Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Nhu cầu của khách du lịch nội địa – sự thay đổi và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển du lịch trong thời kỳ mới

    MỞ ĐẦU

    Đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã gây ra rất nhiều tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Có thể thấy, trong giai đoạn năm 2016-2019, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng chú ý trong số lượt khách du lịch nội địa với lượng khách đạt đỉnh năm 2019 (85 triệu). Mặc dù lượt khách năm 2020 và 2021 giảm xuống chỉ còn khoảng 56 và 40 triệu, sang năm 2022, du lịch Việt Nam đang phục hồi đáng kể do dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt hơn. Cụ thể, riêng 6 tháng đầu năm 2022, lượt khách du lịch nội địa đã đạt 60.8 triệu, cao hơn tổng 12 tháng của 2 năm 2020, 2021 và gần bằng tổng năm 2019. Tương tự với số liệu thống kê, nghiên cứu của Visa (công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới) về Tiếng nói của người tiêu dùng cũng cho thấy người Việt có xu hướng quan tâm và tập trung vào thị trường du lịch nội địa với 76% người được khảo sát đã và đang lên kế hoạch du lịch trong nước, gấp đôi tỉ lệ 38% số người lập kế hoạch du lịch nước ngoài (Visa, 2022).

    1. CÁC YẾU TỐ DẪN ĐẾN NHU CẦU DU LỊCH NỘI ĐỊA TĂNG CAO

    Trước tiên, do các thị trường khách quốc tế lớn của Việt Nam gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và Nga hiện nay vẫn đang duy trì các biện pháp chống dịch ở các mức độ khác nhau hoặc đang chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine nên dù đã mở cửa biên giới, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa nhiều. Vì vậy, các bên cung cấp dịch vụ du lịch vẫn tập trung khai thác khách du lịch nội địa với hàng loạt các chương trình khuyến mãi và tour ưu đãi, phù hợp với khả năng kinh tế của các hộ gia đình Việt.

    Ngoài ra, dịch bệnh cùng các hạn chế và yêu cầu giãn cách nghiêm ngặt của chính phủ cũng khiến nhu cầu du lịch của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, việc làm và thu nhập của họ lại bị ảnh hưởng đáng kể dưới tác động của dịch, dẫn đến tình trạng cắt giảm mạnh chi tiêu, đặc biệt cho các hoạt động giải trí và du lịch, để ưu tiên các nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và đồ vệ sinh cá nhân. Vì thế, khi hoạt động du lịch được khởi động lại, các chuyến đi trong nước với mức giá phải chăng là sự lựa chọn hợp lý hơn so với các chuyến du lịch quốc tế đắt đỏ.

    1. SỰ THAY ĐỔI TRONG NHU CẦU CỦA KHÁCH DU LỊCH NỘI ĐỊA

    Do tình hình kinh tế bị ảnh hưởng, khách du lịch nội địa có xu hướng đi các chuyến du lịch ngắn ngày hơn (2-3 ngày) cùng gia đình hoặc theo các nhóm nhỏ để cân bằng chi tiêu và đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chuyến đi (Thanh Huyền, 2022; Công Nghệ Việt, 2022). Ngoài ra, theo khảo sát “Tương lai của du lịch” thực hiện bởi Booking.com, du khách Việt đang dần tránh đi du lịch vào mùa cao điểm và cố gắng sắp xếp kỳ nghỉ linh hoạt hơn để tránh cảnh đông đúc (Lê Anh, 2022). Cụ thể, họ lựa chọn các điểm đến đa dạng khác nhau thay vì tập trung vào những nơi đông đúc, thay đổi thời gian chuyến đi sớm hoặc muộn hơn thời gian nghỉ lễ hoặc hoặc dàn đều kỳ nghỉ trong năm thay vì tập trung vào kỳ nghỉ lễ (Lan Hương, 2022). Những xu hướng này không chỉ giúp du khách tránh khỏi tình trạng chen chúc mệt mỏi, thiếu thốn dịch vụ mà còn giảm bớt áp lực công việc cho các bên cung cấp dịch vụ du lịch như lưu trú, vui chơi, giải trí,… trong khi đảm bảo lượng khách du lịch vẫn tăng.

    Theo báo cáo “Mức độ sẵn sàng trở lại du lịch của du khách Việt” của Outbox (2022) và các khảo sát thực thiện bởi Klook; Hội đồng Tư vấn Du lịch TAB, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư Nhân và VnExpress; và Booking.com, khách du lịch thường lựa chọn các điểm đến tập trung ở hình thức du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng tại các resort để nghỉ ngơi, thư giãn, chăm sóc sức khỏe và phục hồi thể chất sau Covid-19 và khám phá những điểm đến mới độc đáo, ít được biết đến như Mèo Vạc (Hà Giang), Pù Luông (Thanh Hóa), Pleiku (Gia Lai), Cam Ranh (Khánh Hòa) và Tây Ninh thay vì những điểm đến phổ biến, đông đúc (Đình Lâm, 2022; Diệp Anh, 2022; Mai, 2022). Bên cạnh đó, du khách cũng hứng thú với việc khám phá cảnh quan, thiên nhiên, văn hóa địa phương và muốn có những trải nghiệm chân thật hơn là các dịch vụ tiện ích xa xỉ (Thanh Huyền, 2022; Công Nghệ Việt, 2022; Mai Mai, 2021). Nhìn chung, du khách ngày càng coi trọng và mong muốn chất lượng dịch vụ và trải nghiệm phải xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Mặt khác, với khách địa phương, họ thường ưa chuộng hình thức “Du lịch tại chỗ” (Staycation), lựa chọn những địa điểm thiên nhiên phù hợp để tổ chức cắm trại cùng gia đình, người thân trong khi vẫn có thể tiết kiệm thời gian và chi tiêu (Đình Lâm, 2022).

    Một số đơn vị lữ hành cũng cho biết các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch xanh, du lịch thân thiện môi trường, du lịch không rác thải nhựa và du lịch có trách nhiệm cũng đang dẫn đầu xu hướng và có chiều hướng gia tăng trong việc lựa chọn dịch vụ của khách du lịch (Lê Anh, 2022). Theo khảo sát “Tương lai của du lịch” do Booking.com thực hiện, du khách bắt đầu tìm kiếm cách đi du lịch bền vững hơn để giảm tác động đến môi trường và cộng đồng địa phương như tái chế nhựa, giảm lượng rác thải và mức tiêu thụ năng lượng trong chuyến đi hay sử dụng các loại hình giao thông thân thiện với môi trường và hy vọng ngành du lịch có thể cung cấp nhiều lựa chọn du lịch bền vững hơn (Lê Anh, 2022; Mai Mai, 2021).

    Ngoài ra, hai khảo sát thực hiện bởi Visa và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) và báo VNExpress cho biết an toàn dịch bệnh vẫn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu bởi du khách khi lựa chọn điểm đến và phương tiện di chuyển (Visa, 2022; Linh, 2022). Cụ thể, kế hoạch du lịch phụ thuộc mật thiết vào tình hình dịch bệnh với ba yếu tố: tình hình COVID-19 tại điểm đến, trạng thái tiêm vắc-xin đầy đủ và số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu giảm. Trong bối cảnh này, hình thức “du lịch không chạm” ngày càng trở nên phổ biến và nó gắn với quá trình công nghệ hóa trải nghiệm của du khách như lấy vé, check-in tự động, ký gửi hành lý, khai báo hải quan trực tuyến tại các ki-ốt điện tử ở sân bay hay thanh toán điện tử, check-in, check-out, khởi động các thiết bị lưu trú thông qua công nghệ tự động và tính năng nhận diện khuôn mặt tại các nhà hàng, khách sạn (Việt Anh, n.d.). Việc đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch không chỉ tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa trải nghiệm và đảm bảo sự an toàn của du khách mà còn nâng cao hiệu suất làm việc của nhân lực ngành và quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả hơn (Đình Lâm, 2022).

    1. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG THỜI KỲ MỚI

    Đại diện từ Vietnam Airlines cho biết: “Hiện nay du lịch Việt Nam vẫn theo xu hướng truyền thống. Cứ đi biển là nghĩ đến Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang; tour Tây Bắc thì Sapa, Hà Giang… trong khi còn nhiều điểm khác hấp dẫn. Nếu không khai thác tốt các điểm khác thì du khách trong nước họ chỉ đi 1-2 lần 1 điểm” (Hồng Hà,  2020). Vì vậy, để mở rộng và thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận tải và lưu trú cần hiểu và nắm rõ các xu hướng mới và các thay đổi trong nhu cầu của du khách để thiết kế các gói tour trọn gói ngắn ngày, khai thác các điểm du lịch ít người biết đến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo với giá cả phù hợp (Đình Lâm, 2022; Xuân Nghi, 2022).

    Đặc biệt, trong các xu hướng nêu trên, việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng còn gặp một số khó khăn liên quan đến nhận thức và sự tham gia của cộng đồng địa phương. Cụ thể, cộng đồng phát triển du lịch một cách ồ ạt, theo phòng trào, thiếu định hướng và chọn lọc, tạo nên các sản phẩm du lịch thiếu sáng tạo, một màu, không thể hiện được đặc điểm, bản chất văn hóa riêng (Nhân Dân, 2022). Phần lớn chưa có chiến lược và chính sách quy hoạch, đầu tư và phát triển cụ thể, rõ ràng và công tác quản lý còn chồng chéo (Đỗ, 2019). Thực trạng này không chỉ khiến cho khách du lịch không ở lại lâu và không có nhu cầu quay lại trong tương lai mà còn gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và làm mất đi các giá trị văn hóa của địa phương.

    Về việc áp dụng công nghệ trong hoạt động du lịch, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành, hàng không, lưu trú đã và đang tích cực chuyển đổi số, tăng cường sử dụng công nghệ trong quá trình giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ du khách tìm hiểu thông tin, đặt mua và thanh toán trực tiếp thông qua website hoặc ứng dụng trực tuyến. Đặc biệt, chuỗi khách sạn “không điểm chạm” đầu tiên tại Việt Nam SOJO Hotels đã mở ra một hướng đi mới cho các cơ sở lưu trú khi tất cả các thao tác như check-in, check-out, mở/đóng cửa, điều khiển đèn, điều hòa, TV,… đều được thực hiện trên điện thoại di động. Co thể thấy, chuyến đổi số là tương lai của ngành du lịch. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ mà việc tiến hành chuyển đổi số đòi hỏi chi phí đầu tư bước đầu khá lớn, bao gồm chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý và đào tạo nhân lực. Không chỉ vậy, quá trình chuyển đổi số trong du lịch cũng chưa thân thiện và gây trở ngại cho các đối tượng gặp hạn chế trong việc sử dụng các công nghệ như người cao tuổi hoặc người khuyết tật.

    Ngoài ra, ngành du lịch còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt trong các kỳ nghỉ lễ lớn do các chính sách cắt giảm nhận lực của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú trong thời kỳ Covid. Vì vậy, khi hoạt động du lịch được khôi phục sau dịch, cuộc cạnh tranh tuyển dụng nhân lực đang diễn ra rất khốc liệt do phần lớn nhân lực đã tìm được việc làm khác, không muốn quay lại làm hoặc do các đơn vị khác đề xuất mức thu nhập và đãi ngộ cao hơn (Thu Hằng, 2022). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, mỗi năm ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng chỉ có khoảng 15.000 sinh viên chuyên ngành ra trường; trong đó, chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (Xuân Nghi, 2022). Dưới tác động của Covid-19, lượng tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề du lịch cũng bị ảnh hưởng, giảm 32% so với thời điểm trước dịch (Thu Cúc, 2022).

    Không chỉ gặp khó khăn về số lượng, nhân lực ngành du lịch cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Cụ thể, nhiều lao động có trình độ chuyên môn không cao, không có thái độ chuyên nghiệp và mắc nhiều sai sót trong quá trình phục vụ khiến tỉ lệ khách phàn nàn cao. Nhiều hướng dẫn viên dù đã được đào tạo bài bản ở các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp vẫn phải tiếng hành đào tạo lại hoặc bổ sung thêm kĩ năng cho họ sau khi tuyển dụng (Xuân Nghi, 2022). Giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng có sự chênh lệch lớn về ý thức, thái độ làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, ngoài tăng cường tuyển dụng, các doanh nghiệp cũng cần đào tạo, nâng cao chát lượng nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới (VNAT, 2022).

    Nguyễn Thị Hồng Anh

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    CAND (2022, April 24). Vietjet tăng hơn 509.000 chỗ phục vụ hành khách đi lại dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Báo Công an nhân dân Online. https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vietjet-tang-hon-509-000-cho-phuc-vu-hanh-khach-di-lai-dip-nghi-le-30-4-va-1-5-i651373/

    Công Nghệ Việt (2022, June 15). Khảo sát của Klook cho thấy 7 trong 10 người sẽ chọn đi du lịch cùng nhóm bạn. Công Nghệ Việt. https://congngheviet.com/khao-sat-cua-klook-cho-thay-7-trong-10-nguoi-se-chon-di-du-lich-cung-nhom-ban/

    Deloitte (2021). Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam. Deloitte. https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/vn/Documents/consumer-business/vn-cb-consumer-survey-2021-vn-version.pdf

    Diệp Anh (2022, April 1). Định hướng mới, hành động mới cho du lịch Việt Nam. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/dinh-huong-moi-hanh-dong-moi-cho-du-lich-viet-nam-102220401175332437.htm

    Đình Lâm (2022, May 6). Thích ứng với xu thế du lịch mới. Báo Khánh Hòa điện tử. https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202205/thich-ung-voi-xu-the-du-lich-moi-8250760/

    Đỗ, T. T. H. (2019, March 11). Những vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch. itdr.org.vn/nhung-van-de-dat-ra-trong-phat-trien-du-lich-sinh-thai-o-viet-nam/

    Hồng Hà (2020, November 19). Cơ cấu lại thị trường Du lịch: Chú trọng khách nội địa, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. https://bvhttdl.gov.vn/co-cau-lai-thi-truong-du-lich-chu-trong-khach-noi-dia-nang-cao-chat-luong-dich-vu-20201119165654184.htm

    Lan Hương (2022, May 4). Xu hướng ‘né đông đúc’ trong kỳ nghỉ 30/4. VNExpress. https://vnexpress.net/xu-huong-ne-dong-duc-trong-ky-nghi-30-4-4458913.html

    Lê Anh (2022, June 20). Xu hướng du lịch và sự thay đổi hành vi của du khách hậu COVID-19. Báo Thanh Hóa. https://baothanhhoa.vn/du-lich/xu-huong-du-lich-va-su-thay-doi-hanh-vi-cua-du-khach-hau-covid-19/161586.htm

    Linh, T. (2022, February 11). An toàn dịch bệnh: Ưu tiên số một của du khách Việt Nam. Nhân Dân. https://nhandan.vn/dien-dan-dulich/an-toan-dich-benh-uu-tien-so-mot-cua-du-khach-viet-nam-681900/

    Mai, M. (2022, January 6). Xu hướng lựa chọn điểm đến của du khách Việt Nam năm 2022. Vietnam Plus. https://www.vietnamplus.vn/xu-huong-lua-chon-diem-den-cua-du-khach-viet-nam-nam-2022/766896.vnp

    Mai, M. (2021, June 16). Hậu COVID-19: Xu hướng ‘xê dịch’ của người Việt sẽ thay đổi thế nào?. Vietnam Plus. https://www.vietnamplus.vn/hau-covid19-xu-huong-xe-dich-cua-nguoi-viet-se-thay-doi-the-nao/720356.vnp

    Mai, M. (2020, December 18). Du lịch cộng đồng Việt Nam: Phát triển hướng nào trong bối cảnh mới?. Vietnam Plus. https://www.vietnamplus.vn/du-lich-cong-dong-viet-nam-phat-trien-huong-nao-trong-boi-canh-moi/682980.vnp

    Newway JSC (n.d.). SOJO HOTEL GA HANOI. Newway JSC. https://newwaypms.com/sojo-hotel-ga-hanoi-49.htm

    Nhân Dân (2022, April 27). Du lịch cộng đồng & sinh kế bền vững. Báo Nhân Dân. https://special.nhandan.vn/dulichcongdong/index.html

    Outbox (2022). Vietnamese travel behavior Tet 2022. Outbox Consulting. https://drive.google.com/file/d/1IrrWC6bGJtpvR043PALHUNhW1-k-JbQA/view

    Thanh Huyền (2022, January 11). Công bố nhu cầu và xu hướng du lịch 2022. VOV2. https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/cong-bo-nhu-cau-va-xu-huong-du-lich-2022-31965.vov2

    Thu Cúc (2022, 26 April). Giải bài toán thiếu hụt nhân lực du lịch. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/giai-bai-toan-thieu-hut-nhan-luc-du-lich-102220426150950135.htm

    Thu Hằng (2022, April 18). Nỗi lo thiếu hụt nhân lực ngành du lịch. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/noi-lo-thieu-hut-nhan-luc-nganh-du-lich-post1449623.html

    Việt Anh (n.d.). Xu hướng “du lịch không tiếp xúc” giữa đại dịch. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. https://hcmussh.edu.vn/news/item/13695

    Visa (2022, January 11). Phần lớn người Việt Nam lựa chọn du lịch nội địa trong năm 2022 – theo nghiên cứu của Visa. Visa. https://www.visa.com.vn/vi_VN/about-visa/newsroom/press-releases/nr-vn-220111.html

    VNAT (2020). Annual Report. Vietnam Administration of Tourism. https://images.vietnamtourism.gov.vn/vn/dmdocuments/2021/bao_cao_thuong_nien_2019_final.pdf

    VNAT (2022, April 1). 5 định hướng mới cho phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam. Vietnam Administration of Tourism. https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/40305

    Xuân Nghi (2022, March 25). Nhân lực ngành du lịch trong giai đoạn “bình thường mới”. VnEconomy. https://vneconomy.vn/nhan-luc-nganh-du-lich-trong-giai-doan-binh-thuong-moi.htm

    Bài cùng chuyên mục