Yêu cầu đối với phát triển các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch COVID-19
- Du lịch trước thời điểm mở cửa toàn diện sau đại dịch
Đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn 2 năm qua và để lại những hệ quả nặng nề cho ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép (hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch. Lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác (Diễm Ngọc, 2022). Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong các năm 2020, 2021 tương ứng đạt 3.8 triệu lượt (Tổng cục Thống kê) và 157,3 ngìn lượt (Thanh Giang, 2022). Thị trường du lịch nội địa cũng hoạt động ở mức cầm chừng, năm 2020 đón 56 triệu lượt (Thuỷ, 2021), năm 2021 đón 40 triệu lượt (Thanh Giang, 2022)
Dù hoạt động du lịch trong nước vẫn cố gắng duy trì ở mức tối thiểu và các doanh nghiệp luôn ở trong tâm thế sẵn sàng quay trở lại ở những lần làn sóng dịch có dấu hiệu lắng xuống, tuy nhiên cho đến nay vẫn phải khẳng định rằng du lịch chưa thể thật sự phục hồi nếu không thật sự mở cửa toàn diện và có những đổi mới tích cực, sáng tạo trong chính sách của nhà nước cũng như sự nhạy bén và linh hoạt của doanh nghiệp thì du lịch sẽ khó lòng phục hồi.
Với nỗ lực ngoại giao vaccine của Chính phủ, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine lớn nhất thế giới. Số lượng ca nhiễm vẫn đang ở mức tăng nhưng hơn 97% đều là các ca bệnh nhẹ. Điều đó phần nào cho thấy chúng ta đang thích ứng dần với trạng thái bình thường mới, sẵn sàng chung sống với COVID-19 và hơn lúc nào hết quyết định mở cửa toàn diện chính là cơ hội vàng cho sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Những con số ấn tượng vào đầu năm 2022 cho thấy những tín hiệu hết sức khả quan đối với ngành du lịch nước nhà:
Lượng khách du lịch nội địa trong tháng 02/2022 đã đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kì năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú; tổng thu từ khách du lịch trong tháng 2 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kì năm 2021; tổng số khách nội địa trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 17,6 triệu lượt (Diễm Ngọc, 2022).
Theo dữ liệu phân tích từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch (Google Destination Insights ), lượng tìm kiếm về du lịch đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, và tăng mạnh từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 01/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 01/01/2022 tăng 222% so với tháng trước và 248% so với cùng kì năm 2021). Từ đầu tháng 01/2022, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam cũng duy trì ở mức rất cao, có thời điểm ngày 21/01/2022 tăng 425% thời điểm ngày 03/02 tăng 374% so với cùng kì năm 2021 (Diễm Ngọc, 2022)(Trung tâm thông tin Du lịch, 2022)
Ngành du lịch Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu trong năm 2022 đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó 60 triệu lượt khách du lịch nội địa và 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến ước đạt khoảng 400.000 tỷ đồng. Tháng 3 vừa qua, tại diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch cũng đã xác định rõ những vấn đề cốt lõi khi mở cửa đó là đảm bảo an toàn phòng chống dịch; tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam; công nhận hộ chiếu vaccine; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; cạnh tranh điểm đến; xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Bài viết này sẽ tập trung tới vấn đề sản phẩm mà cụ thể hơn là làm mới sản phẩm du lịch, làm sao để đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch sau những biến cố đại dịch. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo và nỗ lực rất lớn, đặc biệt từ các doanh nghiệp. Đó chính là một trong những yếu tố chìa khoá hết sức quan trọng để ngành du lịch thật sự tạo được những bước đột phá mới.
- Nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch COVID-19
Thực tế, đại dịch không những ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, mà nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen, suy nghĩ, nhận thức của con người về cuộc sống, sức khoẻ, về nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ. Cũng chính vì thế, nhu cầu du lịch, lựa chọn điểm đến, sản phẩm, dịch vụ cũng như những giá trị mà du khách mong muốn nhận được từ chuyến đi sẽ có những thay đổi lớn. Nắm bắt được những thay đổi trong xu thế cầu du lịch sau đại dịch và vận dụng để làm mới và sáng tạo những sản phẩm, dịch vụ du lịch đã có trước đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp. Trước mắt, có thể nhận thấy những nhu cầu cụ thể như:
– Nhu cầu về dịch chuyển: nhu cầu về việc đi du lịch sau đại dịch được dự báo là sẽ tăng lên nhanh chóng. Mặc dù bước đầu sẽ có những e ngại vì dịch bệnh, song khoảng thời gian dài giãn cách xã hội cùng những hạn chế đi lại và áp lực cuộc sống trong đại dịch sẽ khiến nhu cầu được dịch chuyển, được nghỉ ngơi để lấy lại cân bằng cuộc sống ngày càng gia tăng.
– Nhu cầu về an toàn trong chuyến đi: đây sẽ được coi là nhu cầu tối quan trọng đối với du khách sau đại dịch. Khách du lịch sẽ ưu tiên lựa chọn những điểm đến có mức độ dịch thấp, có hệ thống y tế tốt, những dịch vụ, điểm du lịch đảm bảo những quy định về vệ sinh và an toàn phòng chống dịch, đồng thời cũng sẽ có xu hướng đến những nơi riêng tư, có sự cách biệt để hạn chế tiếp xúc đông người. Chính vì thế, hơn lúc nào hết việc đảm bảo an toàn cho du khách trong bối cảnh dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu.
– Nhu cầu về phục hồi sức khoẻ: những hệ quả mà đại dịch mang lại không chỉ là vấn đề về sức khoẻ thể chất mà cả về tinh thần. Các báo cáo cho thấy tỉ lệ bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID dao động từ 20 – 90%, bất kể độ nặng của bệnh COVID-19 cấp (Tuổi trẻ Online). Hậu COVID-19 đã và đang là mối lo lắng của nhiều người trong xã hội. Đại dịch đã khiến con người nhận thấy rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của sức khoẻ của bản thân và gia đình. Do đó, được nghỉ ngơi, được chăm sóc sức khoẻ, thư giãn, phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh sẽ là một trong những nhu cầu mà du khách chắc chắn muốn hướng tới.
– Nhu cầu gắn bó với người thân và bạn bè: không thể phủ định rằng đại dịch đã khiến việc gặp gỡ và bồi đắp các mối quan hệ với người thân, bạn bè bị gián đoạn trong khoảng thời gian tương đối dài. Chính vì thế mà nhu cầu đoàn tụ, nhu cầu được gặp mặt và kết nối trực tiếp với nhau, cùng nhau nghỉ ngơi và tận hưởng khoảng khắc bên nhau sau đại dịch sẽ hết sức có ý nghĩa.
– Nhu cầu có những trải nghiệm mới mẻ và sâu sắc: Cho đến nay đại dịch vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, còn người đang cố gắng sống một cuộc sống bình thường mới, cố gắng chung sống với COVID-19 và tiến tới coi đó là bệnh đặc hữu. Không ai biết liệu tương lai dịch bệnh sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, liệu giãn cách xã hội sẽ còn lặp lại nữa hay không. Chính vì thế kì vọng về một chuyến đi với những trải nghiệm ấn tượng và đáng nhớ sau khoảng thời gian dài bị hạn chế đi lại là điều chắc chắn du khách nào cũng sẽ mong đợi.
– Nhu cầu được trở về với thiên nhiên: đại dịch khiến con người càng nhận thấy rõ hơn vai trò và giá trị của thiên nhiên cũng như hiểu được những tác động mà con người đã gây ra đối với thiên nhiên. Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại khiến con người gần như bị cô lập trong không gian tại nhà, và đó chính là lí do khiến chúng ta càng mong muốn được hít thở không khí trong lành, được hoà mình vào thiên nhiên, chân quý hơn những khoảnh khắc được sống giữa thiên nhiên.
Rõ ràng, với những sự thay đổi lớn về mong muốn, nhận thức, quan điểm cũng như nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch của con người, ngành du lịch cần nhanh chóng thích ứng và có những thay đổi để tạo nên bước đột phá trong tiến trình phục hồi và phát triển. Cơ hội sẽ mở ra dù trong bối cảnh khó khăn nhất, khi những nhà làm du lịch thật sự linh hoạt và sáng tạo trọng đưa yếu tố mới lạ vào những sản phẩm đang có, đồng thời tận dụng và khai thác một cách hiệu quả hơn những tài nguyên du lịch để đem đến cho du khách những cảm nhận khác biệt, đáp ứng được thị hiếu của xã hội trong bối cảnh hoàn toàn mới.
- Đổi mới sản phẩm du lịch – bước đột phá để phục hồi đà tăng trưởng cho ngành du lịch
Trên cơ sở nhận định được những thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch COVID-19, những yếu tố quan trọng cần đưa vào để làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phải kể đến như:
– Quy trình an toàn cho bất kì một sản phẩm du lịch nào. Doanh nghiệp trước hết phải hoàn thiện được quy trình đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình cung ứng dịch vụ và cho du khách thấy được doanh nghiệp đang đặt yếu tố an toàn cho du khách lên hàng đầu: từ việc hỗ trợ khách khai báo y tế; đến hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho khách; các nhân viên phục vụ được tiêm đầy đủ vaccine, thường xuyên được xét nghiệm và sàng lọc COVID-19; lựa chọn các điểm đến, dịch vụ an toàn cho du khách; thường xuyên quan tâm và theo dõi sức khoẻ của du khách trong suốt hành trình; phổ biến cho du khách những thông tin và kĩ năng cần thiết để phòng tránh dịch bệnh; hỗ trợ du khách khi có các tình huống bất ngờ xảy ra liên quan đến dịch bệnh… đều là những yếu tố hết sức quan trọng để củng cố và tạo dựng được niềm tin, sự yên tâm cho du khách trong suốt chuyến đi.
– Hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cho khách nội địa. Với định hướng cho tương lai gần của ngành du lịch, có thể nhận thấy thị trường nội địa đang và sẽ là thị trường chủ chốt, quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển của du lịch nước nhà. Trước mắt có thể thấy, khách du lịch nội địa sẽ tập trung vào các điểm đến trong nước hơn là du lịch nước ngoài, và họ sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn nếu sản phẩm, dịch vụ họ nhận được thoả mãn nhu cầu và mong muốn. Chính vì thế, yếu tố chất lượng phải là một trong những yếu tố cốt lõi.
– Ứng dụng công nghệ làm mới và tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm du lịch. Công nghệ đang và sẽ tạo nên một tương lai hoàn toàn mới cho ngành du lịch. Việc ứng dựng công nghệ trong du lịch là một xu thế của xã hội, và qua đại dịch lần này càng thấy rõ hơn vai trò của công nghệ. Từ việc thực hiện những tour du lịch trực tuyến trong bối cảnh giãn cách xã hội, khách có thể ngồi tại nhà và thưởng thức những giá trị tự nhiên và văn hoá tại điểm đến. Đây là một trong những hình thức quảng bá hiệu quả, góp phần tạo nên thương hiệu cho điểm đến và mở ra nhiều hơn cơ hội đón khách trực tiếp trong tương lai. Ngoài ra còn phải kể đến những ứng dụng công nghệ kĩ thuật số và công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc hạn chế tiếp xúc – một trong những xu hướng mới của du lịch sau đại dịch giúp cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng, hạn chế chờ đợi, xếp hàng, tiện lợi hơn rất nhiều và cũng hạn chế sự lây nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh, đem đến trải nghiệm thú vị hơn, an toàn hơn. Hay phải kể đến công nghệ thực tế ảo sẽ là chìa khoá để xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng như tăng cường trải nghiệm một cách chân thực trong các bảo tàng, phòng trưng bày, hay giúp khách tiếp cận với những điểm du lịch mạo hiểm trong điều kiện thời tiết hoặc sức khoẻ không cho phép…Thậm chí, công nghệ thực tế ảo hoàn toàn có thể đem đến trải nghiệm và cảm nhận lại những khoảnh khắc, không gian khi cả nước phải đối đầu với đại dịch…để thấy được giá trị của cuộc sống và nỗ lực của những lực lượng tuyến đầu chống dịch.
– Chú trọng khai thác chiều sâu các giá trị tri thức và sáng tạo. Những giá trị tri thức, sáng tạo thật sự là những điều gây ấn tượng sâu sắc và để lại dấu ấn đẹp trong lòng du khách khi đến bất cứ đâu. Đại dịch khiến du lịch đóng băng, nhưng cũng là khoảng nghỉ để những người làm du lịch nhìn nhận lại những sản phẩm trước đây, đồng thời suy ngẫm và đi sâu khai thác những giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật trong sản phẩm du lịch trước bối cảnh mới thông qua những hình thức trải nghiệm mới cho du khách, tìm kiếm những cách tiếp cận mới dựa vào những tài nguyên đã có như phát triển các dịch vụ về đêm gắn với tri thức tại các bảo tàng, phòng trưng bày, thư viện, điểm di tích văn hoá, lịch sử; tăng cường các trải nghiệm ẩm thực bằng tất cả các giác quan, không chỉ nếm thử mà còn chiêm ngưỡng tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực, tìm tòi những giá trị văn hoá gắn với ẩm thực, học hỏi cách làm; gắn kết với cộng đồng điểm đến thông qua trải nghiệm chân thực cùng người dân địa phương trong lao động, và nếp sống hàng ngày, lễ, tết…
– Du lịch nghỉ dưỡng, nâng cao sức khoẻ. Những sản phẩm du lịch hướng tới nâng cao sức khoẻ đã, đang và chắc chắn sẽ trở thành xu hướng của xã hội hiện đại, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Các sản phẩm, dịch vụ gắn với trị liệu, làm đẹp, hoạt động thể thao như thiền, yoga, dưỡng sinh tại những khu nghỉ dưỡng, các không gian yên tĩnh, vắng vẻ, đồng thời giảm tiếp xúc nơi đông người và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo Global Wellness Institute (GWI), loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022 (Kiều Giang, 2021). Thậm chí còn phải kể đến xu hướng du lịch làm việc kết hợp với nghỉ dưỡng. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới cho rằng, sẽ có khoảng 34% khách du lịch cân nhắc đặt chỗ ở một điểm đến khác để ở lại làm việc, trong khi 43% sẽ sẵn sàng cách ly nếu họ có thể làm việc từ xa (Kiều Giang, 2021).
– Du lịch hướng tới thiên nhiên. Với nhu cầu được gần gũi với thiên nhiên, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên tại các không gian xanh cần được chú trọng phát triển hơn nữa. Sản phẩm du lịch phải được định hướng theo những tiêu chí bền vững trong từng khâu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của người tiêu dùng, nhất là khi một bộ phân không nhỏ khách du lịch đã có những hiểu biết và nhận thức rất rõ ràng về lối sống xanh, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường. Vì thế, chính bản thân doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận với xu hướng sản xuất xanh, cung ứng dịch vụ xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh của ngành du lịch.
– Du lịch đoàn tụ hay du lịch cùng gia đình, người thân, bạn bè. Sản phẩm du lịch sẽ trở thành một công cụ giúp gắn kết gia đình, người thân, bạn bè sau khoảng thời gian dài giãn cách. Các nhà tổ chức tour du lịch có thể thiết kế các chương trình giành cho gia đình và nhóm gia đình, lựa chọn các điểm đến, các dịch vụ an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng trong gia đình từ người cao tuổi đến trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh.
Như vậy, có thể thấy đổi mới sản phẩm du lịch sẽ mở ra nhiều hơn cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc thu hút khách du lịch sau đại dịch, đem đến cho du khách những trải nghiệm an toàn, đáng nhớ, đáp ứng những nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hoàn toàn mới. Đây cũng chính là thử thách buộc các doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường, muốn hoà nhập với xu thế và phát triển vươn xa phải thích ứng một cách linh hoạt hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn.
Tài liệu tham khảo
- Diễm Ngọc. (2022). Mở cửa du lịch: Sớm phục hồi và phát triển. Retrieved from Diễn đàn Doanh nghiệp: https://diendandoanhnghiep.vn/mo-cua-du-lich-som-phuc-hoi-va-phat-trien-218724.html
- Kiều Giang. (2021). Du lịch thế giới đã thay đổi như thế nào để thích ứng với đại dịch? Retrieved from Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: https://dangcongsan.vn/kinh-te/du-lich-the-gioi-da-thay-doi-nhu-the-nao-de-thich-ung-voi-dai-dich-597566.html
- Thanh Giang. (2022). Du lịch Việt Nam nỗ lực phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng trong Năm Mới. Retrieved from Vietnamplus: https://www.vietnamplus.vn/du-lich-viet-nam-no-luc-phuc-hoi-lay-lai-da-tang-truong-trong-nam-moi/766294.vnp
- Thuỷ, T. (2021). Thị trường nội địa là ‘bệ đỡ’ cho du lịch Việt. Retrieved from Báo điện tử Chính phủ: https://baochinhphu.vn/thi-truong-noi-dia-la-be-do-cho-du-lich-viet.
- Tổng cục Thống kê. (n.d.). Số liệu thống kê khách quốc tế đến. Retrieved from Tổng cục Du lịch: https://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/international?txtkey=&year=2020&period=t12
- Trung tâm thông tin Du lịch. (2022). Cơ sở dữ liệu thống kê Du lịch. Retrieved from Tổng cục Du lịch: http://thongke.tourism.vn/
- Tuổi trẻ Online. (n.d.). Thế giới có đến 80% bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng hậu COVID. Retrieved from Tuổi trẻ Online.
Thực hiện: TS. Trần Phương Mai – Phòng NCTTSPĐT&QLKH