Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để hội nhập với các xu hướng trong bối cảnh bình thường mới

    TÓM TẮT
    Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh COVID-19 gây thiệt hại nặng nề đến các ngành nghề, lĩnh vực trên thế giới, trong đó có ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo về du lịch áp dụng nhiều giải pháp mới cho công tác đào tạo, tập huấn nhằm hội nhập với khu vực và quốc tế. Bài viết đề cập đến các giải pháp và các xu hướng phát triển trong công tác vận hành và đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay thích ứng với tình hình mới.
    Từ khóa: COVID-19; CMCN 4.0; Du lịch; Đào tạo; E-Learning.

    1. Đặt vấn đề
    Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (COVID-19) đang ảnh hưởng tới toàn bộ các mặt của đời sống xã hội trên toàn cầu, gây tác động rất lớn đến sức khoẻ con người cũng như là ngành kinh doanh khác nhau. Đặc biệt, ngành chịu thiệt hại và trực tiếp nhiều nhất là khối ngành về du lịch, ăn uống, giải trí, thời trang, tiếp theo là các ngành kinh tế, bất động sản, tài chính, truyền thông, quảng cáo. Nhiều công ty du lịch, nhiều chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng hiện đã phải cắt giảm nhân sự vì không có khách; ngành kinh doanh ăn uống cũng thiệt hại nặng nề khi hàng loạt chuỗi cửa hàng của các thương hiệu phổ biến đóng cửa; những con phố ẩm thực nhộn nhịp cũng rơi vào tình trạng vắng khách. Ngoài ra, các biện pháp ngăn chặn dịch như đóng cửa các cơ sở không thiết yếu như vũ trường, karaoke, khu vui chơi… càng làm hoạt động kinh doanh khó khăn chồng chất khó khăn; các thương hiệu cà phê, trà sữa và nhà hàng thức ăn nhanh hầu hết chuyển sang kinh doanh bán mang đi thay vì bán tại chỗ để đảm bảo an toàn sức khỏe.
    2. Tác động của COVID-19 đến ngành Du lịch
    Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (nhiều hơn 19,5% so với cùng kỳ năm 2019); 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất; khi dịch có diễn biến phức tạp trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Sản xuất công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm rưỡi qua. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất với nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Theo khảo sát của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh và hoạt động chung của mọi ngành nghề. Ngành chịu thiệt hại trực tiếp là khối Du lịch, ăn uống, giải trí, thời trang; tiếp theo là bất động sản, tài chính, truyền thông…
    Bên cạnh những chính sách, chỉ đạo của Nhà nước nhằm ngăn chặn, kiểm soát bệnh dịch, tâm lý hoang mang lo sợ là điều không thể tránh khỏi, dẫn đến những thay đổi lớn trong thói quen và hành vi tiêu dùng hàng ngày. Nền tảng khảo sát trực tuyến BEAN Survey đã thực hiện nghiên cứu từ ngày 06 đến ngày 8/2/2020 cho thấy trên 80% trong số 181 người tham gia khảo sát cho rằng COVID-19 nguy hiểm ngang bằng hoặc thậm chí nguy hiểm hơn đại dịch SARS bùng phát năm 2003. Cũng theo kết quả khảo sát, 79% số người trả lời cho biết dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen hàng ngày của họ, làm xáo trộn cuộc sống, công việc và học tập bị đình trệ, ảnh hưởng tới tài chính cá nhân và gia đình. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2 năm 2020 có hơn 1.2 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam, giảm 37.7% so với tháng 1 năm 2020 và giảm 21.8% so với cùng kỳ năm 2019. Đà Nẵng, một trong những điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, có tổng lượng du khách trong quý 1 năm 2020 đạt gần 1.3 triệu du khách từ trong và ngoài nước, giảm 31.2% so với cùng kỳ năm 2019. Các trung tâm kinh tế như Hà Nội và TP.HCM cũng phải đối mặt với số lượng khách du lịch giảm đáng kể.
    3. Những xu hướng phát triển trong tình hình mới
    3.1. Kinh doanh du lịch trực tuyến là xu hướng mới và tất yếu
    Việc quan trọng nhất trong kinh doanh giai đoạn hiện nay là đảm bảo cho khách hàng sức khỏe, sự bình ổn cũng như tạo cho họ cảm giác an toàn và xây dựng lại niềm tin sử dụng lại dịch vụ. Đứng trước áp lực không có doanh thu và phải đóng của do khách hàng ngại tiếp xúc trực tiếp do dịch bệnh, các doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến. Các doanh nghiệp du lịch, nhà cung cấp dịch vụ và thanh toán trực tuyến, các ngân hàng chung sức với nhau nhằm phát triển thị trường, cùng hình thành liên minh để phát triển các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến. Xu hướng đặt phòng, đặt tour du lịch trực tuyến có sự tăng trưởng qua từng năm. Theo khảo sát ngành dịch vụ của Grant Thornton Việt Nam năm 2018 cho thấy tỷ trọng doanh thu từ hình thức đặt phòng trực tiếp cũng như từ các công ty lữ hành, công ty điều hành tour đều giảm so với năm 2017 do một phần được chuyển sang cho kênh đặt phòng trực tuyến. Cũng theo báo cáo này doanh thu từ nguồn Internet chiếm tới 21.4%, đứng thứ hai trong các hình thức với hình thức đặt phòng phổ biến hiện nay.
    Đối với lĩnh vực lưu trú, việc thúc đẩy bán phòng bao giờ cũng là mục tiêu quan trọng và áp dụng hình thức kinh doanh trực tuyến cũng là một chiến lược hiệu quả để thu về lượng doanh thu lớn. Các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đã có những giải pháp liên kết với các hãng lữ hành, hàng không xây dựng các sản phẩm kích cầu; kết hợp với các hãng lữ hành xây dựng gói dịch vụ combo gồm vé máy bay và phòng khách sạn giá siêu ưu đãi; tổ chức ưu đãi, giảm giá sâu với những khách hàng quen thuộc; mở rộng tới đối tượng khách lẻ và khách nội địa; tận dụng thời gian này để tổ chức nâng cao nghiệp vụ tại chỗ… Bên cạnh đó, bộ phận kinh doanh hoạt động liên tục bằng điện thoại và email để duy trì mối quan hệ và tìm nguồn khách hàng thay thế. Doanh nghiệp cũng chủ động thông báo với khách hàng về những nỗ lực của mình trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Mặt khác, dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, thông qua việc cung cấp các gói khuyến mại hấp dẫn.
    3.2. Phát triển hệ thống điều khiển không cần tiếp xúc hay chạm tay
    Đại dịch làm tăng nhu cầu về giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc làm nâng cao thêm tầm quan trọng của tính năng này: đối với lĩnh vực lưu trú, tự động hóa bằng việc mở cửa bằng điện thoại di động thay cho chìa khóa truyền thống, hoặc đối với các phương tiện công cộng cũng có thể sử dụng tính năng này để mở cửa xe, tàu… ngoài ra các điểm đến du lịch cũng có thể áp dụng hình thức này thay cho việc sử dụng vé vào cửa truyền thống. Google Assistant đã cho ra mắt tại Mỹ một ứng dụng khách sạn Google Nest Hub với ý nghĩa như một trợ lý ảo. Trước đó còn có hệ thống trợ lý ảo Alexa của Amazon được áp dụng trong các khách sạn vào năm 2018 khiến cho việc điều khiển các thiết bị trở nên hết sức thuận tiện mà không cần phải chạm tay. Thông qua tính năng kết nối internet hay bluetooth, khách hàng có thể điều khiển được tivi, hệ thống chiếu sáng trong phòng, loa âm thanh, rèm cửa hay thậm chí là máy điều hòa. Ngoài ra khách hàng có thể đặt câu hỏi cho Nest Hub về các thông tin của các cơ sở phục vụ du lịch như giờ mở cửa, hỏi về các thông tin du lịch, đặt báo thức và gửi các yêu cầu khi đang lưu trú hay đi du lịch.
    3.3. Mang không gian ngoài trời vào trong phòng và sử dụng người máy
    Không phải tất cả các CSLTDL hay nhà hàng đều có đủ khả năng phục vụ bữa tối ngoài trời hay thực hiện đầy đủ những quy tắc giãn cách xã hội. Giải pháp cho vấn đề này là mang không gian ngoài trời vào trong phòng và sử dụng công nghệ máy móc để phục vụ khách hàng (thuyết minh du lịch, giao đồ ăn, cho khách tại phòng theo yêu cầu…).
    Hầu hết các CSLTDL đều tối đa hóa sử dụng không gian mở, nơi khách có thể cảm thấy an toàn hơn trong đại dịch, bằng cách di chuyển bàn ăn và các hoạt động thể dục ngoài trời. Trong tương lai, các doanh nghiệp có thể khiến cho khách du lịch có thể thấy nhiều màu xanh của cây cỏ ngay cả khi ở trong phòng bằng cách tận dụng hiệu ứng êm dịu của thiên nhiên. Phòng họp và khu vực tổ chức sự kiện có thể trình chiếu kỹ thuật số hình ảnh của thiên nhiên, bổ sung thêm hệ thống lọc không khí tạo ra làn gió nhẹ và tia cực tím diệt trùng. Bên cạnh đó, việc thiết kế xanh (biophilic design) đã có hiệu quả ở những nơi có tường cây xanh, chậu cây hoặc vườn rêu trong các phòng nghỉ và khu vực chung, như tại khách sạn 1 Hotel Brooklyn Bridge ở Brooklyn, New York.
    3.4. Thay đổi thiết kế của không gian lưu trú
    Phòng lưu trú của khách sẽ không chỉ là nơi để nghỉ ngơi mà còn được kết hợp nhiều chức năng như phòng tập thể dục, phòng ăn và văn phòng. Điều này đòi hỏi có thiết kế phù hợp hơn để đáp ứng những chức năng này. Những căn phòng đa năng hơn trong tương lai có thể gồm không gian ăn uống linh động, phòng tập thể dục mở rộng… Nhóm nghiên cứu của Gettys Group đã đề xuất một chiếc giường công nghệ cao có thể theo dõi giấc ngủ thông qua các cảm biến trên nệm và gối, cung cấp dữ liệu đó tới thiết bị di động của khách, cho phép phân tích chất lượng giấc ngủ của khách vào buổi sáng.
    3.5. Phát triển hệ thống khách sạn di động
    Tại Mỹ, đã có phát minh các phương tiện và cơ sở vật chất trong phòng ngủ, phòng tắm và nhà bếp có thể di chuyển. Các công ty cho thuê xe chở khách đã đầu tư nghiên cứu việc đưa đón khách từ khách sạn đến những địa điểm khác nhau như đến các khách sạn liên kết để sử dụng hồ bơi, dùng bữa hoặc để được dọn phòng.
    4. Giải pháp
    4.1. Giải pháp chung cho doanh nghiệp trong giai đoạn mới
    Để vượt qua giai đoạn khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hiện các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành và dịch vụ lưu trú đang thực hiện các giải pháp đồng loạt giảm giá sâu, cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi tiêu… Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các chính sách cho người lao động, tổ chức lại bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ và áp dụng các tiến bộ của công nghệ vào hoạt động vận hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả tại các cơ sở lưu trú, có như vậy mới có thể lấy lại niềm tin, thu hút khách quay trở lại.
    Để giúp du khách an tâm lưu trú tại hệ thống, nên bố trí nhân viên y tế luôn túc trực tại các nơi đón tiếp để kiểm tra thân nhiệt và các dấu hiệu lâm sàng. Nhân viên đón tiếp hỗ trợ khai báo y tế, ghi nhận hành trình, lý lịch trước khi phục vụ. Không chỉ riêng khách hàng, tất cả nhân viên cơ sở kinh doanh đều trải qua những bước kiểm tra cơ bản trước giờ làm mỗi ngày
    Hiện nay các công ty du lịch, doanh nghiệp lưu trú, nhà hàng không nên cung cấp nhiều sản phẩm như trước kia nữa, nhưng vẫn phải duy trì một số các hoạt động kinh doanh thiết yếu về lưu trú cũng như là về ăn uống để không bị đình trệ hoạt động. Các kế hoạch ứng phó được thực hiện xuyên suốt và song song với những kế hoạch tạo sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ và có thể đón khách ngay khi hết dịch. Những lĩnh vực bị ảnh hưởng phải chấp nhận tình trạng ngủ đông để tránh thiệt hại.
    Đặc biệt, thể hiện vai trò đồng hành cùng đối tác, du khách với đa dạng chính sách và ưu đãi hấp dẫn. Các công ty du lịch, doanh nghiệp lưu trú, nhà hàng nên thực hiện chiến lược tiết kiệm chi phí một cách hiệu quả và bổ sung thêm các loại dung dịch sát khuẩn để nhân viên và khách hàng rửa tay, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cho nhân viên và khách hàng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Thực hiện đeo khẩu trang đồng loạt và đo nhiệt độ. Với khách hàng, các cơ sở kinh doanh cần thực hiện đồng loạt các biện pháp như: khai báo y tế; đo nhiệt độ; phát khẩu trang và dung dịch rửa tay khô miễn phí; khu vực thang máy, tay nắm cửa, phòng lưu trú luôn được khử trùng hàng ngày để tránh lây nhiễm chéo…
    Giai đoạn hiện tại các doanh nghiệp nên cơ cấu lại hệ thống nhân sự, sản phẩm cho tinh gọn và tiết kiệm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết sản phẩm, cách phân phối, tập trung vào các thị trường mục tiêu để có thể hồi phục nhanh hơn.
    Bộ phận chịu trách nhiệm công tác nghiên cứu, tìm kiếm sản phẩm; kế hoạch, kế toán, tài chính; đào tạo nhân lực cần phải chuẩn bị cho kế hoạch hồi phục sau dịch. Tạm ngưng một số hoạt động liên quan đến dịch vụ ăn uống và dịch vụ lưu trú như là đóng của các nhà hàng vào những khung giờ cố định. Phân bổ đều nhân viên trong cho các bộ phận tránh tình trạng phải cắt giảm nhân viên.
    4.2. Giải pháp nhằm cải tiến chất lượng đào tạo thích ứng với việc áp dụng những biện pháp thay đổi mới
    – Phát triển nguồn nhân lực với khả năng ứng dụng những tiến bộ công nghệ để thực hiện việc du lịch thông minh:
    Để làm chủ được những công nghệ mới thì đội ngũ nhân sự hiện nay cần phải nắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần phải đảm bảo có được một đội ngũ quản lý có trình độ chuyên môn cao để có thể rèn luyện những kỹ năng cho đội ngũ nhân viên của mình. Cập nhật thường xuyên các kiến thức mới về du lịch thông minh và công nghệ số, nghiệp vụ thương mại điện tử.
    Tăng cường tổ chức nhiều hoạt động liên kết, phối hợp giữa các đơn vị là cơ quản quản lý nhà nước với các hiệp hội nghề nghiệp như: Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch ASEAN (FATA), Hội đồng Du lịch quốc tế (WTTC),… tổ chức các diễn đàn, hội thảo, đối thoại giữa doanh nghiệp, chuyên gia; tổ chức các hoạt động thường kỳ như Hội chợ Du lịch Quốc tế (ITE), Diễn đàn Du lịch ASEAN,… nhằm chia sẻ những kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, việc hợp tác liên ngành giữa ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn và ngành công nghệ thông tin, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nhân lực.
    Đặc biệt đội ngũ nhân sự quản lý của các doanh nghiệp kinh doanh Du lịch và lực lượng lao động lành nghề cần được tạo cơ hội tu nghiệp, tham quan học tập kinh nghiệm thực tế mô hình tiên tiến trên thế giới, cần tham khảo một số mô hình tiến bộ áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh và đào tạo nhân lực trong khu vực và thế giới như các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ,…
    – Ứng dụng công nghệ và nguồn lực lao động có kỹ năng trong phục vụ khách du lịch: Ứng dụng nền tảng tri thức số và tài nguyên mở để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phục vụ khách du lịch cho người lao động. Sử dụng các xu hướng mới của ứng dụng, công nghệ vào hoạt động vận hành, phục vụ khách (những xu hướng đã đề cập ở trên).
    – Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo:
    Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, bên cạnh việc cập nhật chương trình đào tạo để cung cấp cho sinh viên, học viên có những kiến thức phù hợp với bối cảnh phát triển của xã hội và yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao thì còn phải tiếp cận với các doanh nghiệp để nắm rõ các yêu cầu trong tuyển dụng. Áp dụng hình thức đào tạo học kỳ doanh nghiệp: doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phối hợp để thực hiện đào tạo trực tuyến và trực tiếp. Người học vừa có thể học nghề ở doanh nghiệp và đồng thời học ở trường. Bên cạnh đó, khuyến khích mỗi cá nhân người học phải có ý thức tự trau dồi năng lực ngoại ngữ, tin học và tích cực rèn luyện để có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của xã hội thời đại 4.0. Các cơ sở giáo dục đào tạo cần lồng ghép thêm nhiều kỹ năng về tin học, truyền thông đa phương tiện để người học có được những kỹ năng thiết yếu trong thời đại mới.
    – Ứng dụng hình thức học tập trực tuyến (E-learning) trong hoạt động đào tạo là xu hướng để phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay:
    Sử dụng hình thức học tập trực tuyến (E-learning) có thể giải quyết được bài toán về thời gian, chi phí và nhân sự đào tạo. Các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cần có chiến lược và kế hoạch để triển khai áp dụng đào tạo trực tuyến, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, tài liệu học tập phù hợp với phương thức đào tạo mới tuy nhiên vẫn song hành hình thức đào tạo truyền thống và hình thức trực tuyến. Để thực sự chuẩn bị tốt cho công tác đào tạo trực tuyến (E-Learning) thì các cơ sở đào tạo cần phải:
    + Thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến theo hướng mở, phù hợp cho nhiều đối tượng, tham khảo các chương trình đào tạo của các nước phát triển về đào tạo nhân lực du lịch;
    + Đổi mới và áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại trong đào tạo nhân lực du lịch bằng cách đưa lồng ghép chương trình đào tạo trực tuyến vào trong chương trình truyền thống;
    + Cần có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia từ doanh nghiệp và những cơ sở đào tạo tiên tiến để xây dựng bài giảng về các học phần đào tạo trực tuyến. Các cơ sở đào tạo cần có nhiều giải pháp phối hợp, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp chuyên cung cấp công nghệ đào tạo trực tuyến và doanh nghiệp có nhu cầu về nhân lực ứng dụng công nghệ trong vận hành;
    + Đối với đội ngũ giảng viên phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và công tác nghiên cứu. Cụ thể, xây dựng và thường xuyên cập nhật kho học liệu số dùng chung, gồm bài giảng, giáo trình, để thi điện tử, học liệu số, các phần mềm mô phỏng và các học liệu khác cần thiết. Ngoài ra cần có sự liên kết, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo khác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy cho đồng bộ. Triển khai hình thức học tập trực tuyến (E-learning). Triển khai giảng dạy các phần mềm quản lý doanh nghiệp du lịch, khách sạn, lữ hành vào trong quá trình đào tạo học sinh, sinh viên.
    5. Kết luận
    Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy đại dịch toàn cầu với quy mô chưa từng có như COVID-19. Tuy nhiên, đây không phải là dấu chấm hết cho các ngành bị ảnh hưởng. Thế giới sẽ phục hồi sau đại dịch COVID-19 như sau mỗi thảm họa lớn bằng sự chung tay góp sức của cộng đồng. Tuân thủ các giải pháp và các chỉ đạo của Nhà nước là điều cần thiết và cấp bách cho các doanh nghiệp trong ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay, ngoài ra việc áp dụng các tiến bộ của cuộc CMCN 4.0 cũng là giải pháp cần được áp dụng triệt để, bên cạnh đó toàn cầu hóa và CMCN 4.0 đòi hỏi phải ứng dụng nhiều giải pháp mới và cần có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng về cách thức học tập và đào tạo của doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo về du lịch tại Việt Nam.

    Ảnh minh họa (Hiệp hội Khách sạn cung cấp)

    Tài liệu tham khảo:
    Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, 2020. Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, https://ncov.moh.gov.vn/, truy cập ngày 29/09/2020.
    Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 2020. Tác động của dịch bệnh covid-19 đối với một số lĩnh vực xã hội, http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44379&fbclid=IwAR0DpZC33qxayYWVZcbxLXSAp3CaaJzAYsIFAk6NqiXIbLKFk9n8MPy9XwM, truy cập ngày 20/10/2020.
    Công ty BEAN Survey, 2020. Báo cáo về dịch bệnh COVID-19, https://beansurvey.vn/, truy cập ngày 29/10/2020.
    Docebo, 2014. E-Learning Market Trends & Forecast 2014 -2016 Report. https://www.academia.edu/31610714/E_Learning_Market_Trends_and_Forecast_2014_2016_Report, truy cập ngày 29/10/2020.
    Grantthornton Việt Nam, 2018. Tóm tắt báo cáo Khảo sát ngành Dịch vụ Khách sạn năm 2018, https://www.grantthornton.com.vn/globalassets/1.-member-firms/vietnam/media/hotel-survey-2018-executive-summary_vie.pdf, truy cập ngày 25/10/2020.
    Sao Vy, 2020. Khách sạn sẽ ra sao hậu Covid-19, https://vnexpress.net/khach-san-se-ra-sao-hau-covid-19-4180693.html?fbclid=IwAR1EthRzoQ_fWgzfZlyGi7Pn1NMsOLb4YKAgVwdSD__XqfurzwmVxjvChTM, truy cập ngày 25/10/2020.
    Tổng cục Du lịch Việt Nam, 2020. Ứng phó COVID-19 và phục hồi hoạt động du lịch, http://vietnamtourism.gov.vn, truy cập ngày 29/10/2020.
    Tổng Cục thống kê Việt Nam, 2020. Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội quý iii và 9 tháng năm 2020, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/09/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iii-va-9-thang-nam-2020/, truy cập ngày 25/10/2020
    WHO, 2020. Coronavirus disease 2019 (COVID-19), https://www.who.int/docs/default-source/coronavirus/situation-reports/20200213-sitrep-24-covid-19.pdf?sfvrsn=9a7406a4_2, truy cập ngày 27/10/2020.
    Wu, J. T., Leung, K., & Leung, G. M. (2020), Nowcasting and forecasting the potential domestic and international spread of the 2019-nCoV outbreak originating in Wuhan, China: a modelling study, The Lancet, 395(10225), 689-697.

    ThS. Bùi Mai Hoàng Lâm
    Trường Đại học Văn Hiến

    Bài cùng chuyên mục