Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và giải pháp

      Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, “Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững”. Đến năm 2030, Việt Nam “thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”. Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của ngành Du lịch nói riêng và sự chung tay, chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp cả nước.
    1. Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam – những thành tựu đạt được
    Năm 2019, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam xếp hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giai đoạn 2011 – 2019 đánh dấu sự bứt phá về chỉ số xếp hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu: năm 2011 xếp hạng 80/139; năm 2013 giữ nguyên hạng 80/139; năm 2015 xếp hạng 75/141; năm 2017 xếp hạng 67/136; năm 2019 xếp hạng 63/140. Sau 8 năm, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 17 bậc. Đây là thành công rất đáng khích lệ cho ngành du lịch Việt Nam.
    Trong khối ASEAN, Việt Nam xếp vị trí thứ 5 về năng lực cạnh tranh, sau Singapore (hạng 17), Malaysia (hạng 29), Thái Lan (hạng 31), và Indonesia (hạng 40). Tuy nhiên, so sánh chỉ số năm 2019 với năm 2017, Việt Nam tăng hạng cao nhất (4 bậc), tiếp theo là Thái Lan (tăng 3 bậc), Indonesia (tăng 2 bậc) còn lại Singapore và Malaysia tụt hạng. (Hình 1).

    Hình 1. Biểu đồ xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch các nước khối ASEAN
    (Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của WEF, 2017 và 2019)

    Xét riêng bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 và 2019, nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. (Hình 2).
    – Đối với nhóm chỉ số “chính sách và điều kiện hỗ trợ”, tất cả các chỉ số đều tăng, cụ thể như: chỉ số Mức độ mở cửa đối với quốc tế tăng 15 bậc (từ hạng 73 lên hạng 58) trong khi Singapore, Philippines, Lào, Campuchia đều tụt hạng. Chỉ số Cạnh tranh về giá tăng 13 bậc (từ hạng 35 lên hạng 22) trong khi các quốc gia còn lại của khối ASEAN đều tụt hạng, ngoại trừ Campuchia tăng 2 bậc. Chỉ số Môi trường bền vững tăng 8 bậc (từ hạng 129 lên hạng 121) trong khi Thái Lan, Singapore, Indonesia, Lào, Campuchia tụt hạng. Chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch tăng 1 bậc (từ hạng 101 lên hạng 100), ngoại trừ Thái Lan và Indonesia, các quốc gia trong khối ASEAN còn lại đều tụt hạng.

    Hình 2. Các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh các nước trong khối ASEAN
    (Nguồn: Số liệu thống kê của WEF, 2017 và 2019)

    – Đối với nhóm chỉ số “cơ sở hạ tầng”, có hai chỉ số tăng hạng là chỉ số Hạ tầng hàng không tăng 11 bậc (từ hạng 61 lên hạng 50) trong khi các đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đều tụt hạng; chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch tăng 7 bậc (từ hạng 113 lên hạng 106), ngoại trừ Thái Lan, Philippines và Campuchia, các quốc gia còn lại đều tụt hạng.
    – Đối với nhóm chỉ số “môi trường hỗ trợ”, “tài nguyên tự nhiên và văn hóa”, mỗi nhóm có một chỉ số tăng hạng, nhưng chỉ tăng 1 bậc là chỉ số Môi trường kinh doanh (ngoại trừ Lào tụt hạng 28 bậc, còn lại các khác nước đều tăng hạng) và chỉ số Tài nguyên văn hóa và kinh doanh du lịch (ngoại trừ Thái Lan tăng hạng 2 bậc, còn lại các nước khác đều tụt hạng).
    Những kết quả đạt được như trên là nhờ sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của ngành du lịch nói riêng và sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Giai đoạn 2017 – 2019 đánh dấu những chuyển biến tích cực trong cả tư duy và hành động, nhiều chủ trương, chính sách lớn về du lịch đã được ban hành. Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; cũng trong năm này, Luật Du lịch mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực; Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về việc miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; cùng nhiều văn bản pháp quy khác của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đã tạo hành lang pháp lý vững chắc, “mở đường” du du lịch phát triển.
    Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng ổn định cả về chất và lượng. Các chỉ số tăng trưởng luôn đạt mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2019, du lịch Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 85 triệu lượt khách nội địa, tổng lượt khách đạt 103 triệu lượt (gấp 2,8 lần năm 2011); tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỷ đồng; đóng góp ngành du lịch vào GDP đạt khoảng 9% (2019); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2019: với khách quốc tế đạt 22,5%/năm, khách nội địa đạt 10,5%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 19,3%/năm. Việt Nam liên tục nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới như: “Điểm đến hàng đầu châu Á” (năm 2018 và 2019); “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” (năm 2017, 2018, 2019), “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á” (năm 2019); “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” (năm 2019), “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới” (năm 2019). Những thành công của ngành du lịch đã góp phần cao sức cạnh tranh, nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
    2. Một số vấn đề đặt ra đối với năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam
    Bên cạnh những thành công, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế, tồn tại. Trong 14 chỉ số trụ cột thì Việt Nam có 7 chỉ số bị tụt hạng, một số chỉ số tụt bị hạng nghiêm trọng như chỉ số Hạ tầng mặt đất và cảng tụt 13 bậc (từ hạng 71 xuống hạng 84), chỉ số Nhân lực và thị trường lao động tụt 10 bậc (từ hạng 37 xuống hạng 47), chỉ số Y tế và vệ sinh tụt 9 bậc (từ hạng 82 xuống hạng 91). Điều đáng nói, chỉ số về Tài nguyên tự nhiên và chỉ số về An ninh an toàn vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam nhưng lại bị tụt hạng (đều tụt 1 bậc).
    So với các quốc gia trong khối ASEAN:
    Một số chỉ số của du lịch Việt Nam tăng hạng thì các nước trong khối ASEAN cũng tăng, đơn cử như: Chỉ số Môi trường kinh doanh: Việt Nam xếp thứ 5, tăng 1 bậc trong khi Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia cũng tăng hạng. Chỉ số Mức độ mở cửa đối với quốc tế: Việt Nam xếp thứ 5, tăng 15 bậc trong khi Thái Lan cũng tăng 7 bậc, Malaysia tăng 25 bậc. Chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch Việt Nam tăng 1 bậc nhưng xếp thứ 8 (cuối bảng xếp hạng các nước ASEAN).
    Một số chỉ số của du lịch Việt Nam tụt hạng thì các nước trong khối ASEAN tăng hạng, đơn cử như: Chỉ số An ninh an toàn: Việt Nam xếp thứ 3, tụt 1 bậc trong khi Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều tăng, Singapore giữ nguyên hạng. Chỉ số Nhân lực và thị trường lao động: Việt Nam xếp thứ 6, tụt 10 bậc trong khi các nước ASEAN đều tăng hạng, ngoại trừ Lào tụt hạng 2 bậc và Singapore giữ nguyên hạng. Chỉ số Y tế và vệ sinh: Việt Nam xếp thứ 3, tụt 9 bậc trong khi tất cả các nước ASEAN đều tăng hạng, ngoại trừ Philippines tụt hạng 2 bậc. Chỉ số Hạ tầng mặt đất và cảng: Việt Nam xếp thứ 5, tụt hạng 13 bậc trong khi tất cả các nước ASEAN đều tăng hạng, ngoại trừ Campuchia tụt hạng 3 bậc và Singapore giữ nguyên hạng.
    Rất nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam bị các nước trong khối ASEAN bỏ xa khoảng cách về thứ hạng, như: Môi trường kinh doanh: Việt Nam xếp hạng 67, kém Singapore 65 bậc, kém Malaysia 56 bậc, kém Thái Lan 30 bậc; Nhân lực và thị trường lao động: Việt Nam xếp hạng 47, kém Singapore 42 bậc, kém Malaysia 32 bậc, kém Thái Lan 20 bậc; Mức độ mở cửa đối với quốc tế: Việt Nam xếp hạng 58, kém Singapore 55 bậc, kém Malaysia 37 bậc, kém Indonesia 21 bậc; Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch: Việt Nam xếp hạng 100, kém Singapore 94 bậc, kém Malaysia 90 bậc và kém Thái Lan 73 bậc.
    Nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam có thứ hạng rất thấp, trong đó có nhiều chỉ số xếp hạng trên 100 như chỉ số Môi trường bền vững hạng 121, chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch hạng 106 và chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch hạng 100. Tất cả các chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đều xếp hạng trên 20, không có chỉ số xếp hạng nào trong tốp 10.
    Những con số thống kê và phân tích trên cho thấy, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập: khả năng khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt; phát triển thị trường chưa được chú trọng đúng mức, vẫn bị lệ thuộc vào một số thị trường nguồn; cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch tuy đã có nhiều cải thiện nhưng chất lượng chưa cao và còn thiếu đồng bộ, số cơ sở lưu trú chất lượng cao còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; năng lực cạnh tranh tuy được cải thiện đáng kể nhưng chưa cao, còn thua kém nhiều quốc gia trong khối ASEAN; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu; doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển của du lịch thế giới và khu vực tăng trưởng nhanh chóng. Nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch trên toàn cầu cũng có nhiều thay đổi. Sự phát triển của công nghệ số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi phương thức kinh doanh và tiêu dùng du lịch, mở ra những cơ hội mới cho phát triển du lịch. Tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội thế giới có nhiều biến động phức tạp cùng với những vấn đề toàn cầu khác như thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,… là những thách thức to lớn cho phát triển du lịch Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch.
    Trong thời gian tới, Việt Nam cần có những phương án và giải pháp thích hợp để cải thiện và nâng cao chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nhóm chỉ số bị tụt hạng (An ninh an toàn; Y tế và vệ sinh; Nhân lực và thị trường lao động; Mức độ sẵn sàng CNTT; Hạ tầng mặt đất và cảng; Tài nguyên tự nhiên); nhóm chỉ số có thứ hạng thấp (Môi trường bền vững; Hạ tầng dịch vụ du lịch; Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch); và nhóm chỉ số có khoảng cách xa với các nước trong khối ASEAN (Môi trường kinh doanh; Mức độ mở cửa đối với quốc tế; Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch).
    3. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam
    Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:
    – Thứ nhất. Đối với nhóm chỉ số bị tụt hạng: An ninh an toàn; Y tế và vệ sinh; Nhân lực và thị trường lao động; Mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin; Hạ tầng mặt đất và cảng; Tài nguyên tự nhiên.

    + Tích cực tạo lập môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thâm thiện, hiếu khách. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, kiểm soát tốt an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch, phòng ngừa các loại hình tội phạm lừa đảo, cướp giật, chèo kéo, cò mồi, đảm bảo an toàn về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho khách du lịch.
    + Phát triển nguồn nhân lực du lịch cả về chất và lượng: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo về du lịch phù hợp với nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động ngành du lịch trong thời kỳ mới. Tăng cường phối hợp liên ngành, liên cấp, liên quốc gia (hợp tác quốc tế) về đào tạo du lịch, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch và các cơ quan, tổ chức du lịch, đảm bảo người học sau khi tốt nghiệp có thể sử dụng ngay mà không phải đào tạo lại. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học cho người lao động ngành du lịch.

    + Đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 với ngành du lịch, từng bước hiện đại hóa ngành du lịch ở cả ba lĩnh vực: quản lý nhà nước về du lịch, kinh doanh du lịch và hoạt động của khách du lịch; phát triển một số loại hình du lịch công nghệ cao, du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo; hình thành điểm đến thông minh; số hóa tài nguyên du lịch, khai thác triệt để lợi thế big data, điện toán đám mây, tăng cường chia sẻ và liên kết thông tin; phát triển các phần mềm, tiện ích du lịch thông minh hỗ trợ các hoạt động của khách du lịch.

    + Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng đường bộ theo hướng hiện đại, phát triển hệ thống đường cao tốc và hệ thống giao thông kết nối các trung tâm, thành phố, đô thị, nhà ga đến các khu, điểm du lịch đảm bảo di chuyển thuận lợi cho khách du lịch, có kế hoạch và định hướng phát triển hệ thống đường sắt cao tốc kết nối các vùng du lịch trọng điểm. Phát triển kết cấu hạ tầng đường không, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa các cảng hàng không hiện có. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và cảng thủy nội địa, đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dụng phục vụ khách du lịch đường sông và đường biển tại một số địa phương có du lịch phát triển.
    + Xác định các tài nguyên du lịch thế mạnh theo địa phương, vùng, miền để phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng. Khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, không đánh đổi tài nguyên để phát triển du lịch bằng mọi giá. Phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch xanh,…
    – Thứ hai. Đối với nhóm chỉ số có thứ hạng thấp: Môi trường bền vững; Hạ tầng dịch vụ du lịch; Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch.

    + Phát triển du lịch phải coi trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường, coi môi trường là yếu tố cốt lõi, là xương sống để phát triển du lịch. Đối với các khu, điểm du lịch cần có hoạt động thu gom, phân loại và xử lý rác thải theo ngày; có hệ thống thùng chứa rác thải phù hợp; có bảng chỉ dẫn và tuyên truyền cho khách du lịch giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng vật dụng 1 lần, vật dụng làm từ nhựa (túi, cốc ni-lông, ống mút, chai nhựa), hạn chế mang đồ ăn vặt vào khu, điểm du lịch. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch: khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh, sử dụng năng lượng, nhiên liệu tái tạo; sử dụng các vật dụng có khả năng tái chế, tái sử dụng, đồ dùng là từ vật liệu thân thiện với môi trường (tre, gỗ); có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến, theo quy chuẩn, hạn chế thải trực tiếp ra môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch: tích cực tuyên truyền cho cộng đồng, doanh nghiệp và khách du lịch trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến môi trường.
    + Tiếp tục phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hạ tầng dịch vụ du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, trung tâm tổ chức sự kiện, trung tâm mua sắm. Phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, có thương hiệu và sức cạnh tranh quốc tế tại các khu du lịch trọng điểm. Phát triển các loại hình lưu trú đa dạng từ khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, khách sạn hạng sao, nhà nghỉ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, homestay,… đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách. Khuyến khích phát triển các cơ sở lưu trú, công trình du lịch gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường.
    – Thứ ba. Đối với nhóm chỉ số có khoảng cách xa với các nước trong khối ASEAN: Môi trường kinh doanh; Mức độ mở cửa đối với quốc tế; Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch.
    + Có chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư, có cơ chế thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các hoạt động đầu tư vào ngành du lịch; chính sách hàng không “mở cửa bầu trời”, tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng; chính sách tạo thuận lợi về thủ tục thị thực nhập cảnh;…
    + Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến kiểm soát giá, bình ổn giá, có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp tăng giá, ép giá, phá giá đối với sản phẩm và dịch vụ du lịch, nhất là tại các khu du lịch trọng điểm.
    + Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch, loại bỏ hình thức kinh doanh “tour giá rẻ”, tour “0 đồng” và các loại hình kinh doanh “trá hình”, bất hợp pháp, đảm bảo môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017, Hà Nội.
    2. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/QH14, ngày 19/6/2017, Hà Nội.
    3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020, Hà Nội.
    4. World Economic Forum (WEF, years: 2011 – 2019), The Travel and Tourism Competitiveness Report.

    TS. Lê Quang Đăng –Viện Nguyên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục