Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Nghiên cứu các giải pháp ngành du lịch ứng phó với các tình huống khủng hoảng do dịch bệnh

    Hiện nay, bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đã làm thay đổi đáng kể mức tăng trưởng cả du lịch quốc tế đến và ra nước ngoài của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, sự suy giảm mạnh của thị trường khách du lịch Trung Quốc nói riêng và khách du lịch quốc tế nói chung đặt ra những yêu cầu cho ngành du lịch cần có giải pháp ứng phó kịp thời trong các tình huống khủng hoảng do dịch bệnh. Bài viết tổng hợp kinh nghiệm giải quyết những ảnh hưởng của dịch SARS 2003, qua đó, rút ra bài học và khuyến nghị đối với ngành du lịch trong các tình huống khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.
    Từ khóa: du lịch; ứng phó; dịch bệnh; khủng hoảng; COVID-19

    Bắc Kinh, Trung Quốc 25/1/2020 Nguồn Internet, Photo by Kevin Frayer/ Getty Images

    I. NGÀNH DU LỊCH ỨNG PHÓ VỚI CÁC TÌNH HUỐNG KHỦNG HOẢNG
    1.1. Du lịch quốc tế trước những biến động của dịch bệnh
    1.1.1. Tác động của dịch SARS 2003 đến ngành du lịch toàn cầu

    Ngành du lịch là một trong những ngành dễ bị ảnh hưởng nhất của dịch bệnh. Lấy ví dụ dịch viêm đường hô cấp cấp tính nặng do virus SARS (SARS-CoV), một chủng của virus corona gây ra hồi năm 2003 đã làm cả thế giới lo lắng vì sự nguy hiểm chưa từng gặp và lây truyền nhanh chóng. Ngày 15/3/2003, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo chưa từng có trước đây liên quan đến ngành du lịch như việc cần phải hoãn các chuyến đi không cần thiết đến khu vực bị ảnh hưởng bởi SARS nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan qua hoạt động du lịch quốc tế. Theo ghi nhận của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), dịch SARS đã làm ảnh hưởng đáng kể tới số lượt khách du lịch quốc tế đi du lịch trong năm 2003, sụt giảm 1,2% xuống 694 triệu. Ở Đông Á, lượng khách du lịch giảm 41% trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến 21/4 so với cùng kỳ năm 2002. Mức tăng trưởng kinh tế của du lịch bị ảnh hưởng nặng nề với mức chi tiêu của du khách trên toàn thế giới, cũng như đầu tư vốn trong du lịch đã giảm xuống 2,9% từ khoảng 5% so với những năm trước đó. Bên cạnh tác động nghiêm trọng của sự kiện khủng bố ngày 11/9 và cuộc chiến ở Iraq gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bùng nổ của dịch SARS đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới 4 nước ở châu Á bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam và Singapore. Nhiều biến động đã được ghi nhận trong lực lượng lao động ngành du lịch khi đó là không tuyển dụng mới, không thay thế nhân lực đã nghỉ việc, và các doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí bằng cách yêu cầu nhân viên nghỉ không lương, nghỉ phép trước. Lựa chọn tình thế khi đó là kích thích nhu cầu du lịch nội địa của người dân sở tại (Emma Clark, 2003). Đỉnh điểm trong những tháng bùng phát, số lượt khách ở châu Á và Thái Bình Dương giảm tới 12 triệu lượt, chiếm 9% so với năm trước đó. Năm 2003 khi dịch SARS bùng nổ, có tới 400.000 khách du lịch nước ngoài đã hủy tour đến Việt Nam (Wilder-Smith, 2005).
    Trước tình hình dịch bệnh, nhiều biện pháp ứng phó đã được các quốc gia thực hiện như sau:
    – Tăng cường chẩn đoán sớm và cách ly các trường hợp phơi nhiễm để ngăn ngừa lây truyền cộng đồng.
    -Hỗ trợ về kỹ thuật trong việc kiểm soát hiệu quả lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.
    – Các cơ quan du lịch quốc gia thông báo về việc hạn chế đi lại và du lịch quốc tế.
    – Cơ quan thông tấn, báo chí có hoạt động thông tin, tuyên truyền đúng mức, kịp thời và thường xuyên về thực trạng của dịch bệnh.
    – WHO phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong việc thông tin rõ ràng và cập nhật về khuyến cáo cho khách du lịch liên quan tới an toàn trong việc đi lại.
    – Nhiều quốc gia thường xuyên cập nhật các kịch bản và khuyến cáo cho khách du lịch tại các điểm đến thông qua các bản tin, cung cấp chính xác thông tin về tình hình SARS và kèm theo đó là các khuyến nghị về việc đi lại.
    1.1.2. Hiệu quả của các biện pháp ngăn ngừa tại sân bay
    Kiểm duyệt nhập cảnh được xem là biện pháp cần thiết để ứng phó với dịch bệnh, trong điều kiện SARS lây nhiễm vào Việt Nam, Singapore và Canada qua các chuyến bay quốc tế. Các biện pháp áp dụng tại các sân bay trên thế giới như khám trực quan đã nhanh chóng được thay thế bằng kiểm tra thân nhiệt (quét hồng ngoại). Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp sàng lọc này được cho là không cao. Kết quả tổng hợp từ Canada, Trung Quốc (bao gồm cả đại lục và Hồng Kông) và Singapore cho thấy rằng trong số hơn 35 triệu lượt khách du lịch quốc tế được quét thân nhiệt khi nhập cảnh trong dịch SARS, không có trường hợp SARS nào được phát hiện. Vì vậy, có người lập luận rằng thay vì đầu tư cho việc áp dụng các biện pháp sàng lọc tại sân bay để phát hiện bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, nên đầu tư vào tăng cường năng lực sàng lọc và kiểm soát nhiễm bệnh tại các điểm xâm nhập dịch bệnh vào hệ thống y tế.
    Trong tình trạng dịch bệnh, việc cung cấp thông tin chính thức cho các bên liên quan có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là các thông tin liên quan đến việc di chuyển của khách du lịch. Các biện pháp truyền thông quan trọng bao gồm biển chỉ dẫn, video, công bố rộng rãi cho công chúng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền các thông tin về cảnh báo y tế, giải quyết các thắc mắc và các câu hỏi liên quan đến đánh giá triệu chứng và điều kiện có thể phơi nhiễm, khám để phát hiện các triệu chứng và kiểm soát thân nhiệt…
    Biện pháp ngăn không cho nhập cảnh đối với khách du lịch từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có tính nhạy cảm về chính trị và thực tế là không thể thực hiện được. Ả Rập Saudi là một trong số ít các quốc gia cấm nhập cảnh đối với những người đã đi qua hoặc cư trú tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Việt Nam và Canada; nhưng quốc gia này không thể thực hiện được vì sự bùng phát dịch SARS trùng với lễ hành hương Hajj. Cuộc hành hương này thu hút hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới tham gia sự kiện kéo dài một tháng. Các bệnh truyền nhiễm từ người sang người đã bùng phát trong cuộc hành hương này; và có thể hình dung rằng SARS có thể nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới sau khi những người hành hương trở về nước họ.
    Sau khi WHO khuyến cáo kiểm duyệt xuất cảnh vào ngày 27/3/2003, không có trường hợp nhiễm SARS mới nào được phát hiện trong số các quốc gia có sàng lọc qua đường hàng không. Dữ liệu tổng hợp từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan) cho thấy trong số 1,8 triệu người đã hoàn thành bảng câu hỏi về sức khỏe khi xuất cảnh, chỉ phát hiện có 1 trường hợp nghi nhiễm SARS. Dữ liệu tổng hợp từ Canada, Trung Quốc và Singapore chỉ ra rằng không phát hiện trường hợp SARS nào trong số hơn 7 triệu người được quét nhiệt khi xuất cảnh (Bell, 2004). Sàng lọc xuất cảnh có thể giúp khuyến cáo ngăn người bệnh đi du lịch bằng đường hàng không, tuy nhiên, biện pháp này có thể thành công hơn đối với việc ngăn người dân địa phương đi du lịch nước ngoài hơn là ngăn du khách bị bệnh cố gắng trở về nhà.
    Kiểm tra xuất và nhập cảnh có thể giúp khách du lịch nhận thức rõ hơn về an ninh, nhưng chắc chắn gây ra tác động không mong muốn là không khuyến khích cho hoạt động du lịch. Nhiều người không muốn mạo hiểm đi du lịch trong tình trạng dịch bệnh vì có thể sẽ bị cách ly và bị gián đoạn lịch trình công tác hoặc kỳ nghỉ.
    1.1.3. Một số vấn đề đặt ra trong ứng phó toàn cầu qua trường hợp dịch SARS 2003
    Bệnh dịch lây lan toàn cầu như trường hợp bệnh SARS 2003 đã đặt ra một số vấn đề như sau (Wilder-Smith, 2006) :
    – Cần phải có hệ thống y tế công toàn cầu mạnh mẽ, cơ chế nhanh chóng và hiệu quả về báo cáo quốc tế, cơ chế khẩn cấp xuyên biên giới của các quốc gia về hỗ trợ và huy động trang thiết bị dịch vụ y tế và chuyên môn để ứng phó với dịch bệnh.
    – Vì việc kiểm soát quét thân nhiệt tại cửa khẩu nhập cảnh tại các sân bay kém hiệu quả, việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu phần lớn dựa trên khuyến cáo của các chuyên gia WHO và chính quyền quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của WHO, khu vực y tế công quốc tế cần phải phối hợp chặt chẽ về thời điểm và phương thức tăng cường quy mô và các biện pháp sàng lọc tại các sân bay. Bên cạnh đó, nỗ lực xác định và cách ly người nhiễm bệnh trong nước, theo dõi hoặc cách ly những người có liên hệ với họ và tăng cường kiểm soát nhiễm bệnh tại cơ sở chăm sóc y tế. Chiến lược ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với ngành du lịch có 3 giá trị đạo đức quan trọng: quyền riêng tư, quyền tự do và nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
    – Trong trường hợp SARS, các quốc gia cần tham gia vào mạng lưới giám sát toàn cầu của WHO để xác định mầm bệnh mới có tầm quan trọng quốc tế. Cán bộ y tế liên quan đến việc phối hợp với ngành du lịch có thể xem xét việc tham gia vào một mạng lưới giám sát toàn cầu như GeoSentinel – Hiệp hội quốc tế về y tế du lịch. Qua đó, có thể thu thập dữ liệu, tổng hợp các kinh nghiệm lâm sàng quốc tế, phân tích xu hướng mới trong chẩn đoán gắn với du lịch.
    1.2. Du lịch Việt Nam trong tình huống khủng hoảng do dịch bệnh
    1.2.1. Nhận định ban đầu về thiệt hại của ngành du lịch với dịch bệnh Covid-19
    Năm 2020, du lịch Việt Nam gặp thách thức lớn khi phải đối phó với tình hình dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19). Trước mắt, các doanh nghiệp lưu trú và lữ hành đang phải trải qua thời kỳ khó khăn trong khủng hoảng của dịch bệnh này. Tại các thành phố lớn, công suất buồng của các khách sạn đã sụt giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm lên tới khoảng 50 – 70% đối với các công ty du lịch và lữ hành tùy theo các địa điểm khác nhau. Thị trường Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lượng khách giảm tới 99%. Nha Trang – Khánh Hòa là địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế đến khu vực. Bên cạnh đó, số lượt du khách từ Vương quốc Anh, châu Âu, Úc cũng sụt giảm ở mức 20%, thị trường Mỹ bị giảm 40% và Nga giảm 50% vì lý do khách hủy hoặc hoãn thời gian du lịch vào thời điểm dịch bệnh.Với thị trường nội địa, dự đoán khách du lịch giảm 50 – 70%, tức lượng khách sẽ giảm 10,9 – 15,3 triệu lượt.
    Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ về tác động của dịch bệnh, du lịch Việt Nam chịu tác động đáng kể vì khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 75% trong 3 tháng tới khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm % trong năm 2020. Số lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh khiến doanh thu từ du khách bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nguồn thu từ khách du lịch trong nước cũng sẽ giảm khi Chính phủ có Chỉ thị tạm dừng và hạn chế nhiều hoạt động lễ hội và các sự kiện tập trung đông người. Dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch trong nước và một số lĩnh vực liên quan. Ngành vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất. 79,8% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm 70%. Dự báo doanh thu và lợi nhuận của ngành hàng không giảm mạnh trong quý I, quý II và cả năm 2020 – tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Các loại hình vận chuyển du lịch khác như đường bộ, đường sắt, đường thủy cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi hoạt động du lịch giảm sút.
    Tổng cục Du lịch ước tính, thiệt hại trong 3 tháng tới của ngành là rất lớn. Dựa vào số liệu chi tiêu bình quân của khách du lịch và lượng khách sụt giảm (ước tính), ngành du lịch có thể thiệt hại từ 5,9 – 7,7 tỷ USD. Trong đó, lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm từ 3,7 – 4,7 triệu lượt.
    1.2.2. Ứng phó của ngành du lịch với dịch COVID-19
    Ngay từ khi Trung Quốc công bố dịch COVID-19 bùng phát và WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Chính phủ Việt Nam và các ngành như Y tế, Du lịch và các cơ quan chức năng liên quan đã chủ động đối phó, triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống để giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh này và 45 đội phản ứng nhanh. Tất cả các cửa khẩu biên giới đang được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, những trường hợp nghi nhiễm đều được cách ly và điều trị tích cực trong bệnh viện. Ngày 02/02 và ngày 12/02/2020, Tổng cục Du lịch đã gửi 2 bức thư ngỏ tới bạn bè và đối tác quốc tế của ngành du lịch, thông tin về việc Du lịch Việt Nam đang tích cực ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19 và khẳng định các điểm du lịch vẫn mở cửa bình thường.
    Ngày 6/2/2020, Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị “Ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp NCoV” với sự tham dự của các Sở quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch,… nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh. Một trong số các giải pháp được đưa ra là thành lập Liên minh kích cầu du lịch, ưu tiên việc đánh giá tình hình dịch bệnh và du lịch, kích cầu chia làm ba giai đoạn là đang có dịch, qua thời điểm đỉnh dịch và hết dịch bệnh. Có hai kịch bản về khả năng du lịch hồi phục được đưa ra:
    Thứ nhất, nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 3, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4. Thời điểm này, du lịch trong nước chuẩn bị vào mùa nên ngành du lịch cần kích cầu thúc đẩy người dân đi du lịch, đồng thời xúc tiến đẩy mạnh đi du lịch nước ngoài để bù đắp những tổn thất kể từ đầu năm.
    Thứ hai, ngành du lịch dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6. Để thị trường tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm đón khách quốc tế, từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021, thì trước đó, từ tháng 4-9, hoạt động quảng bá xúc tiến cần đặc biệt chú trọng. Trong trường hợp dịch COVID-19 bị đẩy lùi hoàn toàn sau mùa hè thì phải đến quý 4, các hoạt động du lịch mới có thể trở lại. Riêng du lịch nội địa có thể hồi phục ngay khi vào mùa từ cuối tháng 5.
    II. BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
    2.1. Bài học kinh nghiệm
    – Thường xuyên cập nhật thông tin chính thức và rộng rãi về y tế, dịch bệnh và tình hình khách du lịch cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
    – Xây dựng chiến lược ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với ngành du lịch bằng việc ưu tiên cao nhất sự an toàn cho khách du lịch.
    – Nâng cao hiệu quả truyền thông trong nước và quốc tế về điểm đến an toàn sau khi dịch bệnh đã qua ngưỡng cao nhất và có các hoạt động kích cầu thị trường trong nước và nội địa.
    – Đa dạng hóa thị trường, ưu tiên thị trường nội địa và thị trường xa và thị trường có kết nối đường bay trực tiếp.
    – Thành lập liên minh kích cầu du lịch.
    2.2. Một số khuyến nghị
    – Giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong 2 năm 2020-2021, cho phép chậm nộp thuế VAT quý 4-2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đề xuất lùi sang quý 3 hoặc quý 4-2020.
    – Giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% cho các doanh nghiệp liên quan đến du lịch. Kéo dài thời gian nộp thuế từ 6 lên 12 tháng mà không bị phạt. Quy định gia hạn thời gian nộp thuế này có thể được áp dụng cho các khoản thanh toán thuế GTGT của Q4, 2019 và các khoản nộp thuế thu nhập trong năm tài khóa 2019.
    – Các hãng hàng không có các chính sách linh hoạt cho các công ty lữ hành trong việc được hoàn hoặc dời phí đặt cọc vé máy bay đến các thị trường có ảnh hưởng của dịch COVID-19.
    – Các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của các doanh nghiệp du lịch.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1.       Annelies Wilder-Smith (2005), “Tourism and SARS”, Tourism in Turbulent Times – Towards Safe Experiences for Visitors (Advances in Tourism Research)

    2.       Annelies Wilder-Smith (2006), “The severe acute respiratory syndrome: Impact on travel and tourism”, Tạp chí Travel Medicine and Infectious Disease (2006) Số 4, tr. 53–60

    3.       Bell, D.M. (2004) “Public health interventions and SARS spread, 2003”, Tạp chí Emerging Infectious Diseases, Số 10, tr. 1900–1906.

    Các bài đăng trên Internet, truy cập ngày 14/2/2020:

    1.       Chuyên mục Kinh doanh (2020), Du lịch Việt Nam mất hàng tỷ USD vì CoVid-19: Giải pháp vượt khó và hồi phục sau dịch, trang web https://www.24h.com.vn/kinh-doanh/du-lich-viet-nam-mat-hang-ty-usd-vi-covid-19-giai-phap-vuot-kho-va-hoi-phuc-sau-dich-c161a1124739.html;

    2.       Chuyên mục Kinh doanh (2020), Hội đồng Tư vấn Du lịch hiến kế cho Thủ tướng với 4 kịch bản, 10 giải pháp giúp du lịch Việt Nam phục hồi từ coronavirus, trang web https://cafebiz.vn/hoi-dong-tu-van-du-lich-hien-ke-cho-thu-tuong-voi-4-kich-ban-10-giai-phap-giup-du-lich-viet-nam-phuc-hoi-tu-coronavirus-20200215104415532.chn

    3.       Citrinot, Luc (2019), Survey Shows that Vietnamese Outbound Travellers Favour Cash Transactions, trang web  http://asean.travel/2019/08/13/survey-shows-that-vietnamese-outbound-travellers-favour-cash-transactions/

    4.       Clark, Emma (2003), Sars strikes down Asia tourism, trang web http://news.bbc.co.uk/2/hi/business/3024015.stm

    5.       NC (2020), Sau khủng hoảng là bùng nổ, bắt đầu từ tâm dịch để đón đầu, trang web https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/du-lich-viet-nam-no-luc-vuot-qua-con-khung-hoang-covid-19-616531.html

    6.       Nguyên Khánh (2020), Khởi động kích cầu du lịch giữa ‘điểm nóng’ Covid 19, trang web https://www.tienphong.vn/van-hoa/khoi-dong-kich-cau-du-lich-giua-diem-nong-covid-19-1520182.tpo

    7.       Thùy Linh (2020), Nhiều khách sạn bị hủy phòng vì dịch nCov, trang web https://baotainguyenmoitruong.vn/nhieu-khach-san-bi-huy-phong-vi-dich-ncov-298672.html;

    8.       TITC (2020), Đa dạng hóa thị trường – giải pháp được ngành Du lịch ưu tiên để ứng phó với dịch nCoV, trang web http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/31182

    9.       TITC (2020), Ngày 12/02/2020: Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh gửi thư đến các đối tác quốc tế khẳng định các điểm du lịch vẫn mở cửa bình thường, trang web http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/31243

    10.    Vân Anh, Ngọc Dương (2020), Du lịch Sa Pa tìm cách vượt khó thời dịch Covid-19, trang web http://laocaitv.vn/tin-tuc/du-lich-sa-pa-tim-cach-vuot-kho-thoi-dich-covid-19;

    11.    Việt Hùng (2020), Khốn khó do COVID-19, ngành du lịch Đà Nẵng kiến nghị giảm tiền thuê đất, trang web https://tuoitre.vn/khon-kho-do-covid-19-nganh-du-lich-da-nang-kien-nghi-giam-tien-thue-dat-20200215153508796.htm


    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục