Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phân tích các chuỗi cung ứng sản phẩm tiềm năng ở huyện A Lưới

    1. Đánh giá tiềm năng tài nguyên và các điểm tham quan du lịch ở huyện A Lưới
    Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là huyện biên giới có đường biên giới giáp với Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được xác định là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch của huyện A Lưới tập trung vào 3 nhóm sau:
    1.1- Tài nguyên du lịch tự nhiên:
    Đặc trưng của hệ sinh thái vùng là rừng núi Trung Trường Sơn với cảnh quan khá ngoạn mục và sự đang dạng sinh học và các loài động thực vật đặc hữu, một số tài nguyên tạo nên thu hút khách du lịch.

    Bản đồ số 1: Tài nguyên du lịch huyện A Lưới

    – Thác A Nor ở xã Hồng Kim, cách trung tâm thị trấn 3km, thác cao và có hồ tắm rộng rãi. Khách du lịch có thể kết hợp tắm thác, leo núi và tham gia các sinh hoạt với cộng đồng dân tộc thiểu số Pa Kô ở làng tái định cư A Nor Việt Tiến.
    – Suối nước nóng A Roàng 27km về phía Tây Nam huyện A Lưới, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, với nhiệt độ khoảng 60oC và chất lượng khoáng tốt. Suối nước khoáng thường được sử dụng bởi cộng đồng cư dân để tắm và trị bệnh. Đầu nguồn con suối là thác A Roàng và rừng nguyên sinh. Hiện nay có bể tắm suối do bệnh xá quân đội quản lý và có thể phục vụ khách tắm suối ở đây.
    – Rừng nguyên sinh A Roàng: cảnh quan đẹp với các loài cây gỗ quý và câu chuyện về Sao La, một loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ. Tua trekking đường mòn Sao La đã được công ty lữ hành Huetourist thực hiện.
    – Đồi A Lau: ở địa phận xã Hồng Kim. Đây cũng là căn cứ quân sự của quân đội Mỹ và xảy ra trận đánh ác liệt. Ví trí đồi A Lau dễ tiếp cận có lối mòn đi bộ. Đây là địa điểm đẹp để ngắm cảnh quan toàn huyện A Lưới và nếu thời tiết tốt có thể nhìn thấy Huế và biển Thuận An.
    – Thác Pong Chất ở xã A Roàng, cách nhà Rông thôn A Ka 2km, thác cao và có hồ tắm rộng rãi, có thể kết hợp hoạt động trekking, tham quan thác và tắm thác với các hoạt động du lịch văn hóa và sinh thái ở xã A Roàng. Tuy nhiên đường vào thác Pong Chất chưa được đầu tư nên khá hiểm trở, chỉ phù hợp cho đối tượng khách trẻ năng động.

    1.2 Tài nguyên du lịch văn hóa:
    – Văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt của người dân bản địa có thể khai thác thành tài nguyên du lịch, cụ thể là các dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu…được thể hiện quan tổ chức xã hội, các phong tục tập quán, kiến trúc truyền thống nhà rông, nhà ở và nhà mô, văn hóa dân gian, ẩm thực…Tài nguyên du lịch lịch sử được khách trong nước và quốc tế biết đến là những trận đánh lớn, ngoan cường của bộ đội và nhân dân địa phương trong chiến tranh chống Mỹ.
    – Di tích lịch sử:
    + Đồi A Bia, còn được gọi là đồi Thịt Băm hay Đồi Không Tên hay Đội 937 nằm ở địa phận xã Nhâm và Hồng Bắc. Đây là nơi ghi dấu trận chiến ác liệt và ngoan cường của quân đội giải phóng Việt Nam và bộ đội địa phương A Lưới. Là chứng tích cho sự tàn khốc của cuộc chiến. Ngọn đồi này đã là cảm hứng của nhiều nhà văn, nhà thơ, đạo diễn phim viết về đề tài chiến tranh. Trước đây có rất nhiều khách nước ngoài muốn đến khu vực đồi A Bia những do điều kiệp cấp phép tham quan và khó tiếp cận nên phần lớn không thể đến được. Năm 2009 huyện đã mở con đường ô tô và bậc theo lên đến đỉnh A Bia nên việc tiếp cận đã thuận lợi hơn.
    + Sân bay ASho: Sân bay và căn cứ quân sự A Sho ở xã Đông Sơn, đây được cho là kho chứa chất khai quang/dioxin của quân đội Mỹ trong cuộc chiến. Rât nhiều khách quốc tế muốn đến điểm này nhưng điều kiện tiếp cận khu vực biên giới nên việc tiếp cận khá hạn chế. Tuy nhiên hiện nay khu vực này chỉ là bãi đất trống và đường băng, không có các hiện vật minh chứng và đã có đề xuất xây dựng khu chứng tích chất độc da cam.
    + Dốc Mèo ở xã Hồng Vân, cách đường Hồ Chí Minh 1km, đây là nơi đã xảy ra trận chiến đẫm máu giữa quân giải phóng và quân đội Mỹ.
    + Địa đạo Hồng Bắc ở xã Hồng Bắc, bên cạnh đồi Thịt Băm, người dân cho rằng địa đạo này sâu vào tận chân núi và là nơi sinh hoạt, trú ẩn của quân đội giải phóng trong cuộc chiến. Địa đạo này đã xuống cấp nên không thể đi vào sâu bên trong được.
    – Các điểm tham quan du lịch văn hóa:
    + Làng văn hóa A Ka 1 ở xã A Roàng, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh cách trung tâm huyện A Lưới 27km và huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam 57km. Dân tộc thiểu số chính là Tà Ôi và Cơ Tu. Làng có ngôi nhà Rông truyền thống, các sinh hoạt của canh tác nương rẫy, lúa nước và dệt vải zèng, chăn nuôi, trồng keo là kinh tế chính. Điểm này dễ dàng kết nối với các điểm du lịch thiên nhiên và lịch sử như Hang Dơi, Khu bảo tồn Sao La, suối nước nóng, sân bay A Sho. Điểm này đã trở thành điểm du lịch cộng đồng.
    + Làng văn hóa Ka Vin thuộc xã A Đớt, đây là ngôi làng đầu tiên được công nhận là làng văn hóa. Làng vẫn còn lưu giữa các sinh hoạt văn hóa truyền thống với ngôi nhà rông, nghề dệt vải của phụ nữ và trang phục truyền thống có thể xây dựng điểm du lịch cộng đồng.Tuy nhiên, hạn chế tiếp cận do cách trở đường xá và quy chế biên giới.
    + Làng văn hóa Chi Lanh ở xã A Đớt, bên cạnh làng Kavin. Làng vẫn còn lưu giữa các sinh hoạt văn hóa truyền thống với ngôi nhà rông, nghề dệt vải của phụ nữ và trang phục truyền thống. Cản trở chính cho sự phát triển du lịch ở đây là khó tiếp cận do cách trở đường xá và quy chế biên giới.
    + Làng văn hóa A Ngo ở xã A Ngo cách trung tâm thị trấn A Lưới 3km, dân tộc thiểu số chính trong làng là người Tà Ôi và vẫn giữa được các sinh hoạt và lối sống truyền thống. Dễ tiếp cận do không vướng phải quy chế vùng biên giới.
    + Làng văn hóa A Hưa ở xã Nhâm, cách thị trấn A Lưới 7km, gần con sông A Sáp. Dân tộc thiểu số chính trong làng là người Tà Ôi và vẫn giữa được các sinh hoạt và lối sống truyền thống. Có các nghệ nhân dệt zèng, tạc tượng, đan lát lớn tuổi. Đã đón được một số đoàn khách du lịch quốc tế và sinh viên, thanh niên tình nguyện trong nước. Là xã có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Điểm khó khăn chính cho phát triển du lịch là xã biên giới nên có hạn chế về cấp phép tham quan cho người nước ngoài.
    + Nhà Rông trung tâm huyện A Lưới, đang được xây dựng bao gồm nhà trưng bày văn hóa dân tộc truyền thống của huyện A Lưới. Điểm dừng chân đầu tiên của khách du lịch đến A Lưới để có những thông tin về du lịch, dịch vụ của huyện và đồng thời nghỉ ngơi, giải khát sau chặng đường dài và mua sắm hàng lưu niệm

    Bản đồ số 2: Các điểm tham quan thu hút khách du lịch

    2. Phân tích một số chuỗi sản phẩm du lịch
    Một trong những tính hấp dẫn của A Lưới là sự đa dạng của văn hóa thông qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như Dệt Zèng và đan lát. Ở A Lưới, các nhóm dân tộc thiểu số như Tà ôi, Kơ tu vẫn còn dùng các sản phẩm truyền thống như áo, khố, khăn, thắt lưng, tấm treo, và gùi, padien,… Mặc dù các sản phẩm này có phần mai một do các sản phẩm thay thế khác, nhưng cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn còn gìn giữ các nghề truyền thống này. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của A Lưới vẫn còn chưa tham gia vào thị trường nhiều. Các mặt hàng này đều được bán với số lượng nhỏ thông qua các công ty, cửa hàng ở Huế, Hà Nội và Sài Gòn. Tỉ lệ phần trăm rất nhỏ này, có thể xem là tiềm năng cho việc đầu tư, phát triển sản phẩm của ngành thủ công mỹ nghệ A Lưới.
    2.1- Sản phẩm Dệt Zèng:
    Nghề dệt vải thổ cẩm (vải zèng) là nghề truyền thống của phụ nữ Tà Ôi. Có đến 100% số hộ ở hai thôn mà dự án Du lịch Mê Kông đang triển khai là thôn A Ka1 (xã A Roàng) và thôn A Hưa (xã Nhâm) dệt vải zèng. Phu nữ thường dệt vải hàng ngày vào buổi trưa, ban đêm và trong thời điểm nông nhàn. Các sản phẩm của vải zèng bao gồm áo váy phụ nữ, quần áo nam giới, khăn trải bàn, túi xách, ví. Sản phẩm chủ yếu sử dụng cho nhu cầu của gia đình và làm quà tặng cho người thân, bạn bè, lễ cưới. Chỉ có một số ít thợ dệt chuyên nghiệp và có điều kiện đi bán vải ở các huyện xa như Nam Đông, các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị mới có được thu nhập bằng tiền với mức trung bình 3 triệu đồng một tháng từ nghề dệt zèng. Tuy nhiên nhìn chung nghề dệt zèng A Lưới vẫn chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa do cạnh tranh của các mặt hàng vải dệt may sẵn, thiếu kiến thức về thị trường, thiếu lực lượng lao động để làm chuyên nghiệp toàn thời gian và bán hàng hóa, thiếu đầu tư về kỹ thuật và vốn. Nghề dệt zèng có nguy cơ mai một do số nữ thanh niên biết dệt ngày càng ít, giá thành đắt do chi phí ngày công cao, kém cạnh tranh trên thị trường.
    Sản phẩm Dệt Zèng chính ở A Lưới bao gồm: tấm vải truyền thống (dùng để treo tường, hoặc bán cho các cơ sở kinh doanh vải thổ cẩm để làm các sản phẩm nhỏ hơn như túi xách, ví,…), trang phục váy áo của phụ nữ và nam giới, khăn quàng cổ, thắt lưng phụ nữ. Các sản phẩm được bán chủ yếu cho người dân ở A Lưới, Quảng Trị, Quảng Nam hoặc các cơ sở bán buôn, bán lẻ ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, và TP HCM. Các nhân tố tham gia vào thị trường vải dệt zèng bao gồm thợ dệt, các hợp tác xã dệt zèng do các thợ dệt địa phương thành lập, một số tiểu thương ở huyện A Lưới, một số cơ sở sản xuất và kinh doanh thủ công mỹ nghệ ở Huế như Hy Vọng, Ella Việt, cơ sở Craft Link ở Huế.

    Bảng số 1: Tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm Dệt Zèng

    Các tác nhân Mô tả
    Người cung cấp nguyên liệu – Sợi len: ở Huế, chợ A Lưới – Sợi cotton: Lâm Đồng, Huế – Hạt cườm: Huế, chợ A Lưới
    Người sản xuất sản phẩm Dệt Zèng – Các HTX sản xuất chính: TT A Lưới, A Dơt, A Roàng, xã Nhâm, và sản xuất trong dân – Các sản phẩm chính: Tấm treo tường, khăn, áo, túi xách
    Người thu gom đi bán lẻ – Có 15 người thu gom tại thôn ở A Roàng, A Dơt – Các sản phẩm thu gom chính – Phân phối lại cho những người bán buôn tại các chợ thành phố và chợ huyện
    Hợp tác xã Dệt thổ cẩm TT A Lưới – Có 32 thành viên – Thu gom sản phẩm từ các xã viên – Loại hàng thu gom chính: tấm treo, vải khăn, túi xách
    Hợp tác xã Dệt thổ cẩm A Dơt – 46 thành viên (ngoài ra có thể huy động thêm phụ nữ trong xã để d cần thiết) – Chủ yếu là cung cấp hàng dệt Zèng cho Craft LINK Hà Nội – Các sản phẩm tiêu thụ chính là tấm treo, vải khăn, túi xách
    Người bán buôn tại chợ huyện – Chủ yếu bán lẻ cho những người tiêu dùng địa phương
    Người bán buôn tại Huế – Tập trung tại TP Huế: TT Hy vọng và Công ty Ella Việt – Cung cấp sản phẩm Dệt Zèng (có cải tiến) cho khách du lịch trong và ngoài nước

    Nguồn: Tổng hợp số liệu từ phỏng vấn, thảo luận nhóm 2019 của Dư án Phát triển các thành phố xanh loại 2, Khoản vay 3590 VIE, gói thầu HU-CS01-2019

    Trong chuỗi sản phẩm, thợ dệt tại cộng đồng chủ yếu dệt các tấm vảo lớn để cắt may thành trang phục truyền thống cho gia đình sử dụng hoặc bán. Các cơ sở thủ công mỹ nghệ thường mua tấm lớn và gia công thành các sản phẩm nhỏ đến bán hàng lưu niệm (trường hợp Craft Link hợp tác với HTX dệt zèng A Đớt) hoặc đặt trực tiếp với các hợp tác xã dệt để dệt sản phẩm dựa trên mẫu mã thiết kế của họ (Ella Việt). Ngoài việc khó tiếp cận thị trường, Một hạn chế làm ảnh hưởng đến thu nhập của thợ dệt là họ không có máy khâu và thiếu kỹ thuật cắt may để tự may thành các sản phẩm có thể bán và sử dụng ngay.

    Sơ đồ 1: Chuỗi sản phẩm dệt vải zèng
    (Nguồn: Tác giả và cộng sự xây dựng)

    Về tỉ lệ khối lượng sản phẩm tiêu thụ, với tổng số 100% khối lượng dệt zèng được sản xuất ở A Lưới, có khoảng 50% được tiêu thụ tại địa phương, 40% bán cho các thị trường Nam Đông, Quảng Nam, Quảng Trị và chỉ 10% bán cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh thủ công mỹ nghệ ở Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

    Sơ đồ 2: Khối lượng sản phẩm

    Về chí phí và lợi nhuận từ nghề dệt zèng, có thể nói rằng lợi nhuận của người thợ dệt được tính từ ngày công lao động của họ, dao động từ 35.000-50.000đ/ngày. Với sản phẩm tấm vải zèng lớn(kích thước 3mx70cm), người thợ đầu từ 250 nghìn đồng tiền nguyên vật liệu sẽ bán được giá trung bình là 700.000 nghìn đồng ở chợ địa phương và được doanh thu là 350 nghìn 10 ngày công. Một người thợ dệt giỏi có khả sản sản xuất 3 tấm zèng/tháng và có được thu nhập 1.5 triệu/tháng. Một số ít trường hợp bán được vải zèng cho khách du lịch với giá 1 triệu đồng/tấm. Với sản phẩm khăn quàng cổ sử dụng kỹ thuật dệt zèng A Lưới được bán cho khách du lịch ở Huế với giá 250.000 đ, doanh thu của thợ dệt là 150.000đ (60%), của cơ sở bán buôn là 40.000đ (16%) và cơ sở bán lẻ là 60.000đ (24%). Như vậy nếu tham gia được thị trường du lịch, thu nhập của phụ nữ dệt zèng sẽ được nâng cao hơn.

    Bảng số 2: Phân tích chi phí và lợi nhuận
    Đơn vị: Sản phẩm khăn quàng cổ, đơn vị tiền tệ: ngàn đồng

    Nguồn: Tổng hợp của tác giả và nhóm nghiên cứu của Dư án Phát triển các thành phố xanh loại 2, Khoản vay 3590 VIE, gói thầu HU-CS01-2019

    Biểu đồ 1: Phần trăm chi phí và lợi nhuận

    Nguồn: Số liệu phỏng vấn 2019 – Tác giả và cộng sự

      2.2. Sản phẩm đan lát:
    Nghề đan lát là nghề truyền thống của nam giới dân tộc Tà Ôi. Nam giới thường thực hiện đan lát hàng ngày vào buổi chiều và trong thời điểm nông nhàn. Các sản phẩm đan lát chính bao gồm gùi, tà lệt, rổ rá, các dụng cụ đánh bắt cá… Sản phầm đan lát chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình và làm quà tặng trong các dịp lễ hội. Nghề đan lát truyền thông có nguy cơ mai một cao rất cao do mất nhiều thời gian làm sản phẩm, đòi hỏi sự khéo léo và tính kiên nhẫn cao nên không thu hút được nam thanh niên. Hiện tại, có khoảng 80% hộ dân ở thôn A Hưa vẫn duy trì hoạt động đan lát, trong khi đó chỉ 50% hộ gia đình ở thôn A Ka 1 còn duy trì nghề truyền thống này và chủ yếu chỉ do người trung niên, lớn tuổi thực hiện. Sản phẩm đan lát, bao gồm: (1) Gùi (dùng hoặc bán trong dân), (2) padien (mâm cơm), (3) rổ rá, lồng bàn. Các sản phẩm được bán chủ yếu trong dân địa phương và ở các khu vực dân tộc thiểu số ở Quảng Trị và Quảng Nam để sử dụng trong gia đình, sản phẩm đan lát thỉnh thoảng được khách du lịch mua nhưng số lượng bán không đáng kể. Các nhân tham gia vào chuỗi trường đan lát là HTX Niềm tin Trường Sơn và HTX Hoàng Thiện, trong đó HTX Hoàng Thiện là đơn vị có tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng thủ công mỹ nghệ đan lát cho ngành du lịch do họ đang bắt đầu phát triển những sản phẩm đan lát nhỏ, tinh xảo, có đào tạo.
    Bảng số 3: Tác nhân tham gia vào chuỗi sản phẩm Đan lát

    Các tác nhân Mô tả
    Người cung cấp nguyên liệu – Tre: sẵn có ở địa phương. – Gấc buộc: Huế, chợ A Lưới
    Người sản xuất sản phẩm Đan lát – Các HTX sản xuất chính: HTX Hoàng Thiện, HTX Niềm Tin Trường Sơn, Và các hộ trong dân – Các sản phẩm chính: Gùi, rổ rá, lồng bàn, tăm nguyên liệu – Sản phẩm tiêu thụ chính: Rổ rá, Lồng bàn, gùi 
    Hợp tác xã Niềm Tin Trường Sơn – Có 16 thành viên – Cung cấp cho: HNM TT Huế (làm tăm, hương), DN Anh Ngân ở Huế (làm lồng chim) – Loại hàng sản xuất chính: tăm nguyên liệu cho các sản phẩm: tấm treo trang trí, lồng chim, xiên nướng, tăm, que hương.
    Hợp tác xã Mây tre đan Hoàng Thiện – 20 thành viên, cộng thêm các tổ sản xuất trong dân (thông qua các lớp đào tạo nghề mây tre đan do Phòng Công thương Huyện tổ chức) – Sản xuất và thu gom hàng từ các thành viên. Bán lẻ tại cửa hàng (thị trấn A NGO) cho các đối tượng khách du lịch và tiêu dùng. – Các sản phẩm tiêu thụ chính là rổ rá, lồng bàn, gùi, padien,…

    Nguồn: Tổng hợp số liệu từ phỏng vấn, thảo luận nhóm 2019của Dư án Phát triển các thành phố xanh loại 2, Khoản vay 3590 VIE, gói thầu HU-CS01-2019

    Sơ đồ 3: Chuỗi sản phẩm Đan lát
    (Nguồn: Tác giả và cộng sự xây dựng)

    Phân tích chi phí/lợi nhuận: Sơ đồ chuỗi ở trên cũng đã cho thấy, hàng mây tre đan ở A Lưới còn đơn điệu và chủ yếu tiêu thụ ở địa phương. Chưa có vươn ra thị trường bên ngoài. Các mặt hàng rổ, rá, gùi,… thỉnh thoảng cũng được bán cho khách du lịch vãng lai. Chi phí và lợi nhuân của một sản phẩm được tính sau đây cho sản phẩm gùi, mang tính đại diện cho hàng mây tre.

    Bảng 4: Phân tích chi phí và lợi nhuận sản phẩm gùi
    Đơn vị: 01 Cái gùi (cỡ nhỏ), đơn vị tiền tệ: ngàn đồng

    Biểu đồ 2: Chi phí và lợi nhuận
    Nguồn: Tổng hợp của tác giả và nhóm nghiên cứu của Dư án Phát triển các thành phố xanh loại 2, Khoản vay 3590 VIE, gói thầu HU-CS01-2019

    2.3. Sản phẩm tham quan du lịch:
    Các sản phẩm tham quan du lịch của huyện A Lưới là các chương trình du lịch tham quan chiến trường xưa, có thể kết nối với các điểm di tích lịch sử khác trên tuyến đường Hồ Chí Minh ở các tỉnh lân cận và du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng ở thôn A Hưa và A Ka1. Hoạt động của các sản phẩm tham quan phụ thuộc tứng nhóm thị trường khách như sau:
    – Khách cựu chiến binh nước ngoài và gia đình của họ: khách thường đi lẻ hoặc nhóm nhỏ thông qua các công ty lữ hành quốc tế. Khách thường tham quan A Lưới trong ngày và chủ yếu thăm các điểm chiến trường xưa như Dốc Mèo, Đồi A Bia, Sân Bay A Sho. Chi tiêu của khách tại A Lưới chủ yếu là bữa ăn trưa. Cần phát triển dịch vụ lưu trú có chất lượng đạt chuẩn và có xúc tiến quảng bá hiệu quả để thu hút được thời gian và chi tiêu của khách ở A Lưới là thăm quan du lịch tại cộng đồng và thủ công mỹ nghệ.
    – Khách cựu chiến binh Việt Nam: thường đi theo đoàn lớn thông quan các công ty lữ hành nội địa hoặc hội cựu chiến binh. Khách thường đến thăm các điểm di tích lịch sử cách mạng và thăm bản làng. Chi tiêu du lịch của khách tại A Lưới không lớn chủ yếu là ăn uống và nghỉ tại các nhà hàng ở thị trấn.
    – Khách sinh viên/học sinh: đi theo đoàn lớn chủ yếu đến từ các trường trung học, cao đẳng và đại học ở Huế với mục đích khám phá văn hóa dân tộc thiểu số và lịch sử đồng thời có thể kết hợp làm các hoạt động tình nguyện ở A Lưới. Chi tiêu của loại khách này không lớn tuy nhiên thị trường này khá quan trọng.
    – Khách du lịch quốc tế năng động/mạo hiểm: thị trường khách quốc tế năng động/mạo hiểm tham gia cac hoạt động du lịch làng bản và sinh thái khá mới mẻ so với các thị trường khác. Nhóm này có thời gian lưu trú và chi tiêu cao hơn tại A Lưới so với các nhóm khác thực sự đem lại sự hưởng lợi về kinh tế xã hội đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở thôn A Hưa và A Ka 1. Hoạt động tham quan du lịch của nhóm này có sự tương tác rất lớn với người dân địa phương và có được những sự trải nghiệm sâu sắc hơn về thiên nhiên, con người, lịch sử điểm đến. Khách thường độ tuối trẻ và trung niên đến từ các nước như Đức, Úc và Anh.
    – Khách du lịch quốc tế vãng lai: khách đi lẻ hoặc nhóm nhỏ đi xe đạp hoặc xe máy trên tuyến đường Hồ Chí Minh, thường nghỉ qua đêm ở thị trấn A Lưới.
    Có thể nói rằng, ngoài sản phẩm du lịch làng bản/cộng đồng, các sản phẩm tham quan du lịch khác chưa đem lợi ích kinh tế trực tiếp cho cộng đồng. Trong báo cáo này, chúng tôi tập trung phân tích lợi nhuận và chi phí sản phẩm tua du lịch làng bản/cộng đồng.
    Do tính không thường xuyên của khách du lịch đến với cộng đồng ở A Lưới. Chi phí và lợi nhuận đươc tính dựa trên trung bình của số liệu thu thập được từ phỏng vấn cộng đồng (A Ka 1 và A Hưa), và các doanh nghiệp lữ hành ở Huế. Phân tích sau đây được tính trung bình cho đoàn khách 10 người, đến cộng đồng (A Ka 1) vào 15h chiều ngày hôm trước, và đi vào sáng hôm sau. Các dịch vụ sử dụng tại cộng đồng bao gồm: ăn tối, xem biểu diễn văn nghệ, ngủ lại qua đêm (tại nhà cộng đồng), đi tham quan làng bản và rừng nguyên sinh.

    Bảng số 5: Chi phí và doanh thu cộng đồng
    Đơn vị: Kích cỡ đoàn khách 10 người; đơn vị tiền tệ: ngàn đồng

    Các dịch vụ tại cộng đồng Thu (cộng đông) Chi (cộng đồng) Lợi nhuân của cộng đồng
    ăn tối 1.200 900  
    xem biểu diễn văn nghệ 600 160  
    ngủ lại qua đêm (tại nhà cộng đồng) 700 0 (cộng đồng phục vụ)  
    Hướng dẫn viên cộng đồng (Già làng) 100 100 (công hướng dẫn: cá nhân)  
    Hướng dẫn đi tham quan làng bản/rừng nguyên sinh. 150 150(công hướng dẫn: cá nhân)  
    Tổng cộng 2.750 1.360 1.390

    Bảng 6: Phân tích chi phí và lợi nhuận
    Đơn vị: Kích cỡ đoàn khách 10 người; đơn vị tiền tệ: ngàn đồng

    Biểu đồ số 3: Tỷ lệ % chi và doanh thu

    Nguồn: Tổng hợp của tác giả và nhóm nghiên cứu của Dư án Phát triển các thành phố xanh loại 2, Khoản vay 3590 VIE, gói thầu HU-CS01-2019

    Phân tích chi phí lợi nhuận sản phẩm tham quan du lịch cộng đồng ở huyện A Lưới cho thấy rằng, mặc dù sản phẩm du lịch này thu hút sự chi tiêu của khách/công ty lữ hành vào các dịch vụ của cộng đồng. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế từ sản phẩm du lịch này vẫn còn rất khiêm tốn do các nguyên nhân sau:

    • Phần lớn giá cả các dịch vụ do doanh nghiệp lữ hành quyết định và đặt hàng, cộng đồng ít có tiếng nói trong việc quyết định giá cả. Ví dụ, chi phí bữa ăn tối 90.000đ/khách là rất thấp, trong khi giá thực phẩm ở A Lưới không hề rẻ hơn ở Huế và các món ăn do cộng đồng nấu như cơm lam, món nướng là khá công phu.
    • Các sản phẩm hiện tại như tham quan làng bản, trekking còn đơn giản nên chưa bán được giá cao hơn
    • Sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện tại khá nghèo nàn và thiếu giá trị sử dụng, thẩm mỹ nên chưa bán được cho khách
    • Chưa thu hút được chi tiêu của khách ngoài từ các hoạt động bổ sung, ví dụ bán thức ăn nhẹ, nước giải khát, hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như ngâm chân, massage chân
    • Số lượng khách du lịch đến A Lưới nói chung và tham gia vào du lịch cộng đồng nói riêng còn quá khiêm tốn.

    Tóm lại: Huyện A Lưới thuộc tỉnh Thừa thiên Huế, là địa bàn có tiềm năng tài nguyên du lịch hấp dẫn, đặc biệt là tài nguyên rừng, núi, di tích lịch sử, phong tục tập quán của cộng đồng dân tộc. Trong mấy năm qua, nhiều điểm du lịch đã thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, đặc biệt là khách du lịch quốc tế là cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, khách du lịch balo…Tuy còn nhiều khó khăn về điều kiện vật chất nhưng được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các công ty lữ hành và ủng hộ của chính quyền địa phương nên đã xây dựng và hình thành được nhiều sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên đặc trưng của khu vực. Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng để thức tỉnh được tiềm năng du lịch trên địa bàn còn nhiều việc cần phải làm từ nguồn kinh phí, đến nguồn nhân lực và đến chuyên gia chuyên nghiệp giúp địa phương và cộng đồng tạo dựng nên các mô hình du lịch, mô hình sản phẩm du lịch từ đó hình thành nên chuỗi sản phẩm đặc trưng với tên gọi gắn liền với cộng đồng dân tộc Paco-Vân Kiều

    Nguồn tài liệu:
    1- Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện A Lưới- Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2015)
    2- Báo cáo Kinh tế – Xã hội, năm 2018,2019; UBND huyện A Lưới
    3- Báo cáo kết quả điều tra và tính toàn của tác giá và cộng sự thuộc Dư án Phát triển các thành phố xanh loại 2, Khoản vay 3590 VIE, gói thầu HU-CS01-2019

    TS. Võ Quế – EAUT University

    Bài cùng chuyên mục