Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khai thác thế mạnh và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

    Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một bộ phận của châu thổ sông Mê Công, gồm 13 tỉnh, thành phố (An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long) với diện tích khoảng 40.000 km2, dân số gần 18 triệu người. ĐBSCL có cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, kết hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch ĐBSCL đã xác định phát triển loại hình du lịch sông nước, sinh thái và miệt vườn.

    Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 340km đường biên giới trên bộ giáp Cam-pu-chia. Đây là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp Biển Đông và Biển Tây, với bờ biển dài 750km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước; hơn 360 ngàn km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo, đặc biệt là đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam. Với vị trí này, Đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện giao thương với các nước Đông Nam Á và đường hàng hải quốc tế, là vùng đất giàu tiềm năng du lịch.

              Tiềm năng phát triển du lịch đặc trưng của ĐBSCL

    ĐBSCL có tiềm năng về phát triển du lịch đặc trưng với 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, giao thoa cùng núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hùng vĩ. Đó là rừng dừa Bến Tre; Tràm Chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp); chợ nổi Cần Thơ – Tiền Giang với các loại trái cây; biển đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang); rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau, rừng tràm Trà Sư, núi Cấm – Châu Đốc (An Giang)…

    Rừng tràm Trà Sư (An Giang)

    Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là: “du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đảo…”. Theo đó, Đề án Phát triển du lịch khu vực ĐBSCL đến năm 2020 đã chia thành 4 cụm du lịch, trong đó, cụm trung tâm gồm TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan vùng sông nước, du lịch lễ hội, du lịch với mục đích thương mại, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Cụm duyên hải phía Đông gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo như du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm hai tỉnh Long An và Đồng Tháp với các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.

            Tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

    Trong bối cảnh chung với ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, Theo kết quả thống kê, năm 2019, vùng ĐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách, kế hoạch đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, do đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ngành du lịch là một trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Điển hình như cụm phía Tây gồm 7 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong năm 2019, tổng lượt khách đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của vùng ĐBSCL; doanh thu đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2021, lượng khách cụm phía Tây chỉ đạt 11.700 ngàn lượt, doanh thu giảm sốc chỉ còn dưới 10 nghìn tỷ đồng. Còn tại cụm phía Đông, 1.400 cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động; 6.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch bị mất việc hoặc giảm thu nhập. Đơn cử như tỉnh Tiền Giang, tổng lượng khách du lịch giảm 87%, doanh thu chỉ đạt 250 tỷ đồng, giảm 78%. Việc phát triển sản phẩm đặc trưng Vùng ĐBSCL và TP.HCM cần tập trung để đảm bảo việc phục hồi và phát triển du lịch linh hoạt, thích ứng an toàn và hiệu quả đồng thời giới thiệu những sản phẩm du lịch mới mang đậm dấu ấn của vùng Nam bộ.

    Hiện nay, các sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL khá đặc trưng, đa dạng và phong phú, bao gồm: sản phẩm du lịch ở các sinh cảnh hệ sinh thái đất ngập nước điển hình; du lịch sông nước gắn với làng nghề, trải nghiệm cuộc sống người dân; du lịch văn hóa gắn với lễ hội tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng biển – đảo gắn với thể thao và du lịch gắn với cửa khẩu. Trong những loại hình du lịch trên thì du lịch sinh thái gắn với miệt vườn được ưu tiên phát triển dựa trên yếu tố thiên nhiên và nền văn hóa đậm đà bản sắc văn minh lúa nước. Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng cũng đáp ứng được xu thế “toàn cầu” về du lịch và quốc tế, là hướng tiếp cận phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL.

    Có thể thấy, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng ở vùng ĐBSCL không thể tách rời với phát triển du lịch miệt vườn. Du lịch miệt vườn cung cấp sản phẩm du lịch cho du khách dựa trên nền tảng các vườn cây ăn trái tập trung, có quy mô tương đối lớn và gắn với cảnh quan sông nước. Những địa phương có điều kiện phát triển du lịch miệt vườn chủ yếu tập trung ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre – nơi gắn liền với những địa danh nổi tiếng như cồn Thới Sơn, cù lao An Bình, cồn Phụng, cồn Tân Phong, cồn Ngũ Hiệp… với những dãy cù lao trù phú bốn mùa cây trái chạy dần ra tận biển Đông, hay những miệt vườn xanh mướt nằm ôm lấy hai bờ hữu, tả ngạn sông Tiền.

    Trên thực tế, các địa phương ở vùng ĐBSCL đã liên kết tạo thành nhiều sản phẩm đặc trưng như thưởng thức các loại trái cây đặc sản, đi đò trên kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người dân vùng sông nước Nam bộ, các dịch vụ tát mương bắt cá, tham quan cù lao bằng xe thô sơ… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, ĐBSCL đang đối diện với những vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động du lịch, cũng như công tác vệ sinh môi trường phục vụ du lịch, suy giảm tài nguyên và sự tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường sá, nước ngọt, nước sạch phục vụ du lịch còn thiếu; các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, liên kết; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch còn hạn chế.

    Sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm hướng tới mục tiêu chính là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên cho con người. Để du lịch đặc trưng vùng ĐBSCL phát triển mạnh, trong thời gian tới, ngành du lịch của ĐBSCL cần đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo, bảo tồn cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch, không ngừng đổi mới các loại hình nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách. Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, có chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề để phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, thực hiện chiến lược phát triển du lịch của vùng trong tương lai.

    Một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Tổ chức triển khai điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, phân tích, tổng hợp… tiềm năng đặc trưng của vùng, của từng tỉnh trong vùng về văn hóa, lịch sử, con người Tây Nam Bộ, lễ hội truyền thống, danh thắng, các điểm đến, tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc trưng… Trên cơ sở đó, xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng từng tỉnh, thành phố trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo được thế mạnh của vùng. Từng địa phương trong vùng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức thu hút cao, đa dạng, phong phú ở từng địa phương và liên kết cả vùng, không trùng lắp. Không ngừng nâng cao, cải tiến chất lượng sản phẩm du lịch.

    Nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch ở các điểm đến, tour, tuyến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nơi mua sắm… tạo những sản phẩm du lịch đặc trưng ấn tượng tốt cho du khách. Xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, khoa học trong từng địa phương và liên tỉnh trong vùng ĐBSCL với lộ trình hợp lý, hài hoà, hấp dẫn, chú trọng các tour, tuyến đi tham quan biển đảo.

    Tăng cường liên kết hợp tác, phối hợp, xây dựng các những tour, tuyến du lịch nội vùng, liên địa phương, liên vùng hấp dẫn trên cơ sở khai thác đặc trưng của từng địa phương, từ khu vực. Đầu tư có chọn lọc các sản phẩm trọng điểm tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt, không phủ nhận lẫn nhau, góp phần tạo dựng năng lực cạnh tranh cho du lịch toàn vùng.

    Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng thích ứng, phù hợp với biến đổi khí hậu. Vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn như gia tăng dân số, nước biển dâng, xói lở, mặn xâm nhập… Do đó, bất kỳ một sự thay đổi thất thường nào của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đều dẫn đến sự biến đổi mạnh mẽ của một loạt các vấn đề liên quan, như: Xâm nhập mặn, suy giảm diện tích đất canh tác cũng như ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của nhân dân, các hệ sinh thái đặc trưng của vùng và tất nhiên ngành Du lịch của vùng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thấp nhất tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, vệ sinh môi trường,…

    Đầu tư về cơ sở hạ tầng cho ngành Du lịch của Vùng. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là một phần quan trọng góp phần đưa ngành Du lịch của Vùng phát triển. Từ đó, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch và thỏa mãn nhu cầu du lịch của du khách. Hiện tại, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ĐBSCL đang ngày càng hoàn thiện, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trong tương lai. Cần đẩy mạnh đầu tư công hoàn thành chuẩn bị các điều kiện thi công cầu Rạch Miễu 2; nghiên cứu khả thi đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ; sớm hình thành mạng lưới giao thông nội vùng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng miền Đông và Tây Nguyên. Bên cạnh các tuyến đường thủy đã có, đầu tư phát triển các tuyến đường bộ, đường hàng không, tạo thuận lợi cho các hoạt động du lịch và giao thương nói chung. Đầu tư cơ sở hạ tầng: Đường xá, nơi lưu trú, dịch vụ công, khu thương mại, phương tiện… là một điều hết sức cần thiết, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng ĐBSCL.

    Nghiên cứu mở rộng thêm đường bay kết nối Càng hàng không quốc tế Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau và Cảng hàng không Rạch Giá, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cơ bản nâng cấp tất cả các cảng hàng không trong vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển du lịch. Đảm bảo phát huy vai trò khu vực động lực có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn Vùng.

    Khai thác có chọn lọc đa dạng hóa loại hình du lịch tại các khu dự trữ sinh quyển, khu du lịch sinh thái, phát huy các giá trị văn hóa và truyền thống của các làng nghề truyền thống và văn hóa sông nước, tạo điểm nhấn khác biệt cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc phát triển sản phẩm cũng như quảng bá điểm đến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cho khách du lịch.

    Bảo tồn và phát triển các giá trị cốt lõi để phát triển mạng lưới sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng gắn với thương hiệu về du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Tạo nền tảng cho việc đa dạng hóa, tăng cường tính hấp dẫn, phát triển bền vững dựa trên những lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, và của Vùng.

    Xây dựng và phát triển các công ty du lịch ngang tầm với quy mô và tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL, có thương hiệu mạnh và uy tín lớn, có mạng lưới phục vụ du lịch rộng khắp vùng và hiệu quả cao. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa các công ty du lịch, các trung tâm du lịch cả nước, các nước Đông Nam Á với ĐBSCL nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng sông nước Cửu Long.

    Chủ động và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch đặc trưng cho toàn vùng và từng địa phương bằng nhiều hình thức và phương tiện thông tin: TV, báo, đài, website, sách, tờ gấp, bản đồ, CD, Lễ hội, hội thảo, hội chợ, triễn lãm… cả trong nước và nước ngoài nhằm thu hút du khách.

    Nhà nước cần có cơ chế đặc trưng, chính sách hỗ trợ cần thiết nhằm khuyến khích phát triển du lịch ĐBSCL.

    Du lịch ĐBSCL với tiềm năng lớn, định hướng tốt và nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương hy vọng sẽ phát triển nhanh, bền vững, góp phấn xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của vùng, địa phương và của đất nước./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
    2. Lê Hoàng Anh, Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu chuỗi giá trị trong phát triển du lịch ứng dụng cho khu vực đồng bằng sồng Cửu Long” 2018-2019
    3. Thanh Trà, Du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long: Phục hồi và bứt phá, Trang thông tin kinh tế-xã hội của TTXVN
    4. https://baochinhphu.vn/phe-duyet-quy-hoach-vung-dong-bang-song-cuu-long-102220302211708981.htm
    5. https://bvhttdl.gov.vn/dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-manh-cac-san-pham-du-lich-dac-thu-vung-song-nuoc-20210325103402282.htm
    6. https://vov.vn/doi-song/du-lich/du-lich-dong-bang-song-cuu-long-kho-khan-bua-vay-763897.vov

    ThS. Trần Thị Lan

    Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo và QLKH

    Bài cùng chuyên mục