khai thác, phát triển đem lại lợi ích to lớn. Gần đây, du lịch trên địa bàn cũng có nhiều bước phát triển tích cực, thêm vào đó Vùng cũng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thể hiện qua các chính sách ưu đãi, đầu tư, phát triển nhân lực…coi Du lịch là ngành kinh tế tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác. Tuy nhiên, so với thế mạnh sẵn có, du lịch Vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được sự phát triển xứng tầm. Một số giải pháp được đề xuất từ các ý kiến đóng góp của Hội thảo gồm: (1) Tập trung phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù, đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm gắn với thị trường, từ đó đáp ứng nhu cầu khách du lịch; (2) Đẩy mạnh ứng dụng e-marketing vào công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; (3) Phát triển nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc gia; (4) Tăng cường liên kết phát triển du lịch, liên kết vùng và địa phương, nâng cao vai trò trung tâm của Vùng; (5) Tiếp tục đề xuất Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, vai trò doanh nghiệp được coi trọng. 

    Tin: Trọng Thiển, Ảnh: Quốc Hưng

    Bài cùng chuyên mục