Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động vật hoang dã: Điển hình tốt tại một số doanh nghiệp Việt Nam

    Tổng quan
    Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính: 7% du lịch thế giới liên quan đến du lịch động vật hoang dã (ĐVHD), mức tăng trưởng hàng năm khoảng 3%, và ở một số nơi như khu di sản thế giới do UNESCO công nhận, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Ước tính, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 3 triệu người đi du lịch tham quan ĐVHD, thị trường ĐVHD có giá trị ít nhất 37 tỷ đô la. Đặc biệt, 80% thu nhập hàng năm từ kinh doanh du lịch đến châu Phi là để quan sát các loài hoang dã, các hệ sinh thái tự nhiên. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, riêng năm 2017, tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến châu Phi là 63 triệu lượt tăng 9% so với năm 2016, và doanh thu đạt 37 tỷ USD tăng 8% tương ứng. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cũng có báo cáo: Năm 2016, hơn 100 triệu lượt khách du lịch đã đến khu vực Đông Nam Á để tham quan những khu rừng nhiệt đới xanh tươi và động vật hoang dã vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, cùng với xu hướng tăng lên của du lịch ĐVHD, còn tiềm ẩn nhiều vụ kinh doanh , buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới ước tính hơn 500.000 ĐVHD trên toàn cầu, bao gồm voi, lười, hổ và cá heo đang phải chịu khổ sở vì hoạt động giải trí du lịch. Khách du lịch tham gia các hoạt động giải trí này chưa có nhận thức đầy đủ về việc các cơ sở nuôi nhốt đối xử với ĐVHD tàn nhẫn như thế nào.

    Số liệu về du lịch và buôn bán động vật hoang dã ở Đông Nam Á

    Du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và Khu dự trữ sinh quyển toàn cầu luôn được xác định là một trong những sản phẩm du lịch chính, được ưu tiên phát triển trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam. Mỗi năm, hoạt động du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng đã thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu trên 100 tỷ đồng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương và hỗ trợ hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Việt Nam vừa là nguồn, vừa là điểm đến và vừa là quốc gia chung chuyển cho các sản phẩm ĐVHD, còn có khách du lịch yêu cầu được đến thăm các trại nuôi gấu và khai thác mật gấu, hoặc cưỡi voi. Theo nghiên cứu của WWF: Việt Nam trực tuyến – Đánh giá nhanh về buôn bán động thực vật hoang dã qua thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2017, đã phát hiện 13 trang web có tên miền .vn bán tổng cộng 1,072 sản phẩm động thực vật hoang dã, thông qua phương pháp tìm kiếm từ khóa cho các sản phẩm từ voi, báo, tê tê, tê giác, linh dương Saiga, rùa biển, và hổ. Trong số các trang web được khảo sát, 30% được tìm thấy có quảng cáo cho các bộ phận loài ĐVHD.
    Ngày 11/10/2018, Hội đồng Du lịch & Lữ hành thế giới (WTTC) đã thông qua Tuyên bố Buenos Aires, thể hiện ngành Du lịch đang phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết nạn buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Nhiều bên liên quan có ảnh hưởng lớn đối với ngành Du lịch đã ký cam kết thực hiện Tuyên bố này.

      Điển hình của một số doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, gắn với bảo vệ động vật hoang dã: Ngành Du lịch Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy những nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội trong việc bảo tồn ĐVHD, bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần chấm dứt nạn buôn bán trái phép ĐVHD. Chúng tôi xin nêu một số điển hình tốt của các doanh nghiệp đã hành động thiết thực, hiệu quả thúc đẩy du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
    Công ty PEAK DMC
    Công ty PEAK DMC thuộc tập đoàn Intrepid đã có nhiều đóng góp cho xã hội, được ghi nhận, cụ thể: Năm 2010: đạt được mục tiêu carbon trung tính; Năm 2014: chấm dứt việc cưỡi voi trong tất cả các chương trình du lịch; Năm 2019: cam kết trở thành một doanh nghiệp ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu đến năm 2020. Triết lý du lịch có trách nhiệm của PEAK DMC dựa trên 5 nguyên tắc:

    1. Tôn trọng điểm đến
    2. Hỗ trợ người dân địa phương và kinh tế địa phương
    3. Giữ gìn môi trường
    4. Bảo vệ con người và động vật
    5. Bù đắp lại thông qua quan hệ đối tác NGO và các tổ chức của cộng đồng.
      Những hoạt động du lịch có trách nhiệm của công ty PEAK DMC nhằm hỗ trợ đạt được các Mục tiêu Phát triển của Liên Hợp Quốc dựa trên 3 trụ cột: Sinh quyển, Xã hội và Kinh tế. Theo đó, công ty giáo dục 66% du khách quốc tế có động lực để trải nghiệm thiên nhiên và cảnh quan tuyệt đẹp; Giáo dục 89% người tiêu dùng mua sản phẩm có lợi cho môi trường. Công ty PEAK DMC tin tưởng rằng bằng việc đầu tư để đạt được các mục tiêu tốt đẹp, công ty sẽ phát triển trên mọi phương diện, không phải chỉ là để trở thành công ty tốt nhất trên thế giới mà cho thế giới. Những điều PEAK DMC đã thực hiện tại Việt Nam:
      • Cấm các chuyến tham quan đến các khu bảo tồn và vườn thú ĐVHD (safari), là những nơi che đậy cho thị trường chợ đen buôn bán ĐVHD
      • Cấm tất cả mọi sự tiêu thụ ĐVHD trong mọi chuyến tour
      • Nâng cao nhận thức cho khách du lịch về hệ lụy của việc tiêu thụ ĐVHD, và phương thức để họ có thể tham gia giúp đỡ
      • Truyền thông điệp “nói không với túi nilon” cho mỗi du khách, vì thế, đã chấm dứt việc dùng khoảng 3 triệu túi nilon xả vào môi trường;
      • Bố trí các điểm dừng để nạp lại nước uống. Các khách sạn cũng nạp lại nước uống miễn phí tại phòng, tiết kiệm khoảng 600.000 chai nhựa mỗi năm;
      • Cam kết trở thành nơi làm việc không dùng nhựa một lần vào năm 2020.

    Tập đoàn Thiên Minh TMG
    Tập đoàn Thiên Minh TMG phát triển các hoạt động du lịch có trách nhiệm dựa trên giá trị cốt lõi là “Dám nghĩ, dám làm” (IDARE). Cụ thể:

    • Hợp tác với Tổ công tác về nuôi giữ voi ASEAN tổ chức nghiên cứu khoa học về voi ở châu Á, đồng thời sử dụng Hướng dẫn phúc lợi toàn cầu cho động vật trong du lịch của ABTA, Buffalo Tours (Tập đoàn Thiên Minh TMG đã chuyển nhượng thương hiệu Buffalo Tours tháng 7 năm 2018 để trở thành một tập đoàn khách sạn và du lịch tích hợp, hiện bao gồm 4 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm: Khách sạn, Du lịch trực tuyến, Hàng không, và Quản lý điểm đến) đã xây dựng và thực hiện một quy trình kiểm tra toàn diện độc đáo cho các trại voi ở châu Á. Quy trình này đặt ra các thực hành tốt nhất để bảo vệ và bảo tồn những con voi bị giam cầm trong khu vực với 81 tiêu chí. Kết quả, đã kiểm tra 40 trại voi trên 5 quốc gia khác nhau. 21/40 trại được quản lý tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn và số còn lại đã bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp của Buffalo, cho tới khi các cơ sở này tuân thủ các yêu cầu của cuộc kiểm tra. Đối với các trại voi đủ điều kiện, tăng 200% doanh thu trong năm qua; Có khuyến thưởng cần thiết để mở rộng phạm vi kiểm tra và gây áp lực cho các trại voi để yêu cầu họ tuân thủ các tiêu chuẩn.
    • Xuất phát từ triết lý IDARE của TMG, khách sạn Victoria Xiengthong Palace (Khách sạn Victoria Xiengthong Palace là 1 trong 7 khách sạn thuộc chuỗi khách sạn Victoria Hotels & Resorts của tập đoàn TMG trải dài khắp Việt Nam và Lào) trở thành khách sạn thân thiện với môi trường đầu tiên nói “Không” với nhựa ở Luang Prabang, Lào từ tháng 8 năm 2019. Kế hoạch hành động của chương trình như sau:
      Đối với khách
      • Trao đổi túi nilon/ hộp nhựa trước khi nhận phòng bằng lá chuối, túi sinh thái tái sử dụng và các chai bằng kim loại được đổ đầy nước.
      • Sử dụng túi giấy để đựng thức ăn & đồ uống mang đi.
      • Nạp đầy nước vào các chai nước miễn phí trong phòng nghỉ.
      Đối với nhân viên
      • Không sử dụng túi nilon để lót thùng rác.
      • Không được phép mang túi nilon đi làm.
      Đối với nhà cung cấp
      • Không nhận mặt hàng nào nhà cung cấp đựng trong túi nilon.
      • Sử dụng túi vải lớn hoặc bình đựng có thể tái sử dụng trong mua bán hàng.
      Một số khuyến nghị:
      Hoàn thiện thể chế, chính sách
    • Nghiên cứu rà soát hành lang pháp lý, các quy định chi tiết, thông lệ quốc tế, các bộ quy tắc ứng xử cho các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu dự trữ sinh quyển thế giới để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động du lịch có trách nhiệm.
    • Phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn thiên nhiên trong việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ các loài hoang dã, đảm bảo xử lý nghiêm, minh bạch, kịp thời các trường hợp vi phạm.
    • Chính sách khen thưởng cho cá nhân và tổ chức có thành tích xuất sắc trong bảo tồn thiên nhiên, ĐVHD, ngăn ngừa việc mua sắm các sản phẩm từ các loài hoang dã; Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các Trung tâm giáo dục du lịch có trách nhiệm với các loài hoang dã.
    • Chính sách chia sẻ công bằng lợi ích với cộng đồng địa phương và các bên liên quan để khuyến khích bảo vệ các cảnh quan, sinh thái và các loài hoang dã.
      Thúc đẩy tác động tích cực của du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ ĐVHD
    • Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan chủ chốt, bao gồm: hướng dẫn viên, điều hành, quản lý doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, cộng đồng, khách du lịch…)
    • Nội dung: Bản chất, quy mô và hậu quả của buôn bán bất hợp pháp ĐVHD; Chức năng và nhiệm vụ của cơ sở bảo tồn, đặc tính sinh học của loài, mức độ đang bị đe dọa tuyệt chủng; Các qui định pháp luật về cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dãchỉ quảng bá các sản phẩm du lịch ĐVHD có trách nhiệm, các hoạt động du lịch sinh thái, quan sát các loài hoang dã, kết hợp với giáo dục bảo tồn các loài hoang dã và đưa ĐVHD trở lại thiên nhiên, khuyến cáo khách du lịch không nên tham gia vào việc mua bán động thực vật hoang dã; Hướng dẫn viên kể các câu chuyện về tập tính một số loài nổi bật ở điểm du lịch;
    • Hình thức: Hội thảo, khóa tập huấn, biểu ngữ, quảng cáo tấm lớn… về du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ ĐVHD.
    • Đầu tư, xây dựng Trung tâm giáo dục du lịch có trách nhiệm với các loài hoang dã.
    • Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho cộng đồng và nhân viên trong ngành du lịch và khách du lịch
    • Xây dựng hệ thống báo cáo cho nhân viên và các bên liên quan về những hiện tượng nghi ngờ liên quan đến vận chuyển và buôn bán sản phẩm ĐVHD và ĐVHD bất hợp pháp.
    • Một số sáng kiến trong xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ ĐVHD:
    • Thay đổi hoạt động khai thác thành bảo vệ các loài hoang dã thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, chuyển đổi sinh kế cho người dân địa phương.
    • Hợp tác với các công ty du lịch có uy tín, có trách nhiệm với môi trường, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc không dùng các sản phẩm làm từ động thực vật hoang dã.
    • Một ngày trải nghiệm làm lính kiểm lâm/ lính cứu hộ động vật;
    • Đặt tên và nhận con nuôi cho động vật đã được cứu hộ;
    • Khuyến khích bữa ăn không thịt thú rừng, hoặc sản phẩm rau rừng

    Tài liệu tham khảo:
    https://www.independent.co.uk/voices/campaigns/elephant-campaign/time-to-place-people-at-the-heart-of-solving-the-wildlife-crisis-a8970891.html
    http://www.travelweekly.com.au/article/world-expeditions-steps-up-its-game-in-the-fight-against-wildlife-cruelty-in-tourism/
    https://1zootree.weebly.com/blog/animal-cruelty-rife-in-tourism-industry-asian-perspective
    https://www.traffic.org/site/assets/files/10509/viet-nam-online-ecommerce-assessment-en-vfinal-web.pdf
    https://www.intrepidgroup.travel/our-purpose/responsible-business/responsible-travel
    Rosa A.Indenbaum, Việt Nam trực tuyến – Đánh giá nhanh về nạn buôn bán động thực vật hoang dã qua thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2017, WWF, tháng 8/2018

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục