Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Triết lý nền kinh tế vừa đủ: Con đường Thái Lan hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và bài học cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Việt Nam

    Giới thiệu chung về Triết lý nền kinh tế vừa đủ
    Các mục tiêu phát triển bền vững được bắt nguồn từ các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ từ nhiều thập niên trước đây. Liên hiệp quốc đã đưa các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình nghị sự quốc tế, gắn với tầm nhìn toàn cầu và cụ thể hóa đến từng chương trình hành động thiết thực của mỗi quốc gia. Thực tế, nhiều quốc gia đã chia sẻ rộng rãi những bài học kinh nghiệm về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong mối quan hệ đối tác thực chất. Nghiên cứu trường hợp của Thái Lan cho thấy, nguyên tắc hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cũng giống như định hướng chính sách phát triển quốc gia trong vòng hai mươi năm qua – Triết lý nền kinh tế vừa đủ (SEP) – ưu tiên hàng đầu lợi ích của con người và môi trường, chứ không phải khai thác tối đa lợi nhuận – vì lợi ích của thế hệ tương lai.
    SEP chính là Tư duy hiệu quả, không phải là một công thức chung cho hoạch định chính sách hay hoạt động chuyên môn. Thay vào đó là khả năng ra quyết định hợp lý, thiết thực, dễ thực hiện và linh hoạt ứng phó với các hoàn cảnh khác nhau. Các quyết định dựa trên SEP phải đảm bảo yêu cầu không tốn kém và thân thiện với môi trường. Nhưng SEP không chỉ đơn thuần là một công cụ tư duy để cân nhắc ưu – nhược điểm, lợi ích và chi phí của các quyết định lựa chọn mà còn là một triết lý toàn diện được chi phối bởi đạo đức, phẩm hạnh và tri thức vì lợi ích chung. Quả thật, trong thời đại cuộc sống trên hành tinh đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ thói quen tiêu thụ và khai thác quá mức so với sức chịu đựng của nguồn tài nguyên và môi trường; xu thế toàn cầu hóa vừa mang đến lợi ích và những bất ổn và rủi ro kinh tế, SEP đã chú trọng tập trung giải quyết khó khăn theo phương pháp tiếp cận từ dưới lên. Ví dụ từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1997, các nền kinh tế đã nhận ra rằng, sự phát triển không dựa trên nhu cầu, lối sống và môi trường của người dân và doanh nghiệp địa phương là sự tăng trưởng không bền vững. Trong khi nền kinh tế Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, chính phủ và các doanh nghiệp đã phải tìm kiếm các biện pháp nhằm đảm bảo quản trị tốt hơn, trong đó có phương pháp tiếp cận dựa vào quy trình ra quyết định từ dưới lên: tôn trọng tiếng nói của người dân địa phương, kiến thức, văn hóa và điều kiện địa lý bản địa.

    Quản lý du lịch sinh thái cộng đồng dựa trên triết lý nền kinh tế vừa đủ tại bản Ban Nam Chiao, Thái Lan

    Kể từ đó, triết lý nền kinh tế vừa đủ đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển của Thái Lan, là chủ trương chung trong chỉ đạo về phát triển đất nước dựa trên nguyên tắc điều độ, tránh dư thừa. Cụ thể, có sự kiểm soát tốt việc sử dụng công nghệ phù hợp, quản lý chặt chẽ nguy cơ và rủi ro, đặc biệt chú trọng đến việc ra quyết định mang tính toàn diện, bao trùm, chăm sóc môi trường và thịnh vượng của các thế hệ tiếp theo.
    Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là cách làm thế nào để phát huy tốt nhất triết lý nền kinh tế vừa đủ; làm thế nào để người dân thay đổi suy nghĩ của họ. Câu trả lời là yếu tố tiên quyết là thực hiện quá trình ra quyết định có sự tham gia của các bên liên quan, trong đó mọi người đều có tiếng nói bình đẳng. Đáng chú ý, việc thay đổi tư duy phải bắt đầu từ trên xuống, nhưng nếu chỉ có ý tưởng tốt thôi thì chưa đủ, mà cần có quy trình thực hiện từ dưới lên, thay đổi bền vững từ bên trong. Chính cộng đồng hiểu rõ nhất các khó khăn, điểm mạnh và hạn chế của họ. Nếu tiếng nói của họ được coi trọng, họ sẽ tham gia một cách tích cực và nỗ lực giải quyết các vấn đề khó khăn một cách hiệu quả.
    Tùy điều kiện của mỗi quốc gia, có thể có phương pháp tiếp cận khác nhau để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng việc học hỏi từ bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác là cần thiết. Kinh nghiệm áp dụng Triết lý nền kinh tế vừa đủ của Thái Lan cho thấy 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc có thể đạt được khi chúng ta thực sự tin rằng con người, môi trường và thế hệ tương lai của chúng ta đều quan trọng.

    Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Thái Lan theo triết lý nền kinh tế vừa đủ – mô hình điển hình Ban Nam Chiao, tỉnh Trat, Thái Lan
    Bản Ban Nam Chiao nằm cách trung tâm thị trấn tỉnh Trat khoảng 8km trên đường cao tốc 3148 từ Trat đi Laem Ngop, thuộc vùng bờ biển đông Thái Lan nối với tỉnh Koh Chang hoặc Campuchia. Ở Ban Nam Chiao, sự kết hợp giữa các hoạt động thường ngày với cảnh quan môi trường tự nhiên, rừng ngập mặn trên vùng đầm phá màu mỡ, hoạt động trồng đước, quan sát đánh bắt cá ven biển tạo ra trải nghiệm thú vị, mới mẻ và độc đáo. Người dân ở bản thuộc hai tôn giáo đạo Hồi và đạo Phật sống hài hòa qua nhiều thế hệ và sự đoàn kết đã đem lại lợi ích cho họ. Có sự tham gia của tất cả các đối tượng người dân địa phương vào hoạt động du lịch: nam giới lái thuyền, ca-nô, phụ nữ làm hướng dẫn viên trên thuyền, hướng dẫn khách du lịch nấu ăn, trẻ em trình diễn các điệu múa truyền thống. Thông qua hoạt động sáng tạo như làm nón, bánh, kẹo truyền thống, giá trị tài nguyên và trí tuệ bản địa được phục hồi và phát huy mạnh mẽ.Vì những lý do này, bản Ban Nam Chiao đã được nhận giải thưởng Cộng đồng du lịch sinh thái đón nhiều khách du lịch Thái Lan và khách nước ngoài.
    Kết quả hoạt động du lịch của bản Ban Nam Chiao thể hiện một quá trình phát triển dựa trên nền tảng khai thác tối đa tri thức bản địa, tích lũy kiến thức, công nghệ và đổi mới khoa học, công nghệ và kỹ năng kinh doanh và tư duy sáng tạo. Trước hết, cộng đồng đã xác định tiềm năng về nhân lực, văn hóa, và xã hội. Phương pháp tiếp cận là đánh giá thực trạng của yếu tố phát triển bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội, làm cơ sở cho việc ra quyết định để tạo ra tính bền vững của du lịch cộng đồng. Cục Du lịch Bền vững cho các điểm du lịch kiểu mẫu (Designated Area for Sustainable Tourism Administration – DASTA đã lựa chọn Ban Nam Chiao là một trong số các điểm du lịch bền vững kiểu mẫu dựa trên mô hình 9 bước + 1: 1. Networking: trong đó tất cả các bên liên quan tham gia lập kế hoạch; 2. Tourism assets & activities: Có tài nguyên và hoạt động du lịch như làng nghề, trồng lúa, múa hát truyền thống, khả năng tiếp cận; 3. Value propositions: Xác định giá trị, ví dụ như một câu chuyện để kể, điệu múa, nghề truyền thống, lối sống, và một cơ quan chuyên nghiệp hướng dẫn; 4. Relationships: Xây dựng các mối quan hệ; 5. Your stakeholder segmentations: Phân công trách nhiệm các bên liên quan, ví dụ như trách nhiệm của các nhóm đối tượng trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người có học thức, được đào tạo, thanh niên; 6. Community assets: Tài sản của cộng đồng, bao gồm các tài sản hữu hình như tài nguyên thiên nhiên và vô hình như trí tuệ bản địa; 7. Communication channels: Các kênh truyền thông; 8. Cost & negative impacts: Phân tích chi phí và tác động tiêu cực; 9. Revenue stream & positive impacts: Dòng doanh thu & tác động tích cực; 10. Dialogue: Điểm cuối cùng là đối thoại. Trong việc lựa chọn, DASTA căn cứ vào 2 tiêu chí là sự mong muốn và sự sẵn sàng (willingness and readiness), trong đó, tiêu chí mong muốn là tiêu chí đầu tiên bắt buộc phải có. Nếu cộng đồng không có mong muốn làm du lịch thì không thể thực hiện được.

    Bài học cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Việt Nam
    Từ nghiên cứu điển hình tốt trên đây, có thể kết luận rằng các yếu tố tạo nên thành công cho mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là: 1) xây dựng các sản phẩm du lịch theo tiêu chuẩn được công nhận ở khu vực và quốc tế; 2) tạo ra giá trị sản phẩm du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế; 3) tổ chức các hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác tối đa hiệu quả của các trung tâm học tập cộng đồng; 4) đảm bảo rằng các hoạt động du lịch phản ánh thực tế của cộng đồng; và 5) dựa trên các khái niệm về du lịch bền vững.
    Khuyến nghị đối với Việt Nam trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng:

    Quản lý du lịch sinh thái cộng đồng dựa trên triết lý nền kinh tế vừa đủ tại bản Ban Nam Chiao, Thái Lan
    1. Trong việc xây dựng kế hoạch phát triển điểm du lịch cộng đồng, cần lưu ý cách tiếp cận từ dưới lên (bottom up):
      a. Cần phải xác định cộng đồng muốn bảo tồn và phát triển giá trị gì.
      b. Họ cần biết rõ họ có gì, họ có sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tập quán, lối sống không, đặc biệt là truyền thống đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
    2. Thiết kế và xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp với ý tưởng sáng tạo:
      a. Cần có mô hình mới về du lịch bền vững
      b. Cộng đồng thường có điều kiện sống thấp. Họ cần được hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch có giá trị cao đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch.
      c. Xác định cộng đồng có khó khăn gì cần phải ưu tiên hỗ trợ.
    3. Nâng cao năng lực của cộng đồng tham gia về tư duy, lập kế hoạch, sử dụng tài nguyên và chia sẻ lợi ích;
    4. Thiết kế mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tuân thủ các khái niệm về du lịch bền vững, ưu tiên lợi ích của cộng đồng và môi trường.

    Tài liệu tham khảo: Ministry of Foreign Affairs of Thailand, (2017), Sufficiency Economy Philosophy: Thailand’s Path towards Sustainable Development Goals, Bangkok Post.

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục