Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển du lịch MICE nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam

    Trong những năm gần đây, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao và thành công của ngành du lịch đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT), nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, thể thao và phát triển du lịch MICE (Du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khuyến thưởng, triển lãm hoặc tổ chức sự kiện (Meeting – Incentives – Conventions – Exhibitions/Event)).
    Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định mục tiêu “Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững”. Chiến lược chú trọng phát triển loại hình du lịch MICE, thể thao, chăm sóc sức khỏe để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE được nêu rõ, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh.
    Việt Nam có nhiều thuận lợi đối với sự phát triển du lịch MICE
    Chính sách phát triển du lịch MICE: Năm 2020, Việt Nam xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch MICE – Yêu cầu về địa điểm tổ chức đối với khách sạn. Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 469/BVHTTDL-KHCNMT và công bố dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho Tiêu chuẩn MICE để lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL trên trang web của Bộ đến hết ngày 30/4/2020. Kết quả, Tiêu chuẩn MICE đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trong năm 2020.
    Điều kiện về CSLTDL: Năm 2019, hệ thống cơ sở lưu trú đã tham gia phục vụ chu đáo các sự kiện lớn của ngành và đất nước như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội, Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại Hạ Long, Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 và nhiều sự kiện quan trọng khác, thể hiện vai trò, vị thế, khả năng của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Năm 2020, tại Lễ trao giải của ASEAN Tourism Forum 2020 (ATF) được tổ chức tại Brunei (ngày 16/1), trong khuôn khổ tuần lễ Diễn đàn du lịch Đông Nam Á, nhiều CSLTDL của Việt Nam đã được trao giải thưởng ASEAN MICE Venue Award- Giải thưởng dành cho khách sạn có địa điểm tổ chức hội nghị tốt nhất, gồm các khách sạn: Furama Resort (Đà Nẵng); Vạn Phát Riverside (Cần Thơ); Mường Thanh Luxury (Quảng Ninh); Diamond Bay (Khánh Hòa); Novotel Phú Quốc (Kiên Giang).
    Thách thức đối với phát triển du lịch MICE
    Thách thức về nâng cao NLCT du lịch MICE với các nước trong khu vực
    Tuy nhiên, báo cáo về NLCT du lịch Việt Nam của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trong những năm gần đây cũng cho thấy còn một số hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch MICE ở Việt Nam. Báo cáo của WEF năm 2017 và 2019 đều chỉ ra các chỉ số có xu hướng giảm sút gồm: an ninh và an toàn, y tế và vệ sinh, nhân lực và thị trường lao động, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng mặt đất và cảng.

    Hình 1: Điểm số WEF về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam so với các nước ĐNA

    Ghi chú: Thang điểm từ 0 đến 7. Điểm 7 là mức cạnh tranh cao nhất
    Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 2019)

    Qua biểu đồ trên đây, có thể thấy, điểm số ở hầu hết các chỉ số của Việt Nam (đường màu xanh lục) ngang hàng với mức điểm bình quân của cả khu vực (đường màu đỏ). Tuy nhiên, không có chỉ số nào vượt qua các đối thủ cạnh tranh đứng thứ hạng cao nhất trong khu vực (biểu thị bằng đường màu xanh lá cây). Đặc biệt, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có chỉ số thấp và giảm so với năm 2017 về Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, trừ Thái Lan tăng 2 điểm. Việt Nam đạt 2,9/7 điểm, cao hơn điểm số bình quân của khu vực là 2.2, thấp hơn điểm số cao nhất trong khu vực là 3.2 (thuộc về Indonesia).
    Đáng lưu ý là trong hai kỳ đánh giá gần đây của WEF, nhiều chỉ số ở thứ hạng cần được cải thiện của Việt Nam liên quan đến phát triển du lịch MICE không tăng, thậm chí có chỉ số còn giảm.

    Hình 2: Điểm số của các chỉ số thành phần NLCT du lịch Việt Nam năm 2017 và 2019

    Nguồn: WEF, 2019

    Thách thức về nguồn lực trong nước
    Cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Khách du lịch đến Việt Nam qua đường biển chưa nhiều. Cuối năm 2018, Quảng Ninh khai trương cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có khả năng đón các tàu biển du lịch có tải trọng lớn. Năm 2019, Khánh Hòa khai trương bến du thuyền Ana Marina Nha Trang có sức chứa 220 du thuyền. Tham quan, nghỉ dưỡng vẫn là động cơ du lịch chủ yếu của cả thị trường khách quốc tế và nội địa (74,4% và 78,3%) (TCDL, 2020), thị trường khách thương mại – công vụ và khách du lịch MICE còn chiếm tỷ trọng thấp. Điều đó cho thấy, để phát triển mạnh mẽ và bền vững du lịch MICE, các yếu tố trên cần phải được cải thiện.
    Một số cảng hàng không trong nước, nhất là tại trung tâm du lịch TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng quá tải, là điểm nghẽn cần giải quyết để tạo điều kiện thu hút nhiều hơn khách du lịch.
    Lựa chọn MICE với ý nghĩa là một sản phẩm quan trọng trong hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam
    Du lịch MICE có quan hệ chặt chẽ với các sản phẩm du lịch khác
    Hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay cơ bản được xây dựng và phát triển theo định hướng của Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam và Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chủ đạo: du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Việc phát triển du lịch MICE có liên quan tới việc phát triển tất cả các sản phẩm du lịch trên, trong đó đặc biệt gắn với du lịch đô thị và du lịch golf. Việc phát triển sản phẩm du lịch đô thị tại các thành phố lớn sẽ thúc đẩy phát triển du lịch MICE, kết hợp mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, dịch vụ giải trí về đêm, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực và đời sống đô thị. Bên cạnh đó, phát triển loại hình du lịch golf hiện nay ngày càng thu hút nhóm khách có khả năng chi trả cao, góp phần tăng tỷ trọng du lịch cao cấp của Việt Nam.
    Định hướng phát triển sản phẩm du lịch MICE trong hệ thống sản phẩm vùng
    Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định sản phẩm du lịch MICE, thể thao, đặc thù theo vùng như sau:

    Vùng Sản phẩm đặc thù Sản phẩm chính Sản phẩm bổ trợ
    Trung du, miền núi

    Bắc Bộ

    Thể thao mạo hiểm, chinh phục thiên nhiên Du lịch gắn với thiên nhiên Du lịch tâm linh
    Đồng bằng sông

    Hồng và duyên hải Đông Bắc

    Du lịch tham quan thắng cảnh biển Du lịch đô thị, MICE Du lịch cuối tuần
    Bắc Trung Bộ Du lịch di sản văn  hóa, sinh thái Tham quan di tích,  tìm hiểu văn hóa, lịch sử Du lịch MICE
    Duyên hải Nam

    Trung Bộ

    Nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản Nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản Thể thao biển, khám phá thiên nhiên, sinh thái biển, MICE
    Tây Nguyên Tìm hiểu văn hoá dân tộc Tây Nguyên, du lịch sinh thái Du lịch dựa vào thiên nhiên Du lịch thể thao mạo hiểm, MICE
    Đông Nam Bộ Du lịch tâm linh, tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng Du lịch MICE Du lịch sinh thái
    Đồng bằng sông Cửu Long Trải nghiệm đời sống sông nước, sinh thái, di sản Trải nghiệm đời sống sông nước, sinh thái, di sản, nghỉ dưỡng biển đảo Du lịch MICE, cộng đồng, nông thôn

    Nguồn: Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
    Một số kiến nghị, đề xuất
    Phát triển du lịch MICE, nâng cao NLCT cho du lịch Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo rất cần nỗ lực của các bên liên quan. Trong đó, xin được nêu một số kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết thách thức như sau:
    Chính sách phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, bền vững với môi trường. Tuy dịch Covid-19 gây ra những tác động tiêu cực nặng nề, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để cơ cấu lại hệ thống sản phẩm du lịch, trong đó sản phẩm du lịch quan trọng như MICE là định hướng quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
    Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu du lịch tăng cao trở lại, Việt Nam cần định hướng phát triển thị trường du lịch quốc tế và nội địa về du lịch MICE, qua đó nâng cao NLCT. Cần chuyển sự tập trung sang chất lượng và hướng đến phát triển ngành du lịch một cách bền vững hơn về môi trường, văn hóa và xã hội, cơ cấu lại thị trường khách du lịch chi tiêu cao hơn.
    Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đề nghị Tổng cục Dạy nghề – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xem xét ban hành theo quy định của Luật Dạy nghề, gồm có: nghề Quản trị Du lịch MICE, nghề Quản trị Khu Resort và nghề Quản trị dịch vụ thể thao giải trí (Quy hoạch Phát triển Nhân lực ngành Du lịch giai đoạn 2011 – 2020 (Ban hành theo Quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)).
    Tăng cường nguồn nhân lực du lịch và liên kết kinh tế địa phương. Cần đảm bảo có: đủ số lượng lao động và doanh nghiệp địa phương trong các ngành liên kết phục vụ du lịch MICE đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các phân khúc thị trường du lịch khác nhau. Giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng và chất lượng thông qua các chương trình đào tạo có mục tiêu cho chuyên gia ngành du lịch và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty nhằm có được các loại chứng nhận chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
    Tăng cường cơ sở hạ tầng, dịch vụ và tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ du lịch MICE đảm bảo bền vững môi trường. Đảm bảo tính bền vững đòi hỏi cả đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển cũng như tăng cường tiêu chuẩn chất lượng. Tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng của Việt nam để tránh tắc nghẽn giao thông và cơ sở hạ tầng dịch vụ như quản lý vệ sinh môi trường và chất thải để giảm thiểu các hậu quả tiêu cực đối với môi trường. Chất lượng của cơ sở hạ tầng phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn.
    Điều phối, quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm. Khuyến khích các địa phương phát triển và xúc tiến sản phẩm du lịch MICE đóng góp vào sự đa dạng du lịch tại Việt Nam. Cần phải tăng cường liên kết với các ngành khác để làm mới sản phẩm du lịch. Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng mà nhiều khách du lịch lựa chọn, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp địa phương, du lịch MICE và giải trí trong điều kiện đảm bảo an toàn.
    TÀI LIỆU THAM KHẢO:
    TCDL. (2020). Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2019. In NXB Lao động.
    WEF. (2019). The Travel and Tourism Competitiveness Report 2019. http://www3.weforum.org/docs/WEF_TTCR_2019.pdf

    CN. Nguyễn Chiến Thắng
    Phòng QLKH&HTQT – Viện Nghiên Cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục