Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Những xu hướng lan tỏa và định hình sản phẩm du lịch trong thời gian tới

    Mở đầu
    Điểm đến mới, công nghệ mới, các hình thức vận chuyển hiện đại, sự phát triển của tầng lớp trung lưu trên thế giới… đã làm bùng nổ nhiều hình thức du lịch mới và có những tác động làm thay đổi du lịch truyền thống, thay đổi cách tạo dựng sản phẩm du lịch, khiến cho các quan niệm về phát triển sản phẩm du lịch phổ biến trước đây có vẻ như trở nên lỗi thời.
    Nếu như trước đây du khách đi du lịch với mục đích chính là tham quan, nghỉ dưỡng thông thường thì hiện nay là nhu cầu nghỉ dưỡng chất lượng cao, muốn tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa và cuộc sống bản địa, nhiều trải nghiệm du lịch du khách tham gia nhằm phát triển chính bản thân hay có thể nói là du lịch bước vào thế hệ thứ 3 trong tiến trình phát triển, thế hệ của “du lịch sáng tạo”. Trong thời đại du lịch sáng tạo, du khách giữ vai trò chính trong các “cuộc chơi” chứ không chỉ là những khán giả chỉ biết ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, của di tích văn hóa, lịch sử phát triển hay “tài năng” của người khác, mà khi tham gia một hành trình du lịch nào đó, du khách mong muốn khám phá những điều mới mẻ và tận hưởng nó. Khách du lịch hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Nếu như 10 năm trước khách du lịch phải mua hoặc in các bản đồ cho chuyến đi du lịch thì ngày nay mọi thứ đều có thể diễn ra với chiếc điện thoại di động hay chỉ một cái nhấp chuột máy tính. Nếu như trước đây du khách phải lên kế hoạch cho chuyến đi du lịch khoảng vài tháng trước chuyến đi thì giờ đây thời gian chuẩn bị cho chuyến đi đã rút ngắn rất nhiều và thậm chí xu hướng đặt dịch vụ du lịch ở những giờ phút chót đang khá phổ biến… Chính vì vậy, việc nắm bắt sớm các xu hướng phát triển luôn rất cần thiết, quyết định sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển cho các bên liên quan đến hoạt động du lịch.

    Các xu hướng phát triển du lịch
    Về xu hướng sản phẩm, Du lịch sinh thái tiếp tục là xu hướng phát triển mạnh vì những lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường của nó đồng thời nó phản ánh mối quan tâm của khách du lịch, của toàn cầu đến sự phát triển bền vững và trình độ văn hóa trong chuyến đi du lịch. Ví dụ cụ thể của xu hướng này là sự gia tăng của các tour du lịch xanh, của các tour du lịch tìm hiểu và chung tay bảo vệ thế giới tự nhiên, động vật hoang dã, sự gia tăng tình nguyện viên tham gia các chuyến đi du lịch kết hợp hoạt động bảo tồn, tham gia hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên môi trường tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên. Hay đơn giản hơn là việc lựa chọn các phương tiện ít thải cacbon ra môi trường thay thế cho các phương tiện thông thường (sự thay thế của xe điện, xe năng lượng mặt trời…). Các thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch thân thiện môi trường”, “du lịch không rác thải nhựa”… không còn xa lạ với du khách mà nó đang ngày càng gia tăng trong lựa chọn dịch vụ của du khách.
    Nếu như du lịch sinh thái, đa dạng sinh học được đề cập nhiều trong khoảng ba mươi năm gần đây thì khái niệm về du lịch địa chất và các thuật ngữ liên quan đến nó như di sản địa chất (geological heritage), di sản địa chất thế giới (world geological heritage), hay địa điểm lý thú về địa chất (geosite), công viên địa chất (geopark), đa dạng địa chất (geo–diversity), bảo tồn địa chất (geo–conservation) và tour du lịch địa chất (geotour) còn khá mới mẻ. Du lịch địa chất là một dạng thức, một cách tiếp cận du lịch mới theo định hướng phát triển du lịch bền vững. Du lịch địa chất là loại hình du lịch mang đến cho du khách hình ảnh, trải nghiệm du lịch thú vị, hiểu biết thêm kiến thức về lịch sử, cơ chế hình thành của các thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên từ các quá trình thành tạo địa chất nội sinh và ngoại sinh, từ đó ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường trái đất. Công viên địa chất là một sự đổi mới để bảo vệ thiên nhiên và các di sản địa chất, đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch địa chất. Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO (GGN) đã chính thức thành lập năm 2005. Tính đến 2018 đã có 147 công viên địa chất thuộc 41 quốc gia là thành viên của mạng lưới, dự kiến trong tương lai sẽ có khoảng 500 khu vực trên thế giới mang danh hiệu công viên địa chất toàn cầu.

    “Du lịch thông minh” (Smart tourism) ngày càng phát triển nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ. Du lịch thông minh là hoạt động du lịch được dựa trên nền tảng của công nghệ và truyền thông. Khác với những tour du lịch truyền thống, du lịch thông minh giúp cho sự kết nối và tương tác chặt chẽ giữa khách du lịch và các nhà quản lý, kinh doanh. Du lịch thông minh chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng lại đảm bảo mức chi phí thấp, an toàn và thuận tiện nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… và sử dụng các thiết bị hiện đại, thông tin, dữ liệu toàn cầu. Nhiều dịch vụ du lịch đã được ứng dụng công nghệ để phục vụ du khách từ việc đặt phòng khách sạn, nhà hàng, cấp visa du lịch, mua vé máy bay đến quảng bá hình ảnh điểm đến, hướng dẫn du lịch, tìm kiếm thông tin liên quan đến chuyến đi, tương tác, phản hồi thông tin…
    Bên cạnh các sản phẩm cụ thể của du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch đô thị, xu hướng phát triển nhiều sản phẩm mới như du lịch tình nguyện, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực… đang thu hút sự quan tâm, tạo quyết định du lịch của nhiều du khách.
    Du lịch tình nguyện là những chuyến đi du lịch có sự kết hợp mục đích nghỉ ngơi, tham quan, tìm hiểu văn hóa với các hoạt động từ thiện, tình nguyện như bảo vệ môi trường, phòng chống và khắc phục sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu, đóng góp vật chất hoặc công sức trong phát triển các công trình xã hội, trường học… tại điểm đến. Du lịch tình nguyện giúp cho du khách tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị văn hóa tốt nhất, tích lũy thêm kinh nghiệm sống và phát triển sự nghiệp đồng thời giúp du khách khám phá những tiềm năng của chính bản thân mình. Du lịch tình nguyện đang phát triển một cách nhanh chóng và đã trở thành một trong những xu hướng hàng đầu thu hút hàng triệu du khách là tình nguyện viên du lịch. Theo một điều tra của Marriot International và ngân hàng Chase, trong số 1000 du khách có độ tuổi từ 18- 67 tham gia cuộc điều tra, có 84% du khách từ 18 – 34 tuổi sẵn sàng đi du lịch nước ngoài để tham gia vào các hoạt động tình nguyện, con số này ở lứa tuổi từ 35 – 49 là 68% và ở lứa tuổi 50 – 67 là khoảng 51%. Tỷ lệ khách du lịch nữ ưa thích hoạt động tình nguyện chiếm tỷ lệ cao hơn so sánh với du khách là nam giới.


    Du lịch ẩm thực hiện đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Thưởng thức ẩm thực là sở thích của hàng triệu người, nó ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chuyến du lịch của du khách và đã trở thành một trong những lý do chính khi lựa chọn điểm đến của khách du lịch. Văn hóa ẩm thực ở mỗi vùng miền, mỗi quốc gia, mỗi điểm đến đều có sự khác biệt, thể hiện bản sắc của điểm đến và nó trở thành yếu tố tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch.
    Du lịch ẩm thực là loại hình du lịch văn hóa mà qua đó du khách không chỉ được trải nghiệm các món ăn, đồ uống mà là cả các trải nghiệm bản sắc văn hóa, cuộc sống của cộng đồng tại điểm đến qua câu chuyện của từng món ăn, đồ uống đó. Với việc trải nghiệm các món ăn, đồ uống, lễ hội ẩm thực, lớp học nấu ăn hoặc bữa ăn theo mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”…, du khách được hòa mình và cảm nhận giá trị truyền thống địa phương một cách chân thực nhất. Du lịch ẩm thực mở ra những cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế địa phương, của điểm đến, của quốc gia và đóng góp đáng kể vào chuỗi giá trị du lịch như nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, thúc đẩy quảng bá văn hóa, giữ gìn di sản văn hóa và tăng cường giao lưu văn hóa.
    Về xu hướng thị trường có thể thấy, trong những năm gần đây hình thức đi du lịch cả gia đình hay đi cặp vợ chồng rất thịnh hành, xu hướng này tiếp tục lan tỏa trong những năm tới và cùng với nó là xu hướng đi du lịch một mình nổi lên. Ngày càng có nhiều du khách lựa chọn các chuyến đi du lịch một mình với lý do, mục đích đa dạng. Một số người thích đi du lịch một mình vì không muốn có sự phân tâm bởi người đồng hành. Một số khác thì muốn tham gia hoạt động xã hội hay tìm kiếm đối tác. Có những du khách lớn tuổi thích đi du lịch một mình, nghỉ dài ngày trong các khách sạn hay trên các con tàu như một trải nghiệm sang trọng hơn các dịch vụ sức khỏe cho người cao tuổi thông thường. Trong phân khúc này có sự tăng đáng kể của du khách nữ do tính chất chủ động hơn về chuyến đi du lịch. Nhìn chung xu hướng này đang ngày càng tăng trưởng và phát triển.
    Sự tiếp tục gia tăng của thị trường du khách thế hệ Y và thế hệ Z (thế hệ 9X, 10X) với sự sẵn lòng chi trả cao cho chuyến đi, thích trải nghiệm “du lịch xanh”, “du lịch cộng đồng”, trải nghiệm văn hóa bản địa và ứng dụng công nghệ trong đặt dịch vụ cho chuyến đi. Đây cũng là thị trường có thị phần cao cả ở du lịch ra nước ngoài (outbound) cũng như du lịch nội địa và xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh. Thị trường khách “Du lịch Bạc” (thị trường khách cao tuổi) vẫn là thị trường có dư địa phát triển, khả năng du lịch nhiều lần trong năm và đặc biệt là sự thu hút vào các mùa thấp điểm du lịch.
    Tại Việt Nam, Thị trường khách du lịch nội địa ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch. Thu nhập và mức sống ngày càng được cải thiện, gia tăng, sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu là động lực lớn thúc đẩy tiêu dùng du lịch.
    Lời kết
    Du lịch Việt nam đang đứng trước một thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến cao, năm 2018, theo báo cáo của UNWTO, Việt Nam xếp thứ 3 trong 10 quốc gia có lượng khách quốc gia tăng trưởng mạnh nhất. Nhiều cơ hội lớn đang xuất hiện và du lịch Việt Nam có khả năng đáp ứng nhu cầu, xu hướng du lịch của thị trường. Song để phát triển bền vững và cạnh tranh hiệu quả còn tùy thuộc vào sự năng động, năng lực của các doanh nghiệp du lịch trong cung ứng các sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp; phụ thuộc vào các định hướng, quyết sách có tầm nhìn và hiệu quả của các nhà quản lý và sự tham gia hoạt động du lịch một cách có trách nhiệm của tất cả các bên liên quan./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. UNWTO, Tourism Highlights 2018, Edition
    2. UNESCO, Towards Sustainable Strategies for Creative Tourism, Report of the Planning Meeting for 2008 International Conference on Creative Tourism 2006.
    3. Ross K. Dowling (02/2013), Global Geotourism – an Emerging form of Sustainable tourism, Czech journal of tourism
    4. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, Bài giảng lớp phổ biến, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho lực lượng lao động ngành du lịch, 2019.
    5. Tổng cục Du lịch, Trung tâm thông tin du lịch, Kinh nghiệm phát triển du lịch ẩm thực trên thế giới, Nhà xuất bản Thông tấn, 2018.
    6. http://www.businesswire.com/news

    TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch


    Bài cùng chuyên mục