Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc bản địa Vùng Tây Nguyên phục vụ phát triển du lịch

    I. MỞ ĐẦU

    Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt. Tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức lãnh thổ của ngành du lịch, đến cấu trúc và chuyên môn hóa của du lịch. Tài nguyên du lịch là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sản phẩm du lịch; tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch; tạo nên những sắc thái riêng, đặc trưng riêng cho mỗi điểm đến du lịch. Sự đa dạng và phong phú của tài nguyên du lịch, chất lượng, khả năng khai thác của chúng và mức độ kết hợp giữa các loại tài nguyên du lịch trên một lãnh thổ có ý nghĩa đặc biệt trong việc hình thành và phát triển du lịch của một vùng hay một quốc gia. Một lãnh thổ nào đó càng có nhiều loại tài nguyên du lịch với chất lượng cao và mức độ kết hợp các loại tài nguyên phong phú, thuận lợi… thì sức thu hút khách du lịch càng lớn.

    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước với những nét đặc trưng riêng về vị trí địa lý, vị trí kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng ; về các điều kiện tự nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa… có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc Văn hóa Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

    Vùng Tây Nguyên bao gồm lãnh thổ của 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên là 54.508,3 km2 (chiếm 16,5% diện tích cả nước); dân số tính đến cuối năm 2020 là 5,932 triệu người (chiếm 6,0% dân số cả nước); mật độ dân số trung bình là 109 người/km2.

    Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương. Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia; tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; có hệ thống giao thông khá phát triển với 3 cảng hàng không (Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku), với tuyến đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29; Vùng Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.

    Tây Nguyên có nền địa hình khá đa dạng, từ vùng núi cao đến các cao nguyên rộng lớn và các thung lũng với những cánh đồng trù phú…, đã tạo nên cho Tây Nguyên có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm (khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới), với nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều thác ghềnh hiểm trở, nhiều cánh rừng nguyên sinh với giá trị đa dạng sinh học cao…

    Tây Nguyên là nơi cư trú của 49 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau đã tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước. Đó là “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” – kiệt tác và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như Nhà Rông, Nhà Dài, Nhà Mồ…; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới…); các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo. Tây Nguyên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc (Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh…).

    Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, Tây Nguyên có thể khai thác để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, mang Thương hiệu Tây Nguyên để hấp dẫn khách du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

    1. CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA VÙNG TÂY NGUYÊN CÓ THỂ KHAI THÁC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

    Bên cạnh các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc như hệ thống các vườn quốc gia với giá trị đa dạng sinh học cao, hệ thống thác nước hùng vĩ, khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, có nhiều thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo (các cao nguyên, hồ trên núi…), vùng Tây Nguyên còn có nhiều tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng và phong phú, đặc biệt là các di sản văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc bản địa… phục vụ phát triển du lịch. Các giá trị văn hóa bản địa nổi bật gồm:

    1. Nếp sống nương rẫy: Tây Nguyên là nơi sinh sống của 49 dân tộc anh em, trong đó có một số dân tộc bản địa như các tộc người Bân, Xơ đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ măm, M’nông, Mạ, Cơho thuộc nhóm Môn – Khmer và các tộc người Giarai, Ê đê, Churu, Raglai thuộc nhóm Nam đảo. Người Kinh có mặt ở Tây Nguyên từ thế kỷ 19, cùng nhiều dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào như Tày, Nùng, Thái, Dao, H’mông, Bru – Vân Kiều làm cho mối quan hệ và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên phong phú và đa dạng. Hiện nay, các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên không còn cư trú theo lãnh thổ tộc người riêng biệt mà sinh sống xen kẽ, đan xen nhau, có sự giao lưu về văn hóa với người Kinh và các dân tộc thiểu số khác từ miền Trung, miền Bắc đến sinh cơ lập nghiệp. Trong quá trình chung sống xen kẽ, các cộng đồng dân cư tuy thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau nhưng cơ bản có sự hòa hợp, đoàn kết, không phân biệt giữa người tại chỗ và nơi khác đến, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước.

    Đặc trưng lớn nhất quy định những sắc thái văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên là nếp sống nương rẫy, là nếp sống chủ đạo, bao trùm toàn bộ các tộc người. Toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên từ tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ, đời sống tình cảm của con người cũng gắn bó với rừng núi và nương rẫy. Các dân tộc Tây Nguyên có những nét tương đồng và khá đặc trưng về quan niệm và ứng xử giữa thế giới người sống và người chết từ đó hình thành cả một hệ thống tập tục, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa xung quanh thế giới người chết – tạo nên hiện tượng văn hóa dân gian – sinh hoạt văn hóa nhà mồ.

    1. Lễ hội truyền thống: Mỗi dân tộc Tây Nguyên có những nét văn hóa, phong tục, tập quán riêng. Quy mô tổ chức và không khí của lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa ở Tây Nguyên rất hoành tráng và sôi động, phổ biến nhất là lễ đâm trâu, lễ cúng lúa mới, lễ hội cồng chiêng, lễ hội đua voi… đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đầy sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

    – Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên: Cồng chiêng Tây Nguyên gắn bó với cuộc sống người dân Tây Nguyên từ ngàn đời nay, là bằng chứng độc đáo, là nét đặc trưng của truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Cồng chiêng là nhạc cụ nghi lễ, các loại nhạc cồng chiêng trước hết đáp ứng cho yêu cầu của mỗi lễ thức. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có cách tổ chức cồng chiêng khác nhau, có ít nhất 3 phong cách âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên. Cồng chiêng Êđê nhịp điệu phức tạp, tốc độ nhanh, cường độ lớn; cồng chiêng M’nông cường độ không lớn dù tốc độ khá nhanh; cồng chiêng Ba Na – Giarai thiên về tính chất chủ điệu, bề trầm của cồng vang lên âm sắc vững chãi, hoành tráng.

    Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    – Lễ hội đâm trâu là sinh hoạt tín ngưỡng đánh dấu cho những hoạt động sản xuất nương rẫy từ khi gieo trồng cho đến khi mang lúa về kho. Trong các nghi lễ gắn chặt với sản xuất nông nghiệp, nghi thức hiến sinh là không thể thiếu được. Lễ hội đâm trâu là lễ hội đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên.

    – Lễ hội mừng năm mới tổ chức hàng năm vào tháng 12 sau khi thu hoạch lúa nương là dịp đồng bào ăn mừng vụ mùa. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa cộng đồng của các dân tộc Tây Nguyên.

    – Lễ Bỏ Mả: Các dân tộc Tây Nguyên tổ chức Lễ Bỏ Mả cho người chết sau từ 1 – 3 năm. Lễ Bỏ Mả diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa xong, thời tiết mát mẻ, hoa rừng nở rộ.

    – Lễ hội Đua Voi: diễn ra vào mùa xuân, là sinh hoạt văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên, thường được tổ chức tại Buôn Đôn và bên dòng sông Serepok, nhằm nêu cao tinh thần quật cường của các dân tộc cũng như khả năng thuần phục và nuôi dưỡng loài voi.

    – Lễ Cơm Mới: Khi cây H’lưng đầu buôn, cây Ê-táp giữa làng ra nụ, nở hoa, đó chính là lúc buôn làng tổ chức Lễ Cơm Mới. Lễ hội được tổ chức tại nhà riêng hoặc nhà Rông sau vụ thu hoạch của đồng bào Ba Na ở Gia Lai và Kon Tum. Lễ được tổ chức để tạ ơn thần lúa và lễ hội mừng mùa thu hoạch mới, cầu mong cho ruộng nương ngày càng nhiều thóc lúa. Dân làng cúng thần lúa bằng heo hoặc gà trước khi sử dụng lúa để ăn hoặc mang đi biếu. Lễ Cơm Mới được tổ chức đơn giản và không tốn kém.

    1. Văn hóa kiến trúc: Nói đến Tây Nguyên, Nhà Rông, Nhà Dài là biểu tượng văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng… nơi thể hiện các lễ hội tâm linh, nơi các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt lại cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa truyền thống; nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ… Bên cạnh giá trị vật chất, nhà Rông là nơi ẩn chứa các văn hóa tâm linh rất bền vững của các dân tộc Tây Nguyên. Vì vậy, nhà Rông Tây Nguyên vừa có giá trị văn hóa vật thể vừa có giá trị văn hóa phi vật thể.

    Nhà Rông là di sản kiến trúc tiêu biểu, gắn với cư trú lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên, với kiến trúc đa dạng, kiểu dáng hấp dẫn, hình thức trang trí đặc sắc, là “trái tim” của buôn, làng Tây Nguyên, là một thiết chế văn hóa tiêu biểu, độc đáo không pha trộn của các dân tộc Tây Nguyên.

    Người Tây Nguyên có một nền nghệ thuật tạo hình và kiến trúc mang sắc thái độc đáo. Ở Bắc Tây Nguyên là những ngôi Nhà Rông dáng mái cao vút hình lưỡi rìu; ở Trung và Nam Tây Nguyên đặc trưng bởi các Nhà Dài sinh sống bởi nhiều gia đình và một phần dành cho sinh hoạt cộng đồng.

    1. Văn hóa dân gian: Tây Nguyên là vùng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo, là một trong 7 vùng văn hóa lớn của nước ta. Tây Nguyên là vùng đất gặp gỡ của nhiều luồng dân cư, nơi giao lưu văn hóa của nhiều tộc người, vì vậy văn hóa Tây Nguyên có nhiều màu sắc.

    Sử thi Tây Nguyên là một dạng tự sự dân gian, gắn với đặc thù Tây Nguyên về môi trường tự nhiên, truyền thống dân tộc bản địa, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và các đặc trưng văn hóa, tạo nên sự thống nhất thể loại: độ dài tác phẩm, phương thức diễn xướng, hình thức truyền miệng, nội dung và đặc trưng nghệ thuật. Đặc trưng của sử thi là tính kỳ vĩ, thần kỳ, phóng đại đầy chất thi hứng. Chính vì vậy, sử thi Tây Nguyên được phổ biến rộng khắp và lưu truyền lâu dài qua các thế hệ, mang tính cộng đồng và nhân văn sâu sắc. Không gian văn hóa truyền thống Tây Nguyên làm phong phú thêm giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam và là yếu tố quan trọng cho du lịch Tây Nguyên phát triển.

    1. Nhạc cụ dân tộc: Với người Tây Nguyên lời ca tiếng đàn luôn luôn là nguồn cổ vũ trong đời sống. Đêm đêm quanh ngọn lửa hồng, dưới mái nhà rông người ta kể Khan, kể H’mon và hát lên những làn điệu dân ca Jôn-jơ, đợi chờ, giã gạo… 
      Nói tới âm nhạc Tây Nguyên không thể không nhắc tới kho tàng nhạc khí hết sức phong phú và độc đáo với nhiều loại, nhóm và chất liệu khác nhau. Hầu hết các nhạc khí cổ thường dùng chất liệu sẵn có trong thiên nhiên như cồng chiêng, sáo, tiêu, goong rel (đàn goong), tù và, klông pút và t’rưng…

              – Cồng chiêng: Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 60cm, loại cực đại từ 90 đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.

    Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Có tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng. Cồng chiêng có ý nghĩa lớn và giá trị tinh thần cao đối với các dân tộc Tây Nguyên. Hầu như gia đình nào cũng đều có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên từ thuở ấu thơ, chúng theo sát cộng đồng và từng thành viên của cộng đồng trong mọi sự kiện trọng đại, lúc vui cũng như lúc buồn. Cồng chiêng là loại nhạc cụ thiêng, chủ yếu dùng cho các nghi lễ cúng tế, tang ma, cưới xin, mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới và các nghi lễ nông nghiệp, mừng chiến thắng, đưa và đón các chiến binh, cầu sức khỏe và may mắn…

    – Đàn T’rưng: Đàn T’rưng là một loại nhạc khí “thô” được chế tác từ những khúc gỗ bóc vỏ phơi khô hoặc những ống nứa vót một đầu, chặt theo những độ dài khác nhau để tạo nên những âm hưởng khác nhau rồi đem treo lên một cái giá để trở thành một cây đàn gõ phím (dùng những dùi tre gõ vào phím). Đàn T’rưng thường được diễn tấu bên trong nhà rông hoặc ngoài trời vào các dịp lễ hội truyền thống hay trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc người Ba Na, Gia Rai, Ê Đê…

    – Đàn Klông Put: Klông Put là loại nhạc cụ rất đặc biệt của người Xê Đăng, Banar, Srá. Khác với T’rưng, Klông Put là những ống nứa rỗng hai đầu, cũng dài ngắn khác nhau, được đặt trên một giá đỡ: Ống dài cho âm thanh trầm, ống ngắn cho âm thanh cao. Người đánh đứng khom lưng trước hàng ống, hai bàn tay vỗ vào nhau, tạo nên luồng không khí, lùa vào làm chuyển động không khí trong lòng ống phát ra âm thanh. Tiếng Klông Put khỏe khoắn, phóng khoáng, có thể đánh một người, nhưng cũng có thể vỗ mỗi người một đầu. Đây là loại nhạc cụ chỉ có phụ nữ sử dụng.

    – Tù và: Mọi dân tộc ở Tây Nguyên đều sử dụng sừng trâu, bò làm tù và. Tù và có tên gọi khác nhau. Người Êđê gọi là kipah, Người Mnông gọi Nung, Người Banar gọi T’diep… Chiếc sừng được cưa một đoạn ngắn, thủng cả hai đầu. Ở giữa, trên phần cong vào, khoét một lỗ nhỏ và đặt vào đó một chiếc “lưỡi gà”, gắn lại bằng sáp ong. Khi thổi, tay trái cầm ngang thân kèn, ngón cái bịt đầu nhỏ, miệng ngậm vào “lưỡi gà”. Tay phải day chặn ở đầu to để tạo ra những âm thanh khác nhau. Tiếng kèn dài hay ngắn, nhanh hay chậm là do điều khiển bằng lưỡi và luồn hơi, kết hợp với sự bịt mở các ngón tay ở cả hai đầu to nhỏ của kèn.

    – Đàn Goong: Cây đàn Goong gồm một ống nứa có khoét lỗ để mắc những tay đàn. Dây đàn được làm bằng dây thép nhỏ (trước đây làm bằng cật nứa), có từ 6 – 12 dây, tùy theo tài nghệ diễn tấu của nghệ nhân. Đàn goong của người Banar có gắn thêm một quả bầu làm hộp cộng hưởng, cho âm thanh vang hơn; của Người Ê đê và Gia Rai không có quả bầu, nhưng khi đánh có thể kê lên một vật rỗng tạo sự cộng hưởng.

    – Đàn Đá: Từ hàng ngàn năm trước, người Tây nguyên đã chế tác nhạc cụ đàn đá. Đàn đá được tạo ra từ nhiều thanh làm từ đá nham, đá sừng… Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và trau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để có được các thang âm trầm bổng, thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong; ngược lại thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh… Kích thước của đàn đá thường khá dài và nặng nên ít được treo mà được đặt nằm song song nhau trên một giá đỡ.

    III. KHAI THÁC CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA BẢN ĐỊA VÙNG TÂY NGUYÊN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

    Tây Nguyên là một kho tàng các giá trị văn hóa đặc sắc. Những giá trị văn hóa này đã tạo nên một Tây Nguyên huyền thoại mà không nơi nào có được, đó là những giá trị văn hóa nghệ thuật gắn với buôn làng, gắn với cộng đồng được thể hiện qua những Nhà Rông, Nhà Dài, Nhà Sàn, Nhà Mồ; gắn với truyền thống, trang phục, lễ hội, nhạc cụ… mà đỉnh cao là Không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên – di sản văn hóa phi vật thể Thế giới. Chính những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên đã tạo ra sự khác biệt để khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm thương hiệu Tây Nguyên, có giá trị độc đáo và khả năng cạnh tranh cao trong nước và quốc tế.

    Trong những năm qua, việc khai thác các giá trị văn hóa bản địa vùng Tây Nguyên phục vụ phát triển du lịch đã và đang được ngành du lịch cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng đầu tư khai thác để xây dựng các sản phẩm du lịch dưới nhiều góc độ khác nhau và đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy ngành du lịch ở các địa phương phát triển. Nhờ có sự quan tâm đầu tư khai thác các giá trị văn hóa bản địa để xây dựng các sản phẩm du lịch…, mà trong những năm qua các tỉnh Tây Nguyên đã hấp dẫn và thu hút được số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt khách du lịch quốc tế đến Tây Nguyên chủ yếu là nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa bản địa của các dân tộc.

    Số lượng khách du lịch đến các tỉnh Tây Nguyên (2015 – 2019)

    Đơn vị: Ngàn lượt khách

    Số TT Tên tỉnh 2015 2016 2017 2018 2019
    Quốc tế Nội

    địa

    Quốc tế Nội

    địa

    Quốc tế Nội

    địa

    Quốc tế Nội

    địa

    Quốc tế Nội

    địa

     1 Kon Tum 91,7 170,8 98,2 205,5 124,8 219,0 181,7 266.6 185,0 277,0
     2 Gia Lai 7,4 344,5 9,1 396,8 11,1 490,2 13,9 659,4 15,0 830,0
     3 Đắk Lắk 54,0 506,0 58,0 563,0 67,0 636,0 76,0  736,0   85,0  870,0
     4 Đắk Nông 5,4 192,3 6,0 244,0 7,5 292,5 7,6 296,4 8,5 376,5
    5 Lâm Đồng 300,4 5.300,0 295,0 5.130,0  400,0 5.500,0 485,0 6.020,0 533,0 6.617,0

    Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh trong Vùng

     

    Việc khai thác các giá trị văn hóa bản địa Vùng Tây Nguyên để xây dựng các sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung vào các nhóm sản phẩm du lịch chính sau:

    + Nhóm sản phẩm du lịch tham quan nghiên cứu các giá trị kiến trúc nghệ thuật Tây Nguyên (Nhà Rông – nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Nhà Dài – chế độ Mẫu hệ, Nhà Mồ; các buôn làng). Hầu hết các công ty lữ hành đã và đang khai thác các giá trị kiến trúc nghệ thuật của các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên để xây dựng các sản phẩm du lịch, tổ chức các chương trình tham quan, nghiên cứu. Điển hình là các tour tham quan sau:

    – Tour tham quan Nhà Rông – Biểu tượng của Tây Nguyên tại Làng Văn hóa Kon K’lor (Kon Tum), kết hợp với nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng dưới mái Nhà Rông.

    – Tour tham quan Bản Đôn mà điển hình là các giá trị văn hóa gắn với địa danh săn và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng của Việt Nam, gắn với huyền thoại Ama Kông – người săn và thuần dưỡng được nhiều voi nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, tham gia tour du lịch này du khách còn được trải nghiệm cưỡi voi, thưởng thức thang thuốc cổ truyền Ama Kong…

    – Tour tham quan Buôn Jun, du khách sẽ được tham quan những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên, ngắm các thiếu nữ buôn làng chăm chỉ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm… Đến với Buôn Jun, du khách còn được cưỡi voi, ngắm cảnh núi non, buôn làng, quây quần cùng mọi người bên ché rượu cần, nghe già làng kể về những truyền thuyết, huyền thoại của vùng đất này. Vào mùa lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong không khí tưng bừng náo nhiệt bởi âm vang của cồng chiêng, của những lời ca điệu múa truyền thống đầy chất trữ tình và lãng mạn.

    + Nhóm sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu các lễ hội truyền thống đặc sắc Tây Nguyên (Lễ hội đua Voi, Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ Bỏ Mả, Lễ Cơm mới, Lễ Đâm trâu…). Các lễ hội diễn ra trong một thời điểm nhất định trong năm, nên việc khai thác các giá trị văn hóa lễ hội cho phát triển du lịch còn bị hạn chế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch thường kết hợp khai thác đồng thời nhiều sản phẩm du lịch khác nhau trong một tour du lịch. Các sản phẩm kết hợp bao gồm tham quan các giá trị kiến trúc Tây Nguyên, các danh thắng (thác nước, hồ…); nghỉ dưỡng, nghiên cứu sinh thái…

    + Nhóm sản phẩm du lịch nghiên cứu tìm hiểu các giá trị văn hóa dân gian, nếp sống nương rẫy của đồng bào Tây Nguyên (Nghiên cứu Sử thi Tây Nguyên; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, lối sống, tôn giáo, tập tục, truyền thống, trang phục, nhạc cụ, nông cụ… của các dân tộc Tây Nguyên). Việc khai thác các giá trị văn hóa này cũng thường kết hợp với các sản phẩm du lịch khác để đảm bảo hấp dẫn khách du lịch và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.

    Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động kinh doanh du lịch, để đạt hiệu quả cao, để hấp dẫn khách du lịch…, các doanh nghiệp du lịch thường kết hợp khai thác nhiều sản phẩm du lịch trong cùng một chương trình (tour) du lịch. Theo đó, bên cạnh các giá trị văn hóa bản địa, các giá trị tài nguyên du lịch vùng Tây Nguyên đang được khai thác xây dựng sản phẩm và phát triển du lịch bao gồm:

    + Du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử gắn với truyền thống yêu nước của các dân tộc Tây Nguyên, gắn với hình ảnh Anh hùng Núp, Anh hùng N’Trang Lơng: Ngục Kon Tum, Ngục Đắk Glei, di tích lịch sử Măng Đen, di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh, di tích chiến thắng Plei Kần; Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk; Cụm di tích lịch sử N’Trang Lơng, Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil…

    + Du lịch thăm lại chiến trường xưa (du lịch hoài niệm chiến trường xưa): Là địa bàn chiến lược trong chiến dịch Đại thắng Mùa xuân 1975, khu vực Tây Nguyên thực sự là cái nôi của “Các di tích lịch sử cách mạng, các di tích kháng chiến”, do vậy có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch “Thăm lại chiến trường xưa” phục vụ các đối tượng khách là cựu chiến binh… Các địa danh gắn với những chiến thắng lịch sử của hai cuộc kháng chiến trên địa bàn Đắk Lắk, Đắk Tô – Tân Cảnh, Đèo Chuối, Giang Sơn, Đắk Tua, Thuần Mẫn, Buôn Hồ.

    + Du lịch nghiên cứu sinh thái Tây Nguyên: Tây Nguyên là một vùng giàu về tiềm năng rừng nguyên sinh với các hệ sinh thái đa dạng. Trên địa bàn Tây Nguyên có 6 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Tây Nguyên còn nổi tiếng với tiềm năng sinh thái nông nghiệp nông thôn như các nông trường cà phê, cao su… Đây là những tài nguyên quý giá để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái – một thế mạnh của Tây Nguyên. Các sản phẩm du lịch tiêu biểu gồm:

    – Du lịch thám hiểm, nghiên cứu các hệ sinh thái: Vườn quốc gia Kon Ka King, Chư Mom Ray, Yokdon, Chư Yang Sin, Bidup – Núi Bà, Cát Lộc – Cát Tiên, Tà Đùng; các khu bảo tồn Ngọc Linh, Đắk Uy, Nam Ka, Nam Nung…

    – Du lịch sinh thái gắn cộng đồng, du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường: Du lịch sinh thái cộng đồng Buôn Đôn, Buôn Joon, Buôn M’liêng, Buôn Kon K’tu, Làng Kon Klor, Buôn Go; các bản làng dân tộc người Bahnar và Jarai ở Đe Ktu, Đe Cop, Đê Đoa, Đê Rơn…

    – Du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn, du lịch trang trại đồn điền: Tây Nguyên là vùng nổi tiếng cả nước với các đồn điền, nông trường cà phê, cao su, hồ tiêu, chè… Đây là một thế mạnh đặc trưng để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn gắn với những nông trường cà phê ở Đắk Lắk, những đồi chè ở Bảo Lộc, những cánh rừng cao su ở Đắk Nông, những vườn hồ tiêu ở Gia Lai…; và gắn với các sản phẩm từ cà phê, ca cao, chè – những sản phẩm mang thương hiệu Tây Nguyên…

    + Du lịch nghỉ dưỡng núi và hồ trên núi (khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới): Tây Nguyên có một số cao nguyên, núi cao có khí hậu ôn hòa quanh năm, cảnh quan đẹp… thích hợp cho nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe. Đây là một nét đặc trưng khác biệt về tài nguyên du lịch của Tây Nguyên so với các vùng khác. Do vậy, có thể khai thác các lợi thế này để xây dựng các resorts nghỉ dưỡng núi, hồ cao cấp (có thể tạo nên thương hiệu cho du lịch Tây Nguyên) nhằm phục vụ các đối tượng khách có thu nhập cao. Tại các khu resorts nghỉ dưỡng núi cao cấp này có thể xây dựng bổ sung các sản phẩm du lịch kết hợp như tắm khoáng, tắm thuốc, vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, chơi golf, casino… Các khu vực có thể xây dựng các resorts nghỉ dưỡng núi, hồ cao cấp bao gồm Tuyền Lâm, Đan Kia Đà Lạt, Măng Đen…

    + Du lịch thể thao mạo hiểm theo các chuyên đề đặc biệt (vượt thác, thám hiểm rừng nguyên sinh, leo núi, khinh khí cầu, nhảy dù, tàu lượn…): Tây Nguyên có địa hình từ núi cao hiểm trở, nhiều đỉnh núi cao đến vùng cao nguyên rộng lớn, đã tạo nên nhiều thắng cảnh với những đỉnh núi cao, vực sâu, những thác nước hùng vĩ. Đây là những giá trị tài nguyên đặc trưng của Tây Nguyên và là điều kiện cần thiết để phát triển các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Với những đặc điểm về địa hình đa dạng, có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm như sau: Du lịch leo núi chinh phục đỉnh cao (đỉnh Ngọc Linh); du lịch khinh khí cầu (lượn trên bầu trời các cao nguyên…); du lịch tàu lượn, nhảy dù (ở những vùng thung lũng, cao nguyên có cảnh quan đẹp như Lang Biang – Đà Lạt…); du lịch vượt thác, thám hiểm các vườn quốc gia

    Một số sản phẩm du lịch ưu tiên cho khách du lịch đến vùng Tây Nguyên

     

    Sản phẩm du lịch

     

     

    Đối tượng khách

    Tham quan, nghiên cứu giá trị văn hóa bản địa Nghiên cứu sinh thái Nghỉ dưỡng núi và hồ Tham quan

    thắng cảnh

    Thể thao mạo hiểm Thương mại, hội nghị, hội thảo
    Lứa tuổi:

    – Dưới 18 tuổi

    – Từ 18-30

    – Từ 31-55

    – Trên 55

     

    *

    **

    ***

    ****

     

    *

    ***

    ****

    **

     

    **

    ***

    ****

     

    **

    ****

    ****

    ***

     

    *

    ****

    ***

    *

     

    **

    ****

    ***

    Trình độ văn hóa:

    – Thấp

    – Trung bình

    – Cao

     

    **

    ***

    ****

     

    *

    ***

    ****

     

    *

    **

    ****

     

    ***

    ****

    **

     

    **

    ****

    ***

     

    *

    **

    ****

    Thu nhập:

    – Thấp

    – Trung bình

    – Cao

     

    **

    ***

    ****

     

    *

    **

    ****

     

    *

    **

    ****

     

    **

    ***

    ****

     

    *

    ****

    **

     

    *

    **

    ****

    Hoàn cảnh gia đình:

    – Độc thân

    – Cặp vợ chồng

    – Gia đình có trẻ con

     

    ***

    **

    *

     

    **

    *

     

    *

    ****

    ****

     

    ***

    ***

    **

     

    ***

    **

    *

     

    **

    **

    Hình thức đi du lịch:

    – Đi lẻ

    – Theo tour, nhóm

     

    **

    ***

     

    *

    **

     

    *

    **

     

    **

    ***

     

    ***

    ***

     

    ****

    *

    Chú thích: (****) mức độ ưu tiên cao nhất.

    TS. Lê Văn Minh

    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục