Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray

    Tóm tắt: Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ, thủy điện Yaly, các di tích chiến tranh và các làng nghề, v.v.. VQG Chư Mom Ray được hình thành từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Chư Mom Ray với diện tích vùng lõi 56.249,2 ha nằm trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum, đây là VQG duy nhất của Việt Nam nằm tiếp giáp với hai nước láng giềng là Lào và Campuchia. Ngay cạnh VQG Chư Mom Ray là VQG Virachey của Campuchia và Khu bảo tồn (KBT) Đông Nam Ghong của Lào. Diện tích rừng toàn bộ khu vực này vào khoảng 700.000 ha tạo thành một KBT rộng lớn xuyên quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu vực Đông Dương và Đông Nam Á. Vườn nằm tiếp giáp con đường huyết mạch Bắc Nam – đường Hồ Chí Minh, nối liền hai vùng Tây Nguyên và vùng Trung Bộ Việt Nam. Với đặc điểm đa dạng sinh học và nhiều nguồn gen quý, năm 2004, VQG Chư Mom Ray được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là vườn di sản ASEAN. VQG Chư Mom Ray có nguồn tài nguyên sinh học vô cùng đa dạng, nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm; hệ thống thác nước hùng vĩ, lộng lẫy như thác Nàng Tiên, thác Hang Dơi, thác Chàng, thác Bêrê Y, thác 7 tầng, v.v.. Hệ thống thác phân bố đều khắp trong rừng, có sức hút đối với những người thích khám phá, yêu thiên nhiên, là tiềm năng lớn cho các hoạt động du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.

    Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray

    Bên cạnh những cảnh quan đẹp, xung quanh VQG còn có các căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn liền với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Điểm cao 1015 (Charlie), Điểm cao 1049 (Delta), Khu tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra, v.v.. Thêm vào đó còn có Di chỉ khảo cổ Lung Leng xã Sa Bình và bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn như dân tộc H’Lăng, Gia Rai, Kờ Dong, Rơ Mâm, Brâu – một trong những dân tộc có dân số ít nhất trong 54 dân tộc Việt Nam. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để VQG Chư Mom Ray cũng như huyện Sa Thầy phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng qua đó thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và gìn giữ văn hóa truyền thống.
    Địa hình: Với diện tích hơn 56.000 ha, VQG Chư Mom Ray đa dạng kiểu địa hình, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ. Những kiểu địa hình đặc trưng thường thấy tại VQG như: Núi trung bình và núi thấp, địa hình đồi, địa hình thung lũng. Với địa hình Núi trung bình và núi thấp được cấu tạo bởi mác-ma a-xít (trừ 1 diện tích nhỏ khoảng 3 – 4% núi thấp được cấu tạo bởi đá biến chất phiến thạch sét), cho nên tạo hình thái địa hình đỉnh nhọn và dốc. Độ cao tuyệt đối lớn nhất là đỉnh Chư Mom Ray 1.773m, Ngọc Lan Drông 1.570m. Ngọc Tơ Lum 1.274m. Hướng của địa hình Tây Bắc – Đông Nam. Độ chia cắt địa hình lớn. Độ dốc trung bình từ 250-300, có nơi > 450. Cấu trúc địa hình đa dạng như vậy đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp trong VQG Chư Mom Ray và rất tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
    Khí hậu: Nhiệt độ trung bình năm 23,40C. Nhiệt độ trung bình thấp nhất 20,40C (tháng 12 và tháng 1). Nhiệt độ trung bình cao nhất 25,70C (tháng 5). Biên độ nhiệt trung bình trong năm là 4,80C – 5,30C. Lượng mưa trung bình năm đạt 1.783 mm. Độ ẩm bình quân năm là 78%. Khí hậu ở VQG Chư Mom Ray nói riêng, hay tỉnh Kon Tum nói chung được chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Lượng mưa chiếm hơn 90% cả năm. Mùa khô kéo dài 4 tháng từ tháng 12 đến tháng 3 trong đó có 1 tháng khô hạn, còn 2 tháng 11 và tháng 4 là tháng chuyển tiếp giữa 2 mùa.
    Vào mùa khô, thời tiết nắng nóng nhưng mát mẻ, giảm nhiệt vào sáng sớm và buổi tối. Hầu hết các thác trong VQG đều ít nước, một số con suối nhỏ nằm dọc tuyến đường tham quan rơi vào tình trạng cạn nước. Vào mùa mưa, mưa rào thường xuyên do ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới. Cũng chính vì vậy, các thác và suối rất đẹp vào mùa mưa nhờ được bổ sung nguồn nước. Trên các đỉnh núi cao, thường xuyên có mây mù vào những ngày thời tiết nhiều mây.
    Chính những đặc trưng này mang lại cho VQG Chư Mom Ray những nét đặc sắc về cảnh quan, đặc biệt là về các kiểu rừng. Vào mùa khô, những khu rừng rụng lá theo mùa như rừng bằng lăng, rừng khộp tạo nên những cảnh sắc đẹp, rất thuận lợi để tổ chức các hoạt động du lịch ngoài trời cũng như tìm hiểu hệ thái rừng đặc trưng này. Vào mùa mưa, những đồng cỏ rộng vốn khô héo vào mùa khô nay trở nên xanh và thu hút được nhiều loài thú móng guốc ăn cỏ, các loài chim di cư…đây là điểm rất đáng chú ý bởi có thể hình thành nên loại hình du lịch trải nghiệm đặc trưng của Vườn đó là ngắm chim, ngắm thú đêm. Tuy nhiên, với đặc thù về thời tiết như vậy cũng là một điểm bất lợi cho VQG Chư Mom Ray phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm tắm suối, thác. Khi thác, suối đẹp vào mùa mưa, đường mòn dẫn tới những địa điểm này trở nên trơn, trượt và khó di chuyển nên không có nhiều du khách tới đây vào mùa mưa. Ngược lại, du khách chủ yếu đi du lịch vào mùa khô, lúc này các thác nước, suối nhỏ nằm dọc đều trong tình trạng khô cạn và không tạo được ấn tượng cho các du khách khi đến đây.
    Thủy văn: VQG Chư Mom Ray có 3 hệ suối chính, cả 3 hệ thống suối này là nguồn tụ thuỷ cung cấp nước cho Vườn, vì các hệ suối này đều có nước chảy quanh năm.
    – Hệ thống suối Ya Lân, Đăk Hơ Đrai, Ya Mô chạy theo hướng Bắc Nam, đổ ra sông Nam Sa Thầy. Đây là hệ thống thuỷ văn chính của VQG. Đăk Hơ Đrai chạy xuyên suốt Vườn là suối dài nhất.
    – Hệ thống Đak Car, Ya Ray, theo hướng Tây Bắc Đông Nam, đổ ra Đak Sir.
    – Hệ thống Đak Klong, Đak Kal, Đak Hơ Niang, chạy theo hướng Đông Bắc Tây Nam, đổ ra Đak Pơ Kô.
    Những hệ thống suối và địa hình trong VQG đã vô tình tạo ra các thác, suối đẹp vào mùa mưa như thác 7 tầng, thác hang Dơi, thác Bê Rê I, thác Nàng Tiên, v.v. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, mùa mưa không phải là mùa du lịch ở đây nên việc khai thác du lịch trải nghiệm tắm suối thác không phải là lợi thế.
    Động vật hoang dã: Theo thống kê của Ban quản lý Vườn thì hiện nay VQG Chư Mom Ray có 952 loài trong đó: 120 loài động vật có vú; 290 loài Chim; 42 loài Bò sát và 25 loài L¬ưỡng cư¬; 108 loài Cá nước ngọt, trong đó có 149 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.Theo kết quả điều tra, giám định các mẫu vật thu được và kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu, đến nay đã thống kê được trong VQG có 1001 loài động vật thuộc 6 lớp khác nhau: Thú, Chim, Bò sát, Lưỡng cư, Cá, Côn trùng (Bướm). Trong số 1.001 loài động vật đã ghi nhận được ở VQG Chư Mom Ray, có có 101 loài quý, hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới, cần ưu tiên bảo tồn như: Mang trường sơn (Canninmuntiacus truongsonenis), Trâu rừng (Bubalus bubalis), Bò rừng (Bos javanicus), Bò tót (Bos gaurus), Sói đỏ (Cuon alpimus), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), Beo lửa (Catopuma temminckii), Gấu ngựa (Selenarctos thibetanus), Hổ đông dương (Panthera tigris), Voọc vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Voọc vá chân xám (P.Pygathrix cinerea), Voọc vá chân đen (P.nigripes) và một số loài chim như Hồng hoàng (Buceros bicornis), Niệc mỏ vằn (Rhyticeros undulatus), Công (Pavo muticus), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini), v.v.
    Ưu thế này vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đặt ra cho VQG Chư Mom Ray trong việc hài hòa giữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học (động vật hoang dã) và hoạt động du lịch sinh thái (du lịch có trách nhiệm). Một mặt, đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh cảnh sống cho các loài động, thực vật sẽ góp phần đa dạng hóa và nâng cao các sản phẩm du lịch sinh thái. Mặt khác, cần quản lý tốt các hoạt động du lịch và hạn chế các tác động tiêu cực tới thiên nhiên. Với việc được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học nên VQG Chư Mom Ray rất có tiềm năng để phát triển DLST trong giai đoạn tiếp theo đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về thiên nhiên và văn hóa địa phương.
    Tính đến nay, VQG Chư Mom Ray chưa có cơ sở lưu trú cho khách du lịch. Trong VQG Chư Mom Ray có 04 nhà cấp 4 tại khuôn viên của Trụ sở VQG được xây dựng năm 2004 với vai trò là nhà khách, mỗi nhà có 04 phòng khép kín. Tuy nhiên, do không có khách nên phòng ít được sử dụng và dọn dẹp, dần xuống cấp và hư, hỏng. Vì vậy hiện nay, VQG đã sử dụng 02 nhà cho nhân viên của Vườn làm nơi ở. Khách du lịch đến với VQG Chư Mom Ray hiện nay hầu hết là khách tự do, du lịch tự phát theo nhóm bạn, nhóm gia đình. Khách chủ yếu ở trong huyện Sa Thầy, hoặc xa hơn là trong phạm vi tỉnh Kon Tum.

    Thống kê lượt khách tham quan VQG Chư Mom Ray
    (từ tháng 12/2016 đến năm 2020)

    Năm

    Lượt khách tham quan (lượt)
    Tổng số khách Khách nội địa

    Khách quốc tế

    2016

    04 04 0

    2017

    31

    27

    04

    2018

    1.442

    1.432

    10

    2019

    2.306

    2.280

    26

    2020

    1.865

    1.865

    0

    Tổng cộng

    5.648 5.608

    40

    Nguồn: Trung tâm BTĐDSH&DLST, VQG Chư Mom Ray

    Có thể thấy, lượng khách tới VQG đang dừng lại ở con số khiêm tốn, đặc biệt là lượng khách quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu do VQG Chư Mom Ray chưa được công nhận là điểm du lịch, nên chưa có sự đầu tư nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cũng như các hoạt động quảng bá du lịch.
    – Điểm, tuyến du lịch: Đề án phát triển du lịch VQG Chư Mom Ray giai đoạn 2014-2020 đã xác định một số điểm, tuyến du lịch trong phạm vi VQG, và cả các tuyến kết nối với các điểm lân cận. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các tuyến du lịch này chưa nhiều khách du lịch biết đến và cũng chưa đi vào khai thác. Các điểm tham quan du lịch của VQG Chư Mom Ray hiện chưa được công nhận là các điểm chính thức nên chưa được phép kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm tham quan ghi nhận được một số lượng khách du lịch rất ít trong địa bàn huyện, tỉnh tới tham quan như: Khu cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; Thác 7 tầng trên suối Ya Tri, xã Mo Ray; Thác Nàng tiên; Thác Động Dơi, xã Sa Nhơn; Cụm thác Nàng – thác Chàng – thác Bê rê Y trên suối Đắk Cha, xã Rờ Kơi; Đỉnh núi nhọn cao 1.440m xã Rờ Kơi; Đỉnh cao Chư Mom Ray 1.773m; Hệ sinh thái rừng khộp Đắk Kan; Hệ sinh thái rừng bằng lăng ở Ya Book; Hệ sinh thái rừng lồ ô; Đồng cỏ và Bãi thú Đắk Tao; Điểm du lịch văn hóa Rờ Kơi, Mô Rai; Điểm du lịch văn hóa lòng hồ thủy điện YALY…
    Hiện nay, chỉ có điểm tham quan Đồng cỏ và bãi thú Ya Book, điểm tham quan dấu chân nai hóa thạch và trại bò cũ là nơi diễn ra hoạt động du lịch có liên quan đến hoạt động của động vật hoang dã.
    – Đồng cỏ và Bãi thú Ya Book: nằm ở khoảnh 7, tiểu khu 592, bãi thú nằm cách Trạm BVR Ya Book 1km về phía Tây đường 14C qua suối Ya Lân và trải dài trên 10 km. Con suối Ya Lân có nước quanh năm và chảy qua vùng đồng cỏ nên khu vực này thường xuyên ẩm ướt, sình lầy, cây cỏ phát triển quanh năm và trở thành nơi cho nhóm động vật móng guốc (hươu, nai, bò rừng, bò tót, v.v.) đến ăn cơ và uống nước. Theo người dân địa phương, nơi đây ngoài việc có nhiều cỏ, có nước, một yếu tố thu hút động vật rừng thường xuyên đến đây là trong nguồn nước có muối một chất khoáng không thể thiếu được cho sự sinh sôi và phát triển của các loài động vật.

    Bãi thú Yabook (Nguồn: Trung tâm CCD, 2021)

    Bãi thú là nơi hấp dẫn để quan sát và nghiên cứu hệ động vật rừng, đặc biệt vào mùa khô hạn khi các loài thú tập trung về đây. Người dân cho rằng, các loại thú tập trung về đây không chỉ để uống nước, tìm kiếm thức ăn trong mùa khô mà còn có thể sẽ tìm tới mỏ muối tự nhiên ở đâu đó trên khu vực Bãi thú. Một số nhà nghiên cứu đa dạng sinh học đã đến với Bãi Thú và nếu may mắn khách du lịch có thể quan sát thấy những con bò rừng Tây Nguyên và các loài thú khác đến đây vào mùa khô.
    Hiện khu đồng cỏ này còn khoảng 3ha xen lẫn đầm lầy. Giống như bãi thú Đắk Tao đường vào bãi thú Yabook đang bị các cây gai như thành ngạnh, mây, v.v. xâm lấn khiến cho số lượng thú về đây giảm mạnh.
    Bãi thú Yabook là một điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu đa dạng sinh học tiềm năng. Tuy nhiên, VQG Chư Mom Ray cần làm tốt công tác khôi phục lại đồng cỏ để thu hút được đông đảo thú quay về.
    Điểm tham quan dấu chân Nai hóa thạch và trại bò cũ: Vị trí dấu chân Nai hóa thạch và trại bò cũ lần lượt tại khoảng 4 và khoảnh 4 tiểu khu 586. Cả 2 điểm tham quan trên đều nằm gần với QL 14C và gần với trạm Đăk Tao. Theo nhận định của các nhà địa chất, “dấu chân Nai” có thể là vết chân Nai lên đá phun trào đã “khá nguội” (song nhiệt độ vẫn khoảng hàng ngàn 0C) andesit hoặc dacit vào thời kỳ Paleozoi cách đây 400-520tr năm. Hiện nay, khu vực dấu chân Nai hóa thạch đang khá nguyên sơ, đường đi vào đẹp qua các trạng thái rừng cây lồ ô, rừng gỗ, hàng năm VQG cử cán bộ tiến hành phát thực bì tại gần vị trí tảng đá có dấu chân Nai hóa thạch vừa để chống cháy rừng vừa để thu hút thêm các loài chim, thú về đây tìm kiếm thức ăn. Ngay gần dấu vết chân Nai là mỏ nước muối khoáng thu hút nhiều loài chim, thú, ong về đây uống nước. Vì vậy, đây có thể là điểm tham quan xem chim, thú tiềm năng trong VQG trong thời gian tới. Nằm cách đó không xa là trại bò cũ, điểm này khá bằng phẳng và nằm ngay trên suối Đăk Tao. Suối có cảnh quan khá đẹp và có bãi tắm rộng (khoảng 1.000m2), chỗ sâu nhất 3m rất phù hợp cho hoạt động cắm trại và trải nghiệm tắm thác.

    Bãi đá dấu chân Nai hóa thạch (Nguồn: Trung tâm CCD, 2021)

    Tuyến du lịch: Trong Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững VQG Chư Mom Ray đến năm 2020, một số tuyến đã được xác định, tuy nhiên đến nay chưa ghi nhận được du khách đi các tuyến du lịch này, cũng như chưa có sự khai thác, đầu tư các tuyến du lịch này một cách bài bản, quy mô. Một số tuyến du lịch đó là: Tuyến du lịch leo núi Sa Nhơn – đỉnh Chư Mom Ray; Tuyến du lịch Sa Nhơn – Thác Nàng tiên; Tuyến du lịch Sa Thầy – Bar Gốc – Mô Rai; Tuyến du lịch Sa Thầy – Ngọc Win; Tuyến du lịch dài ngày vòng quanh VQG Chư Mom Ray…
    Có thể thấy, lượng khách tới VQG đang dừng lại ở con số khiêm tốn, đặc biệt là lượng khách quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu do VQG Chư Mom Ray chưa được công nhận là điểm du lịch, nên chưa có sự đầu tư nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cũng như các hoạt động quảng bá du lịch.

    Kết luận và khuyến nghị:

    VQG Chư Mom Ray có vị trí tại ngã ba Đông Dương, là một vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn về chỉ số đa dạng sinh học và có khả năng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đường giao thông đi lại thuận tiện và dễ dàng tiếp cận với các điểm du lịch, điểm tham quan trong VQG cũng như huyện Sa Thầy. Với Danh hiệu Vườn Di sản Đông Nam Á giúp VQG Chư Mom Ray trở nên đặc biệt hơn, gây tò mò cho nhiều du khách. Nếu VQG có thể truyền thông và tạo hình ảnh tốt, nhiều du khách sẽ quan tâm và đến thăm quan đặc biệt là khách Quốc tế, các nhà nghiên cứu.
    Điểm du lịch sinh thái Safari Ya Book: sẽ là 1 trong 3 điểm du lịch chính trong VQG Chư Mom Ray và được xác định là điểm du lịch trọng tâm của VQG Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030. Khôi phục thành và phát triển thành điểm du lịch sinh thái Safari Ya Book dựa trên các tiềm năng du lịch sẵn có của tự nhiên. Điểm du lịch sinh thái Safari Ya Book sẽ hoàn toàn theo hướng tự nhiên và hạn chế tối đa tác động của con người. Việc áp dụng các biện pháp lâm sinh cũng như xem thú nên tham khảo cách làm tại một số điểm đang triển khai rất thành công ở Việt Nam như VQG Cát Tiên, VQG Yok Đôn.
    VQG Chư Mom Ray và các cấp chính quyền địa phương cần sớm có những quy định/thiết chế cụ thể nhằm hạn chế tối đa sự tác động của con người vào khu vực này. Bên cạnh đó việc áp dụng các biện pháp lâm sinh để phòng chống cháy rừng và tạo ra các bãi cỏ tự nhiên cho thú về cần được tính toán thực hiện sớm. Đối với diện tích trước đây là đồng cỏ và hiện giờ bị xâm lấn bởi những cây ưu thế ít giá trị về môi trường, cảnh quan như lành ngạnh gai, bằng lăng cần tác động từ từ và có lộ trình để khôi phục dần sinh cảnh như trước đây. Có như vậy các loài thú đặc biệt là thú móng guốc, các loài chim di cư mới sớm quay trở về, khi đó mới mong đạt được mục tiêu trở thành Safari Y Book tự nhiên.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    – Đề Án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2020 – 2025.
    – Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.
    – Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
    – Phương án Quản lý rừng bền vững VQG Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2025.
    – Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt “Đề án phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020”.

    ThS. Lê Hoàng Anh

    Bài cùng chuyên mục