Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phụ nữ và nghiên cứu khoa học

    “Thế giới cần đến khoa học, khoa học cần đến phụ nữ” – UNESCO (2015)
    Việc phụ nữ tham gia nghiên cứu ngày càng tăng cho thấy năng lực và sự đóng góp của các nhà nghiên cứu nữ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, chuyển đổi kỹ thuật số và năng lực sáng tạo của lực lượng lao động của đất nước… v.v. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, những kết quả nghiên cứu giá trị và những thành tích đầy tự hào, phụ nữ Việt Nam đang nhận được sự ghi nhận của Chính phủ, cộng đồng và các chuyên gia quốc tế.
    Bên cạnh những bước tiến đó, vẫn còn tồn tại những trở ngại thách thức phụ nữ trong việc thực hiện những vai trò và trách nhiệm của mình trong công việc, gia đình và xã hội.

    1. Những đóng góp phụ nữ trong nghiên cứu

    Những năm gần đây ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong hoạt động nghiên cứu của phụ nữ khi họ đã tham gia và thực hiện nhiều đề tài và lĩnh vực hơn. Theo thống kê, khoảng 46% số nhà nghiên cứu ở Việt Nam là phụ nữ, con số này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình của thế giới (30%). Đến năm 2021, đã có 21 tập thể và 50 cá nhân được trao Giải thưởng Kovalevskaia dành cho các nhà khoa học nữ, cùng nhiều giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế khác, thể hiện sự đóng góp to lớn của phụ nữ cho công tác nghiên cứu. Ngoài ra, 3 trong số 5 đại diện của Việt Nam lọt vào Top 100 nhà khoa học châu Á đều là nữ, đó là Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, Tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan và Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai.

    Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, Tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan và Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai được vinh danh trong Top 100 Nhà Khoa học Châu Á trên báo Asian Scientist Magazine 2021
    (https://www.asianscientist.com/as100/)
    Các bài báo nghiên cứu qua góc nhìn của người phụ nữ đã đưa ra những chủ đề sâu sắc và thậm chí khám phá phơi bày những chủ đề còn thiếu sót, bị bỏ qua hoặc chưa từng được công khai trong vô số lĩnh vực, từ các vấn đề của các nhóm yếu thế cho đến các vấn đề cấp bách trên quy mô lớn (ví dụ: sức khỏe cộng đồng, năng lượng, bảo vệ môi trường và các công nghệ tiên tiến). Ví dụ, trong nghiên cứu du lịch, Annette Pritchard đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy: các nhà nghiên cứu nữ đã và đang sử dụng thế mạnh về kiến thức của họ để giải quyết những vấn đề liên quan tới bất bình đẳng giới và áp bức giới (chẳng hạn như quấy rối tình dục, phân biệt đối xử về lương, phân biệt về quyền lợi giáo dục), cung cấp các công cụ, mô hình cũng như hướng dẫn để trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy thực thi các sáng kiến và tự chủ kinh doanh hoặc phát triển du lịch cho cộng đồng. Với niềm đam mê và chuyên môn cho công việc của mình, người phụ nữ đã xóa nhòa ranh giới và định kiến về khả năng nghiên cứu của mình, góp phần thay đổi cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn cũng như tất cả các thành phần trong xã hội.
    Thêm vào đó, sự tham gia của các nhà nghiên cứu nữ là điều cần thiết để đảm bảo tính chính xác và thành công của kết quả nghiên cứu. Các báo cáo khác nhau cũng chỉ ra những lợi ích của việc phụ nữ tham gia vào nghiên cứu, vì trí tuệ cảm xúc, sự đồng cảm và tinh tế của phụ nữ thường cho ra các quan điểm đa dạng và sáng tạo hơn cũng như thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và vận dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với mỗi bối cảnh của chủ đề nghiên cứu. Dữ liệu từ McKindsay cũng cho thấy rằng các nhà lãnh đạo nữ, thường xuyên hơn nam giới, thể hiện khả năng truyền cảm hứng, khả năng ra quyết định, khen thưởng, phát triển giữa các cá nhân và mô hình hóa vai trò, có tính ứng dụng cao để giải quyết các thách thức toàn cầu trong tương lai.

    Báo cáo của McKinsay về khả năng của lãnh đạo nữ

    (https://www.mckinsey.com/featured-insights/leadership/when-women-lead-workplaces-should-listen)

    2. Những khó khăn và thách thức đối với phụ nữ trong sự nghiệp nghiên cứu của họ

    Mặc dù đạt được những thành công to lớn trong lĩnh vực của mình, phụ nữ vẫn chưa được thử sức nhiều với vai trò và quyền hạn lãnh đạo trong các hoạt động nghiên cứu. Ở Việt Nam, chỉ có 1/5 số đề tài cấp quốc gia do phụ nữ làm chủ nhiệm. Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, chỉ có 6,2% người đoạt giải Nobel là phụ nữ. Thực tế này cho thấy những rào cản và khó khăn mà phụ nữ gặp phải trong quá trình nghiên cứu của mình, có thể kể ra một số vấn đề dưới đây:
    • Đầu tiên là định kiến về trách nhiệm của phụ nữ và nghĩa vụ làm mẹ: Ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, phụ nữ phải đảm nhận nhiều vai trò cùng một lúc, đòi hỏi họ phải vừa đảm đương công việc ở nơi làm việc vừa phải chăm lo cho gia đình (đặc biệt là khi bùng phát đại dịch COVID-19, những vai trò này trở nên nặng nề hơn). Ngoài ra, thời gian nghỉ thai sản và nghĩa vụ chăm sóc con cái tạo ra những trở ngại cho các nhà nghiên cứu nữ đang hoàn toàn phụ trách các hoạt động nghiên cứu của họ. Vì nghiên cứu thường đòi hỏi sự phức tạp, chuyên sâu và chính xác, nên cần phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, sự kiên nhẫn và sự tập trung dành để hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu. Không có sự đồng cảm của gia đình và sự hỗ trợ tại nơi làm việc, nhiều phụ nữ phải vật lộn để cân bằng “gánh nặng kép” này trong cuộc đời.
    • Thứ hai là định kiến giới đối với phụ nữ tại nơi làm việc: Một báo cáo của UNESCO đã chỉ ra sự phân biệt về giới tính trong môi trường làm việc ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp nghiên cứu của phụ nữ: các chuyên viên nghiên cứu nữ không nhận được nhiều sự tư vấn và tiền lương so với những đồng nghiệp nam tại các khoa của các trường đại học. Tương tự như vậy, phụ nữ ít được tiếp cận với các nguồn tài trợ và các công cụ cần thiết cho các nghiên cứu nâng cao hoặc quy mô lớn hơn. Hơn nữa, tại Việt Nam, nhiều tổ chức nghiên cứu không muốn tuyển dụng hoặc giao các vị trí lãnh đạo cho đồng nghiệp nữ, phản ánh thực trạng rằng định kiến đối với hiệu suất và năng suất của phụ nữ đã gây cản trở không ít cho việc công nhận thành tích và phát triển sự nghiệp nghiên cứu của họ.
    • Các chính sách đối với phụ nữ trong nghiên cứu là một nguyên nhân khác: Cơ chế, chính sách, quy định hiện hành về độ tuổi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và nâng lương trước kỳ hạn dành cho cán bộ nữ còn thiếu sót. Bên cạnh đó, xét đến sự khác biệt về cấu trúc sinh học của nữ giới, các chính sách dành cho các nhà nghiên cứu chưa cân nhắc những “điều kiện đặc biệt” đối với phụ nữ, vì những chính sách này đang áp dụng cho cả nhà nghiên cứu nam và nữ.

    3. Các giải pháp được đề xuất

    Các vấn đề tồn tại đòi hỏi cần có những điều chỉnh từ các cấp hoạch định chính sách đến xã hội và các cơ quan nghiên cứu, cụ thể như sau:
    Từ quan điểm của chính phủ, cần nhất quán nâng cao nhận thức của xã hội về năng lực và khả năng của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học thông qua các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục và xã hội về bình đẳng giới cũng như các chương trình tư vấn nghề nghiệp của các đơn vị giáo dục. Đổi mới và làm mới các phương pháp truyền thông là một biện pháp hữu hiệu để truyền bá hiệu quả thông điệp cho phụ nữ trong nghiên cứu, chẳng hạn như việc áp dụng phương tiện truyền thông xã hội và ứng dụng di động cho các hình thức giáo dục đa dạng.
    Hơn nữa, việc xây dựng các chính sách cụ thể cho hoạt động nghiên cứu cần phải có sự đồng cảm và quan tâm hơn đến các đặc điểm và điều kiện giới của phụ nữ, về việc tăng lương, thăng chức, phân bổ, đào tạo, lựa chọn, tuyển dụng … Để triển khai điều này, việc đưa các nhà nghiên cứu nữ vào quá trình hoạch định chính sách là thiết yếu. Các hỗ trợ bổ sung cho phụ nữ nên được tiến hành thường xuyên và đồng đều hơn. Một cách tiếp cận phù hợp là tăng cường và mở rộng các chương trình nghiên cứu dành riêng cho các nhà nghiên cứu nữ, đi kèm với các sự trợ giúp tài chính và các giải thưởng để khuyến khích tinh thần và niềm đam mê nghiên cứu của phụ nữ. Đồng thời, các nhóm phụ nữ bị thiệt thòi, chẳng hạn như phụ nữ thuộc dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ đang sinh sống tại ở vùng miền núi/ vùng sâu vùng xa, cần được phát triển và ưu đãi để giúp trao quyền cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy giáo dục địa phương
    Các tổ chức nghiên cứu có trách nhiệm thiết lập các quy trình tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ công khai, minh bạch và không phân biệt đối với phụ nữ. Trong đó, một bộ tiêu chí trong việc giám sát và đánh giá bài nghiên cứu cần được công bố và thực hiện với sự tham gia của các lãnh đạo là phụ nữ. Để hướng tới sự phát triển nghề nghiệp và hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu nữ, các buổi trao đổi kiến thức giữa các đơn vị nghiên cứu khác nhau và các hội thảo trao quyền cho phụ nữ được đề xuất nên tổ chức thường xuyên. Tương tự như vậy, việc các cơ sở kết nối và củng cố quan hệ đối tác với các quỹ/ cơ quan tài trợ tài chính dành cho nghiên cứu của phụ nữ (ví dụ: Quỹ Học bổng quốc tế UNESCO-L’Oréal cho nữ nghiên cứu viên trẻ) sẽ mở ra nhiều cơ hội để hỗ trợ các nhà nghiên cứu nữ thực hiện các dự án mong muốn của họ. Có thể kể tên một số tổ chức / tài trợ cho nghiên cứu của phụ nư như Quỹ Học Bổng Quốc Tế UNESCO-L’Oréal Cho Nữ Nghiên Cứu Viên Trẻ, Tổ Chức Phụ Nữ Trong Khoa Học Dành Cho Các Nước Đang Phát Triển, Tổ Chức Phụ Nữ Trong Nghiên Cứu

    Kết luận

    Năng lực đổi mới và khả năng cạnh tranh của phụ nữ sẽ nâng cao bởi các quốc gia, tập đoàn và tổ chức tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của họ. Những quan điểm đa dạng, sự sáng tạo và chuyên môn của người phụ nữ sẽ mang lại lợi ích để tạo ra các giải pháp mới và mở rộng phạm vi nghiên cứu. Do đó, khuyến khích và tạo điều kiện toàn diện cho phụ nữ trong nghiên cứu là mục tiêu vô cùng quan trọng để cho ra các kết quả nghiên cứu chất lượng cao và phát triển tiềm lực nghiên cứu một cách bền vững.

    Tài liệu tham khảo:

    1. Pritchard, A. (2014). Quan điểm về giới và nữ quyền trong nghiên cứu du lịch (Gender and feminist perspectives in tourism research), The Wiley Blackwell companion to tourism, 314-324.
    2. http://hus.vnu.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-chung/-the-gioi-can-den-khoa-hoc-khoa-hoc-can-den-phu-nu -58704.html # .YWVNwtpBxEY
    3. https://en.unesco.org/news/just-30-world%E2%80%99s-researchers-are-women-whats-situation-your-country
    4. https://phunumoi.net.vn/giai-phap-de-phu-nu-tham-gia-nhieu-hon-trong-linh-vuc-nghien-cuu-khoa-hoc-va-toan-stem-d220616. html
    5. https://www.asianscientist.com/as100/
    6. https://www.independent.co.uk/news/world/women-nobel-laureates-uality-quotas-b1936608.html
    7. https://www.mckinsey.com/featured-insights/leadership/when-women-lead-workplaces-should-listen
    8. https://www.noip.gov.vn/vi_VN/web/guest/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/phu-nu-trong-cong-tac-nghien-cuu-khoa- hoc-va-cong-nghe-vinh-quang-va-thach-thuc
    9. https://ru.unesco.org/sites/default/files/usr15_is_the_uality_gap_narrowing_in_science_and_engineering.pdf

    Bùi Kiều Trinh – Phòng Quản lý khoa học & Hợp tác quốc tế

    Bài cùng chuyên mục