Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khai thác lợi thế phát triển du lịch trong bối cảnh Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN

    Vai trò của Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN
    Bắt đầu từ ngày 01/01/2020, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Ngày 06/01/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã tổ chức “Lễ khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020”. Trong gần 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn là quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển ASEAN. Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN (Toan, 2019). Cùng với Indonesia và Singapore, hiện nay Việt Nam được các nước lớn coi là một trong ba nước có khả năng “dẫn dắt” ASEAN (hay Nhóm chủ chốt của khu vực). Việt Nam xây dựng chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” (Tạp chí Cộng sản, 2020).

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức tiếp nhận chiếc búa tượng trưng cho chức Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: VGP

    Trong năm 2019, nhiều sự kiện đã diễn ra với sự điều phối của Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN. Từ ngày 09 đến 10/01/2020, Hội nghị của Ủy ban tham vấn Thuận lợi hóa Thương mại ASEAN lần thứ 16 (ATF-JCC 16) đã được tổ chức tại Hà Nội. Tiếp đó, Hội nghị các quan chức kinh tế cao cấp ASEAN lần thứ nhất năm 2020 (SEOM 1/51) đã được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14/01/2020 tại Hà Nội. Ngày 14/02/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tổ chức phiên họp ngày 20/02/2020 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các đối tác ứng phó với dịch bệnh. Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó đại dịch COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến vào ngày 14/4/2020 là sự thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ về COVID-19 vào ngày 23/4/2020. Tiếp đó, Hội nghị trực tuyến Nhóm làm việc Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM WG) đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12/5/2020. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2020, Việt Nam đã triển khai, điều chỉnh, bổ sung các hoạt động, sáng kiến trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020 dưới tác động của đại dịch COVID-19 (Tạp chí Cộng sản, 2020).

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu hai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36

    Trong vòng ba tháng tới, Việt Nam sẽ bàn giao vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho Brunei Darussalam. Tại ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt và triển khai tất cả các sự kiện ASEAN bao gồm Hội nghị cấp cao, đối thoại ASEAN mở rộng và các cam kết khác trong “Chương trình nghị sự ASEAN” với số lần hoãn và hủy do dịch COVID-19 rất hạn chế. Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài trong việc thể hiện vai trò một nhà lãnh đạo hiệu quả, đặc biệt với việc chủ động ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, chính sách chống biến đổi khí hậu và sự ổn định chính trị (TTXVN, 2020a).
    Ngành du lịch khai thác lợi thế trong năm chủ tịch ASEAN
    Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa các nước láng giềng, hợp tác du lịch đa phương trong ASEAN là nội dung được quan tâm, thúc đẩy triển khai thường xuyên nhất. Trong cơ chế hợp tác đa phương ASEAN, du lịch được họp bàn qua ba cấp độ: (1) Hội nghị Bộ trưởng Du lịch với cấp tham dự là Bộ trưởng/Thứ trưởng; (2) Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia (NTO) với cấp tham dự là Lãnh đạo Tổng cục (với các nước có Bộ đa ngành phụ trách du lịch và không có Cơ quan du lịch quốc gia riêng, cấp tham dự là Thứ trưởng) và (3) Phiên họp các Ủy ban và Nhóm công tác hợp tác du lịch ASEAN, cấp tham dự là Lãnh đạo Vụ (TCDL, 2020a). Hiện nay du lịch Việt Nam đóng vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (nhiệm kỳ 2020-2021), phụ trách thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP). Việt Nam thường xuyên thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và kết nối du lịch chặt chẽ với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong các khuôn khổ đa phương và song phương. Du lịch Việt Nam luôn chủ động trong các dự án, chương trình của ASEAN để mở rộng kết nối, tranh thủ nguồn lực của các quốc gia, tổ chức đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEANTA, ATRA, US-ABC,… Du lịch Việt Nam đã hai lần đăng cai Diễn đàn Du lịch ASEAN và nhiều lần đảm nhiệm vai trò quan trọng như Trưởng nhóm công tác Marketing và Truyền thông du lịch ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Nguồn lực, Giám sát và Đánh giá du lịch ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban phát triển du lịch bền vững và bao trùm ASEAN và hiện đang là Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN. Trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, du lịch Việt Nam đã đại diện cho ASEAN tham dự các hội nghị, hoạt động về du lịch của khuôn khổ hợp tác G20. Với nỗ lực xây dựng thương hiệu toàn diện, du lịch Việt Nam đã sử dụng biểu tượng nhận diện của ASEAN nói chung và du lịch ASEAN nói riêng tại các sự kiện, hội nghị, hội thảo về du lịch của ASEAN được đăng cai tại Việt Nam và trên các trang truyền thông, mạng xã hội của ngành du lịch (TCDL, 2020b). Ngành du lịch cũng ưu tiên công việc chủ trì xây dựng và triển khai Tuyên bố chung về Du lịch số ASEAN, dự kiến sẽ được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua trong tháng 11/2020 nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (TCDL, 2020d).
    Đề xuất cho việc chuẩn bị sẵn sàng để phát triển du lịch trở lại
    Năm 2020, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị liên quan. Đây là hội nghị cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm tồn tại và phát triển của hiệp hội. Tại Hội nghị, 10 nước ASEAN thể hiện sự đồng lòng, nhất trí phối hợp để ứng phó hiệu quả với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội trong khu vực (TTXVN, 2020b). Với ý nghĩa đó, trong giai đoạn hiện nay, du lịch Việt Nam cần tăng cường quan hệ hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, thúc đẩy quảng bá du lịch, tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả MRA-TP nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam và tạo điều kiện chuyển dịch lao động trong ASEAN. Trong năm 2020, thông qua các diễn đàn hợp tác du lịch trực tuyến của ASEAN, G20, APEC, GMS, ngành du lịch đã chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm mở cửa lại du lịch, đón khách nội địa và quốc tế từ nhiều quốc gia trên thế giới.
    Việt Nam đã và đang tham gia tích cực trong công tác chia sẻ thông tin, xây dựng và triển khai chính sách du lịch. Điển hình là phối hợp với các Bộ ngành, Cơ quan Du lịch quốc gia của các nước ASEAN và đối tác xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động du lịch ASEAN. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục hiện thực hóa sáng kiến và các dự án thúc đẩy các hoạt động hợp tác, trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực du lịch văn hóa, du lịch di sản trong thời đại số với sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác như UNESCO, UNWTO, PATA, WTTC… thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề tại các quốc gia ASEAN.
    Mở rộng hợp tác với các tổ chức liên kết vùng du lịch như CLV, CLMV, ACMECS, GMS… và tăng cường tham gia các diễn đàn quốc tế và sự kiện lớn của UNWTO, PATA… để phát triển sản phẩm du lịch bền vững và có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần tham gia du lịch đồng thời bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hiệp quốc (TCDL, 2020b).

    Kết luận
    Trong năm chủ tịch ASEAN, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam đã cải thiện đáng kể hình ảnh năng động và tổ chức, điều phối có hiệu quả các phiên họp và ứng phó với đại dịch, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vận động chính sách với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Thị trường ASEAN và Đông Bắc Á là thị trường nguồn quan trọng của Việt Nam. Việt Nam đã và sẽ khẳng định sự sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của du lịch quốc gia, khu vực và quốc tế.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:
    1. Tạp chí Cộng sản. (2020). “Năm ASEAN – Việt Nam” kỳ vọng về những dấu ấn Việt Nam. Tạp Chí Cộng Sản. http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/817132/“nam-asean—viet-nam”-ky-vong-ve-nhung-dau-an-viet-nam.aspx
    2. TCDL. (2020a). Báo cáo hợp tác du lịch ASEAN phục vụ Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37.
    3. TCDL. (2020b). Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 161 của Thủ tướng Chính phủ.
    4. TCDL. (2020c). Đánh giá công tác hợp tác quốc tế.
    5. TCDL. (2020d). Phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
    6. Toan, L. V. (2019). Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Bối cảnh, thời cơ, thách thức, và sự chuẩn bị. Lý Luận Chính Trị, Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, 11.
    7. TTXVN. (2020a). The ASEAN Post đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong ASEAN. TTXVN. http://baovanhoa.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/34566/the-asean-post-danh-gia-cao-vai-tro-dan-dat-cua-viet-nam-trong-asean
    8. TTXVN. (2020b). Việt Nam khẳng định vai trò Chủ tịch ASEAN chủ động và đầy trách nhiệm. TTXVN. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/viet-nam-khang-dinh-vai-tro-chu-tich-asean-chu-dong-va-day-trach-nhiem-1491866853

    Tố Linh

    Bài cùng chuyên mục