Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số giải pháp phát triển du lịch Vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững

    TÓM TẮT:

             Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Vùng Bắc Trung Bộ sở hữu một hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh ở cấp độ quốc tế, quốc gia, trải dài khắp các tỉnh trong vùng. Nơi đây, có kho tàng các di sản văn hóa, bao gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đặc sắc, như: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Thành nhà Hồ, Mộc bản triều Nguyễn và di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, chính trị Việt Nam như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn… Với sự phong phú và đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, Bắc Trung Bộ là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Với tiềm năng rất lớn về tài nguyên du lịch, song vùng Bắc Trung Bộ vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư cũng như phát triển kinh tế – xã hội so với các vùng khác, tỷ lệ nghèo cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy hết lợi thế về tài nguyên cũng như vị trí địa lý của vùng. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các yếu tố thời tiết bất lợi như bão, lũ lụt, hạn hán…với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cũng như biến đổi khí hậu đang là những thách thức lớn đối với phát triển du lịch của vùng.

             Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, đã xác định mục tiêu đến năm 2030 đó là: Du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Trong điều kiện bối cảnh phát triển du lịch vùng vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế, để thực hiện mục tiêu này thì cần phải có những giải pháp phát triển du lịch bền vững phù hợp và có tính đột phá. Những giải pháp có thể tập trung để phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ hướng đến phát triển bền vững bao gồm: (1) Thể chế hóa chính sách tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch; (2) Xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; (3) Nâng cao nhận thức, đổi mới mô hình tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững; (4) Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh; (5) Xây dựng cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch; (6) Nâng cao năng lực thực hiện tăng trưởng xanh, hiệu quả bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; (7) Phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường;(8) Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng.

    Từ khóa: Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam; Giải pháp phát triển du lịch bền vững.

     

    Đặt vấn đề

             Theo định hướng phát triển du lịch vùng của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Vùng Bắc Trung Bộ tiếp giáp với các vùng trung du miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Diện tích tự nhiên của vùng: 51.110,8 km2; dân số: khoảng 11 triệu người; mật độ dân số trung bình: 206 người/km2 (Tổng cục Thống kê, 2020). Kết nối toàn bộ 6 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ là ba tuyến quan trọng trên trục giao thông Bắc – Nam là đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và đường Hồ Chí Minh. Đây là vùng có tài nguyên du lịch hết sức phong phú với dải bờ biển dài và dãy Bắc Trường Sơn, cố đô Huế, thành nhà Hồ, Động Phong Nha và quê hương của nhiều lãnh tụ cách mạng Việt Nam. Xét về vị thế địa chính trị, đây là điểm kết nối quan trọng, gắn kết Việt Nam với các nước như Lào, Campuchia.

             Vùng Bắc Trung Bộ sở hữu một hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh ở cấp độ quốc tế, quốc gia, trải dài khắp các tỉnh trong vùng. Nơi đây, có kho tàng các di sản văn hóa, bao gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đặc sắc, như: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Thành nhà Hồ, Mộc bản triều Nguyễn và di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, chính trị Việt Nam như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn… Đây là những tài nguyên du lịch hết sức giá trị, mang tính đặc trưng văn hóa đặc sắc của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng tạo thế mạnh và sự khác biệt cho sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ.

             Bắc Trung Bộ có bờ biển dài 670km với 23 cửa sông, trong đó có nhiều cửa sông lớn có thể xây dựng cảng phục vụ cho vận tải (Nghi Sơn -Thanh Hóa, Cửa Lò, Cửa Hội – Nghệ An)…Ven biển với 30.000ha nước lợ cửa sông, đầm phá có khả năng nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp, rừng ngập mặn và phát triển du lịch. Tài nguyên rừng cũng là một trong những thế mạnh của vùng phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm. Tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái nơi đây khá cao so với các vùng khác và hầu hết các tỉnh trong vùng đều có vườn quốc gia (như: Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha-Kẻ Bàng, Bạch Mã…)

             Quá trình phát triển du lịch ở các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng bền vững, cụ thể:

             Nhận thức về tăng trưởng xanh còn hạn chế: Phát triển du lịch bền vững mặc dù đã được nhiều địa phương trong vùng quan tâm, tuy nhiên tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, du lịch tại các địa phương chưa thực sự được đề cao. Chính vì thế mà ngay cả một bộ phận quản lý, doanh nghiệp và người dân chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Chính vì vậy, đã xuất hiện một số hành vi gây hại cho môi trường tự nhiên.

             Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách còn chậm: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được phê duyệt năm 2012 và Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Chiến lược này trên phạm vi toàn quốc cũng đã được phê duyệt, tuy nhiên cho đến nay nhiều địa phương trong vùng chưa xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó có ngành du lịch của các tỉnh trong vùng điều này hạn chế rất lớn đến việc triển khai, thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đề ra.

             Sản phẩm du lịch nghèo nàn, chậm đổi mới, thiếu tính liên kết: Vùng Bắc Trung Bộ có hệ thống tài nguyên độc đáo, đặc sắc, có sức hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế, tuy nhiên sản phẩm du lịch ở hầu hết các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ mới được khai thác dựa trên lợi thế cảnh quan tự nhiên, sẵn có mà chưa chú trọng khai thác gắn kết với các lợi thế về giá trị văn hóa – lịch sử do đó, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu đa dạng, mặt khác các dịch vụ bổ trợ đặc biệt là hệ thống các khu vui chơi, giải trí chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, do đó tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch trong vùng không cao.

             Năng lực quản lý và chất lượng của lực lượng lao động du lịch còn nhiều bất cập: hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng lao động trong ngành du lịch chưa qua đào tạo chiếm tới hơn 27,5% tổng số lao động của toàn khu vực, đào tạo không đúng chuyên ngành du lịch cũng chiếm đến 22,3%. Thực trạng này đã làm cho chất lượng dịch vụ du lịch nhìn chung còn thấp hơn so với yêu cầu. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều địa phương chưa đảm bảo yêu cầu xanh, chưa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch. Việc khai thác thị trường khách du lịch cao cấp gặp nhiều khó khăn.

             Ứng dụng khoa học công nghệ xanh trong hoạt động du lịch còn hạn chế: Năng lực phát triển khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ còn rất thấp, công nghệ năng lượng tái tạo chưa thực sự phát triển, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao, nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ còn rất hạn chế do còn phải chú trong đầu tư vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ xanh còn hạn chế, kể cả lĩnh vực du lịch.

             Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu: Những năm gần đây, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường sinh thái của vùng trong đó có hoạt động du lịch. Thiên tai và biến đổi khí hậu thực sự là thách thức lớn đối với hoạt động du lịch vùng Bắc Trung Bộ.

             Ô nhiễm môi trường, gia tăng chất thải: Ô nhiễm môi trường do hoạt động du lich gây ra chủ yếu từ vận chuyển khách, ăn uống, lưu trú và các dịch vụ vui chơi giải trí xả nước thải, rác thải ra môi trường. Mặt khác, ô nhiễm môi trường do các ngành khác gây ra cũng có tác động rất lớn đến hoạt động du lịch. Ví dụ: Năm 2016, thảm họa biển miền Trung đã ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng do xả thải từ khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các khu công nghiệp, khu dân cư trong vùng… là thách thức rất lớn với hoạt động du lịch.

             Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến phát triển du lịch vùng: Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội của vùng, nhất là về du lịch. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách và doanh thu du lịch các tỉnh giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động. Du lịch vùng Bắc Trung Bộ hiện vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch này.

             Tính mùa vụ trong hoạt động du lịch: Hoạt động du lịch Vùng Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng mạnh từ yếu tố thời tiết, thảm họa thiên tai nên hoạt động du lịch có tính thời vụ rất cao, ảnh hưởng bất lợi lớn đến hoạt động du lịch của các doanh nghiệp và khách du lịch. Để hoạt động du lịch thích ứng với yếu tố thời tiết và các thảm họa thiên tai đòi hỏi hoạt động du lịch của vùng phải thích ứng, thích nghi với tính mùa vụ, đây là thách thức không hệ nhỏ trong hoạt động du lịch của vùng.

             Cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch thân thiện với môi trường: Cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các vùng miền, các quốc gia trong lĩnh vực du lịch. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chỉ chú tâm cạnh tranh thu hút khách du lịch bằng mọi giá mà không quan tâm tới việc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng dụng công nghệ để đầu tư xanh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh. Do đó, phát triển thiếu tính bền vững sẽ ngày càng làm suy giảm khả năng cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu du lịch.

             Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và đa dạng sinh học: Bắc Trung Bộ là nơi chứa đựng nhiều giá trị tài nguyên văn hóa – lịch sử đặc sắc của cả nước, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử nhằm khai thác phát triển du lịch đang đặt ra nhiều thách thức to lớn như: sự gia tăng về lượng khách nhưng thiếu kiểm soát tại nhiều khu, điểm du lịch trong vùng đã tạo sức ép đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, các chất thải của hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh, đặc biệt tại các trọng điểm du lịch. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cũng đang tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đến đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, môi trường văn hóa bản địa, nhiều vấn đề môi trường – xã hội nảy sinh là thách thức lớn trong công tác quản lý du lịch tại các điểm đến trong vùng.

             Với những hạn chế, tồn tại và bất cập kể trên, để thực hiện mục tiêu đã xác định đến năm 2030 trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam “Du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững” thì cần phải có những giải pháp phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững phù hợp với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch vùng là thực sự cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

             Một số giải pháp phát triển du lịch vùng Bắc trung Bộ theo hướng bền vững

             Để triển phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững và hiện thực hóa mục tiêu đã xác định đến năm 2030 trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ cần phải thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:

             – Thể chế hóa chính sách tăng trưởng xanh, bền vững:

             Thể chế hóa chính sách tăng trưởng xanh, bền vững trên cơ sở quán triệt các định hướng tư tưởng, các nội dung cơ bản trong các văn bản: Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả… đưa vào trong kế hoạch hành động, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của điểm đến cũng như các chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động du lịch. Xây dựng chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch.

             – Xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động:

             Cần xây dựng Chiến lược Tăng trưởng xanh vùng Bắc Trung Bộ bao gồm hệ thống các chương trình, kế hoạch hành động và chính sách liên tỉnh, liên ngành, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân trong vùng, các doanh nghiệp và tổ chức chính trị xã hội. Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cho vùng Bắc Trung Bộ nhằm giải quyết việc thực hiện chính sách, huy động nguồn lực, phân công tổ chức thực hiện, cũng như cách thức nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

             – Nâng cao nhận thức, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững:

             Phát triển du lịch bền vững tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp du lịch ứng dụng song chưa thành xu thế do các bên liên quan chưa ý thức được tầm quan trọng so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì thế, số đông người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của vấn đề này. Do đó, đề cao tầm quan trọng của phát triển bền vững trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là thực sự cần thiết trong việc nâng cao nhận thức của các bên liên quan. Nâng cao nhận thức về lợi ích của phát triển bền vững, vai trò thực hiện, tầm quan trọng của nhiệm vụ để tiếp tục hình thành các kế hoạch hành động, dự án cụ thể tạo động lực cho phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng về phát triển bền vững để cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia sâu hơn trong nền kinh tế xanh, chuỗi cung ứng du lịch xanh, lối sống xanh, tiêu dùng xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống tạo nên đời sống chất lượng cao, hòa hợp với thiên nhiên.

             Chuỗi cung ứng du lịch có vai trò quan trọng trong việc định hình phát triển du lịch bền vững. Do đó, trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước. Do vậy, cần phải xây dựng các chương trình giáo dục, truyền thông để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện phát triển du lịch bền vững.

             – Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển bền vững

             Thực tế cho thấy, phát triển du lịch bền vững đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư cho đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo nhân lực… đây là nhân tố quan trọng thực hiện bền vững. Trong khi đó, nguồn lực trong nước, đặc biệt là ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế. Do đó, cần phải xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính xanh để hỗ trợ thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

             Đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng xanh, đẩy mạnh việc triển khai cung ứng vốn cho các doanh nghiệp phát triển xanh, bảo vệ môi trường. Tạo sự tin tưởng của khối tư nhân để huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

             – Xây dựng cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch

             Tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực du lịch. Đây sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở dịch vụ ăn uống, phương tiện vận chuyển khách du lịch…tại các điểm đến mạnh dạn thay đổi công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm bằng các công nghệ mới với năng suất, hiệu quả cao hơn và giảm lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường.

             Đầu tư vào chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; phát triển du lịch thông minh; quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch, kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm trên cơ sở ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số. Đầu tư hệ thống hạ tầng ứng dụng thanh toán điện tử trên cơ sở hợp tác với hệ thống ngân hàng, nhằm khai thác ứng dụng thanh toán điện tử trong hoạt động du lịch trên các thiết bị thông minh.

             – Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu:

             Tăng cường công tác quản lý nhà nước, địa phương thúc đẩy việc lồng ghép bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong chiến lược, quy hoạch du lịch tại các điểm đến; Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

             Đầu tư vào việc bảo vệ môi trường du lịch, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh, trật tự và văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch; đầu tư tăng cường năng lực của các cơ sở dịch vụ du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu; năng lực phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững.

             Để nâng cao hiệu quả quản lý du lịch và bảo vệ môi trường thì cần thiết phải: (1) Nghiên cứu xây dựng, tính toán sức chứa điểm đến: xác định được mức độ sử dụng hoặc phát triển du lịch tối đa mà điểm đến có thể hấp thu (chấp nhận) mà không tạo ra sự phá hủy môi trường tự nhiên và các vấn đề kinh tế – xã hội đồng thời không làm giảm chất lượng và trải nghiệm thu nhận của khách tại điểm đến; (2) Nghiên cứu xác định ngưỡng chịu tải môi trường tại điểm đến (Sức chịu tải môi trường): Xác định giới hạn chịu đựng của môi trường đối với những tác động từ hoạt động du lịch tại điểm đến để môi trường có thể tự phục hồi. Việc xác định được các ngưỡng này sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý điểm đến, các doanh nghiệp du lịch quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, bảo vệ nguồn vốn tự nhiên cho thế hệ mai sau.

             – Nâng cao năng lực thực hiện phát triển du lịch bền vững:

             Cần phải có bộ máy đủ năng lực, kinh nghiệm về phát triển du lịch theo hướng bền vững từ trung ương xuống địa phương để triển khai thực hiện các kế hoạch hành động phát triển du lịch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và có báo cáo đánh giá kết quả hàng năm để từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình phát triển, đảm bảo phát triển theo đúng định hướng, mục tiêu phát triển bền vững mà ngành du lịch đã đề ra.

             Đào tạo, đào tạo lại và tập huấn cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch về nội dung phát triển du lịch bền vững, phát triển thị trường dịch vụ tư vấn kỹ thuật và giải pháp quản lý bền vững môi trường cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm các nước phát triển điển hình về phát triển du lịch bền vững.

             Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch đảm bảo phát triển du lịch tại các điểm đến theo hướng bền vững.

             – Phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường:

             Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hướng vào phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, thân thiện với môi trường, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên và bối cảnh kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh du lịch vùng.

             Đầu tư bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của các tỉnh trong vùng, khai thác hiệu quả trong phát triển du lịch; đầu tư khai thác giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch nổi bật vùng Bắc Trung Bộ.

             Đổi mới hệ thống trang thiết bị tiêu thụ năng lượng trong các cơ sở du lịch hướng tới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đầu tư hệ thống công nghệ tái chế, tái sử dụng hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Gắn tất cả các loại hình du lịch của vùng Bắc Trung Bộ như: Du lịch di sản văn hóa, du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch hang động, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh…với hoạt động du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội đảm bảo tất cả các loại hình, sản phẩm du lịch khai thác có trách nhiệm với môi trường. Trách nhiệm bảo vệ môi trường cần được lan rộng và xâm nhập vào tất cả các loại hình du lịch.

             Ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao mạo hiểm. Đối với các cơ sở lưu trú du lịch tăng cường đổi mới công nghệ trong quản lý sử dụng hiệu quả năng lượng, sử dụng thiết bị tiết kiệm nước và tái chế nước thải, rác thải. Đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nước hiệu quả, thu gom và xử lý chất thải, nước thải. Đối với các phương tiện vận chuyển khách, sử dụng các phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu thấp, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

             – Công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng:

             Đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, khai thác sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội. Xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng, địa phương, doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch. Đầu tư cho công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về giá trị của du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch văn hoá thông qua các chương trình giáo dục môi trường, tìm hiểu về cội nguồn và các tuyên truyền mang tính xã hội sâu rộng.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Thủ tướng Chính phủ, 2020. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt tại QĐ số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020.
    2. Thủ tướng Chính phủ, 2021. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại QĐ số 1658/QĐ-TTg ngày 01-10-2021.
    3. ThS. Nguyễn Quốc Hưng và đồng nghiệp, 2022. Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Bắc Trung Bộ.
    4. Tổng cục Thống kê, 2020. Niên giám thống kê năm 2020.

    ThS. Nguyễn Quốc Hưng

    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục