Sản phẩm du lịch giáo dục môi trường tại Vườn quốc gia Cúc Phương: Tour du lịch “Về nhà”
MỞ ĐẦU
Tục ngữ Việt Nam có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bởi vậy, du lịch trở thành một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Hiện nay, nhu cầu du lịch trong nước đang có sự thay đổi, thay vì lựa chọn những điểm du lịch sang trọng và hiện đại, họ lại mong muốn được trải nghiệm thiên nhiên, được hòa vào những điều mới lạ, cùng với những trải nghiệm về cuộc sống nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, nghỉ ngơi, thư giãn tại điểm du lịch. Ở Việt Nam, sản phẩm du lịch xanh đã và đang được khai thác và phát triển. Các điểm du lịch sinh thái nổi tiếng cung cấp dịch vụ này phải kể đến, gồm các vườn quốc gia như Ba Bể, Cát Tiên, Cúc Phương, các vịnh biển như Cát Bà (Hải Phòng); Hạ Long (Quảng Ninh); Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); Phú Yên; Phú Quốc…; ngay tại Ninh Bình, nhiều khu du lịch sinh thái như Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước đầm Vân Long cũng là những điểm du lịch nổi tiếng với sản phẩm du lịch xanh. Vườn quốc gia Cúc Phương nói riêng với lợi thế tuyến, điểm du lịch hấp dẫn về thiên nhiên, giá trị nhân văn sâu sắc, các hình thức du lịch mới tại đây đang là điểm nhấn thu hút du khách.
Vườn quốc gia Cúc Phương được biết đến là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thành lập vào ngày 07/7/1962, với diện tích 22.408 ha, nằm trên địa bàn 03 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Vườn quốc gia Cúc Phương được thiên nhiên ban tặng những giá trị cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, cùng với đó là những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Vườn có hệ thống các Chương trình cứu hộ, bảo tồn nổi tiếng trong và ngoài nước, như: Chương trình cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp, Chương trình Bảo tồn Rùa, Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê. Các Chương trình cứu hộ các loài từ các vụ buôn bán bất hợp pháp, đa phần các loài cứu hộ là các loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao bên ngoài môi trường tự nhiên. Tại đây, các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn cố gắng chữa trị vết thương, phục hồi sức khỏe, nhân giống loài và tái thả các loài về tự nhiên sau cứu hộ. Đặc biệt, trong thời gian qua, Vườn đã giới thiệu và vận hành nhiều chương trình du lịch mới, như: Bộ chương trình Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên dành cho mọi lứa tuổi, Tour “Về nhà”, Hoạt động trồng cây – “Thêm xanh cho cánh rừng già”,… Đây là nỗ lực không ngừng nghỉ, là công tác, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Vườn, là địa chỉ nghiên cứu khoa học, học tập ý nghĩa.
Hoạt động tái thả các loài sau cứu hộ không chỉ diễn ra tại Cúc Phương, mà còn được tổ chức tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn, địa điểm an toàn khác trên cả nước – những nơi phù hợp với sinh cảnh sống của từng loài. Trước đây, hầu như điểm tin các tin tức về công tác tái thả động vật hoang dã không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bởi lý do “sợ”, “lỡ” làm tăng áp lực lên an ninh rừng, công tác bảo vệ rừng vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, công tác tuyên truyền tới mọi người với nhiều hình thức được đẩy mạnh, rất nhiều người đã có cách hiểu đúng, không còn mù quáng tin vào “lời đồn” về tác dụng của các loài động vật hoang dã nữa. Đây chính là thành quả lớn lao của những người làm công tác bảo tồn.
Các sản phẩm du lịch chính của VQG Cúc Phương
Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên
Có thể nói, Cúc Phương là môi trường thu hút các bạn học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và học tập. Thời gian qua, Vườn đã cho ra mắt Bộ sản phẩm giáo dục trải nghiệm đặc biệt, phù hợp với từng độ tuổi khác nhau: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên, nhóm gia đình, nhóm người cao tuổi. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin đơn thuần, điểm đặc biệt của Bộ sản phẩm giáo dục trải nghiệm đó là cung cấp, bồi đắp các kỹ năng mềm cơ bản cho các bạn học sinh, như: kỹ năng quản lý thời gian, thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng sinh tồn khi đi trong rừng,… Các bạn học sinh sẽ được hòa mình vui chơi, thông qua các hoạt động thí nghiệm bổ ích, các trò chơi, thi nấu ăn,…; trải nghiệm khám phá Cúc Phương về đêm như khám phá thế giới động vật hay cùng nhau quây quần bên đống lửa trại, ca vang ca bài ca hạnh phúc; học tập tại các chương trình cứu hộ, bảo tồn với nhiều ý nghĩa, gửi gắm thông điệp về kiến thức và tình yêu thương tới mọi người. Mong muốn các bạn học sinh, sinh viên sẽ trở thành “sứ giả” lan tỏa những thông điệp đó. Sau thời gian thử nghiệm bộ sản phẩm này, thống kê cho đến nay đã có hàng chục đoàn tham gia chương trình, bao gồm cả các trường công lập, tư thục và quốc tế.
Du lịch “Khám phá Kỳ quan hang động, hệ Karst độc đáo”
Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc địa hình Karst nửa che phủ – dạng địa hình này đã tạo nên một hệ thống hang động khô hết sức có giá trị, cả về mặt địa chất địa mạo, cảnh quan và giá trị văn hóa, lịch sử. Từ việc khám phá thêm một số hang động mới, Vườn đã đưa vào phát triển du lịch, tạo nên những chương trình khám phá mới dành cho du khách, như: động Tình yêu, động Cổng trời, động Phò Mã Giáng, động Sơn Cung,… Khám phá các hang động sẽ giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ và cùng tìm hiểu về rừng thường xanh trên đá vôi Cúc Phương.
Du lịch “Thêm xanh cho cánh rừng già”…
Hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng một sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách tham gia đó là hoạt động trồng cây với tên gọi: “Thêm xanh cho cánh rừng già”. Du khách sẽ được nhận tư vấn trực tiếp từ các cán bộ khoa học của Trung tâm bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương về giống cây trồng, vị trí trồng, và đặc biệt nhất đó chính là trực tiếp trồng những “mầm xanh” ấy với ý nghĩa gieo những ước nguyện xanh. Với hình thức mới lạ, du khách sẽ được tận tay gắn “thẻ tem” lên cây do mình trồng, truy suất mã vạch để nhận thông tin tại website chính thức của Vườn: Tên thông dụng và tên khoa học của cây trồng, tình trạng, số lượng và thời gian trồng cây, thông tin tập thể/cá nhân trồng (nếu có). Không chỉ dừng lại tại việc trồng cây, du khách sẽ tiếp tục được nhận thông tin về tình trạng cây trồng sau đó. Niềm vui khi du khách quay trở lại, chiêm ngưỡng cây do mình trồng, góp một phần nhỏ bé phủ thêm xanh cánh rừng, thật ý nghĩa biết nhường nào! Trồng cây là một trong số các sản phẩm du lịch mới độc đáo tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Hiện tại, đã có hàng chục các đơn vị đăng ký tham gia trải nghiệm hoạt động này.
Thêm xanh với tour du lịch “Về nhà”
Chính từ hoạt động tái thả động vật cứu hộ, Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ – VQG Cúc Phương đã cho ra mắt sản phẩm du lịch sinh thái mới, với tên gọi: Tour “Về nhà”. Hoạt động tái thả động vật được nghiên cứu kĩ lưỡng, kết hợp với các bộ phận chuyên môn của Vườn để tìm địa điểm phù hợp sinh cảnh sống như: nơi có thức ăn, nước uống, có cùng giống loài phân bố,… Các tour giới hạn số lượng du khách tham gia để đảm bảo an toàn, đảm bảo đúng tính chất của hoạt động bảo tồn.
Lần đầu tiên, một đơn vị làm công tác bảo tồn tổ chức tái thả động vật với sự tham gia, đồng hành của du khách. Với mong muốn, chính du khách sẽ tận mắt chứng kiến khoảnh khắc các cá thể hoang dã may mắn được trở về nhà, ngôi nhà bình yên và tự do. Từ đó, khơi dậy sự đồng cảm, tình yêu thương, ý thức bảo vệ động vật hoang dã và lan tỏa tình yêu thiên nhiên.
Kể từ khi giới thiệu Tour “Về nhà”, có rất nhiều du khách quan tâm tới chương trình. Thông qua mẫu phiếu đăng ký tham gia Tour “Về nhà” của Trung tâm GDMT&DV – VQG Cúc Phương, hàng trăm du khách đã đăng ký tham gia. Trong tháng 4/2021, có 04 tour “Về nhà” đã được tổ chức (02 tour tái thả Khỉ mặt đỏ, 01 tour tái thả Gà lôi trắng, 01 tour tái thả Công và Gà lôi trắng). Mỗi tour đều giới hạn dưới 10 thành viên tham gia. Với việc tái thả các loài với tính chất di chuyển tuyến đường khó khăn hơn, đội ngũ chuyên trách sẽ kiểm tra tình trạng mong muốn tham gia từ du khách, không cho các em nhỏ tham gia cùng, như: tái thả rắn,… để đảm bảo an toàn.
Đơn vị tính: Lượt
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Tổng số | 71,600 | 91,677 | 111,100 | 120,900 | 105,600 | 58,500 | 29,801 |
Trong nước | 59,000 | 77,200 | 97,100 | 106,250 | 89,200 | 55,047 | 29,631 |
Quốc tế | 12,600 | 14,477 | 14,000 | 14,650 | 16,400 | 3,453 | 170 |
Bảng theo dõi lượng khách đến mỗi năm (Nguồn: TTGDMT&DV – VQGCP)
Số lượng khách đến Cúc Phương có tăng đều từ năm 2015 đến năm 2018. Lượng khách trong 02 năm, 2020 và 2021 (tính từ tháng 01/2021 đến tháng 4/2021) giảm đáng kể, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. Đặc biệt, lượng du khách tập trung nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, vì đây là thời gian “độ rừng vào hội” – diễn ra mùa bướm rợp trời và mùa đom đóm tựa dải thiên hà trên mặt đất theo lịch sự kiện thiên nhiên diễn ra hàng năm tại Cúc Phương.
Với số lượng khách đến tăng qua các năm, chứng minh rõ hơn nhu cầu thay đổi trải nghiệm từ phía du khách, và Cúc Phương là một điểm đến an toàn, thân thiện, hứa hẹn những trải nghiệm độc đáo.
Bàn luận
Với các chương trình du lịch giáo dục trải nghiệm thiên nhiên đã được vận hành, một số vấn đề còn tồn tại như:
– Cơ sở vật chất phục vụ chương trình còn chưa được đồng bộ hóa; nhiều điểm ngoài trời còn sử dụng theo mô hình cũ hoặc xuống cấp do yếu tố môi trường và độ ẩm tác động,
– Nội dung và cách thức diễn giải của cán bộ giáo dục: Đã có nhiều điểm mới và nỗ lực thay đổi cách tiếp cận với du khách so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng thiếu hút trong kỹ năng diễn giải về môi trường, tổ chức trò chơi, luyện giọng nói để hấp dẫn hơn, với nển thêm kiến thức ngoài lề hoặc “bắt trend” những vấn đề của môi trường, tự nhiên
– Công tác tuyên truyền và quảng bá: Hiện nay, công tác tuyên truyền và quảng bá chương trình đã được chú trọng trên các nền tảng truyền thông, như: Website, Facebook, Youtube. Đội ngũ lễ tân sẽ tư vấn tại chỗ cho các du khách đến mua vé tại cổng du lịch của Vườn, tuy nhiên, khi lượng du khách đến đông, việc giới thiệu, tư vấn các chương trình còn thiếu sót hoặc bị bỏ qua.
Khuyến nghị
Với tiềm năng và thực trạng phát triển các sản phẩm du lịch giáo dục môi trường của Vườn quốc gia Cúc Phương, từ thực tế, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp phát triển như sau:
– Nhanh chóng nâng cấp các hạng mục cơ sở vật chất phục vụ các chương trình. Chú trọng đầu tư các khu vực trò chơi từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường. Cán bộ chuyên môn cần chú ý kiểm tra cơ sở vật chất, nhanh chóng tu sửa hoặc thay mới, lắp đặt thiết bị công nghệ mới;
– Con người là yếu tố quyết định của mọi sự phát triển, bởi vậy, đội ngũ cán bộ giáo dục cần được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Hiện nay, có rất nhiều đơn vị tổ chức các khóa học ngắn hạn và dài hạn về phát triển giọng nói, MC, tổ chức Teambuilding,… Ban lãnh đạo Vườn có thể nghiên cứu và cử các cán bộ giáo dục trau dồi thêm kỹ năng mềm này;
– Công tác tuyên truyền tại chỗ cần được đảm bảo, như: Xây dựng các pano, tập giới thiệu thông tin (brochure), hình ảnh trực quan tại khu vực cổng du lịch để truyền tải những chương trình mới tới du khách, du khách có thể tự tìm hiểu và lựa chọn chương trình phù hợp với sức khỏe và nhu cầu tham quan của mình. Bên cạnh việc truyền tải thông tin trên các nền tảng truyền thông online, Vườn cũng cần có kế hoạch gửi email trực tiếp hoặc đến các đơn vị trường học để giới thiệu về các điểm mới, các chương trình giáo dục trải nghiệm mới của Vườn.
– Việc giới thiệu, tư vấn các chương trình cần được thường xuyên trau dồi và đưa vào quy trình chuẩn hướng dẫn viên. Những quy trình chuẩn này bắt buộc phải được thực hiện bằng cách kiểm tra chéo, hoặc kiểm tra đột xuất để có phần thưởng hoặc tạo thi đua trong nhóm chuyên trách.
Kết luận
Sản phẩm du lịch giáo dục môi trường, điển hình là tour du lịch “Về nhà” là một sáng kiến đáng khích lệ của Vườn Quốc gia Cúc Phương, hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm độc đáo, mới lạ và ý nghĩa cho du khách, để góp phần “thêm xanh” cho hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường và du lịch nơi đây. Trong tương lai, hy vọng VQG Cúc Phương sẽ tiếp tục giới thiệu các tour du lịch mới, đặc sắc hơn nữa, giữ vững danh hiệu Vườn quốc gia hàng đầu châu Á do tổ chức World Travel Awards bình chọn. Với niềm tin và tự hào đó, Cúc Phương sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu và kì vọng trở thành trường học lớn về thiên nhiên, lan tỏa tình yêu thiên nhiên tới mọi người.
Nguyễn Thu Trang, Vườn Quốc gia Cúc Phương