Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Những đột phá chiến lược tăng tính cạnh tranh cho du lịch Quảng Ngãi trong bối cảnh mới

    1. Bối cảnh mới

    Thế giới trong vòng 10 năm qua đã chứng kiến sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của kinh tế và du lịch kể từ sau khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thế giới cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn những nguy cơ đe doạ sự phát triển ổn định cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường.

    Bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước hiện đang diễn biến khá phức tạp, khó dự báo trong vòng 10 năm tới. Xung đột chính trị, tranh chấp chủ quyền, chiến tranh cục bộ, khủng bố quốc tế, thiên tai, dịch bệnh hoành hành đã tác động tiêu cực đối với kinh tế – xã hội toàn cầu, trong đó có du lịch. Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, khó kiểm soát, khó khống chế, hầu hết các quốc gia phải thực thi chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới, hạn chế hàng không và di chuyển quốc tế, đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, nơi tập trung đông người. Kinh tế toàn cầu tê liệt trong 2 năm 2020 và 2021, trong đó, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù thế giới đã sản xuất được vắc-xin phòng dịch, thuốc điều trị nhưng vi-rút Corona đang xuất hiện nhiều biến thể mới khiến tình hình trở nên phức tạp. Đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục kéo dài, chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí, khi đại dịch được khống chế hoàn toàn, nó vẫn để lại dư âm ảnh hưởng trong nhiều năm tiếp theo.

    Tác động của đại dịch COVID-19 cùng những vấn đề toàn cầu khác đã làm thay đổi xu hướng kinh doanh và tiêu dùng du lịch. Các loại hình du lịch có lợi cho sức khỏe như du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch gắn với thiên nhiên cùng với các loại hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng được khách du lịch quan tâm, lựa chọn. Định hướng chiến lược trong phát triển ngành du lịch cũng như phát triển du lịch ở mỗi địa phương cũng thay đổi theo hướng bền vững hơn, nâng cao sức cạnh tranh, chống chịu, sự thích ứng với những tác động bên ngoài.

    Trước bối cảnh, tình hình mới đặt ra, du lịch tỉnh Quảng Ngãi cũng cần chủ động thay đổi để thích ứng tích cực. Xác định những đột phá chiến lược nhằm tăng tính cạnh tranh cho du lịch Quảng Ngãi trong bối cảnh mới là vô cùng cần thiết.

    1. Khái quát chung về du lịch Quảng Ngãi

    Quảng Ngãi là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, giao thương thuận lợi cho phát triển kinh tế và du lịch. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và trong khu vực có du lịch phát triển năng động nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, với các trung tâm du lịch lớn của cả nước như Đà Nẵng, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa),… Quảng Ngãi có hệ thống giao thông kết nối khá đầy đủ, có quốc lộ (1A, 24, 24B, 24C), cao tốc (CT.01 nối Đà Nẵng – Quảng Ngãi), đường sắt (đường sắt Bắc – Nam), đường thuỷ nội địa và đường biển, với các cảng biển lớn (Dung Quất, Sa Kỳ), đường hàng không (liền sát sân bay Chu Lai- Quảng Ngãi).

    Quảng Ngãi sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hoá, như: tài nguyên du lịch biển, đảo (biển Mỹ Khê – Sa Huỳnh, đảo Lý Sơn); tài nguyên du lịch núi – rừng – hang động – thác nước (núi Ấn, núi Thạch Bích, thác trắng Minh Long, thác Lụa); tài nguyên du lịch sông – suối – hồ (sông Trà Khúc, hồ Thạch Nham, suối khoáng nóng Nghĩa Thuận); tài nguyên du lịch văn hoá – lịch sử (di tích lịch sử văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, di tích thành lũy, di tích lịch sử cách mạng như Ba Tơ, Vạn Tường, Sơn Mỹ); tài nguyên du lịch cộng đồng và du lịch gắn với làng nghề truyền thống (Làng dệt thổ cẩm của người H’rê – H. Ba Tơ, Làng gốm Mỹ Thiện – H. Bình Sơn, nghề rèn ở H. Mộ Đức, nghề chế tác đá ở huyện Sơn Tịnh);…

    Quảng Ngãi sở hữu nhiều giá trị tài nguyên cho phát triển du lịch

    Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng, đặc sắc, Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. Thời gian qua, du lịch cũng đã khẳng định được vai trò và có những đóng góp nhất định đối với kinh tế – xã hội của tỉnh: Năm 2015, Quảng Ngãi mới chỉ đón được khoảng 650.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 38.000 lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 560 tỷ đồng. Năm 2019, khách du lịch đến Quảng Ngãi đã tăng đáng kể, đạt khoảng 1.140.000 lượt (gấp 1,7 lần so với năm 2015), trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 99.000 lượt; tổng thu từ khách du lịch tăng lên 1.100 tỷ đồng (gấp đôi năm 2015). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2019 đạt 27%/năm đối với khách quốc tế, 14,2%/năm đối với khách nội địa và 18,4% đối với tổng thu từ khách du lịch. Du lịch tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương. Năm 2019, ngành du lịch đã tạo việc làm cho hơn 12.400 lao động (tăng 3.100 lao động so với năm 2015), trong đó, có gần 4.000 lao động trực tiếp (tăng 1.100 lao động so với năm 2015).

    Mặc dù các chỉ tiêu du lịch đều tăng hằng năm nhưng đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh lại khá hạn chế (chỉ khoảng 1,4 – 1,5% năm 2019). So sánh với hai địa phương lân cận là Quảng Nam và Bình Định, du lịch Quảng Ngãi còn cách khoảng cách khá xa cả về thu hút khách, tổng thu từ khách du lịch và đóng góp của du lịch vào GRDP. Cụ thể, năm 2019: Quảng Nam đón 7.668.000 lượt khách (khách quốc tế đạt hơn 4.579.000 lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 14.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 7,1% vào GRDP; Bình Định đón 4.800.000 lượt khách (khách quốc tế đạt 500.000 lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 6.000 tỷ đồng, đóng góp 7,2% vào GRDP (Hình 1 và Hình 2).

    Hình 1: So sánh tổng lượng khách du lịch đến ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định năm 2019

    Nguồn: Phân tích từ số liệu thống kê của các Sở Du lịch/VHTT&DL

    Hình 2: So sánh tổng thu từ khách du lịch của ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định năm 2019

                Nguồn: Phân tích từ số liệu thống kê của các Sở Du lịch/VHTT&DL

    Có thể nói, Quảng Ngãi chứa đựng và hội tụ đủ điều kiện để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế thế mạnh. Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch Quảng Ngãi thời gian qua còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Du lịch Quảng Ngãi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; phát triển du lịch thiếu cân đối và chưa thực sự bền vững; các giá trị tài nguyên du lịch chưa được khai thác hiệu quả; hệ thống sản phẩm du lịch còn nghèo, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, Quảng Ngãi mới chỉ tập trung vào đầu tư phát triển du lịch tại một số khu, điểm như Lý Sơn, khu chứng tích Sơn Mỹ, khu du lịch Sa Huỳnh,… còn rất nhiều giá trị tài nguyên đặc sắc chưa được khai thác hoặc khai thác thiếu hiệu quả, chưa làm nổi bật được giá trị thương hiệu riêng có của Quảng Ngãi và chưa có sức cạnh tranh cao.

    1. Những đột phá chiến lược tăng tính cạnh tranh cho du lịch Quảng Ngãi trong bối cảnh mới

    Để thúc đẩy phát triển du lịch, tăng tính cạnh tranh cho du lịch Quảng Ngãi trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện 04 đột phá chiến lược quan trọng (4P), gồm: đột phá chính sách (Policy), đột phá sản phẩm (Product), đột phá truyền thông quảng bá và thị trường (Promotion), đột phá con người (People):

    1. a) Đột phá chính sách

    – Thứ nhất: Quảng Ngãi cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo đảng và chính quyền các cấp về phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững dưới các góc độ:

    + Du lịch sẽ góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng khối ngành dịch vụ (mà du lịch đóng vai trò chủ chốt); giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế đối với các ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên tự nhiên và nhiên liệu hóa thạch (như khai thác khoáng sản, lọc hóa dầu); qua đó, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, tăng sức chống chịu với biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác.

    + Du lịch góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong hiện tại, tạo việc làm bền vững trong tương lai. Từ du lịch và thông qua du lịch, thu nhập của người dân địa phương được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện, các chính sách xã hội được thực thi, người dân được thụ hưởng các giá trị từ du lịch.

    – Thứ hai: Khi nhận thức, tư duy về vai trò, tầm quan trọng của ngành du lịch đã được thay đổi, Quảng Ngãi cần có những đột phá quan trọng về thể chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý, mở đường cho du lịch phát triển. Theo đó:

    + Quảng Ngãi cần xây dựng chiến lược/kế hoạch/đề án phát triển du lịch trong ngắn hạn (đến năm 2025), trung hạn (đến năm 2030) và dài hạn (đến năm 2045, 2050) để tạo “kim chỉ nam”, xác định những mục tiêu chiến lược, những nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp đột phá cho phát triển du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bài bản, vừa phù hợp với xu hướng phát triển mới vừa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn và nguồn lực hiện có của địa phương.

    + Quảng Ngãi cần có đột phá chính sách về đầu tư, “cởi trói các nút thắt” để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, kêu gọi đầu tư từ mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế cho phát triển du lịch. Ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp hàng đầu của Quảng Ngãi đầu tư phát triển du lịch tại địa phương; phát huy nguồn lực xã hội của tỉnh, thúc đẩy đầu tư tư nhân, hợp tác xã, hộ gia đình, cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch.

    + Thực thi chính sách tài khóa – tiền tệ theo hướng: (1) tăng cường đầu tư công, ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa các trung tâm thành thị, sân bay, nhà ga, bến xe, cảng biển đến các khu, điểm du lịch để tạo thuận lợi di chuyển cho khách du lịch; (2) áp dụng các hình thức ưu đãi thuế (miễn, giảm thuế) cho các nhà đầu tư khi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch trọng yếu; (3) hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình, cộng đồng địa phương tiếp cận các gói vay vốn ngân hàng với ưu đãi về lãi suất, kỳ hạn trả,… để đảm bảo những đối tượng này có thể dễ dàng tham gia làm du lịch.

    1. b) Đột phá sản phẩm

    Sản phẩm du lịch là nhân tố quan trọng, quyết định đến việc nâng cao sức cạnh tranh du lịch của tỉnh Quảng Ngãi, vì thế, cần tập trung cho đột phá chiến lược này theo hai hướng sau:

    – Thứ nhất: Tăng cường khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo dựa trên thế mạnh nổi trội về tài nguyên của tỉnh. Các sản phẩm du lịch chủ đạo của Quảng Ngãi được xác định là:

    + Du lịch biển, đảo: tập trung khai thác, phát triển du lịch tại đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, biển Sa Huỳnh và một số bãi biển được xác định có tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển một số khu nghỉ dưỡng biển cao cấp đạt chuẩn 4 – 5 sao để đáp ứng nhu cầu của phân khúc thị trường khách quốc tế, khách thượng lưu có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Đây cũng là định hướng quan trọng để nâng tầm thương hiệu du lịch Quảng Ngãi với những sản phẩm đẳng cấp, chất lượng, có sức cạnh tranh cao.

    Đảo Lý Sơn – điểm đến thu hút khách du lịch của Quảng Ngãi

    + Du lịch sinh thái: khai thác, phát triển du lịch sinh thái tại một số địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc như: Minh Long (gắn với Thác Trắng), Bình Sơn (gắn với rừng ngập mặn Bàu Cá Cái), Sơn Tịnh (gắn với núi Ấn, sông Trà), Trà Bồng (gắn với núi Thạch Bích, núi Cà Đam, thác Cà Đú), Ba Tơ (gắn với hồ Núi Ngang)… Cần lưu ý phát triển du lịch sinh thái theo đúng nghĩa của nó – tôn trọng tính nguyên bản của tài nguyên tự nhiên, không phá rừng xẻ núi, phá vỡ cảnh quan, không đánh đổi tài nguyên tự nhiên cho phát triển du lịch bằng mọi giá. Ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch sinh thái gắn với tham quan thắng cảnh, khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, du lịch sinh thái gắn với giáo dục môi trường,…

    + Du lịch văn hóa: Khai thác có hiệu quả các giá trị di tích, di sản văn hóa đặc trưng, nổi trội để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa như: tham quan các di tích cổ gắn với Trường Lũy Quảng Ngãi và di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh; thăm lại chiến trường xưa, tham quan và nghe những câu chuyện kể về lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc trên đất Quảng gắn với di tích chiến thắng Vạn Tường, khu di tích khởi nghĩa Ba Tơ, khu chứng tích Sơn Mỹ, địa điểm hi sinh của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm,…; trải nghiệm du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa của cộng đồng bản địa và các làng nghề truyền thống như Làng dệt thổ cẩm của người H’rê – H. Ba Tơ, Làng gốm Mỹ Thiện – H. Bình Sơn, các làng nghề rèn ở H. Mộ Đức, các làng nghề chế tác đá ở huyện Sơn Tịnh,…

    – Thứ hai: Mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch mới, tạo điểm nhấn đột phá cho Quảng Ngãi. Một số sản phẩm mới có thể nghiên cứu, khai thác như:

    + Du lịch công nghiệp: phát huy lợi thế một số khu công nghiệp nổi tiếng của Quảng Ngãi như Khu khinh tế mở Dung Quất (Bình Sơn), một số công trình công nghiệp như thủy điện Đăk Đrinh (Sơn Tây) và một số làng nghề để phát triển loại hình du lịch công nghiệp, tham quan, tìm hiểu các di sản công nghiệp, khám phá quy trình sản xuất, trải nghiệm sản xuất, tham quan các khu trưng bày sản phẩm công nghiệp,…

    + Du lịch xanh: Nghiên cứu môt số sản phẩm du lịch xanh gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường tại những địa phương có những giá trị tài nguyên tự nhiên còn nguyên bản; phát triển một số sản phẩm du lịch xanh gắn với nông nghiệp, nông thôn.

    Hồ Núi Ngang (huyện Ba Tơ) – tiềm năng phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch xanh

    + Du lịch về đêm: Nghiên cứu, phát triển một số tuyến phố đi bộ để phát triển sản phẩm du lịch về đêm ở một số trung tâm thành phố, thị xã và khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch như thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn.

    Trong quá trình đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch trên cần đặ biệt coi trọng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, hạn chế tối đa việc phá vỡ tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; chú trọng kiểm soát sức chứa tại các khu du lịch, điểm du lịch, tránh phát triển du lịch đại trà tại đảo Lý Sơn.

    1. c) Đột phá truyền thông quảng bá, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường

    Truyền thông quảng bá, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường là khâu quan trọng để lan tỏa hình ảnh mảnh đất, con người, du lịch Quảng Ngãi đến đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, qua đó khẳng định vị thế cạnh tranh của du lịch Quảng Ngãi trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Để thực hiện điều này, cần tập trung một số giải pháp sau:

    – Thứ nhất: Tiến hành nghiên cứu, phân tích thị trường bài bản, cả thị trường khách quốc tế và thị trường khách nội địa; xây dựng kế hoạch marketing để thực hiện truyền thông quảng bá du lịch Quảng Ngãi phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của từng thị trường và từng phân khúc thị trường cụ thể.

    – Thứ hai: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch Quảng Ngãi để đảm bảo nguồn dữ liệu đầy đủ phục vụ công tác truyền thông quảng bá.

    – Thứ ba: triển khai đồng bộ các phương pháp truyền thông quảng bá, cả phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại, cụ thể:

    + Tích cực thực hiện các phương pháp truyền thông quảng bá truyền thống như: tổ chức, tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch trong tỉnh, trong vùng, trong nước và quốc tế; truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình tỉnh và trung ương); truyền thông qua tờ rơi, tờ gấp; qua tổ chức các hội nghị, hội thảo về du lịch;…

    + Áp dụng các phương pháp truyền thông quảng bá hiện đại như: quảng bá trên các hệ thống mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức du lịch của tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phòng Văn hóa – Thông tin) các huyện, các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng kinh doanh du lịch); quảng bá trên các website, trang thông tin, cổng thông tin điện tử, báo điện tử của tỉnh và liên kết với website, cổng thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ; xây dựng các kênh YouTube và clip quảng bá du lịch Quảng Ngãi đăng tải trên YouTube.

    – Tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch Quảng Ngãi để tạo dựng hình ảnh và khẳng định thương hiệu của du lịch Quảng Ngãi tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng ở trong nước và quốc tế.

    – Đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt với Quảng Nam, Bình Định trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch vùng, qua đó xúc tiến quảng bá hình ảnh về điểm đến và sản phẩm du lịch Quảng Ngãi.

    – Tích cực nắm bắt thông tin, phản hồi của khách du lịch thông qua các kênh truyền thông, đặc biệt trên mạng xã hội để kịp thời phát hiện nhưng thông tin phản ánh về du lịch Quảng Ngãi, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh.

    – Tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc tạo lập môi trường du lịch văn minh, thân thiện, hiếu khách. Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử du lịch tỉnh Quảng Ngãi (nếu cần).

    1. d) Đột phá phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp

    Để xây dựng, phát triển du lịch Quảng Ngãi đủ sức cạnh tranh, vươn tầm trong khu vực (vùng duyên hải Nam Trung Bộ) và trong cả nước cũng cần phải có nguồn lực con người xứng tầm. Nguồn lực con người ở đây được xác định bao gồm nguồn nhân lực ngành du lịch (cán bộ quản lý và người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp du lịch) và con người với tư cách là cộng đồng dân cư địa phương sinh sống tại các khu, điểm du lịch và tham gia vào các hoạt động du lịch.

    – Đối với cán bộ quản lý du lịch: đảm bảo đủ về lượng, đạt về chất, có nghiệp vụ chuyên môn du lịch, được đào tạo bài bản về du lịch. Quảng Ngãi cần có cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người tài, người có năng lực, tâm huyết với ngành; có cơ chế hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cán bộ tại Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện; chú trọng bồi dưỡng những kiến thức mới liên quan đến du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững và những kỹ năng ngoại ngữ, tin học cần thiết để đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của các mạng công nghiệp 4.0.

    – Đối với lực lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch: có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch phát triển nguồn nhân lực; phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các cơ sở đào tạo du lịch trong nước tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho người lao động.

    – Đối với cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng tham gia làm du lịch: có cơ chế hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn người dân làm du lịch; kết nối với các địa phương trong cả nước có mô hình du lịch cộng đồng thành công, tổ chức đoàn cho người dân đi tham quan, học hỏi những mô hình đó./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    • Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (2020), Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
    • Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2020), Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 27/11/2020 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
    • Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2021), Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 Nghị quyết của Hội nghị tỉnh ủy lần thứ V khóa XX về đẩy mạnh phát triển dịch vụ, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
    • Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
    • UBND tỉnh Quảng Ngãi (2014), Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 21/01/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
    • UBND tỉnh Quảng Ngãi (2021), Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 10/3/2022 về việc phê duyệt đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
    • Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2021), Đề án Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

    ThS. Trần Thị Hồng Trang, TS. Lê Quang Đăng

    Phòng Nghiên cứu Chính sách, QH&MT Du lịch

    Bài cùng chuyên mục