Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Vấn đề đặt ra đối với mở cửa du lịch trong bối cảnh bình thường mới

    Vấn đề đặt ra đối với mở cửa du lịch trong bối cảnh bình thường mới

    Ngày 15/3/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản số 829 /PA-BVHTTDL về Phương án Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Phương án nêu rõ quy định mới về việc nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, gồm xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên (ART) âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi xuất cảnh đến Việt Nam; bảo hiểm y tế hoặc du lịch có trách nhiệm pháp lý tối thiểu là 10.000 USD bao gồm điều trị COVID-19. Phương án cũng bao gồm các hướng dẫn riêng áp dụng cho khách quốc tế nhập cảnh bằng qua cửa khẩu đường biển và đường bộ, quy định miễn xét nghiệm khi nhập cảnh đối với trẻ em dưới 2 tuổi. Bên cạnh đó, khách du lịch phải cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid để khai báo sức khỏe trước khi nhập cảnh và trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. Đặc biệt, khách mang hộ chiếu của 13 quốc gia sau đây được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian lưu trú lên đến 15 ngày, gồm: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus.

    Việt Nam vẫn được du khách trên thế giới biết tới với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, di sản và văn hóa giàu truyền thống, những món ăn đặc sắc, lòng hiếu khách của người dân địa phương. Đặc biệt, những trải nghiệm độc đáo, thuần khiết đã thu hút hơn 18 triệu lượt khách quốc tế đến với đất nước vào năm 2019. Cho tới thời điểm này, du lịch còn đang đứng trước nhiều thách thức để phục hồi và phát triển.

    Việt Nam mở cửa du lịch từ 15/3 - VnExpress

    Khách du lịch đến Việt Nam trong những năm gần đây

    2019 2020 2021 2022 (dự kiến)
    Quốc tế (lượt) 18.008.591 3.700.000 3.500 5.000.000
    Nội địa (triệu lượt) 85 56 40 60
    Tổng thu (tỷ đồng) 755.000 312.200 180.000 400.000
    Đóng góp vào GDP (%) 9,2 3,6 2,1

    Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tổng kết của TCDL năm 2019, 2020, 2021

    Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực của ngành du lịch, trong đó, khu vực doanh nghiệp lưu trú và lữ hành phải chứng kiến những thiệt hại rõ ràng nhất. Hàng triệu lao động mất việc làm, giảm sâu thu nhập.

    Doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch:

    2019 2020 2021
    Doanh nghiệp lữ hành quốc tế 2.667 2.519 2.111
    Doanh nghiệp lữ hành nội địa 500 820 853
    Tổng số 3.167 3339 2964
    Cấp mới 725 201 193
    Xin thu hồi 113 338 367
    HDVDL 27.683 26.721 28.977
    CSLTDL 30.000 30.000 38.000
    Công suất phòng TB (%) 52 20-25 5
    Giảm số lao động do đại dịch (%) 70 80

    Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tổng kết của TCDL năm 2019, 2020, 2021 và Báo cáo số 1257/BC-TCDL ngày 15/9/21 về tác động của COVID-19 đối với ngành du lịch

    Vấn đề đặt ra trong tình hình mới

    Trước hết, có thể nói, Việt Nam đã có quyết định mạnh mẽ trong việc mở cửa trở lại du lịch. Trong thời điểm này, một quyết định như vậy rất quan trọng. Thực tế, ngày 13/3/2022, Văn phòng Chính phủ có công văn 1576/VPCP-KGVX xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 805/BVHTTDL-TCDL ngày 12/3/2022 về việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới. Tiếp đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thảo luận với Bộ Y tế và các bộ liên quan về việc hoàn thiện Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương trong cả nước thực hiện thống nhất phương án mở cửa tại văn bản số 829 /PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022.

    Tuy nhiên, vấn đề phục hồi và phát triển du lịch trở lại như trước khi đại dịch xảy ra đòi hỏi phải có một kế hoạch chi tiết và rõ ràng. Chúng ta thường nói không phải cứ mở cửa là có khách tới. Quả thật là như vậy, phát triển du lịch cần khôi phục niềm tin của khách, nghiên cứu nhu cầu và xu hướng mới, phát hiện những điểm nghẽn cho phát triển du lịch, định hướng chính sách phù hợp, chiến lược sản phẩm, kế hoạch tiếp thị chung cho các doanh nghiệp, chuyển đổi số… Bài viết xin nêu quan điểm liên quan đến các vấn đề trên như sau:

     Khôi phục niềm tin của khách:

    Khách du lịch cần biết những thông tin quan trọng như kế hoạch và phương án mở cửa của điểm đến. Truyền thông đóng vai trò quan trọng. Cho tới nay, trang web của Tổng cục du lịch đã đăng tải đầy đủ thông tin cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh về điều kiện nhập cảnh đối với khách du lịch. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh những điểm hấp dẫn cho khách ngay tại trang nhất. Các nội dung quan trọng cần được làm nổi bật, ví dụ như: Việt Nam không yêu cầu cần phải có chứng nhận tiêm chủng. Nếu so với Thái Lan, trang web của du lịch Thái Lan tuyên bố Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dỡ bỏ quy định đối với khách quốc tế về việc xuất trình chứng nhận xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh. Những tuyên bố này được đăng rõ ràng trên đầu trang chủ của trang Tin tức du lịch Thái Lan[1].

    Quan trọng hơn, chúng ta cần nhiều bài viết thuyết phục khách tới trên các trang mạng xã hội và khai thác yếu tố ảnh hưởng tới công chúng từ những người nổi tiếng. Các trang mạng xã hội của du lịch Việt Nam chưa được cập nhật đã lâu. Trang facebook có bài viết gần nhất là từ ngày 7/2[2], trang Youtube không được cập nhật video mới cách đây 3 tháng[3]. Tương tự như vậy đối với các trang Instagram, Pinterest, TikTok, không có trang nào thông tin về chính sách mở cửa của du lịch Việt Nam và điều kiện nhập cảnh đối với khách quốc tế.

    Nghiên cứu nhu cầu và xu hướng mới

    Việt Nam là một trong 10 thị trường du lịch outbound hàng đầu của Singapore trong năm 2019. Hầu hết, khách du lịch Singapore đều mong muốn được cùng với gia đình và bạn bè đến thăm Việt Nam để cùng thưởng thức các thắng cảnh nổi tiếng, bãi biển đẹp, đặc sản địa phương. Tổng công ty Cảng Hàng không quốc gia Changi (CAG) của Singapore tiến hành tiến hành khảo sát hơn 5.000 hành khách Singapore ở các nhóm tuổi khác nhau về các điểm đến du lịch, trong đó có Việt Nam. Kết quả, CAG nhận được khoảng 1.000 mẫu trả lời, cho kết quả rất khả quan về nhu cầu đi du lịch Việt Nam: Tỷ lệ khách Singapore đã từng đến thăm Việt Nam đạt 60%; 90% khách du lịch Singapore sẵn sàng đi du lịch Việt Nam ngay khi các hạn chế đi lại quốc tế được dỡ bỏ; 95% khách du lịch Singapore lựa chọn mục đích đi nghỉ dưỡng với thời gian lưu trú dài trên 7 ngày; 4 đặc điểm nổi bật của điểm đến Việt Nam được đánh giá cao gồm: phong cảnh tươi đẹp; truyền thống văn hóa và lịch sử giàu bản sắc; ẩm thực đặc sắc; con người thân thiện.

    Ảnh: Kết quả khảo sát của CAG về nhu cầu đi du lịch Việt Nam của người Singapore (Nguồn: CAG, https://www.linkedin.com/feed/update/urn:li:activity:6890216358764785664/, truy cập ngày 26/3/2022)

    Công ty Pc Agency (Vương quốc Anh) chuyên cung cấp dịch vụ PR và tư vấn thương hiệu cho các công ty du lịch toàn cầu tổng hợp một số xu hướng du lịch tại thị trường nước ngoài như sau:

    Khách du lịch Anh có xu hướng du lịch phiêu lưu và nghỉ dưỡng gần với thiên nhiên, tham quan điểm đến mới và đi du lịch đường dài; dành ngân sách nhiều hơn cho trải nghiệm sang trọng 5 sao và tận hưởng kỳ nghỉ dài hơn; ưu tiên du lịch chăm sóc sức khỏe.

    Khách du lịch Đức mong muốn đi nghỉ cùng với gia đình và bạn bè thân thiết sau một thời gian phải cách xa nhau; có nhu cầu cao về việc được tự hồi phục và chữa bệnh cho bản thân; muốn được tận hưởng cuộc sống một cách có ý thức hơn và dành nhiều thời gian hơn sống gần gũi với thiên nhiên; 68% du khách Đức yêu cầu các công ty có hành vi có ý thức nhất có thể về bảo vệ môi trường.

    Khách Pháp lựa chọn kỳ nghỉ “có chất lượng” và được nghỉ ngơi hoàn toàn mà không liên hệ với công việc; 87% du khách Pháp quan tâm tới giá cả và sự linh hoạt trong đặt chỗ; không muốn khám phá những điểm đến đông đúc, mà họ lựa chọn điểm đến ít đông đúc hơn; 56% du khách Pháp tiết lộ rằng họ muốn “trải nghiệm đích thực các giá trị đại diện cho văn hóa của điểm đến”; gắn liền với xu hướng tôn trọng điểm đến là tôn trọng môi trường và truyền thống của người dân địa phương.

    Khách du lịch Ý muốn sống lại những thú vui đơn giản như tắm nắng (77%) hoặc tận hưởng những trải nghiệm bên bờ biển hoặc bên hồ (82%); 79% người được hỏi cho rằng du lịch là phương thức chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần nhiều hơn bất kỳ hình thức nghỉ ngơi và thư giãn nào khác; 73% muốn được trải nghiệm chân thực nền văn hóa của điểm du lịch với những bản sắc đại diện và chân thực nhất; 72% người được hỏi muốn tận dụng mọi cơ hội để có thể đi du lịch và 65% không quan tâm đến việc ưu tiên một điểm đến cụ thể nào miễn là họ có thể thực hiện được chuyến đi mà họ mong muốn; 62% cho rằng công nghệ sẽ giúp giảm bớt mọi lo lắng trong việc đi du lịch.

     Một số khuyến nghị đối với chính sách du lịch quốc gia

    Cần công bố rộng rãi Phương án Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cho các đối tác, tổ chức, hiệp hội du lịch khu vực và quốc tế và đặc biệt là cho các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Các buổi làm việc qua hình thức trực tuyến có thể được thực hiện lần lượt với các hãng thông tấn quan trọng.

    Xây dựng kế hoạch và vận hành các văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Đầu năm 2019, Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Vương quốc Anh đã chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chính sách đóng cửa biên giới của các quốc gia trong hai năm qua, văn phòng tạm dừng hoạt động. Cần phải mở lại văn phòng trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, cần mở thêm các văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các quốc gia khác.

    Kết nối thông tin và truyền thông một cách đồng bộ. Sử dụng một trang web mạnh mẽ như chinhphu.vn hoặc tương tự để là đầu mối cung cấp thông tin nhanh chóng và hiệu quả trong du lịch. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương và quan trọng nhất là các doanh nghiệp đều được thường xuyên cung cấp thông tin mới và thống nhất. Trước mắt, ưu tiên cho việc cung cấp thông tin du lịch an toàn, tiếp thị số điểm đến và quản trị điểm đến.

    Tài liệu tham khảo:

    • Công văn số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Phương án Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới
    • Báo cáo tổng kết của Tổng cục Du lịch năm 2019, 2020, 2021

    [1] https://www.tatnews.org/2022/03/thailand-to-lift-pretravel-testing-requirement-for-international-arrivals-from-1-april-2022/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=thailand-to-lift-pretravel-testing-requirement-for-international-arrivals-from-1-april-2022 (truy cập ngày 25/3/2022)

    [2] https://www.facebook.com/VietnamTourismBoard/ (truy cập ngày 25/3/2022)

    [3] https://www.youtube.com/vietnamtourismboard (truy cập ngày 25/3/2022)

    Thực hiện: Vũ Chiến Thắng – TAB

    Bài cùng chuyên mục