Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xu hướng kết nối di sản thế giới ASEAN trong thời đại số và quảng bá du lịch di sản Việt Nam

    1.Di sản chung của ASEAN
    Di sản thế giới được UNESCO công nhận tại các nước ASEAN là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, thể hiện tính đa dạng về nghệ thuật, kiến trúc và thống nhất trong giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, xã hội. Theo báo cáo điều tra về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), di sản của khu vực ASEAN là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng. Tính tới nay, các quốc gia ASEAN có 38 di sản được công nhận trên toàn cầu được ghi trong danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO). Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia dẫn đầu danh sách các quốc gia có nhiều di sản nhất (8 di sản), tiếp theo là các quốc gia có số di sản thấp hơn, lần lượt là Philippines (6), Thái Lan (5), Malaysia (4), Campuchia (3), Lào (2), Myanmar và Singapore mỗi nước có 1 di sản. Những điểm đến du lịch gắn với các di sản thế giới đều luôn có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Du lịch di sản thế giới phát triển góp phần làm giàu cho kinh tế địa phương và cũng là động lực để cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ di sản. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), tổng số khách quốc tế đến ASEAN năm 2016 đạt 116 triệu lượt, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 123 triệu, đến năm 2025 là 152 triệu và đến năm 2030 là 187 triệu. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến tăng trưởng bền vững dài hạn, toàn diện và hội nhập hơn về mặt kinh tế – xã hội, cần phải có phương pháp tiếp cận chiến lược, giải quyết những thách thức đối với sự phát triển điểm đến du lịch ASEAN có năng lực cạnh tranh cao. Điều này có nghĩa là cần thiết phải giải quyết các vấn đề về kết nối chính, qua biên giới, đầu tư, điểm đến và phát triển sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và an ninh, cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt nhất là việc quản lý các nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên và văn hóa phát triển du lịch. Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025 đã xác định chương trình số 2: Đảm bảo an toàn và an ninh, ưu tiên bảo vệ và quản lý các di sản, trong đó cần phải có sự phối hợp giữa ASEAN, các cơ quan và tổ chức chính quyền để hỗ trợ bảo vệ và quản lý các di sản.

    2.Kết nối du lịch di sản ASEAN trong thời đại số
    Cam kết của ASEAN liên quan đến di sản văn hóa được nêu trong Tuyên bố thống nhất ASEAN về đa dạng văn hóa: Hướng tới củng cố cộng đồng ASEAN nhằm thúc đẩy sáng kiến “Tư duy ASEAN” (Think ASEAN) với ý nghĩa như là khuôn khổ để thiết kế các chính sách khu vực về đa dạng văn hóa. Trước những thách thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa – linh hồn của mỗi quốc gia – cùng với những rào cản trong việc tăng cường hiểu biết đa văn hóa giữa các quốc gia, các nhà khoa học, nhà quản lý du lịch đại diện cho cơ quan du lịch quốc tế (UNWTO), cấp khu vực (ASEAN), cấp quốc gia (Bộ quản lý du lịch các nước thành viên) và đại diện UNESCO Trụ sở chính và Việt Nam, và các đối tác như National Geographic, Đại học Sejong, Đại học Western Sydney… đã tham gia thảo luận tại một hội thảo quốc tế trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 (ATF 2019). Hội thảo đã kêu gọi kết nối mạng lưới quốc gia và khu vực để phát triển du lịch di sản ASEAN trong thời đại số, với tầm nhìn, chiến lược và hành động cụ thể để phát huy giá trị di sản phát triển du lịch. Theo đó, để kết nối di sản ASEAN trong thời đại số, cần phải có nền tảng mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), nhờ đó có thể gắn kết các bên liên quan để trao đổi thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ, hỗ trợ cho các hoạt động du lịch. Nền tảng CNTT sẽ tạo điều kiện để khách du lịch trực tiếp sử dụng tạo ra trải nghiệm du lịch thời gian thực, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên du lịch ở cả cấp độ vi mô và vĩ mô. Để đạt được mục đích này, một số khuyến nghị đã được đề xuất (Tham luận tại Hội thảo: “Kết nối di sản phát triển du lịch ASEAN trong thời đại số” ngày 16/1/2019 tại Hạ Long của các diễn giả: Ông Peter Debrine: Chuyên gia cao cấp Dự án, Ban Di sản Thiên nhiên Thế giới, Du lịch Bền vững UNESCO – Paris; TS. Seul Ki Lee, Phó Giáo sư, Khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Phó Trưởng Phòng Quan hệ Quốc tế, Đại học Sejong; Ông Con Apostolopoulos, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc cơ quan National Geographic Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông – Hồng Kông; Bà Pham Mai Anh, Tổng Giám đốc công ty ADT Creative):

    Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu và Ông Michael Croft – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo

    Kết nối vật chất:

    • Tích hợp và trao đổi dữ liệu về khách du lịch giữa các điểm di sản để tiếp thị tốt hơn, đầu tư hiệu quả hơn vào các lĩnh vực như tour trọn gói và đầu tư cơ sở hạ tầng
    • Trang web tương tác di sản ASEAN nhằm mục đích quảng bá cho di sản ASEAN: Đảm bảo dễ dàng tìm kiếm thông tin, là nền tảng tương tác đầu tiên giữa khách du lịch và điểm đến du lịch:
    • Nội dung các tour hướng dẫn cần phải có tính thống nhất và chuẩn mực
    • Được hiển thị bằng nhiều ngôn ngữ
    • Giới thiệu đầy đủ và toàn diện các di sản ASEAN
      Kết nối về tinh thần:
    • Tích hợp và trao đổi dữ liệu về khách du lịch trước, trong và sau chuyến đi để hiểu rõ hơn về từng khách du lịch và điều chỉnh
      Kết nối về cảm xúc
    • Xây dựng và củng cố mối quan hệ thân thiết giữa các điểm đến du lịch di sản ASEAN thông qua dữ liệu lớn hơn, hệ thống hơn và mạnh mẽ dựa vào trí tuệ nhân tạo.
    • Sử dụng công cụ tiếp thị các điểm đến và thay đổi hành vi của khách du lịch
      Trung tâm về nội dung:
    • Sản phẩm du lịch di sản ASEAN gắn với nghệ thuật, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, tính lãng mạn và ẩm thực
    • Kết nối thông qua tất cả các kênh thông tin được gọi là hệ sinh thái nội dung (“Content Ecosystem”), bao gồm: Video với các đoạn phim ngắn hoặc phim tài liệu; Văn bản đăng tải kèm theo hình ảnh và video trên Instagram, Facebook hoặc các mạng xã hội khác; Truyền thông số trên các bảng điện tử, bang-rôn để quảng bá thương hiệu, các hoạt động tài trợ, marketing…; Hình ảnh của các giải thưởng, giấy chứng nhận…; Ấn phẩm quảng bá.
      Tăng cường tương tác để khách du lịch trải nghiệm nhiều hơn:
    • Kết nối các phương tiện liên lạc của khách du lịch khi chuyển vùng di động quốc tế
    • Công nghệ 360, còn được gọi là ảnh và video 3600, có thể ghi lại toàn bộ không gian trong 3600 để hỗ trợ chuyến tham quan thực tế ảo. Ví dụ, khách du lịch có thể tham quan các bảo tàng và xem các tác phẩm trưng bày trong bảo tàng nhờ công nghệ 3D tái tạo lại các tác phẩm bằng cách sử dụng ứng dụng di động và thực tế ảo (VR), hoặc tham quan các điểm du lịch qua ứng dụng bản đồ tương tác, sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) và nền tảng GPS.
    • Quảng bá du lịch di sản Việt Nam
      Theo thống kê, tính đến nay Việt Nam đã có trên 40.000 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được kiểm kê (trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.463 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt). Nổi bật trong số đó là 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh (trong đó có 02 Di sản Thiên nhiên Thế giới là Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; và 01 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An; 10 Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới; 4 Di sản Tư liệu thế giới. Ngoài ra, còn có 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, 02 công viên địa chất toàn cầu, 05 Khu đất ngập nước Ramsar được UNESCO ghi danh, 05 Vườn di sản ASEAN.
      Ở Việt Nam, qua số liệu thống kê năm 2017 cho thấy, có trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế) tới thăm quan, nghiên cứu tại 08 di sản thế giới của Việt Nam, với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 2.535 tỷ đồng. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đón trên 3,6 triệu lượt khách (trong đó có 2,4 triệu lượt khách quốc tế và 1,2 triệu lượt khách trong nước); Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 810.000 lượt khách (trong đó có 133 nghìn lượt khách quốc tế, 677 lượt khách trong nước). Đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An, khi thống kê số liệu khách du lịch trong thời gian lập hồ sơ đề cử vào năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2017 đã thu hút trên 4 triệu lượt khách tới tham quan, nghiên cứu.
      Việt Nam đã gia nhập khối Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và chúng ta cần một chiến lược xúc tiến quảng bá hiệu quả cao để khai thác thị trường trọng điểm này cũng như để thu hút vốn đầu tư vào du lịch di sản Việt Nam. Để quảng bá du lịch di sản Việt Nam trong thời đại số, tham luận này xin đề cập xuất những nội dung sau:
      3.1. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành du lịch
    • Xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông mạng wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch di sản và các khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch.
    • Tập trung xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu toàn diện và hiện đại của ngành du lịch.
    • Xây dựng, hoàn thiện kế hoạch ứng dụng CNTT trong kinh doanh và marketing, xây dựng các sản phẩm tour du lịch ảo bằng công nghệ thực tế tăng cường.
    • Tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả mạng xã hội;
    • Số hóa dữ liệu, tăng cường khai thác kho dữ liệu lớn – Big Data.
      3.2. Tăng cường quản lý nhà nước các cấp đối với di sản thế giới
    • Cần phải có quy hoạch, kế hoạch, quản lý hiệu quả, đầu tư thực hiện đúng cam kết với thế giới.
    • Lưu trữ dữ liệu dưới dạng cơ sở dữ liệu tập trung: liên kết hệ thống dữ liệu của các lĩnh vực: lữ hành, quản lý cơ sở lưu trú, quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch và các lĩnh vực khác
      3.3. Kế hoạch hành động
    • Xây dựng công cụ marketing hiệu quả;
    • Sản xuất video quảng bá về di sản Việt Nam;
    • Tổ chức hội thảo và chiến dịch tiếp thị trong nước và quốc tế;
    • Tăng cường truyền thông và hoạt động quan hệ công chúng;
    • Thành lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại nước ngoài;
    • Kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam tại các hội chợ quốc tế;
    • Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch di sản Việt Nam độc đáo, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao;
    • Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng tốt về công nghệ thông tin trong ngành du lịch, lữ hành, khách sạn.
      Từ những đề xuất trên đây, hy vọng rằng sẽ có sự khởi đầu mới trong những nỗ lực hiện thời của các quốc gia ASEAN nhằm thúc đẩy sự kết nối và phát triển của du lịch di sản ASEAN, tôn trọng sự khác biệt để chia sẻ những điểm độc đáo, nhưng cũng hướng tới một sự thống nhất trong quản lý và kết nối di sản một cách có chủ ý trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch, hành trình, quảng bá, bảo tồn di sản và tăng cường đoàn kết trong khu vực ASEAN.
      Tài liệu tham khảo:
    1. ASEAN, Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025, Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia, 2015
    2. http://www.aseanworldheritage.com/p/awh-list_16.html truy cập ngày 19/4/2019
    3. https://aseanup.com/world-heritage-sites-in-southeast-asia/ truy cập ngày 19/4/2019

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục