Các cơ hội để phát triển và những thách thức đặt ra cho ngành Du lịch sau đại dịch Covid
- Cơ hội để phát triển cho ngành Du lịch sau đại dịch Covid-19
Thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới – một chu kỳ kinh tế mới sau gần 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Mọi hoạt động đã dần quay trở về với quỹ đạo vốn có. Hoạt động du lịch toàn cầu cũng bắt đầu phục hồi nhanh dần đều từ cuối năm 2021.
Mặc dù những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến ngành du lịch năm 2020 là rất nặng nề. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng gợi mở nhiều cơ hội để ngành du lịch vượt qua những thách thức trước mắt. Trải qua hai đợt dịch nặng nề đã thay đổi hành vi dẫn đến nhiều thay đổi nhu cầu của khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài. Việt Nam cần nắm bắt được một số xu hướng du lịch trên thế giới, qua đó có những phân tích, định hướng và xây dựng những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng và thị trường du lịch.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong 7 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, ước đạt khoảng 474 triệu lượt khách. Trong đó, có khoảng 207 triệu lượt khách quốc tế được ghi nhận vào tháng 6 và tháng 7 năm 2022, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, chiếm 44% tổng số lượt khách được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm. Những con số trên cho thấy, hoạt động du lịch đã phục hồi gần 60% so với mức trước đại dịch. Sự phục hồi ổn định phản ánh nhu cầu đi lại quốc tế đang bị dồn nén mạnh mẽ, cũng như việc nới lỏng/dỡ bỏ các hạn chế đi lại (86 quốc gia không có hạn chế liên quan đến Covid-19 kể từ ngày 19/9/2022).
Đối với Việt Nam, sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại.
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2022 đạt 707,1 nghìn lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và gấp 41,2 lần so với năm trước, do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước, nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Trong tổng số gần 3.661,2 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 3.277,2 nghìn lượt người, chiếm 89,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,5 lần so với năm trước; bằng đường bộ đạt 380,9 nghìn lượt người, chiếm 10,4% và gấp 8,4 lần; bằng đường biển đạt 3,1 nghìn lượt người, chiếm 0,1% và gấp 5,1 lần. Các thị trường khách hàng hàng đầu đến Việt Nam là Hàn Quốc, Mỹ và các nước Đông Nam Á.
Trước đó, số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp lữ hành tái hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Kể từ sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng vào các ngày trong tuần và trên 95% dịp cuối tuần, đặc biệt là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải hành khách đáp ứng khá tốt nhu cầu của du khách. Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng lượng vận chuyển 11 tháng năm nay chỉ bằng 72,6% và luân chuyển bằng 68,4% so với cùng kỳ năm 2019 .
Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19 đã mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy tiềm năng ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số mạnh mẽ. Riêng du lịch và hàng không, Covid-19 cũng khiến 2 ngành này phải tăng cường liên minh, hợp tác nhằm hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch kiểu mới, vừa thu hút khách du lịch trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ, vừa hỗ trợ 2 ngành cùng phục hồi và phát triển hậu Covid-19.
Du lịch online đã trở thành xu hướng được nhiều quốc gia hướng tới sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. The Guardian, một ấn phẩm báo chí nổi tiếng của Anh đã giới thiệu hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) trong danh sách 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới, mang đến sự thích thú cho độc giả… Điều đó cho thấy, du lịch thế giới đã có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới sau đại dịch Covid-19.
Nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ để thu hút người dân và du khách tìm hiểu các điểm đến bằng hình thức trực tuyến, điển hình là Văn Miếu – Quốc Tử Giám với hình thức “Tham quan 360 độ” trên website, cho phép du khách có thể tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu hay như du lịch online thông qua website Battrangtour.net của làng gốm sứ Bát Tràng và đặc biệt là Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity”. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Gần đây, các website du lịch nổi tiếng, như: Amazing Việt Nam, Lonely Planet, TripAdvisor… đã tăng cường đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin du lịch hấp dẫn để phục vụ nhu cầu khám phá của du khách.
Du lịch online vẫn là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh sau dịch Covid-19. Đây là thời điểm các đơn vị cần chủ động đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý công việc, đồng thời giúp người dân và du khách có thêm kênh thông tin du lịch hữu ích. Phát triển du lịch online sẽ giúp các đơn vị khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh một cách hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Mặt khác, một số cơ sở lưu trú du lịch tranh thủ thời gian ngừng hoạt động để chỉnh trang, đầu tư cơ sở vật chất mới, nâng cấp dịch vụ. Một số điểm đến du lịch mới, sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh được hình thành và có cơ hội thu hút khách du lịch trong bối cảnh mới…
- Những thách thức đặt ra cho ngành Du lịch sau đại dịch Covid-19
Năm 2022 là năm đánh dấu sự khởi sắc của du lịch Việt Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau sự trở lại “ngoạn mục” sau đại dịch, đến năm 2023, du lịch Việt được xác định đối diện với không ít thách thức, khó khăn.
Trước hết, việc thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và các điểm đến du lịch mới đang gây ra áp lực đáng kể cho những điểm đến vốn đã phổ biến, làm tăng rủi ro quá tải.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ du khách quốc tế và nội địa tăng nhanh trong thời gian qua sau khi dỡ bỏ các rào cản đi lại và nối lại đường bay quốc tế, các điểm đến phổ biến trong nước đang phải đối mặt với tình trạng quá tải du lịch ngày càng tăng, làm tăng rủi ro về trải nghiệm của du khách bị xuống cấp trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân sự của toàn ngành chưa được chuẩn bị đầy đủ sau khi ngấm đòn Covid-19.
Mật độ du khách tăng lên trong thời gian qua đã dẫn đến những vấn đề về quá tải, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân, như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết đầu tư cho hạ tầng du lịch trong những năm qua chỉ tập trung vào mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú để bắt kịp với tăng trưởng về lượt khách. Tuy nhiên, những cải thiện về năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng thiết yếu khác để hỗ trợ số lượt khách tăng nhanh lại chưa bắt kịp. Thách thức này cùng với công tác quản lý chưa tốt là nguyên nhân chính khiến phần lớn khách hàng không hài lòng đối với điểm đến du lịch.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và địa phương trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng là rất cần thiết. Khảo sát khách du lịch của Vietnam Report cho thấy, những nội dung được quan tâm khi tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch bao gồm: thông tin chi tiết về các dịch vụ du lịch; du lịch gắn với phát triển bền vững, bảo tồn thiên nhiên; thông điệp hấp dẫn; ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho khách; hình ảnh được lồng ghép trong các bộ phim, MV ca nhạc…
Tiếp theo, nguồn cung lao động và chất lượng nhân sự lao động ngày càng không có khả năng bắt kịp với nhu cầu khi ngành đang tăng trưởng nhanh.
Một thực trạng mà hầu hết các doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt hiện nay là ngành Du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Trong khi đó, hiện nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Thực tế này khiến nhiều lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành Du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong du lịch.
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho rằng, trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành Du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN. Cơ hội là rất lớn nhưng thách thức lại không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Du lịch trong nước.
Ngoài ra, kinh nghiệm, trình độ và nhận thức của chủ đầu tư các công trình, dự án du lịch còn có những hạn chế dẫn đến sai lầm trong quá trình đầu tư, duy trì chất lượng và phát triển thương hiệu, chọn tư vấn thiết kế không đủ năng lực nên công trình không đáp ứng công năng, khó vận hành, không đạt tiêu chuẩn theo mục đích ban đầu. Nhiều nơi chưa thực quan tâm đến chuyển đổi số. Nhân lực còn thiếu hụt và khó tuyển dụng, nhất là lao động có kinh nghiệm, chuyên môn tốt. Hầu hết phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo, sau đó vừa đào tạo vừa phục vụ khách nên còn nhiều lúng túng.
Mặt khác, nhiều điểm du lịch còn mang tính thời vụ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín của nhiều đơn vị do thời gian thấp điểm, cơ sở vật chất bị xuống cấp, nhân viên không ổn định, nhiều nơi không dám tuyển đủ nhân lực vì sợ không đủ chi phí cho quỹ lương sau thời gian dài cạn kiệt nguồn vốn dự phòng. Những thời gian cao điểm như lễ hội, nghỉ hè, nghỉ Tết… cung thấp hơn cầu dễ gây đến tình trạng nâng giá, ép giá, cung ứng dịch vụ không đảm bảo chất lượng…
Bên cạnh đó, vẫn còn đó những khó khăn khác ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành có thể kể đến như: Tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; biến động giá năng lượng. Phần lớn các doanh nghiệp dự báo những khó khăn này còn kéo dài đến cuối năm 2023, thậm chí sau đó nữa.
Để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến xu hướng du lịch mới để có những thay đổi cho phù hợp. Nhu cầu của khách hàng hoàn toàn thay đổi sau dịch COVID-19, khách đi ngắn ngày, đi nhiều lần, đi nhóm nhỏ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sản phẩm combo (máy bay và phòng khách sạn)… Chính vì vậy, năm 2021, các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi theo xu hướng của khách hàng. Những điểm đến từng “hot” tập trung đông khách, có những khách sạn và khu nghỉ dưỡng hàng nghìn phòng sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Họ bắt đầu tìm đến các điểm đến mới, bắt đầu phân ra các khu riêng biệt, đa dạng hóa dịch vụ chuyên biệt. Họ không đầu tư theo quy mô lớn mà nhỏ, phân tán nhưng kết nối với nhau.
Các sản phẩm du lịch hướng đến sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga, du lịch gần gũi với thiên nhiên sẽ lên ngôi và ngày càng trở nên quan trọng hơn sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cũng sẽ đi vào có chiều sâu bởi du khách hướng vào các loại hình du lịch có chất lượng. Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào những hoạt động coi trọng nền tảng văn hóa bản địa.
Bùi Thị Nhẹ
Phòng Nghiên cứu chính sách Quy hoạch và Môi trường Du lịch